11/03/2012 09:14 GMT+7

"Cụ thị" 314 tuổi

MY LĂNG - THÁI LỘC
MY LĂNG - THÁI LỘC

TT - Trên thân “cụ thị” còn gồ lên chi chít cục bướu nhỏ và loang lổ những hốc sâu lõm vào thân. Dọc gốc cây thị vẫn còn một loạt bảy khối u nối tiếp nhau.

LP2tFzyJ.jpgPhóng to

Ông Thân Hoàng Long tự hào nói: “Cây thị cổ đã gắn liền với truyền thống của gia tộc” - Ảnh: T.Lộc

Sau hai cuộc kháng chiến, ngôi nhà thờ của dòng họ Thân ở làng Dương Xuân Hạ đã sập nát vì bom đạn và trải qua bốn lần xây dựng. Nhưng “cụ thị” đã vượt qua những năm tháng chiến tranh bom đạn với những vết thương khốc liệt như thế.

Lớp học dưới gốc cây

Những hậu duệ của dòng họ Thân ở làng Dương Xuân Hạ kể trong gia phả của dòng họ ghi rằng: năm 1698, ngài thủy tổ Thân Văn Thẩm đã mang cây thị từ làng Nguyệt Biều về vùng đất Dương Xuân Hạ hiện giờ trồng làm mốc giới cho con cháu sau này. “Khi tôi còn nhỏ, làng quê ngày ấy không có điện đóm.

Đám trẻ con chúng tôi cứ ngóng chờ mau đến những đêm trăng sáng để được chơi tới đêm. Còn các anh chị thanh niên trong làng hẹn hò nhau tới gốc cây thị nhà chúng tôi chơi đùa, sinh hoạt tập thể. Dưới gốc cây thị, sân cát rất rộng là nơi các chị, em gái tập múa, hát. Các anh, em trai chơi đánh căng, đánh cù, đánh khăng, trốn tìm...” - ông Thân Hoàng Long (sinh năm 1941), hậu duệ của dòng họ Thân ở làng Dương Xuân Hạ, kể.

Khi rộ lên phong trào học nhóm của con em gia đình Phật tử, gốc thị ấy như một lớp học mở không bàn ghế, không bục giảng, không bảng và phấn trắng... nhưng vẫn làm náo nức biết bao cô cậu học trò ngày ấy. Những anh chị giỏi kèm các em học yếu theo từng nhóm. “Lớp học cây thị hồi đó chỉ từ lớp đệ thất (lớp 7 bây giờ) đến đệ lục, đệ ngũ, đệ tứ. Mỗi buổi học từ 8g-10g đã kết thúc. Đứa nào cũng cố gắng làm bài thật nhanh để được chơi sớm”, ông Long bảo.

Ngày ấy hoa quả còn ít. Thị là món quà mỗi buổi chợ quê về của bà, của mẹ. Người lớn không cho trẻ con leo lên cây bứt thị vì sợ đám nhỏ ngã gãy chân gãy tay. Vậy là đám trẻ con nghĩ ra trò chơi hứng thị. Mỗi lần gió lên, cả lớp không ai bảo ai đều nhìn lên cây thị, ngắm quả mà mình đã tăm tia từ trước, chuẩn bị tinh thần nếu thị rơi là chạy ra hứng, vừa chạy vừa la: “Hươu thị rơi bị bà già”. Ai hứng được thị được tôn vinh là quân sư. Trò chơi ấy chỉ có một người thành công. Biết bao giận hờn, tranh chấp kiểu trẻ con giữa các nhóm cũng từ những trò chơi hồn nhiên ấy mà ra...

Năm 1960 trở đi, cây thị trở thành chứng nhân cho những buổi chia ly. Trong ký ức của mình, ông Long vẫn còn nhớ những lần bạn bè và cả anh chị em họ hàng trong dòng tộc trạc tuổi nhau theo bố mẹ đi xa, cả nhóm tụ tập dưới gốc cây thị, đứng ôm nhau khóc nức nở. Rồi khi những người bạn của ông Long đi chiến đấu cũng hẹn ở cây thị này. Đó là những buổi tối, là ban ngày, là những cuộc chia tay bí mật và cả công khai. Những người bạn ngày ấy của ông như Nguyễn Văn Lân, Võ Quang Sơn... đi kháng chiến năm 1959, 1960 đều đã hi sinh ở cái tuổi vừa chớm 20.

Người anh hùng họ Thân

Cây thị cổ hơn 300 tuổi ấy còn gắn với một nhân vật nổi tiếng của dòng họ Thân: đại tá - Anh hùng LLVT Thân Trọng Một. Tên của ông đã được đặt cho một con đường ở phường Tây Lộc của TP Huế. Đại tá Thân Trọng Một (tên thật là Thân Trọng Thoan) là con trai của ông Thân Trọng Du, bác ruột của ông Long. Ông Long kể: “Khi chưa tham gia cách mạng, anh Một làm nông nên những buổi trưa đi làm đồng về hay ra gốc cây thị nghỉ ngơi, hóng mát. Khi anh Một chuẩn bị tham gia cách mạng thì cây thị cổ thụ ấy là nơi gặp gỡ, hội họp của các trai tráng trong làng bàn kế chống lại giặc Pháp”. Trái cây trong những cuộc họp bàn mưu sự đánh giặc của những chàng trai trẻ ngày ấy là những trái thị thơm ngọt.

Năm 1946 Huế vỡ mặt trận, ông Một bí mật về làng tập trung trai tráng thành lập nên một đơn vị chiến đấu riêng. Những chiến sĩ đầu tiên trong đội quân này được gọi theo số. Ông là người chỉ huy và thành lập đội nên mật danh là Một. Từ vài người bạn thân ban đầu dần dần phát triển lên tiểu đội, trung đội, đại đội. Pháp từng đưa quân về đóng ở vùng này định bắt sống vì biết ông Một hay về cây thị thăm nhà. Đối phương cài mật thám nhưng không tài nào bắt sống được ông cho đến trận đánh ác liệt vào tháng 12-1950. Trong trận chiến đó, ông Một bị thương và bị bắt.

Đối phương không giết người chỉ huy trẻ tuổi ấy vì thấy ông là một bậc quân sự tài năng mà giữ lại và tìm đủ cách o bế, lôi kéo. Người Pháp yêu cầu ông huấn luyện cho họ một đội quân gan dạ, tinh nhuệ như đội quân của ông. Họ còn mua chuộc người chiến sĩ cách mạng ấy bằng cách cho ông về nhà thăm cha mẹ. “Lần ấy anh Một về còn có viên sĩ quan người Pháp đi cùng. Cả hai đều cưỡi ngựa”, ông Long kể. Dưới bóng mát của cây thị trăm năm này, ông Một đã tiếp viên sĩ quan người Pháp bằng nải chuối hái sau vườn.

Khi tạo được sự tin tưởng, bớt cảnh giác của đối phương, ông Một đã tìm cách trốn thoát trở về chiến khu. Sau này ông là phó tham mưu trưởng Phân khu Trị Thiên. Trong chiến dịch Mậu Thân 1968, ông là chỉ huy trưởng đoàn 5 đánh vào nội thành Huế. Ông Long cho biết: “Trong sự kiện Tết Mậu Thân năm 1968, khi phát hiện dấu vết của anh Một và nhóm chỉ huy ở gần khu vực cây thị, đối phương cho san bằng cả khu vườn sáu mẫu của dòng tộc họ Thân. Bố mẹ anh Một bị giặc bắt tra tấn đến chết”.

Cái ngày kinh hoàng ấy cả khu vườn tan hoang. Những cây kền kền, cây gia, cây bộp... cao gần bằng cây thị bị phạt trụi gốc hết. Không còn cái gì cao quá ba tấc, chỉ còn cây thị. Ba quả bom napalm rơi xuống đầu cây mít và cây thị. Những thứ cha ông tổ tiên họ Thân để lại đều bị phá nát. Nhà thờ gia tộc thành một đống gạch vụn. Cây mít đồng tuổi với cây thị bị thiêu rụi. Cây thị bị phát cụt ngọn, chỉ còn trơ thân chừng 6m. Cả một vùng quanh gốc thị tả tơi và ngổn ngang một đống cành cây, lá thị gãy nát. Sau năm 1968 con cháu họ Thân phân tán. Gần 10 năm sau họ mới về mảnh đất hoang tàn này sinh sống, tái thiết được nhà thờ gia tộc. Khi ấy, cây thị mới sum sê cành lá trở lại. “Ngày xưa, tàng cây rộng với vào tận nhà thờ gia tộc, cách 14m. Bây giờ chỉ còn 7m...” - ông Long bùi ngùi nói.

Sau năm 1975, cây thị già khi đó chỉ còn trơ gốc như cây khô. Có người hàng xóm bảo phá đi lấy củi. “Đây là cây tổ tiên để lại. Thế nên chúng tôi dứt khoát không cho ai đụng đến cây”, ông Long giải thích. Nhờ thế mà bây giờ ngày tết hay lễ tảo mộ hằng năm, con cháu họ Thân ở Bắc Giang, Đà Nẵng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Sài Gòn...tụ tập về khu vườn này, cùng trải chiếu rải bạt ngồi nói chuyện, thăm hỏi nhau dưới gốc cây thị như một truyền thống. Ông Long bảo: “Dòng họ tôi có di chúc miệng cho con cháu là phải cùng nhau bảo quản, giữ gìn cây thị cổ này. Trong nội quy của họ tộc cũng nói đến điều này. Đó là truyền thống của gia tộc”.

__________

Tin bài liên quan:

Kỳ 1: "Cô Chín" hồ Gươm Kỳ 2: Bảo vật 671 tuổi Kỳ 3: Huyền tích 18 cây duối ngàn tuổi Kỳ 4: Chứng nhân màu xanh của Khánh Hòa Kỳ 5: Cây nhãn tổ Đại Thành Kỳ 6: Bảo vật ngàn năm tỏa hương

Đón đọc số tới:

Canh bạc thôn tính doanh nghiệp

Kỳ 1: Sóng ngầm chính trị - tài chính ở Ý

Cựu thủ tướng Ý Silvio Berlusconi sắp phải ra tòa lần thứ tư vì vụ bê bối thôn tính ngân hàng cách đây sáu năm. Ít nhất sáu quan chức và giám đốc ngân hàng đã phải xộ khám và nộp phạt vì vụ việc này.

MY LĂNG - THÁI LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên