Đó là cây dầu đôi ở ngã ba Thành (xã Diên An, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa) mà nhiều người vẫn thường gọi là “ngã ba Cây Dầu Đôi”.
Kỳ 1: "Cô Chín" hồ Gươm Kỳ 2: Bảo vật 671 tuổi Kỳ 3: Huyền tích 18 cây duối ngàn tuổi
Phóng to |
Cây dầu đôi ở ngã ba Thành (Khánh Hòa) - Ảnh: Mỹ Lăng |
Thăng trầm dưới tàng cây
Gần đến ngã ba Thành, từ xa đã thấy một cây hai nhánh cao sừng sững với tàng cây rất đẹp. Cây cao tới 30m, một bên tàng vươn ra đường, một bên che bóng mát cho miếu thờ Bình Tây đại tướng Trịnh Phong - người lãnh đạo phong trào Cần Vương yêu nước ở Khánh Hòa chống thực dân Pháp vào những năm 1885-1886. Một anh xe ôm ngồi nhờ bóng mát của cây dầu đôi cao lớn đón khách bảo: “Hồi tui học lớp 4 trong sách lịch sử có nói về cây dầu đôi này và thành Diên Khánh”.
Hỏi chuyện một số người lớn tuổi nhất ở gần cây dầu đôi, ai cũng khẳng định: miếu thờ ngài Trịnh Phong được người dân lập vào năm 1886 nhưng cây dầu đôi thì đã có rất lâu trước đó. Ông Kiều Xuân Cư (89 tuổi), một người được coi như cuốn lịch sử của Nha Trang, cho hay: “Ngày trước, dọc đường tới ủy ban xã Diên An còn có ba cây dầu rất to. Còn xa xưa hơn nữa thì thời Nguyễn, từ cây dầu đôi đổ về phía nghĩa trang xã Diên An bây giờ là một rừng cây dầu. Khi người dân di cư vào, qua quá trình khai hoang đã lần lần chặt cây dầu để làm đường, mở đất trồng trọt, dựng nhà”.
Với người Diên Khánh, cây dầu đôi như một hình ảnh quen thương hay một người bạn lâu năm. Biết bao thế hệ người Diên Khánh chọn cây dầu đôi là điểm hẹn như một địa chỉ quá đỗi quen thuộc. Như lời cụ Lê Văn Phiến, 88 tuổi, nhà ở gần cây dầu đôi, kể: “Muốn hẹn gặp thì cứ nói gặp tui ở cây dầu đôi là biết ngay. Đi đâu về, chỉ cần nói tui đứng ở cây dầu đôi, đến đó chở tui là biết ngay. Đi từ Bắc vào Nam hay từ Nam ra Bắc, chỉ cần nói cho tui cái vé đi cây dầu đôi lơ xe biết hơn là nói đi Diên Khánh!”.
Nhắc đến cây dầu đôi cổ thụ ấy, các cụ lão thành lại kể đến hàng loạt sự kiện lịch sử trong chiến tranh của người Nha Trang gắn với cây dầu đôi này: ngày 23-10-1945 - ngày toàn dân Nha Trang đồng loạt mở đầu cho 101 ngày đêm người dân Nha Trang chiến đấu, bao vây quân Pháp; ngày 6-1-1946, lần đầu tiên người dân được đi bầu cử... rồi những trận đánh mà cây dầu đôi từng được chọn là cột mốc của chiến tuyến trong những năm 1945-1946.
Với ông Kiều Xuân Cư, một chiến sĩ ở đất Diên An, những sự kiện như ngày 6-1-1946, ngày cả nước tham gia tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa đầu tiên, là dấu mốc không thể quên. Ông Cư khi đó phụ trách thông tin tuyên truyền của huyện Diên Khánh nên được giao nhiệm vụ làm tổ trưởng phụ trách buổi bỏ phiếu. Thùng phiếu được đặt cách cây dầu đôi 200m. Những ông bà già được con cháu chở xe đạp đến. Người không biết chữ nhờ người khác viết giùm. Suốt từ 9g sáng đến 12g trưa, máy bay địch quần phá trên trời. Pháp cho thả bom xuống khu vực dân đang bỏ phiếu. Trong khi chính quyền cho dân chạy xuống hầm thì thùng phiếu được ban tổ chức bầu cử bảo vệ bưng xuống hầm. Dân vẫn chạy theo... bỏ phiếu. Khi máy bay địch về sân bay quân sự Nha Trang, dân lại lên khỏi hầm bỏ phiếu tiếp. Hơn 2g chiều thì kết thúc cuộc bỏ phiếu. Tỉ lệ dân đi bỏ phiếu gần 100%.
Cây dầu đôi còn gắn với sự kiện ngày 23-10-1945, khi nhân dân Khánh Hòa tổ chức cuộc chiến đấu 101 ngày đêm trên mặt trận Nha Trang - Khánh Hòa. Quân kháng chiến đã làm tiêu hao sinh lực và giam chân giặc Pháp xâm lược, không cho chúng thực hiện âm mưu đánh nhanh, mở rộng chiến tranh ra vùng Nam Trung bộ. “Năm 1954-1955 khi tập kết ra Bắc, cứ nghe ai nhắc đến cây dầu đôi là tôi nhớ quê nhà da diết. Tôi thích nghe những người đồng đội từng đi vào Nam, từng đi qua Nha Trang kể về cây dầu đôi như một cách để đỡ nhớ nhà” - ông Hồ Quốc Ái bảo.
Cứu cây dầu đôi
Năm 2000, khi dự án mở rộng đường 23-10 được triển khai, số phận cây dầu đôi nổi tiếng được quan tâm đặc biệt. Công ty Công viên cây xanh tỉnh Khánh Hòa và UBND huyện Diên Khánh tìm mọi cách để giữ cây lại. Còn Sở Văn hóa - thông tin thì chủ động gửi văn bản đề nghị các cơ quan chủ quản xem xét đưa ra phương án giữ cây dầu đôi. “Đường cần thiết mà cây dầu đôi cũng rất quan trọng” - ông Nguyễn Văn Khánh, nguyên giám đốc Sở Văn hóa - thông tin tỉnh Khánh Hòa, nói.
UBND tỉnh liền thành lập hội đồng và tổ chức một cuộc họp bao gồm các sở, ban, ngành liên quan để bàn về vấn đề giữ cây dầu đôi. “Tất cả các sở ban ngành đều không bàn trước với nhau nhưng đều có cùng kiến nghị: giữ lại cây dầu đôi. Các cán bộ lão thành ở huyện Diên Khánh cũng góp ý rất nhiệt huyết. Ủy ban tỉnh đã chỉ đạo kịp thời. Sở Giao thông vận tải thì tiếp thu thiện chí” - nguyên giám đốc Sở Văn hóa - thông tin tỉnh Khánh Hòa kể. Ủy ban tỉnh giao cho Sở Giao thông vận tải vẫn tiến hành làm đường nhưng phải giữ được cây dầu đôi.
Ông Vũ Văn Doanh - phó văn phòng Sở Giao thông vận tải tỉnh Khánh Hòa - nhớ lại: “Khi mở rộng đường 23-10, bên tư vấn thiết kế thẳng nhưng khi Sở Văn hóa - thông tin kiến nghị ủy ban tỉnh giữ lại cây dầu đôi thì chúng tôi đã nghiên cứu và sửa lại bản thiết kế.
Tuy nhiên các cơ quan chức năng không lường trước được việc làm đường lại ảnh hưởng tới cây dầu đôi đến vậy. Vì cây dầu đôi quá lớn, gốc rễ “bơi” đến gần nửa đường nên muốn làm con đường này phải bỏ bớt phần rễ rồi đào sâu xuống đổ bêtông làm móng. Chính việc đổ bêtông ở dưới đã làm ngộp thở rễ cây, cây lại bị hun nóng từ nhựa đường nên mấy năm sau cành lá éo úa, khô cằn và có nguy cơ chết.
Ông Trần Đức Thắng (nguyên giám đốc Công ty Công viên cây xanh Khánh Hòa) kể: “Các cụ lão thành ở huyện Diên Khánh đã đề nghị chúng tôi có biện pháp khắc phục. Chúng tôi phải nhờ anh em quen biết bên lâm nghiệp tìm cách cứu chữa”. Sau một thời gian ngắn nghiên cứu, biện pháp được đề xuất với ủy ban tỉnh là phải mở rộng phạm vi của rễ cây, phải đào bỏ lớp bêtông kia đi. “Nói thẳng là lúc đó chúng tôi cũng không hi vọng nhiều rằng sẽ cứu được cây, bởi lúc đó có hai nhánh rất lớn của cây bị chết khô - ông Thắng cho hay - Chúng tôi phải mời cảnh sát giao thông tham gia phân luồng giao thông để hạ hai nhánh cây xuống, bơm thuốc trừ sâu lên lá cây, lắp đặt hệ thống ống ngầm dưới gốc cây để bơm nước hòa lẫn phân xuống cho cây”. Việc bơm nước bón phân được thực hiện gần nửa năm thì cây dầu đôi bắt đầu hồi sinh. Sắc xanh đã trở lại thay cho màu vàng úa đến nao lòng. Tỉnh Khánh Hòa đã bỏ ra hơn 50 triệu đồng, một con số không nhỏ vào thời điểm năm 2003, chỉ để dành cứu một cái cây là hành động khiến người dân Diên Khánh sống quanh cây dầu đôi cổ thụ nổi tiếng ấy phần nào ấm lòng...
“Thật sự khi mình cứu cây dầu đôi mới thấy cây có một giá trị tinh thần rất lớn đối với người dân Diên Khánh - ông Trần Đức Thắng chia sẻ - Thấy đội thi công của chúng tôi làm việc, người dân xung quanh kéo ra xem rất đông. Rồi thì người mang nước trà, người mang chuối, mang bánh ra cho chúng tôi bồi dưỡng. Bây giờ mỗi lần đi ngang qua thấy cây dầu đôi vẫn xanh tốt mà lòng xúc động lạ lắm...”.
__________
Kỳ tới: Cây nhãn tổ Đại Thành
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận