22/08/2021 07:53 GMT+7

Cuộc hành quân mang yêu thương về miền Nam

HÀ THANH
HÀ THANH

TTO - Ngày 21-8, gần 300 cán bộ, bác sĩ, học viên Học viện Quân y tổ chức thành 60 tổ quân y lưu động đã hành quân lên đường chi viện cho TP.HCM và các tỉnh phía Nam giúp dân, phòng chống COVID-19.

Cuộc hành quân mang yêu thương về miền Nam - Ảnh 1.

Gần 300 cán bộ, bác sĩ, học viên Học viện Quân y lên đường giúp dân phòng chống dịch tại các tỉnh phía Nam - Ảnh: THỤY DU

Trong tuần tới, sẽ có thêm hơn 100 tổ quân y tiếp tục được tăng cường.

Kỷ luật và yêu thương

Trước giờ hành quân, thượng tá - bác sĩ Lê Thị Nga (học viên đào tạo sau đại học) đã an tâm gửi gắm các con cho ông bà chăm sóc, xung phong nhận nhiệm vụ tăng cường lực lượng phòng chống dịch COVID-19 cho TP.HCM và các tỉnh phía Nam. 

"Tôi cảm thấy vừa vinh dự vừa tự hào là quân nhân được chung sức đẩy lùi dịch bệnh. Chúng tôi sẽ đến từng nhà F0, hướng dẫn cách chăm sóc và điều trị, giúp người dân mau khỏi bệnh" - nữ bác sĩ quân y quả quyết.

Gần 300 cán bộ, bác sĩ, học viên Học viện Quân y được tổ chức thành 60 tổ quân y lưu động triển khai thực hiện nhiệm vụ lấy mẫu xét nghiệm, tiêm phòng vắc xin, quản lý, điều trị, chăm sóc sức khỏe ban đầu các bệnh thông thường; quản lý, chăm sóc các trường hợp F0 cách ly, điều trị tại gia đình; phối hợp vận chuyển, chuyển tuyến khi có yêu cầu và thực hiện các nhiệm vụ khác khi được giao.

Tại lễ xuất quân, trung tướng Đỗ Quyết - giám đốc Học viện Quân y - khẳng định suốt 72 năm xây dựng và phát triển, trải qua nhiều cuộc chiến, cán bộ chiến sĩ, y bác sĩ Học viện Quân y luôn xung kích, có mặt ở mọi nơi, mọi lúc, hoàn thành tốt nhiệm vụ, mệnh lệnh của Bộ Quốc phòng, theo lời kêu gọi của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Giao nhiệm vụ cho đoàn công tác, trung tướng Đỗ Quyết lưu ý nhiệm vụ đặc biệt lần này của các cán bộ, y bác sĩ quân y là chăm sóc bệnh nhân F0 tại nhà, tại khu phố sẽ là cơ hội thực hành lâm sàng quý giá. Do đó, tất cả các học viên phải phát huy tinh thần trách nhiệm và những kiến thức đã học được để phục vụ người dân. 

"Có hai điểm quyết định nhất về sự thành công, đó là tính kỷ luật và tình yêu thương người dân, người bệnh. Có được điều đó, chúng ta sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ" - trung tướng Đỗ Quyết nói.

Bên cạnh tính kỷ luật về quân đội, về chuyên môn, trung tướng Đỗ Quyết còn nhắc nhở: giữa các tổ, nhóm quân y cần có sự phối hợp tốt với nhau và với lực lượng tại địa phương, cơ sở. 

Với số lượng trung bình 5 thành viên/tổ, gồm 2 bác sĩ và 3 sinh viên, đây là dịp các tổ quân y tới sát gần nhất với nhân dân. Do đó tuyệt đối không được vi phạm bất cứ quy định, kỷ luật nào trong quá trình tiếp xúc, giao tiếp với người dân. 

Dịch bệnh có không ít bệnh nhân mắc COVID-19 bị tác động về tâm lý, vì thế đòi hỏi y bác sĩ phải có tinh thần trách nhiệm và cả tình thương yêu cao hơn khi tiếp xúc với bà con. 

"Sứ mệnh lớn nhất của chúng ta không phải ngay lập tức chữa được bệnh mà là an ủi và chia sẻ với những đau thương, mất mát, bệnh tật, khổ đau của người bệnh. Đó chính là tình thương "lương y như từ mẫu" như Bác Hồ dạy" - trung tướng Đỗ Quyết gửi gắm thêm.

Quyết tâm bảo vệ sức khỏe người dân

Thay mặt đoàn công tác, trưởng đoàn - đại tá Nguyễn Anh Tuấn, hệ trưởng hệ sau đại học, khẳng định với tinh thần trách nhiệm, nghĩa vụ của người quân nhân mang trên mình y đức sẽ quyết tâm đoàn kết một lòng, tập trung tinh thần, phát huy tối đa kiến thức, kỹ năng chuyên môn, khắc phục mọi khó khăn, quyết tâm cống hiến, phục vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao trong mọi tình huống.

Đứng trong hàng ngũ ấy còn có thượng úy Nguyễn Tiến Dũng (học viên đào tạo sau đại học) tạm chia tay người vợ đang mang thai 7 tháng. Thượng úy Dũng bộc bạch trước khi đi anh đã làm tốt công tác hậu phương, nhờ sự giúp đỡ của hai bên ông bà nội ngoại chăm sóc cho vợ lúc sinh nở nên cũng yên tâm phần nào. 

"Là bộ đội cụ Hồ, chúng tôi xác định tinh thần trách nhiệm, sẵn sàng chia lửa cùng đồng đội đang ở nơi tuyến đầu, góp sức vào công cuộc phòng chống dịch chung của cả nước" - thượng úy Dũng quả quyết.

Tiếp bước các anh chị khóa trên, nữ học viên Cao Thị Lân (22 tuổi) cũng chia sẻ cả lớp với hơn 100 học viên đã hăng hái lên đường chống dịch đợt này. Các học viên đã được tập huấn kỹ càng, được tiêm vắc xin nên sẵn sàng nhận bất cứ nhiệm vụ nào.

Chia sẻ thêm, lãnh đạo Học viện Quân y cũng cho biết sau 60 tổ quân y lên đường lần này, trong tuần tới sẽ tiếp tục có thêm hơn 100 tổ quân y khác chi viện cho TP.HCM và các tỉnh thành phía Nam. 

Để kịp thời cơ động lực lượng, cán bộ, nhân viên quân y và các trang thiết bị đến các địa bàn có dịch, Cục Vận tải (Tổng cục Hậu cần) cũng cho biết từ ngày 21 đến 23-8 dự kiến có thêm 1.000 cán bộ, nhân viên quân y và các trang thiết bị được vận chuyển vào Nam chống dịch theo đường hàng không (từ sân bay Nội Bài vào sân bay Tân Sơn Nhất).

* Ông Nguyễn Hùng Minh (nguyên vụ trưởng Vụ Thi đua - khen thưởng, Bộ Tài chính, cựu binh sư đoàn 356 tham gia mặt trận Vị Xuyên, Hà Giang):

Có quân y, tuyến đầu thêm vững chãi

Từ xưa đến nay, bộ đội cụ Hồ luôn đi tiên phong trong các cuộc chiến. Trong cuộc chiến chống COVID-19, với nhiệm vụ "chống dịch như chống giặc", bộ đội sẽ cùng TP.HCM và các tỉnh phía Nam triển khai các nhiệm vụ, trong đó có nhiệm vụ đến từng nhà chăm lo cho người dân. Đây là biện pháp mạnh mẽ để đảm bảo khoanh vùng, dập dịch với sự chỉ huy thống nhất, chuyên tâm, tập trung vào nhiệm vụ giúp dân.

Lục lượng quân y vừa là người lính vừa mang trên vai sứ mệnh của bác sĩ quân y, luôn nhanh nhẹn, dũng cảm, linh hoạt và thạo nhiều việc. Trong cuộc chiến này, họ là lực lượng tuyến đầu vững chãi, luôn toàn tâm toàn ý, sẵn sàng tư tưởng, hậu phương vững chắc, xác định hoàn thành nhiệm vụ mới về.

* Ông Dương Văn Lực (cựu đặc công tiểu đoàn 35, trung đoàn 198, Bộ tư lệnh Đặc công đi qua 2 cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc):

Tin vào người trẻ chống dịch

Ngày trước chúng tôi hăng hái xung phong ra chiến trường, mang theo niềm tin về ngày thắng trận. Hôm nay những người lính trẻ lên đường vào Nam chống dịch, sẵn sàng xông pha ra phía trước, mang theo niềm tin chiến thắng đại dịch COVID-19.

Giao nhiệm vụ cho quân đội cùng TP.HCM chống dịch là quyết định đúng đắn bởi quân đội là lực lượng chuyên nghiệp, có sự chỉ huy thống nhất, có sức khỏe, có tinh thần yêu nước. Bộ đội gắn bó với nhân dân sẽ giữ vững mở rộng "vùng xanh", cô lập và thu hẹp "vùng đỏ" và "vùng vàng", lo lương thực thực phẩm cho người dân, sử dụng lực lượng chuyên môn tách F0 ra cộng đồng để cứu chữa người bệnh.

5 chuyến bay đầu tiên chở quân nhân từ Hà Nội đến TP.HCM chống dịch 5 chuyến bay đầu tiên chở quân nhân từ Hà Nội đến TP.HCM chống dịch

TTO - Sẽ có 5 chuyến bay chở hàng trăm cán bộ, nhân viên quân y từ Hà Nội vào TP.HCM hỗ trợ phòng chống dịch COVD-19. Chuyến bay VJ121 đầu tiên đã hạ cánh vào lúc 14h35 chiều nay 21-8.

HÀ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên