22/01/2019 08:48 GMT+7

Cuộc chiến chống gián điệp - Kỳ 5: Phương Tây đối phó với gián điệp

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Tháng 6-2018, Quốc hội Úc thông qua các đạo luật về an ninh quốc gia và can thiệp nước ngoài, gồm dự luật 2018 về sửa đổi luật an ninh quốc gia (gián điệp và can thiệp nước ngoài) và dự luật 2018 về quy chế minh bạch với thế lực nước ngoài.

Cuộc chiến chống gián điệp - Kỳ 5: Phương Tây đối phó với gián điệp - Ảnh 1.

Pháp sẽ đóng 12 tàu ngầm Shortfin Barracuda cho Úc - Ảnh: ASPI

Gián điệp và can thiệp nước ngoài tạo nhiều nguy cơ nghiêm trọng đến an ninh và quốc phòng của Úc.

Thông cáo của Chính phủ Úc

Bộ trưởng Tư pháp Christian Porter đánh giá đây là lần cải cách công tác phản gián quan trọng nhất trong nhiều thập niên.

Hoạt động gián điệp: "bóc lịch" đến 20 năm

Các đạo luật mới được thông qua trong bối cảnh Úc e ngại nước ngoài can thiệp vào chính trị, đặc biệt là Trung Quốc. Luật dự kiến trừng phạt nghiêm khắc hơn đối với hoạt động gián điệp, ngăn chặn nước ngoài can thiệp, đồng thời buộc cá nhân và tổ chức hoạt động cho nước ngoài phải đăng ký.

Người cố ý hoạt động bí mật hoặc dối trá theo ủy nhiệm của nước ngoài (chính phủ, tổ chức hoặc cá nhân nước ngoài) nhằm tác động đến chính trị và an ninh quốc gia sẽ bị phạt tù đến 20 năm. Phạm vi an ninh quốc gia gồm tình hình quốc phòng của Úc và các quan hệ chính trị, quân sự, kinh tế đối với các quốc gia khác. 

Người nhân danh người nước ngoài hoặc cộng tác với người nước ngoài tác động đến người khác về chính trị hay quyền dân chủ ở Úc sẽ bị phạt tù đến 20 năm.

Cá nhân vận động hành lang về chính trị theo ủy nhiệm của nước ngoài phải đăng ký với chính phủ trong thời hạn 14 ngày, ai vi phạm sẽ bị phạt tù 2-5 năm. Nghiên cứu sinh tiến sĩ khoa học pháp lý Evelyn Douek ở Đại học Luật Harvard đánh giá phạm vi điều chỉnh của đạo luật nêu trên rất rộng. Người vi phạm sẽ bị trừng phạt, không cần biết có gây thiệt hại hay không.

Từ năm 2017, Úc đã tiến hành hàng loạt cải cách đối với các cơ quan tình báo và sửa đổi luật nhằm ngăn chặn nước ngoài can thiệp. Úc phải tăng cường cảnh giác bởi các dự án đóng tàu ngầm Shortfin Barracuda mua của Pháp, tàu hộ tống chống tàu ngầm của Anh và máy bay không người lái MQ-4C của Mỹ đều được thực hiện ngay tại Úc.

Đến đầu tháng 12-2018, Hạ viện Úc tiếp tục thông qua dự thảo luật trợ giúp và truy cập 2018 cho phép cảnh sát và cơ quan chống tham nhũng yêu cầu các công ty Internet, viễn thông, dịch vụ tin nhắn phải mở khóa tin nhắn mã hóa. 

Hai năm trước, Anh cũng thông qua đạo luật tương tự. Như vậy, trong năm nước liên minh tình báo Five Eyes (Mỹ, Anh, Úc, Canada và New Zealand) đã có hai nước thông qua luật buộc mở khóa tin nhắn. 

Trong cuộc họp vào tháng 9-2018, năm nước này đã nhất trí thực hiện biện pháp như thế nhằm ngăn chặn gián điệp.

Cuộc chiến chống gián điệp - Kỳ 5: Phương Tây đối phó với gián điệp - Ảnh 3.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ký Đạo luật ủy quyền quốc phòng năm 2019 ngày 13-8-2018. Luật cấm sử dụng hàng của Huawei và ZTE - Ảnh: BQP Mỹ

Mỹ "ngăn sông cấm chợ"

Tại Mỹ ngày 16-1 mới đây, hai nghị sĩ Tom Cotton và Mike Gallagher của Đảng Cộng hòa cùng với hai nghị sĩ Chris Van Hollen và Ruben Gallego của Đảng Dân chủ đã đệ trình dự luật yêu cầu tổng thống cấm xuất khẩu vi mạch điện tử và linh kiện khác của Mỹ cho các công ty viễn thông Trung Quốc đã vi phạm lệnh cấm vận hoặc các đạo luật về kiểm soát xuất khẩu của Mỹ. 

Dự luật chỉ đích danh Huawei và ZTE của Trung Quốc. Nghị sĩ Tom Cotton đã nói thẳng: "Trên thực tế Huawei là chân rết thu thập tin tình báo cho Trung Quốc".

Trước đó, vào tháng 8-2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký dự thảo Đạo luật ủy quyền quốc phòng năm 2019 (HR 5515). Đạo luật có điều khoản cấm lãnh đạo các cơ quan chính phủ và một số đối tác của chính phủ sử dụng hàng của Huawei và ZTE. 

Gần ba tháng sau, Bộ Tư pháp Mỹ đã ban hành "Thông cáo về sáng kiến Trung Quốc của Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions". Sáng kiến Trung Quốc liên quan đến việc thành lập một bộ phận do một thứ trưởng Bộ Tư pháp chỉ đạo và do đại diện FBI, 5 luật sư và các cán bộ Bộ Tư pháp tiến hành nhằm "đấu tranh chống mối đe dọa an ninh quốc gia từ Trung Quốc".

Các công ty Trung Quốc đã tìm cách bành trướng trong lĩnh vực viễn thông của Mỹ dưới hình thức thâu tóm doanh nghiệp, hoặc hùn vốn làm ăn. Để đương đầu với các đối thủ cạnh tranh phương Tây, các hãng viễn thông Trung Quốc sẵn sàng bán hàng với giá rẻ hơn như điện thoại Find X của Oppo hay P20 Pro của Huawei.

Cuộc chiến chống gián điệp - Kỳ 5: Phương Tây đối phó với gián điệp - Ảnh 4.

Văn phòng DGSE của Pháp - Ảnh: AFP

Hướng dẫn cách nhận diện gián điệp

Tại Pháp, bộ luật hình sự đã quy định hành vi hoạt động gián điệp và cung cấp thông tin trái phép cho thế lực nước ngoài sẽ bị phạt tù đến chung thân và phạt tiền đến 750.000 euro. Nhận thấy người dân và các nhà chính trị chưa nhận thức đầy đủ về nguy cơ gián điệp, vào tháng 10-2018 Tổng cục An ninh đối ngoại Pháp (DGSE) và Tổng cục An ninh nội địa Pháp (DGSI) đã phát thông báo cảnh báo, một biện pháp chưa từng thấy lâu nay.

Thông báo này cảnh báo cơ quan tình báo Trung Quốc đã mở chiến dịch xâm nhập các cấp chính quyền cao nhất, các cơ quan quyền lực và các doanh nghiệp của Pháp thông qua mạng xã hội. Thông báo lưu ý đã có hơn 1.700 nhân viên Pháp trở thành mục tiêu, chiếm 48% số lượng người được tiếp cận.

Về thủ đoạn hoạt động, DGSE và DGSI giải thích các nhân viên tình báo Trung Quốc thường khoác vỏ bọc nhân viên "săn đầu người", chuyên viên tư vấn của các công ty bình phong và gửi lời đề nghị cộng tác với hứa hẹn sẽ trả công hậu hĩnh. 

Một khi chọn đúng đối tượng, các nhân viên tình báo Trung Quốc sẽ khảo sát rồi mời "con mồi" ra nước ngoài dự hội nghị, hội thảo, gặp gỡ khách hàng tiềm năng hoặc thương lượng hợp đồng. Sau khi về nước, "con mồi" đã "há miệng mắc quai", thường xuyên nhận được chỉ thị cung cấp tài liệu mật.

Để phá vỡ âm mưu tuyển dụng gián điệp, DGSE và DGSI đã khuyến cáo không nên đáp ứng yêu cầu kết nối từ người lạ trên mạng xã hội, nếu có nghi ngờ nên liên lạc ngay với DGSI.

Chương trình Prophylax của Thụy Sĩ

Cách đây 15 năm, Cơ quan Tình báo liên bang Thụy Sĩ (SRC) đã phổ biến chương trình Prophylax với nội dung phòng chống và cảnh giác gián điệp kinh tế.

Mục đích nhằm cảnh báo các doanh nghiệp, các trường đại học và viện nghiên cứu trước mối đe dọa, nguy cơ từ gián điệp nước ngoài và phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.

SRC sẽ giữ vai trò tư vấn và thông tin về các biện pháp phòng chống để phát hiện và đối phó tốt hơn. Nhằm nâng cao ý thức cảnh giác, SRC đã tổ chức thuyết trình, in ấn phẩm truyền bá và làm phim về gián điệp kinh tế. Phim giải thích các phương pháp và các phương tiện mà cá nhân hay nhà nước sử dụng để thu thập bí mật kinh doanh.

Kỳ tới: Kỹ thuật cài gián điệp của Trung Quốc

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên