21/03/2016 08:32 GMT+7

Cuba chào đón tổng thống Mỹ trong chuyến thăm lịch sử

TRẦN PHƯƠNG (tranphuong@tuoitre.com.vn)
TRẦN PHƯƠNG (tranphuong@tuoitre.com.vn)

TTO - Chiếc Air Force One hạ cánh xuống Havana chiều 20-3, đưa vị tổng thống Mỹ đầu tiên đến thăm Cuba trong 88 năm qua.

Du khách Mỹ chụp ảnh bên tấm biển chào mừng ông Obama ở Havana ngày 19-3 - Ảnh: Reuters
Du khách Mỹ chụp ảnh bên tấm biển chào mừng ông Obama ở Havana ngày 19-3 - Ảnh: Reuters

“Các chính sách của Mỹ trong quá khứ đã gửi đi thông điệp rằng Mỹ muốn thay đổi chế độ, rằng Mỹ muốn lật đổ Chính phủ Cuba hay Mỹ nghĩ rằng có thể áp chế định hướng chính trị của Cuba, nhưng lần này ông Obama sẽ nói rõ rằng mọi việc tùy thuộc vào người dân Cuba

Ông BEN RHODES

Chuyến thăm lịch sử của cả gia đình ông Barack Obama, trong mắt giới phân tích, như một tín hiệu của sự thay đổi.

Chuyến thăm diễn ra sau hàng loạt động thái cải thiện quan hệ giữa hai nước nên càng làm khơi dậy sự hào hứng của người dân Cuba.

Thật khó có thể hình dung chuyến thăm này nếu Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch Raul Castro không đạt được thỏa thuận bình thường hóa quan hệ hai nước vào năm 2014.

Do đó, hơn 1.200 phóng viên khắp thế giới đã có mặt tại đây để chờ tận mắt nhìn thấy tổng thống Mỹ và vợ con dạo phố Havana, trò chuyện cùng người dân, các nhà hoạt động, nhân vật đối lập Cuba, xem trận đấu bóng rổ giao hữu giữa hai nước... bên cạnh cuộc gặp gỡ chính thức với Chủ tịch Raul.

Tháp tùng ông Obama có Ngoại trưởng John Kerry, lãnh đạo phe thiểu số ở Hạ viện Nancy Pelosi, các bộ trưởng nông nghiệp, thương mại...

“Chưa ai từng chứng kiến”

Tờ Los Angeles Times mô tả tin tổng thống Mỹ đến Cuba lan truyền như một cơn bão. Các biển hiệu chào mừng in ảnh ông Obama và ông Castro được dựng khắp Havana.

Khách du lịch đã đặt kín chỗ khu nghỉ dưỡng Varadero và săn lùng vé trận đấu giữa đội bóng rổ Cuba và đội Tampa Bay Rays của Mỹ dự kiến diễn ra ngày 22-3. Các nhà tổ chức cũng ước tính hơn 1 triệu người tham dự buổi hòa nhạc của Mick Jagger.

“Chưa ai từng chứng kiến điều này nên không ai biết phải làm gì” - phóng viên địa phương Josue Lopez tỏ ra bối rối. Giới khách sạn, tài xế cũng hào hứng với cơ hội tăng doanh thu từ chuyến thăm của ông Obama.

Giới truyền thông Mỹ cũng đánh giá tích cực. “Chuyến thăm của ông Obama giàu ý nghĩa biểu tượng, nhưng cũng cho thấy sự khởi đầu của một kỷ nguyên hợp tác mới giữa Mỹ và Cuba có thể mở ra cánh cổng cho thương mại và du lịch” - tờ New York Times viết.

Phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, ông Ben Rhodes, cho biết “một phần lý do của chuyến thăm là nhằm đẩy nhanh quá trình bình thường hóa quan hệ”.

Còn người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest thông báo về chuyến đi cuối tuần trước như sau: “Trong hơn 50 năm, chúng tôi đã thử chiến lược phớt lờ người Cuba để coi họ có đổi ý hay không. Không có gì ngạc nhiên là chiến lược này không hiệu quả nên chúng tôi thử cách tiếp cận mới”.

Theo Nhà Trắng, bài phát biểu của ông Obama sẽ đề cập đến lịch sử phức tạp giữa hai nước nhưng cũng hướng tới tương lai và đưa ra tầm nhìn về sự hợp tác Mỹ - Cuba.

Khác biệt

Theo tờ Times, chuyến công du Cuba của ông Obama cũng nhằm gây ảnh hưởng lên các nỗ lực của phe Cộng hòa đang muốn trì hoãn, thậm chí phá hoại tiến trình bãi bỏ lệnh cấm vận của Washington đối với Cuba.

Tuần trước, Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan đã nhấn mạnh rằng lệnh cấm vận sẽ tiếp tục được duy trì bất chấp việc ông Obama đã dùng quyền hành pháp để nới lỏng các rào cản thương mại và du lịch với Cuba trong thời gian qua.

Theo Reuters, cấm vận kinh tế là một trong những bất đồng lớn bên cạnh các vấn đề về căn cứ hải quân Mỹ đóng ở vịnh Guantanamo, sự ủng hộ của Mỹ đối với các nhân vật bất đồng chính kiến ở Cuba... đang cản trở quan hệ giữa hai nước chỉ cách nhau một eo biển nhỏ.

Nhà Trắng khẳng định ông Obama không dự định ra tối hậu thư cho Chủ tịch Raul về vấn đề nhân quyền nhưng ông cũng sẽ không đưa ra cam kết từ bỏ căn cứ hải quân ở vịnh Guantanamo.

Dù vậy, báo New York Times nhận định ông Obama đang đặt cược sự thay đổi bằng cách thổi hi vọng vào người dân Cuba, đặc biệt là thế hệ trẻ, đang tìm kiếm những cơ hội mới thay vì sự hằn học với Mỹ.

“Ông Obama muốn được nhớ đến như vị tổng thống đã chấm dứt chiến tranh lạnh ở Mỹ Latin và bình thường hóa quan hệ với Cuba. Vì vậy ông cần phải làm hết sức để người kế nhiệm khó mà đi ngược lại điều này” - chuyên gia Geoff Thale của Văn phòng Washington về Mỹ Latin nhận định.

Trong khi đó, dù tương lai của căn cứ Guantanamo chưa được quyết định, hai giáo sư người Mỹ Joe Roman và James Kraska mới đây đã đưa ra đề xuất thú vị biến nơi đây thành cơ sở nghiên cứu khoa học và công viên hòa bình phục vụ cho cả hai bên.

“Mô hình này có thể giúp Cuba và Mỹ đoàn kết thay vì trở thành rào cản giữa hai nước” - báo Guardian dẫn lời ông Kraska.

Ai hưởng lợi?

Báo Havana Times cho biết vẫn còn những góc khuất đằng sau sân khấu màu xanh vừa được tân trang mà ông Obama sẽ không nhìn thấy. Nhiều người dân thu nhập thấp ở Cuba không nhìn thấy được tương lai trong chuyến thăm của tổng thống Mỹ.

“Ông ấy đến, cưỡi trên chiếc xe cổ và hút xì gà rồi rời đi” - anh Alberto Hernandez thờ ơ nói về chuyến thăm đang “gây bão”. Anh là công nhân quét đường với đồng lương chỉ 10 USD/tháng.

Theo Reuters, những chính sách gần đây của Mỹ chỉ có lợi cho lĩnh vực tư nhân vốn là ưu thế của những người Cuba da trắng.

Nhiều người Cuba gốc Phi than thở sự thay đổi không đem lại lợi ích cho mọi người. Nhưng một số người như anh bán rau Raymundo Goulet Odelin tin rằng:

“Sự thay đổi không xảy ra trong một đêm, con cháu tôi sẽ được hưởng lợi từ điều này. Nó khiến chúng tôi hạnh phúc. Chúng ta đã là kẻ thù trong 50 năm nhưng thật ra chúng ta chẳng phải là kẻ thù của ai cả”.

TRẦN PHƯƠNG (tranphuong@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên