Kiểm tra y tế trước khi vào bầu cử trên đỉnh đèo Lò Xo - Ảnh: T.T.NHI
Từ đó, họ kỳ vọng đại biểu cũng thay mặt mình theo dõi các công việc chung mà cử tri đã tin tưởng gửi gắm.
Anh hùng lao động Nguyễn Thị Thạc (đại biểu Quốc hội khóa III, IV, V):
Chọn người nói đi đôi với làm
Năm 1962, khi mới 24 tuổi, tôi được nhận danh hiệu Anh hùng lao động. Hai năm sau, tôi được giới thiệu ứng cử và cử tri Nam Định tín nhiệm bầu làm đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa III. Đến một kỳ họp của khóa III, khi bàn về vấn đề kế hoạch hóa gia đình, tôi có đề nghị mỗi cặp vợ chồng nên có hai con là vừa, vì tôi nghĩ sinh nhiều thì khó có điều kiện nuôi dưỡng, học hành vào thời điểm đó. Khi đó cũng có một đại biểu nam phát biểu và nói rất mạnh về việc chỉ nên có hai con.
Ngồi ở Đoàn chủ tịch, Bác Hồ có nói: "Các vị ĐBQH chỉ nên nghe chú ấy nói, đừng học chú ấy làm". Quả thực khi đó chúng tôi không hiểu, sau phiên họp mới biết đại biểu nam phát biểu có 6 người con, từ đó tôi thấm thía ý dạy "nói phải đi đôi với làm".
Cho đến bây giờ, khi đã 83 tuổi, chuẩn bị cầm lá phiếu bầu, tôi cũng đã nghiên cứu kỹ thông tin về các ứng viên ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp. Nói thật là có rất nhiều ứng viên có trình độ, có học vấn cao.
Nhưng ngoài trình độ, ngoài học vấn, tôi sẽ lựa chọn thêm các tiêu chí như ứng viên phải là người tâm huyết, rất trách nhiệm, gần gũi quần chúng, chịu lắng nghe dân và dám nói lên nguyện vọng của nhân dân.
Chúng tôi cũng sẽ giám sát với những người được bầu, từ thực hiện lời hứa và mọi hành động. Mong mỗi đại biểu phải trách nhiệm với lời hứa trước cử tri, nói và làm phải đi đôi với nhau, không nói một đằng làm một nẻo.
Bà Nguyễn Thị Hường (Đà Nẵng):
Giám sát đến tận cùng từng sự việc
Các tiêu chuẩn về ĐBQH có thể rất đầy đủ nhưng theo tôi, đặt lên hàng đầu của người ĐBQH là tinh thần phục vụ. ĐBQH không phải là một sự thăng chức hay là một danh hiệu trang trí, đó đơn giản là một vai trò phục vụ đòi hỏi một tầm nhìn xa hơn và một tấm lòng rộng lớn hơn.
Chính vì vậy, kỳ vọng của người dân đối với ĐBQH trong nhiệm kỳ này là hoạt động giám sát và chất vấn phải làm đến tận cùng khi đã từng có rất nhiều vấn đề nêu lên rồi lại cho qua, và phải có sự kế thừa trách nhiệm của ĐBQH và Đoàn ĐBQH trong nhiệm kỳ tiếp theo.
PGS.TS Nguyễn Văn Sánh (nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL):
Cần ban hành luật về phát triển đồng bằng
Là một cử tri và là một người nghiên cứu tâm huyết với ĐBSCL, tôi đặt kỳ vọng các đại biểu và Quốc hội khóa XV làm được cho vùng hai vấn đề. Thứ nhất là giám sát, thúc đẩy các cam kết của Chính phủ thực thi phát triển hạ tầng cho ĐBSCL.
Thứ hai, thực tế hiện nay có rất nhiều văn bản pháp lý hỗ trợ phát triển ĐBSCL, nhưng theo tôi, nhiệm kỳ này các đại biểu và Quốc hội cần thúc đẩy ban hành luật phát triển đồng bằng để ĐBSCL ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.
Hiện nay, biến đổi khí hậu tác động ngày càng rõ rệt và khó lường. Ứng phó với nó cần có sự liên kết giữa các địa phương. Mà muốn liên kết hiệu quả, thực chất, mạnh mẽ thì phải có luật; nếu không, vấn đề liên kết cũng chỉ ở mức "nói hoài".
Luật này sẽ tổng hợp các vấn đề như quy hoạch, liên kết vùng, đầu tư... và quan trọng nhất là cơ chế phân bổ nguồn lực. Thậm chí khi có luật mới có thể lập ra quỹ phát triển đồng bằng để phục vụ sự phát triển mạnh mẽ của vùng.
Thực tế, luật phát triển đồng bằng đã được Hà Lan, Đức thực hiện, và chúng ta có thể tham khảo, vận dụng. Tôi cho rằng thời điểm này là chín muồi cho việc ban hành một luật như thế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận