Quán cà phê ở phố Nhà Thờ (Hà Nội) của anh Tùng đang vượt qua mùa dịch nhờ tiết kiệm chi phí và bán đem đi - Ảnh: MAI THƯƠNG
Đó là chia sẻ của anh Trần Văn Hùng, chủ tiệm hủ tiếu nhỏ trong hẻm đường Cách Mạng Tháng 8 (quận Tân Bình, TP.HCM).
Từ đầu năm đến nay, dịch bệnh kéo dài khiến nhiều dịch vụ kinh doanh lao đao tìm cách tồn tại. Trong khi các cửa hàng lớn điêu đứng với mặt tiền có giá thuê đắt đỏ, các cửa tiệm nhỏ cũng gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, như chính họ nói "thuyền nhỏ sóng nhỏ", nhiều cửa tiệm nhỏ đã linh động xoay xở vượt qua...
“Nhờ tiệm nhỏ, mình dễ giảm chi phí. Sáng sớm chịu khó chạy xe lên chợ đầu mối Bình Điền mua đồ về nấu hủ tiếu, giảm được 25% giá thành so với mua ở chợ nội thành.
Anh TRẦN VĂN HÙNG
Nhờ mặt bằng rẻ, tiết kiệm
Chỉ cho chúng tôi xem bên xe hủ tiếu treo cả bao khẩu trang và nước rửa tay, anh Hùng cười: "Đó, khó thì ló khôn thôi. Trước dịch có bao giờ tôi nghĩ bán hủ tiếu kiêm... khẩu trang, nước rửa tay. Vậy mà giờ đầu mình sáng ra kế này. Cũng chỉ kiếm tiền lẻ, nhưng biết gom góp thì tạm sống ổn".
Người đàn ông 37 tuổi, có 14 năm bán quán ăn nhỏ, cho biết khoảng này năm ngoái bán được cỡ 120 tô hủ tiếu mỗi ngày, giờ cao nhất chỉ 80 - 90 tô. Những hôm dịch căng thẳng thì bán còn ít hơn nữa.
Nhưng bày bán thêm khẩu trang, nước rửa tay, anh Hùng vẫn giữ được doanh thu gần bằng năm ngoái: sau khi trừ hết chi phí, mỗi ngày dư được 700.000 - 800.000 đồng để xoay xở gia đình. "Tháng trước tôi bán đồ phòng dịch còn khá lắm, tháng này chậm rồi, mà cũng không sao. Bán hết mới lấy thêm, khẩu trang có hư hao gì mà sợ" - anh Hùng cười.
Tiệm hủ tiếu của anh Hùng chỉ là gian nhà trước thuê với giá 8 triệu đồng hồi năm ngoái, năm nay được giảm giá xuống 7 triệu, mức vợ chồng họ chấp nhận được.
"Trước tết, có người bày tôi ra thuê mặt tiền Cách Mạng Tháng 8 để mở lớn. May mình chưa dời nên cứ thuyền nhỏ sóng nhỏ này qua mùa dịch" - anh Hùng nói và tính nếu thuê mặt tiền đường lớn thì ít nhất cũng phải thêm chi phí 20 - 30 triệu đồng mỗi tháng và có thể sẽ "sa lầy" trong tình hình này.
Dạo qua các cửa tiệm kinh doanh nhỏ, ghi nhận rất nhiều cảnh tương tự. Gặp khó khăn là không thể tránh khỏi nhưng nhiều người nhờ chi phí thấp, nhất là khoản tiền thuê mặt bằng, nên họ dễ linh động xoay xở.
Buổi sáng, vợ chồng chị Diễm Vy đang hối hả chuyển các thùng nhựa, cây giống cho khách. "Cửa hàng bán đồ trồng rau của tôi vẫn tạm ổn. Hình như dịch người ta ở nhà nhiều nên mê trồng trọt hơn" - chị Vy cho biết.
Với 350m2 mặt bằng trên đường An Dương Vương, phường An Lạc, quận Bình Tân, chị Diễm Vy thuê với giá 15 triệu đồng/tháng. "Mức này chấp nhận được, chứ giờ mà nặng tiền thuê thì chắc chết" - chị Vy nói. Ghi nhận chỉ trong một giờ, chúng tôi đếm có hơn chục khách ghé. Người mua mấy gói phân, bao đất, người mua chậu nhựa trồng cây với giá 100.000 - 300.000 đồng.
Tiết kiệm chi phí, họ trực tiếp làm mọi việc, chỉ thuê thêm một nhân công phụ. Giá thuê mặt bằng thấp và cắt giảm chi phí là những cách đang giúp họ cũng như nhiều người buôn bán nhỏ vượt khó...
Cửa hàng quần áo nhỏ ở phố Lý Thường Kiệt (Hà Nội) của Mạnh Duy chuyển hướng chủ yếu bán online -Ảnh: MAI THƯƠNG
Online và take away
Ở Hà Nội, tình hình tương tự TP.HCM. Các cửa tiệm nhỏ cũng gặp khó nhưng đang xoay xở vượt qua bằng nhiều cách. "Cửa hàng mở trong ngõ, mỗi tháng trả 5 triệu tiền thuê mặt bằng, chưa tính điện, nước và chi phí phát sinh. Rồi tiền thuê nhân viên 3 ca sáng - chiều - tối ngót nghét cũng 6 triệu/tháng.
Lúc đầu vẫn muốn giữ cửa hàng vì đấy là đam mê, nhưng cứ kéo dài thế này thì mình phải cứu nguồn vốn trước đã rồi tìm cách phát triển sau" - anh Mạnh Duy, chủ cửa hàng quần áo trong ngõ phố Lý Thường Kiệt (quận Hoàn Kiếm) phân trần.
Sáng chủ nhật, Ngọc Hân, Thanh Nga và Tùng Lâm được anh Duy hẹn qua chỗ làm. Họ là nhân viên ba ca sáng - chiều - tối của cửa hàng này. Những tháng đầu đại dịch, mức lương cơ bản 2 triệu/tháng vẫn được giữ nguyên nhưng tiền thưởng không còn vì doanh thu giảm mạnh.
"Ba đứa gấp quần áo rồi xếp gọn vào thùng này giúp anh. Từ hôm nay chúng ta phải đóng cửa hàng để chuyển sang bán online" - Duy nhẹ giọng nói.
Tình thế buộc Duy phải san sẻ tiền thuê nhân viên cho nguồn chi mới: chạy quảng cáo trên mạng xã hội. Nhiều chương trình giảm giá, khuyến mãi được tung ra. Tiếp cận được nhiều khách hàng hơn, Duy mày mò làm thêm những mặt hàng mới. Anh tìm nguyên liệu, may khẩu trang vải, thêu thêm hình, bán kèm cùng với quần áo. "Dịch vẫn phải đẹp, vẫn phải thời trang" - Duy hào hứng khi nói về tâm lý khách hàng mùa dịch.
Cửa hàng đồ trồng rau ở quận Bình Tân, TP.HCM của Diễm Vy vững vàng vượt qua mùa dịch - Ảnh: MẠNH DŨNG
Trong khi đó, từ đầu tháng 6, anh Bùi Thanh Tùng - chủ tiệm cà phê nhỏ trên đường Nhà Thờ (Hoàn Kiếm, Hà Nội) - e ngại nhìn quán bên kia đường treo bảng đóng cửa, trả mặt bằng. "Bây giờ mình không phải cạnh tranh với quán khác, mà là cạnh tranh với đại dịch" - Tùng nhận định. Tiệm anh chỉ rộng khoảng 25m2. Sau khi dựng quầy pha chế, anh chỉ kê được nhiều nhất 5 bàn với 10 - 15 khách. Nhưng bù lại, nếu anh kê thêm bàn ghế ở ngoài, lượng khách tăng thêm. Mỗi tháng, trừ các chi phí, tiệm thu về cũng khá, phục vụ chủ yếu khách nước ngoài và dân sành cà phê.
"Nhưng đó chỉ còn là lợi nhuận của... quá khứ. Dịch ập đến, không được bày bán vỉa hè, trong quán cũng phải giãn cách 1m giữa các bàn, khách giảm hơn 70% so với trước. Nếu không thay đổi thì rồi tôi cũng phải đóng quán, trả mặt bằng như cửa hàng đối diện" - Tùng chia sẻ. Nghĩ vậy, anh bắt tay vào làm. Vừa đăng bán trên mạng xã hội, gia nhập thị trường các ứng dụng bán đồ ăn uống, anh còn khuyến mãi khi khách mua đồ uống mang đi, không ngồi quán.
Những ngày đầu bỡ ngỡ, anh Tùng học cách đăng ký các mặt hàng trên ứng dụng giao đồ ăn như Now, Grab... Cốc cà phê đầu tiên shipper đưa đến tay khách, anh vui sướng không khác gì lúc những vị khách đầu tiên vào quán ngày mới mở cửa.
Gọi một cốc nâu (cà phê sữa) mang về, Thanh Nga (21 tuổi, Ba Đình, Hà Nội) cho biết: "Mình là khách quen của quán, nhưng từ ngày có dịch cũng ngại ra đây ngồi nhâm nhi. May mà quán còn bán mang về nên vừa có cà phê uống vừa đảm bảo phòng dịch".
"Có người đến quán mình để thưởng thức không gian, nhưng cũng có người chỉ vì chất lượng. Hiểu tâm lý đó, tôi khuyến khích khách hàng nếu có thể hãy mua mang đi hoặc gọi ship tận nhà. Nhờ vậy, việc kinh doanh vẫn đang được duy trì. Tuy không bằng trước đây nhưng cả chủ lẫn nhân viên vẫn vượt qua được đại dịch" - anh Tùng tâm sự.
Ở tiệm phở nhỏ trên tỉnh lộ 10 (quận Bình Tân, TP.HCM), anh Bùi Danh Mạnh còn nghĩ ra nhiều cách để vượt khó. Trước khi có dịch, vợ chồng anh cùng đứa em từ Vĩnh Phúc vào thuê mặt bằng này với giá 10 triệu đồng/tháng để bán phở.
“Dịch xảy ra, khách giảm hẳn. Tôi nói vợ về quê tập trung làm ruộng vườn, chăn nuôi, để tôi và đứa em đứng quán là đủ rồi. Như vậy mình có thêm nguồn thu nhập ổn định từ vợ để yên tâm bám trụ với tiệm phở” - anh Mạnh nói và kể thêm từ tháng 4 đã năn nỉ chủ quán giảm 2 triệu đồng tiền thuê với lời hứa khi nào bán lại ổn sẽ tăng bù tiền thuê cho chủ nhà. Đến giờ tiệm phở của anh Mạnh vẫn vững vàng vượt khó.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận