Đại tá Nguyễn Vân Giang - phó cục trưởng Cục Quân y (Bộ Quốc phòng) - cho biết lực lượng quân y từ Hà Nội vào sẽ triển khai đến các bệnh viện dã chiến, 400 trạm xá lưu động ở 22 quận, huyện để đến từng nhà chăm sóc, điều trị các F0 - Video: MINH HÒA
Từ chiều đến đêm 21-8, Tân Sơn Nhất sẽ đón 5 chuyến bay đặc biệt chở hàng trăm quân nhân từ Hà Nội vào TP.HCM, tăng cường phòng chống dịch COVID-19. Các chuyến bay vận chuyển này được Vietjet đảm nhận khai thác.
Bên trong chuyến bay chở quân nhân từ Hà Nội vào TP.HCM hỗ trợ phòng chống dịch - Ảnh: TV HẰNG
Lúc 14h35, chuyến bay số hiệu VJ121 từ Hà Nội - TP.HCM đã hạ cánh an toàn tại Tân Sơn Nhất. Chuyến bay tiếp theo số hiệu VJ139 sẽ hạ cánh vào lúc 15h25. Còn những chuyến sau đó hạ cánh lần lượt vào 15h40, 21h30 và 23h.
Đại úy Nguyễn Thanh Tuấn, tổ hậu cần Lữ đoàn 77, phổ biến nội dung cho các tài xế chở quân nhân về Trung đoàn Gia Định - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Những chiến sĩ được tăng cường phòng, chống dịch COVID-19 cho TP.HCM và các tỉnh, thành phố phía Nam. Được biết đoàn công tác có 300 thành viên, tổ chức thành 60 tổ quân y lưu động do đại tá Nguyễn Anh Tuấn, hệ trưởng hệ sau đại học của Học viện Quân y, làm trưởng đoàn.
Hiện tại, trước sảnh A của Tân Sơn Nhất, hàng chục chiếc xe buýt đã đậu sẵn đón quân nhân sau khi chuyến bay hạ cánh.
Hàng chục chiếc xe sẵn sàng ở sảnh A, đón các quân nhân sau khi chuyến bay hạ cánh đến Tân Sơn Nhất - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Sau khi đáp chuyến bay, các chiến sĩ được Quân khu 7 dùng 12 xe chuyên dụng chở đến Trung đoàn Gia Định (Bộ tư lệnh TP.HCM) ở đường Tô Ký (Hóc Môn) để sắp xếp chỗ nghỉ ngơi, ăn uống, chuẩn bị "xung trận".
Trao đổi với báo chí tại Tân Sơn Nhất, đại tá Nguyễn Vân Giang - phó cục trưởng Cục Quân y (Bộ Quốc phòng), cho biết tình hình dịch bệnh ở TP.HCM đang phức tạp. Với lực lượng đi đầu sẽ tham gia vào tất cả các công tác phòng chống dịch.
Lực lượng quân y từ Hà Nội sau khi vào thành phố sẽ triển khai đến các bệnh viện dã chiến, 400 trạm xá lưu động ở 22 quận, huyện để đến từng nhà chăm sóc, điều trị các F0.
Đại úy Nguyễn Thanh Tuấn, tổ hậu cần (Lữ đoàn Phòng không 77), phụ trách điều phối xe chở 300 bác sĩ, học viên về Trung đoàn Gia Định, cho biết theo kế hoạch, dự kiến trong 2 ngày tới (22, 23-8) sẽ có thêm 700 bác sĩ, học viên bay vào TP hỗ trợ phòng chống dịch.
Sau khi đủ 1.000 bác sĩ, học viên sẽ tổ chức lễ xuất quân, điều về cơ sở để đảm nhận nhiệm vụ.
Theo đó, cùng với nhiệm vụ lấy mẫu, Bộ Quốc phòng có chủ trương đưa các tổ, nhóm quân y đến tận phường, tổ dân phố. Trung tướng Đỗ Quyết, giám đốc Học viện Quân y, yêu cầu các bác sĩ, học viên thực hiện đúng và tốt chức năng của mình, đến tận cơ sở, từng nhà, phát hiện, chăm sóc, điều trị, phòng, chống dịch COVID-19 và cả những bệnh nền khác.
Các bác sĩ, học viên chuyên khoa 1, chuyên khoa 2, học viên cao học cần phát huy kiến thức đã học được và tiếp tục cập nhật thêm những hướng dẫn của Bộ Y tế, Cục Quân y và Học viện Quân y đã tập huấn trong những ngày qua.
Trung tướng Đỗ Quyết cũng lưu ý, nhiệm vụ của lần công tác này có sự khác biệt là chăm sóc bệnh nhân tại nhà, tại khu phố. Đây là cơ hội thực hành lâm sàng quý giá, vì vậy các học viên phải phát huy tinh thần trách nhiệm và những kiến thức đã học được để phục vụ cho người dân.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch bệnh, có thể các bệnh nhân mắc COVID-19 phải chịu nhiều tác động về tâm lý, vì thế đòi hỏi đội ngũ y bác sĩ phải có tinh thần trách nhiệm và cả tình thương yêu khi tiếp xúc với họ.
"Sứ mệnh lớn nhất của chúng ta không phải ngay lập tức chữa được bệnh, mà là an ủi và chia sẻ với những đau thương, mất mát, bệnh tật, khổ đau của người bệnh, đó là tình thương 'lương y như từ mẫu' như Bác Hồ dạy", trung tướng Đỗ Quyết nói.
Hỗ trợ TP.HCM luôn mang tinh thần 'hết dịch mới về'
Sau chặng đường dài bay từ Hà Nội vào TP.HCM, vừa đáp máy bay, học viên Nguyễn Hoàng Huyền Trang (Học viện Quân y) vẫn không cảm thấy mệt mỏi mà hừng hực khí thế, thể hiện tinh thần quyết tâm cao nhất, cùng đồng đội cố gắng hết sức hỗ trợ TP.HCM nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh.
"Quân nhân chúng tôi mỗi người góp một chút 'gió' vào công cuộc phòng chống dịch, nhiều người sẽ thành 'bão', nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh. Chúng tôi được thầy cô, tổ trưởng truyền đạt rất nhiều kiến thức, đặc biệt là tinh thần nhiệt huyết, chúng tôi sẽ vận dụng nó để giúp đỡ, chữa trị cho bà con. Tôi và các đồng đội sẽ cố gắng giúp đỡ tất cả mọi người dân trong khả năng khi họ cần", học viên Huyền Trang chia sẻ.
Đại tá Nguyễn Anh Tuấn, hệ trưởng hệ sau Đại học (Học viện Quân y, trưởng đoàn), cho biết đoàn bác sĩ, học viên này là đoàn đầu vào TP, sắp tới sẽ có thêm 2 đoàn với số lượng khoảng 700 người. Đại tá Tuấn cùng các bác sĩ, học viên khi vào TP luôn mang tinh thần "xong việc, hết dịch mới về".
"Chúng tôi vào bao giờ xong việc, dập hết dịch mới về. Chúng tôi vào đây thực hiện tất cả nhiệm vụ mà cơ quan, quân đội giao chúng tôi đều đảm nhận và quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ bằng những gì được đào tạo", đại tá Tuấn chia sẻ.
Theo đại tá Tuấn, tất cả học viên đều được huấn luyện thường xuyên trước khi vào Nam. Đặc biệt, nhiệm vụ lần này được phân công không phải nằm trong cơ sở y tế mà ngoài cộng đồng cho nên các quân nhân phải tập trung cao độ, đảm bảo an toàn.
Hình ảnh đầu tiên những quân nhân từ Hà Nội đến TP.HCM trong chiều 21-8:
Hàng trăm quân y từ Hà Nội vừa đến TP.HCM. Hiện đang đợi chờ lấy hành lý - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Theo kế hoạch, dự kiến trong 2 ngày tới (22, 23-8) sẽ có thêm 700 bác sĩ, học viên bay vào TP hỗ trợ phòng chống dịch - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận