Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bắt tay thăm hỏi cử tri tại cuộc tiếp xúc sáng 6-8 ở quận Hoàn Kiếm - Ảnh: LÊ KIÊN |
Các cuộc tiếp xúc cử tri diễn ra cả ngày giữa các đại biểu Quốc hội: Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Doãn Anh (tư lệnh Bộ tư lệnh thủ đô), Trần Thị Phương Hoa (chủ tịch Hội LHPN Hà Nội) với cử tri các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Tây Hồ.
Đây là cuộc đấu tranh trong nội bộ
“Thời gian qua Tổng bí thư đã kiên quyết chỉ đạo xử lý các vụ việc có dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng.
Đề nghị kiểm điểm rõ trách nhiệm ở Bộ Công thương thời ông Vũ Huy Hoàng làm bộ trưởng, đặc biệt là các vụ việc bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh và ông Vũ Quang Hải - con trai ông Vũ Huy Hoàng” - cử tri Phạm Nam Phương đề nghị.
Đây cũng là vấn đề được nhiều ý kiến cùng đề cập, cử tri Đặng Tài Tính nói: “Những vụ việc như ở Bộ Công thương cần làm rõ trách nhiệm để xử lý đến cùng. Tại sao để xảy ra vụ việc ông Trịnh Xuân Thanh, bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, đề nghị cần rà soát tiếp tục”.
Đáp lời cử tri, Tổng bí thư nói: “Xin báo cáo với các bác, các anh, chị, đây là lĩnh vực rất quan trọng nhưng cũng vô cùng khó khăn, phức tạp như tôi đã nói nhiều lần.
Bởi đây là cuộc đấu tranh trong nội bộ, trong mỗi con người, giữa mặt tích cực và mặt tiêu cực. Nó liên quan đến lợi ích, đến danh dự của mỗi con người, mỗi đơn vị, không dễ tí nào.
Đặc biệt lợi ích bây giờ chằng chịt với nhau, đó là chưa kể bên ngoài họ khía vào để phá hoại chúng ta. Nhưng chúng ta quyết tâm làm để làm trong sạch Đảng, trong sạch bộ máy nhà nước”.
Tổng bí thư dẫn chứng thời gian qua đã kiên quyết đưa ra xét xử những vụ án lớn như Dương Chí Dũng, Nguyễn Đức Kiên, Huỳnh Thị Huyền Như... Đang tiếp tục làm một số vụ án lớn nữa, vụ Phạm Công Danh vừa đưa ra xét xử cũng là một trong tám vụ án lớn và mới xử giai đoạn một.
“Gần đây chúng ta làm tiếp một số vụ được dư luận hoan nghênh. Vụ Trịnh Xuân Thanh chỉ là một ví dụ, còn liên quan nhiều thứ lắm. Như tôi đã nói nhiều lần, phải có bước đi chắc chắn, chặt chẽ, thận trọng, hiệu quả và giữ cho được ổn định để phát triển.
Việc này liên quan đến việc khác. Có người muốn Tổng bí thư phải đánh trống liên hồi đi, không chỉ đánh nhát một, làm đến cùng đi. Nhưng thế nào là làm đến cùng? Phải tính toán chặt chẽ, chắc chắn” - ông nhấn mạnh.
Tổng bí thư nói tiếp: “Gần đây chúng tôi đang thanh tra toàn diện vụ MobiFone mua AVG, dư luận quan tâm lắm. Còn rất nhiều việc chúng ta cần làm. Nhưng rõ ràng các bác, các đồng chí vẫn thấy chưa yên tâm.
Cái mừng là lần này sau khi chúng tôi chỉ đạo như thế, dường như cả bộ máy, cả hệ thống vào cuộc. Cho nên các bác đã nói đúng là một mình Tổng bí thư không làm được, phải toàn dân làm, cả hệ thống làm. Có việc tôi nói được, có việc chưa thể nói được, nhưng mà cả hệ thống đã vào cuộc”.
Chưa thấy xem xét trách nhiệm ông Võ Kim Cự
Cử tri Nguyễn Phi Tính nêu thực trạng gần đây dư luận, báo chí nêu hàng loạt vụ việc với cùng một câu hỏi: trách nhiệm thuộc về ai? Đó là các vụ như bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh, vụ Formosa, vụ 18 lần vỡ ống nước sông Đà...
“Tôi đề nghị rà soát từng vụ việc, xử lý nghiêm túc để lấy lại lòng tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước” - ông Tính nói.
Cử tri Nguyễn Chính cho rằng: “Hậu tai hại Formosa quá lớn, vừa qua lại phát hiện chất thải Formosa ở nhiều nơi nữa”.
Cử tri đề nghị phải triệt để xử lý những vấn đề liên quan đến vụ Formosa, bởi người VN cần cá, cần thép, nhưng không cần công nghệ lạc hậu và cung cách làm ăn của Formosa như vừa rồi.
Thẳng thắn, cử tri Phạm Quang Hà hỏi: “Vụ Formosa chưa thấy xem xét trách nhiệm của ông Võ Kim Cự. Cử tri không đồng ý với trả lời của ông Cự. Ông ấy đã cấp phép 70 năm cho Formosa rồi mới báo cáo Chính phủ, làm việc kiểu tiền trảm hậu tấu. Chúng tôi nghĩ ông Cự không đủ tư cách làm đại diện cho cử tri nữa, ông nên nghĩ đến văn hóa từ chức”.
“Về vấn đề sự cố môi trường ở Hà Tĩnh và một số tỉnh miền Trung, tôi nhận được bao nhiêu ý kiến là tại sao chúng ta không làm nhanh, làm quyết liệt” - Tổng bí thư cho biết.
Và ông giải thích: “Nhưng tôi xin nói rằng vụ việc này là đấu tranh chứ không phải thương lượng. Chúng ta đấu tranh phải có lý, có tình, có chứng cứ thực tế, buộc người sai phạm phải nhận lỗi.
Các bác đã thấy hình ảnh tập thể ban lãnh đạo Formosa cúi đầu nhận lỗi trước nhân dân, phải bồi thường, cam kết khắc phục hậu quả, thay đổi công nghệ, hứa không tái phạm...
Có ý kiến nói rằng 500 triệu USD là ít quá, ăn thua gì. Đó là trên cơ sở chúng ta đã tính toán thiệt hại, tất nhiên không thể tính toán trên mô hình những thứ trừu tượng, nhất là mất niềm tin thì tính sao được.
Nhưng từ đó đã cho ta một bài học: không thể đầu tư với bất cứ giá nào, phải chú ý đến bảo vệ môi trường. Vụ Formosa là bài học đắt giá, chúng ta phải trả học phí”.
Cử tri Nguyễn Chính nói rằng mặc dù lãnh đạo Formosa đã cúi đầu nhận lỗi, nhưng vẫn chưa biết điều gì sẽ xảy ra nếu Formosa vẫn tồn tại - Ảnh: L.K. |
Nguy cơ mất chủ quyền ngay trên lãnh thổ mình
Đó là cảnh báo của cử tri, cựu chiến binh Vũ Đức Thuận. Ông nêu chuyện thời gian qua rộ lên vấn đề người nước ngoài ở VN, đặc biệt là người Trung Quốc, ở một số nơi.
“Du lịch ở Đà Nẵng vừa qua là một cảnh tỉnh cho ngành du lịch. Những hành vi xuyên tạc lịch sử, những hành động trái với thuần phong mỹ tục của người VN ngay trên đất nước chúng ta như đốt tiền VN tại quán bar, quậy chị bán chuối rong rất phản cảm. Hướng dẫn viên Trung Quốc xuyên tạc lịch sử VN tại chùa Linh Ứng, bán đảo Sơn Trà, biển Mỹ Khê...
Có thể nói đây là hành động xâm lăng về lịch sử - văn hóa của VN và đây chính là lỗ hổng lớn của ngành du lịch” - ông Thuận dẫn chứng.
Ông đề nghị Tổng bí thư và các đại biểu Quốc hội lưu tâm vấn đề này: “Chúng ta phải xử lý nghiêm, không thể tự đánh mất chủ quyền ngay trên lãnh thổ của mình được”.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định Đảng ta luôn luôn chủ trương xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là hai nhiệm vụ chiến lược.
Việc lợi dụng hoạt động du lịch để làm việc khác, hoặc có sai sót gì phải chấn chỉnh ngay. “Cái lớn là bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ chúng ta phải kiên quyết, trước sau như một. Nếu đất nước không yên ổn làm sao phát triển được” - ông nói.
* Tổng bí thư không né tránh Tổng bí thư đã không né tránh mà nhắc đến nhiều vụ việc lớn dư luận đang rất quan tâm. Tiếng nói mạnh mẽ của ông khiến người dân và nhất là những đảng viên lâu năm như tôi rất đồng tình, ủng hộ. Tất nhiên chống tham nhũng không dễ đâu, phải bằng cả hệ thống. Nhưng Tổng bí thư đã lên tiếng rồi. Chính phủ mới, Quốc hội mới cũng rất hăng hái. Nên tôi rất hi vọng. * Đừng coi tham nhũng là chuyện nội bộ Trước nay, những vụ tham nhũng lớn đến khi đổ bể ra rồi dân mới được biết. Theo tôi, để chống tham nhũng được thì phải cho người dân tham gia, chứ đừng coi đó là câu chuyện nội bộ rồi giải quyết nội bộ với nhau, người dân không được biết gì hết. Như ở vụ Formosa hậu quả khủng khiếp như vậy, nếu chỉ “rút ra bài học”, “rút kinh nghiệm” rồi thôi thì dễ quá. Người dân phải được công khai thông tin, phải có cơ chế để khuyến khích và bảo vệ họ tố giác tham nhũng. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận