30/03/2020 13:13 GMT+7

Giáo viên xoay xở mùa dịch - Kỳ 4: Đi làm vú em

VŨ TUẤN
VŨ TUẤN

TTO - Tạm xa trẻ ở trường mầm non mùa dịch, nhiều giáo viên tư thục phải trở thành người trông trẻ, chăm bệnh nhân bất đắc dĩ...

Giáo viên xoay xở mùa dịch - Kỳ 4: Đi làm vú em - Ảnh 1.

Các trường mầm non tư thục phải đóng cửa, buồn hiu vì dịch bệnh - Ảnh: VŨ TUẤN

Từ ngày giáo viên trường tôi phải nghỉ vì dịch, tôi thấy thương các cô quá! Chưa biết bao giờ các cô mới được đi làm trở lại.

Cô Khúc Thị Chang

"Nhà trẻ" bất đắc dĩ

Đọc thông báo lần thứ 2 của thành phố "gia hạn" nghỉ học, chị Bùi Minh Ngọt, giáo viên Trường mầm non Tràng An (quận Hà Đông, Hà Nội), như bị đeo thêm quả tạ. Chị phải gồng gánh kinh tế cho cả nhà, người chồng lại đau ốm liên miên, đi viện nhiều như cơm bữa.

Đợt nghỉ đầu tiên vì dịch COVID-19, chị được công ty trợ cấp 50% lương, đóng bảo hiểm xã hội. Từ tháng 3, cả trường hơn 40 giáo viên phải nghỉ không lương. 

Nhà chị Ngọt cách trường hơn 5 cây số, không buôn bán, không chăn nuôi, chỉ có vài sào ruộng. Bốn miệng ăn trong nhà trông vào đồng lương của chị và vài đồng tiền công bữa được bữa không của chồng.

May mắn cho chị Ngọt, đồng nghiệp giới thiệu chị công việc trông trẻ ngay tại nhà chị. Một gia đình cùng xã có con nhỏ mà bận rộn, sáng đưa con đến gửi, chiều đón về. Nhà chị Ngọt như lớp học thu nhỏ. 

Một cô - một trò cũng líu lo tập hát, tô màu... Cậu học trò đặc biệt mới hơn 2 tuổi mà chưa biết nói. Cô cho trò tập phát âm, vài tuần sau cu cậu ê a nói theo. Gặp người lớn biết chào, đến bữa không còn đòi ăn với điện thoại.

Thù lao ít ỏi, nhưng Ngọt cho rằng chị may mắn hơn nhiều đồng nghiệp vì tìm được việc làm thêm đúng chuyên môn. Ở trường, lớp chị phụ trách 15 bé, nhiều cháu hiếu động nhưng đi học hai tháng đã ngoan. 

Giờ ở nhà, một cô - một trò, công việc với chị nhẹ tựa lông hồng. So với lương trường, thù lao trông một trẻ chỉ bằng phân nửa nhưng với chị, thêm đồng nào lúc này cũng quý. "Tôi cũng muốn nhận thêm vài trẻ để trông ở nhà, như thế đỡ tiền cho bố mẹ chúng, tôi cũng có thêm thu nhập... Nhưng sợ lắm! Như thế lại vi phạm về dạy thêm học thêm..." - chị Ngọt nói.

Cô Khúc Thị Chang, hiệu trưởng Trường mầm non Tràng An, cũng đang đôn đáo đi... tìm việc cho nhân viên. Chị lùng sục hết các trang, hội, nhóm tìm việc, tìm người trên mạng. 

Cứ chỗ nào có đăng cụm từ "GVMN" hoặc "Giáo viên mầm non" là chị vào hỏi han, để lại số điện thoại liên hệ. Hơn 40 nhân viên trường, người tìm việc bán hàng online, người trực tiếp phụ bán hàng, người đi chăm bệnh nhân...

Tháng trước, việc cưới hỏi chưa bị hoãn vì dịch, chị Chang còn kiếm được vài chân bê tráp ăn hỏi cho các cô giáo trẻ. Giờ bệnh dịch hoành hành, đám cưới không có, quán ăn, quán cà phê cũng đóng cửa hàng loạt. Chị Chang lại lọ mọ ở các group tìm người chăm bệnh nhân. Thi thoảng chị kiếm được chân chăm bà đẻ, chỉ lại cho nhân viên.

Theo chị, "đẹp nhất" là tìm được việc trông trẻ tại nhà. Giáo viên mầm non có kỹ năng chăm nom, giáo dục trẻ. Nhưng khổ nỗi, cha mẹ trẻ muốn thuê người ổn định, lâu dài, còn cô giáo cứ vài hôm lại đứng ngồi không yên vì điệp khúc nghỉ - dạy - nghỉ vì dịch bệnh.

Giáo viên xoay xở mùa dịch - Kỳ 4: Đi làm vú em - Ảnh 3.

Chị Bùi Minh Ngọt may mắn được nhận trông dạy trẻ tại nhà - Ảnh: VŨ TUẤN

Nhẫn nhịn chăm bệnh nhân

Bà Hạ Thị Bình vừa dựa lưng vào gối vừa thở dốc: "Ối giời ơi! Chậm thêm phút nữa là cô hại chết tôi rồi!". Bên cạnh, chị Cao Thu Huyền đỡ bà Bình ngồi, rồi dọn dẹp bông băng, cồn y tế. Chị là giáo viên một trường mầm non ở quận Hà Đông, nhận chăm bà Bình trong những ngày nghỉ vì dịch.

Bà Bình đã 70 tuổi, bị chứng giãn túi mật nên phải sống chung với ống xông. Hai tuần trước, người được gia đình thuê chăm sóc bà Bình phải về quê. Bà ốm, nằm điều trị tại Bệnh viện E, Hà Nội. Gia đình có con gái, con dâu nhưng không ai chăm sóc bà. 

Phần vì việc bận rộn, phần vì người mẹ già bệnh tật trái tính, con cái chỉ ở với bà được một hôm là bà đuổi. Một tuần trong viện, thêm 5 người giúp việc đến chăm bà cũng cao chạy xa bay.

Là chỗ thân quen, chị Huyền nhận chăm bà với thù lao 300.000 đồng mỗi ngày. Khi ra viện, bà Bình bắt con phải tìm bằng được chị Huyền về. "Tao thích cái đứa giáo viên. Nó khéo, thay băng sạch, bóp đầu không đau", con gái bà Bình thuật lại.

Ngày đầu đến nhà, chị Huyền cọ sạch gian bếp, nhà vệ sinh, giặt hết đống chăn. Bà Bình thấy chị sạch sẽ nên quý. Ấy thế nhưng người bệnh rất khó chiều. 

Bữa trưa, chị Huyền lúi húi dọn dẹp bếp, ống xông trên người bà Bình bị tắc, bà kêu mắng ầm nhà. Chị không nói gì, lôi trong tủ ra nào bông, gạc, panh, kéo, nước sát trùng... để thay ống, thay băng như điều dưỡng cho bà.

Chị Huyền chăm bà như chăm mẹ. Chị bảo ai cũng vậy, nhận lời chăm người ta thì phải chăm chu đáo. Cũng có lúc tự ái, chị cầm điện thoại nhắn tin cho con gái bà. Soạn xong tin nhắn, chị lại xóa, không gửi. "Ai bệnh cũng khó tính. Với lại bà có để bụng bao giờ. Hết đau, hai cô cháu lại trò chuyện líu ríu như mẹ con", chị tâm sự.

Chị Huyền nói cứ coi nhà bà như nhà chị, chị cũng coi bà như người thân. Vì thế, chị được bà tín nhiệm. Mấy hôm trời nắng, chị đun nước lá thơm, bê lên tận phòng tắm cho bà. Mới đầu bà Bình cau có, xong lại thấy dễ chịu. 

Tối đến gọi điện trách con: "Con với chả cái! Không bằng nó". Con gái bà nghe điện thoại cũng yên tâm. Cứ vài hôm, đợi nắng ấm, chị lại đun nước nóng, bê lên phòng gội đầu cho bà. Bà lại gọi điện cho con: "Cô giáo tay khéo, gãi đầu không đau".

Chăm người bệnh nhiều khi không vất vả bằng bữa cơm. Bà Bình nhạt mồm, ăn gì cũng không ngon. Thức ăn mỗi bữa bà kêu nấu một kiểu. Cả chị Huyền, cả con gái bà phải theo. Đến bữa, mấy chị em nháy mắt nhau, nịnh cho bà ăn được.

Vất vả là vậy, nhưng ở với bà lâu cũng quen, nhiều đêm chị ngủ lại với bà. Cũng đôi lúc chị Huyền thấy nhớ trường, nhớ lũ trẻ mắt tròn xoe ê a đọc theo cô giáo. Kỳ nghỉ này dài quá, hết nghỉ tết lại phải nghỉ vì dịch. 

Chị cũng chưa biết khi nào được đi làm trở lại. Mà có khi đi làm rồi chị lại nhớ công việc ở nhà bà Bình. Chị bảo: "Chăm người bệnh đâu phải chỉ để lấy tiền công. Gần gũi họ lại thấy họ cũng như người thân của mình ấy".

Đi giữ trẻ cũng gặp khó

Những ngày nghỉ dài vì dịch bệnh không biết bao giờ mới được đi dạy lại, cô giáo mầm non tư thục N.T.N. và nhóm bạn cùng nghề ở quận Bình Tân, TP.HCM phải đôn đáo tìm việc làm thêm. Xong phổ thông, họ học lên chuyên môn giáo dục mầm non, rồi đi dạy, nên giờ ngoài dạy học thì họ không biết làm nghề gì khác.

"Bạn em có đứa ở nhà nội trợ lo cho chồng con, có đứa đi phụ quán nhưng cũng mới phải nghỉ vì quán xá đóng cửa. Chút tiền tiết kiệm nhỏ đã xài cạn, nếu còn nghỉ dài nữa sẽ khó khăn thật sự", cô N. nói. Đồng thời cho biết mình may mắn được nhờ giữ trẻ cho một gia đình người quen, lương mỗi tháng 5 triệu đồng, bao cơm 2 bữa nên cũng tạm xoay xở được.

Cô giáo trẻ này tâm sự bình thường giáo viên mầm non rất "có giá" với các gia đình cần giữ trẻ, vì họ không chỉ chăm sóc mà còn có kỹ năng giáo dục. Nhưng gần đây họ muốn tìm việc này cũng khó, do dịch bệnh hoành hành chẳng ai muốn cho người ngoài vào nhà mình. Còn ăn ở luôn tại gia thì các cô lại gặp khó, không dám nhận, sợ đến ngày được đi dạy thì họ lại lỡ dở công việc.

MẠNH DŨNG

"Chị mua đi, cam này ngon lắm. Bổ sung vitamin tốt cho mùa dịch... Cô chọn thức này nhé. Đồ quê lên đấy, không thuốc thiếc độc hại đâu...".

Kỳ tới: Cô giáo bán hàng online

Giáo viên xoay xở mùa dịch - Kỳ 1: Đợt nghỉ tết... nhớ đời! Giáo viên xoay xở mùa dịch - Kỳ 1: Đợt nghỉ tết... nhớ đời!

TTO - Dịch bệnh COVID-19 hoành hành làm nhiều giáo viên 'sảy trường ra thất nghiệp'. Nhiều thầy cô lâm cảnh khó, phải về quê 'lánh nạn' bằng ruộng vườn, hoặc trụ lại thành phố làm shipper, gia sư online, bán đồ qua mạng, thậm chí làm cả 'vú em'...


VŨ TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên