Trong khi các bộ ngành diễn giải pháp luật với quan điểm khác nhau về giao dự toán bảo trì đường sắt cho ai thì hàng ngàn người lao động đường sắt bị nợ lương - Ảnh: TUẤN PHÙNG
Kiến nghị của VNR lên Thủ tướng được gửi cùng ngày với báo cáo của Bộ Giao thông vận tải lên Thủ tướng về câu chuyện trên. Tuy nhiên quan điểm giữa hai bên khác nhau.
Theo lãnh đạo VNR, các vướng mắc về kinh phí bảo trì năm 2021 chưa được giải quyết khiến 20 công ty thực hiện nhiệm vụ bảo trì hệ thống đường sắt quốc gia hiện chưa có kinh phí để mua vật tư đưa vào công trình, chi thường xuyên và đặc biệt là trả lương cho người lao động 4 tháng đầu năm 2021, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của gần 25.000 lao động trong VNR.
"Nguy cơ cao là các lao động hệ tuần đường, tuần cầu, tuần hầm, gác chắn đường ngang sẽ bỏ việc vì không có thu nhập. Vấn đề này đã đẩy doanh nghiệp đến bước đường cùng, khó có thể trụ vững đến hết tháng 4-2021" - ông Vũ Anh Minh, chủ tịch HĐTV VNR, cho biết.
Để giải quyết tình trạng trên, VNR khẩn thiết đề nghị Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải nghiêm túc thực hiện đầy đủ ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại văn bản 1956/VPCP-CN ngày 24-3-2021 về việc quản lý, sử dụng, khai thác tài sản đường sắt quốc gia; chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải tiếp tục giao dự toán bảo trì đường sắt giai đoạn từ năm 2021 trở về sau cho VNR như các năm trước.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, lý do là đề án quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Bộ Giao thông vận tải lập chưa được phê duyệt sau 4 lần trình Thủ tướng vì có sự khác biệt quan điểm. Bộ Tư pháp và các bộ có ý kiến giao VNR quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt giai đoạn 2021 - 2030. Nhưng Bộ Giao thông vận tải chọn phương án giao cho VNR đến năm 2025, sau đó giao cho Cục Đường sắt.
Còn khoản ngân sách 2.800 tỉ đồng đã được bố trí để bảo trì đường sắt năm 2021, quan điểm của Bộ Tài chính và Bộ Giao thông vận tải là giao cho Cục Đường sắt để đơn vị này ký hợp đồng đặt hàng bảo trì với 20 công ty quản lý, tín hiệu đường sắt là công ty con của VNR.
Phương án này phù hợp với Luật ngân sách nhà nước là cơ quan nhận được ngân sách phải giao dự toán cho các đơn vị trực thuộc. Trong khi VNR hiện trực thuộc Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Tuy nhiên, Bộ Tư pháp lại dẫn nghị định về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia và nghị định 32/2019/NĐ-CP quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên để nhận định "việc Bộ Giao thông vận tải giao dự toán bảo trì cho VNR tổ chức thực hiện là không trái với quy định của pháp luật hiện hành; đồng thời, không phải giao qua các khâu trung gian không cần thiết, làm chậm tiến độ thực hiện nhiệm vụ, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn chạy tàu".
Còn phía VNR muốn được giao dự toán bảo trì là để đảm bảo việc điều hành thống nhất, tập trung trong quá trình vận hành đường sắt. Hành trình đoàn tàu đều gắn chặt, phụ thuộc và quan hệ mật thiết với kết cấu hạ tầng do đường sắt là đường đơn, khi bảo trì phải luôn gắn liền với công tác điều hành chạy tàu.
"Đề xuất của Bộ Giao thông vận tải tại đề án không những không khắc phục được các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh mà còn gây ra rất nhiều đình trệ, ách tắc cho VNR, đẩy doanh nghiệp đến nguy cơ phá sản, nguy cơ triệt tiêu hoạt động vận tải đường sắt trong hệ thống giao thông vận tải", lãnh đạo VNR thể hiện trong báo cáo Thủ tướng.
Ngày 24-3-2021, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 1956/VPCP-CN thông báo ý kiến của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải khẩn trương tiếp thu đầy đủ ý kiến của Bộ Tư pháp, hoàn thiện đề án quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, trình Thủ tướng quyết định.
Trái ngược với quan điểm của VNR, trong báo cáo vừa gửi Thủ tướng sau thông báo trên, Bộ Giao thông vận tải bảo lưu phương án về giao tài sản, dự toán bảo trì. Do còn nhiều ý kiến khác nhau giữa Bộ Tư pháp và các bộ quản lý chuyên ngành về các nội dung nêu trên, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị Thủ tướng sớm xem xét quyết định và phê duyệt đề án quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia để làm căn cứ cho các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện.
Bộ Giao thông vận tải cho biết đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để thực hiện công tác đặt hàng bảo trì đường sắt quốc gia năm 2021 theo quy định. Trong thời gian đề án chưa được phê duyệt, đề nghị Thủ tướng có ý kiến chỉ đạo Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, VNR khẩn trương triển khai ký hợp đồng đặt hàng bảo trì đường sắt năm 2021 với Cục Đường sắt để bảo đảm chất lượng công trình, an toàn giao thông đường sắt và chế độ cho người lao động.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận