20/05/2021 19:04 GMT+7

Cục Đường sắt thực hiện vai trò đặt hàng bảo trì đường sắt quốc gia

TUẤN PHÙNG
TUẤN PHÙNG

TTO - Triển khai chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Giao thông vận tải giao Cục Đường sắt Việt Nam hoàn thành ký hợp đồng đặt hàng toàn bộ công tác quản lý, bảo trì hạ tầng đường sắt quốc gia với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam trước ngày 24-5-2021.

Cục Đường sắt thực hiện vai trò đặt hàng bảo trì đường sắt quốc gia - Ảnh 1.

Hơn 11.300 công nhân đường sắt sẽ sớm có lương khi Cục Đường sắt ký hợp đồng đặt hàng bảo trì đường sắt quốc gia với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam - Ảnh: TUẤN PHÙNG

Theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), ngày 19-5, Thủ tướng Phạm Minh Chính có công văn yêu cầu Bộ GTVT chịu trách nhiệm đặt hàng toàn bộ việc quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2021 với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam trước ngày 24-5-2021.

Triển khai chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ GTVT giao cục trưởng Cục Đường sắt dựa trên cơ sở kế hoạch bảo trì đường sắt quốc gia năm 2021 và quyết định giao dự toán chi kinh phí hoạt động kinh tế đường sắt từ ngân sách nhà nước năm 2021 của Bộ GTVT để ký hợp đồng đặt hàng toàn bộ công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia cho Tổng công ty Đường sắt. 

Việc ký hợp đồng đặt hàng hoàn thành trước ngày 24-5-2021.

Với những nội dung còn vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ, Bộ GTVT yêu cầu Cục Đường sắt lập thành văn bản để báo cáo cấp có thẩm quyền. Sau khi có quyết định của cấp có thẩm quyền sẽ điều chỉnh nội dung hợp đồng (nếu có) làm cơ sở tiếp tục thực hiện. 

Trình tự, thủ tục, chủ thể trình duyệt điều chỉnh kế hoạch bảo trì, phê duyệt dự toán chi phí sản phẩm dịch vụ công, đề xuất sửa chữa công trình không thay đổi (thực hiện như năm 2020).

Bộ GTVT yêu cầu hợp đồng đặt hàng công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2021 quán triệt thực hiện theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng. 

Theo đó, Tổng công ty Đường sắt tổ chức thực hiện toàn bộ công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia phù hợp với quy định; Cục Đường sắt thực hiện vai trò bên đặt hàng theo quy định pháp luật liên quan.

Theo dự toán, năm 2021 ngân sách nhà nước dành cho bảo trì, duy tu tuyến đường sắt quốc gia khoảng 2.800 tỉ đồng. Trong đó có 10% sửa chữa định kỳ các công trình hư hỏng nặng, gần 10% sắm vật tư thay thế, 2% chi máy móc thiết bị, dự phòng bão lũ, hơn 70% là trả lương cho 11.315 công nhân duy tu, tuần đường, gác chắn, lao động gián tiếp...

Bộ GTVT đưa ra phương án 1 tiếp tục giao vốn bảo trì cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, phương án 2 giao vốn cho Cục Đường sắt Việt Nam để ký hợp đồng với 20 doanh nghiệp đường sắt mà Tổng công ty Đường sắt nắm trên 50% vốn điều lệ.

Qua nhiều lần ý kiến các cơ quan liên quan, Bộ GTVT và Bộ Tài chính thống nhất quan điểm giao vốn cho Cục Đường sắt Việt Nam đặt hàng với 20 doanh nghiệp đường sắt theo Luật ngân sách. Còn Bộ Tư pháp cho rằng khi Bộ GTVT giao vốn cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam để tổ chức thực hiện không trái với quy định.

Do các bên dẫn chiếu những quy định pháp luật khác nhau khiến 2.800 tỉ đồng tiền bảo trì đến nay chưa giải ngân được. Trong khi đó, 20 doanh nghiệp đường sắt và hơn 11.300 công nhân khó khăn vì thiếu tiền lương...

Thủ tướng Thủ tướng 'gút' đặt hàng Tổng công ty Đường sắt bảo trì đường sắt quốc gia

TTO - Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm đặt hàng toàn bộ đối với việc quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng quốc gia với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam năm 2021.

TUẤN PHÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên