15/07/2021 09:39 GMT+7

Cuba - Hành trình cường quốc y tế - Kỳ cuối: Đội quân áo trắng Cuba

D.KIM THOA
D.KIM THOA

TTO - Là quốc đảo nhỏ bé chỉ khoảng 11,5 triệu dân, nhưng trong đội ngũ nhân viên y tế chuyên nghiệp của Cuba, hơn 50.000 người đang làm việc tại 66 quốc gia, theo số liệu của Tổ chức Y tế liên châu Mỹ (PAHO).

Cuba - Hành trình cường quốc y tế - Kỳ cuối: Đội quân áo trắng Cuba - Ảnh 1.

Phái đoàn hơn 50 y bác sĩ Cuba đến Lombarday, một trong những vùng bị ảnh hưởng dịch COVID-19 nặng nhất của Ý hồi tháng 3-2020 - Ảnh: Canadiandimension

Dịch COVID-19, nhiều nơi cần Cuba

Ở Cuba, được là bác sĩ, y tá hay nhân viên hỗ trợ và được cử tới giúp đỡ nước khác là việc nhiều người muốn làm. Số tình nguyện viên luôn rất lớn khi đăng tuyển, dù lương nhân viên y tế không cao. Trong số những cánh tay chìa ra đầu tiên ngỏ ý giúp đỡ các nơi xảy ra thiên tai, thảm họa, luôn có y bác sĩ, tình nguyện viên Cuba.

Theo Đài CGTN (Trung Quốc), khi các cộng đồng người bản địa ở Canada gửi đơn kiến nghị chính phủ nhờ hỗ trợ trong đại dịch COVID-19, lá đơn của họ có kèm theo dòng ghi chú: "Nhiều lãnh đạo của tỉnh bang Manitoba yêu cầu tạo điều kiện nhanh chóng để đưa bác sĩ Cuba tới hỗ trợ các cộng đồng".

Không chỉ người bản địa Canada trông đợi sự hỗ trợ y tế từ các bác sĩ Cuba khi dịch COVID-19 bùng lên khắp nơi. Ngay từ đầu dịch, các phái đoàn y tế Cuba đã được điều động tới khoảng 24 nước, trong đó có Nam Phi, Mexico, Mozambique và miền bắc nước Ý - một trong những khu vực bị dịch bệnh nặng nhất châu Âu. Các yêu cầu hỗ trợ dồn dập đổ về Havana nhiều đến nỗi Bộ trưởng Y tế Cuba, ông Angel Portal Miranda, từng chia sẻ ở mức "chưa có tiền lệ".

Ngày 21-3 năm ngoái, phái đoàn 53 y bác sĩ Cuba là thành viên của Lữ đoàn y khoa quốc tế Henry Reeve (HRIMB) - đơn vị được mọi người yêu mến đặt cho biệt danh là "đội quân áo trắng" - đã tới Lombardy, tâm dịch COVID-19 của Ý lúc đó để hỗ trợ lực lượng y tế địa phương.Không chỉ Ý, Cuba cũng gửi các chuyên gia y tế giúp điều trị bệnh COVID-19 tại 14 trong số 59 quốc gia đang có các thành viên của phái đoàn HRIMB hoạt động.

Trong lần trả lời phỏng vấn Hãng tin Tân Hoa xã (Trung Quốc) hồi tháng 7-2020, bác sĩ Jorge Luis Quinones của Cuba nói rằng đời ông đã thay đổi rất nhiều trong chuyến công tác tới Lombardy.

Nhiệm vụ chính của bác sĩ 43 tuổi là điều trị cho các bệnh nhân COVID-19. Làm việc trong một bệnh viện dã chiến tại Lombardy với không ít khó khăn về rào cản ngôn ngữ bên cạnh các nhân viên y tế địa phương, ông Quinones luôn dậy từ trước lúc mặt trời mọc và làm việc không ngơi nghỉ suốt ngày, từ xét nghiệm lâm sàng, kê đơn thuốc cho tới hỗ trợ người bệnh ở các giai đoạn hồi phục.

Nhưng với ông Quinones, một người đã từng có mặt tại Pakistan sau thảm họa động đất năm 2005, tại Haiti trong đợt bùng dịch tả năm 2010 và dịch Ebola tại châu Phi năm 2014, những vất vả ấy dường như đã là một phần quen thuộc trong các sứ mệnh cứu trợ sau khủng hoảng.

Cuba - Hành trình cường quốc y tế - Kỳ cuối: Đội quân áo trắng Cuba - Ảnh 2.

Đoạn tweet tháng 5-2020 của Bộ trưởng Y tế Cuba, ông José Angel Portal Miranda, cho biết hơn 2.300 nhân viên y tế đã được gửi tới 24 nước trên thế giới để hỗ trợ chống đại dịch COVID-19 - Ảnh chụp lại màn hình/CGTN

Truyền thống sẻ chia Cuba

Trên thực tế, chủ nghĩa quốc tế trong y học của Cuba đã bắt đầu và lan tỏa mạnh mẽ từ thập niên 1960. Nói như bà Helen Yaffe, giảng viên kinh tế và lịch sử xã hội tại ĐH Glasgow (Scotland), chuyên gia về Cuba và châu Mỹ Latin, những đóng góp nhanh chóng, kịp thời của các y bác sĩ Cuba trong đại dịch COVID-19 tại các nước chỉ là dịp để "Thế giới khám phá lại chủ nghĩa quốc tế trong y tế của Cuba" như tựa đề bài viết của bà đăng trên trang web của Học viện Kinh tế và chính trị London.

Năm 2014, khi dịch Ebola bùng lên dữ dội tại Tây Phi, WHO kêu gọi sự giúp đỡ của "các y bác sĩ có lòng trắc ẩn, những người biết cách an ủi người bệnh ngay cả khi vướng víu với những đồ bảo hộ cá nhân và có thể làm việc trong các điều kiện khắc nghiệt", Cuba là nơi đầu tiên hưởng ứng và điều động một lực lượng y tế lớn nhất.

Ông Jorge Pérez Ávila, khi đó là giám đốc bệnh viện bệnh nhiệt đới ở Havana, cho biết đã có tới hơn 10.000 nhân viên y tế chuyên nghiệp của Cuba tình nguyện đăng ký tham gia sứ mệnh của WHO. Nhưng sau sàng lọc, chỉ 256 người được chọn vì họ là những người đã có kinh nghiệm đối mặt thiên tai và dịch bệnh ở các nước đang phát triển.

Trong giai đoạn đỉnh điểm của dịch Ebola (2014 - 2016) tại Tây Phi, phái đoàn y tế Cuba đã tới các nước bị ảnh hưởng nặng nhất là Sierra Leone, Guinea và Liberia. Với 250 bác sĩ, y tá và các nhân viên y tế, họ là lực lượng y khoa lớn nhất có mặt tại 3 nước đó. Nhờ sự hỗ trợ của đội quân áo trắng, tỉ lệ tử vong trong số các bệnh nhân mắc Ebola ở Tây Phi đã giảm từ 50% xuống 20%.

Trong những tháng ngày ấy, bác sĩ Felix Baez, người duy nhất trong phái đoàn HRIMB, nhiễm virus Ebola. "Tôi đã phải chiến đấu với Ebola không chỉ ở các bệnh nhân, mà cả với nó trong chính cơ thể mình - ông chia sẻ kỷ niệm với mọi người trong một sự kiện năm 2017 - Nhưng tôi chưa bao giờ mất niềm tin mình có thể vượt qua".

Trả lời phỏng vấn tại Liberia vào thời điểm ấy, một bác sĩ khác là ông Leonardo Fernández từ chối những lời khen tặng quá mức dành cho phái đoàn chống Ebola ở Tây Phi. 

Theo ông, nhiệm vụ của những thành viên như ông trong sứ mệnh này cũng giống như nhiệm vụ của các thành viên khác ở các cánh rừng nhiệt đới Brazil, những người làm việc đơn độc trong các cộng đồng bản địa suốt nhiều tháng trời, hay phục vụ trong các cánh rừng châu Phi khi nhiệt độ lên tới 48OC.

Quả thực, nếu so với khoảng 400.000 nhân viên y tế Cuba đã tham gia trong các sứ mệnh hỗ trợ quốc tế tại 164 quốc gia kể từ năm 1960 tới nay, nhiệm vụ nhóm chống Ebola ở Tây Phi cũng chỉ là một phần nhỏ trong số đó.

Tính tới năm 2014, theo thống kê của bà Helen Yaffe, các nhân viên y tế Cuba đã thực hiện 1,2 tỉ cuộc hội chẩn ở nước ngoài, tham gia 2,2 triệu ca đỡ đẻ và thực hiện hơn 8 triệu ca phẫu thuật. Khoảng 76.000 nhân viên y tế Cuba đã làm việc tại 39 quốc gia châu Phi kể từ đầu những năm 1960. Cuba cũng đã duy trì hơn 20.000 nhân viên y tế tại Venezuela trong một thập niên, cộng thêm hàng ngàn người khác tại các nước láng giềng.

Phái đoàn bác sĩ Henry Reeve (HRIMB)

Tháng 9-2020 Hội đồng Hòa bình thế giới (WPC) đã đề cử phái đoàn HRIMB của Cuba cho giải thưởng Nobel hòa bình 2020. Trước đó, năm 2017, phái đoàn HRIMB cũng đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trao tặng Giải thưởng Y tế cộng đồng để tôn vinh sự đóng góp của họ trong công tác hỗ trợ y tế khẩn cấp.

Ngày 26-5-2017 phái đoàn HRIMB được trao tặng Giải tưởng niệm tiến sĩ Lee Jong Wook về y tế công cộng để tôn vinh sự hỗ trợ y tế khẩn cấp của họ với hơn 3,5 triệu người tại 21 quốc gia bị ảnh hưởng vì thiên tai, đại dịch kể từ khi thành lập năm 2005.

Phái đoàn tình nguyện y tế quốc tế Henry Reeve được thành lập ngày 19-9-2005 với lực lượng ban đầu gồm hơn 1.500 chuyên viên y tế được đào tạo về cứu hộ y tế trong thảm họa và kiểm soát bệnh truyền nhiễm.

Lò đào tạo bác sĩ cho các nước

Một phương diện trong chủ nghĩa quốc tế y tế của Cuba là đưa người nước ngoài tới Cuba trị bệnh, và giúp đào tạo sinh viên y khoa miễn phí cho nhiều nước, rất nhiều trong đó là người ở các nước bị ảnh hưởng vì xung đột, chiến tranh.

Theo trang web của Trường Kinh tế London, trong chương trình "Những trẻ em của Chernobyl" giai đoạn 1989 - 2013, khoảng 22.000 trẻ em và 4.000 người lớn - tất cả đều là nạn nhân trong thảm họa hạt nhân Chernobyl - đã được lo chỗ ăn ở, điều trị y tế miễn phí tại thị trấn Tarará, cách Havana khoảng 10 dặm.

Trang Telesurenglish dẫn ước tính của ông Luis Estruch, cố vấn Trường y khoa châu Mỹ Latin (ELAM) tại Havana (Cuba), cho biết kể từ những năm 1960, Cuba bắt đầu cung cấp chương trình học bổng miễn phí về y khoa cho các nước. Tính tới năm 2019, đã có 29.000 bác sĩ từ 105 nước tốt nghiệp tại Cuba.

Cuba - Hành trình cường quốc y tế: Kỳ 3: Vắc xin COVID-19 thúc đẩy kinh tế Cuba? Cuba - Hành trình cường quốc y tế: Kỳ 3: Vắc xin COVID-19 thúc đẩy kinh tế Cuba?

TTO - Với nền tảng công nghệ y sinh gây dựng nhiều thập kỷ, việc Cuba dốc sức phát triển cùng lúc 5 loại vắc xin COVID-19 (2 đã xong thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3) cho thấy quyết tâm tự cứu mình của quốc đảo Caribe không chỉ trong dịch bệnh.

D.KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên