Hệ lụy là đất nông lâm nghiệp mất dần, nhường chỗ cho những khu đất bị bỏ hoang, chờ đẩy giá lên để bán. Những ruộng vườn trù phú bỗng chốc trở thành một đại công trường... không sản xuất.
Trong một hội nghị xúc tiến đầu tư mới đây tại Lâm Đồng, doanh nhân đến từ nhiều nơi đã chia sẻ rằng những ấp ủ đầu tư vào du lịch, chế biến nông sản của họ đành gác lại vì giá đất nông nghiệp đang bị thổi quá cao đến mức vô lý dẫn tới hệ số đầu tư/lợi nhuận giảm mạnh.
Chúng ta không thể bán đất "ăn" mãi. Giá đất không thể thổi lên ở khắp nơi, kể cả đất ruộng, đất làm muối, đất rừng... Khi giá bất động sản bị thả nổi là lúc vùng đất ấy tự đánh mất những cơ hội phát triển ổn định và bền vững.
Giá bất động sản ở vùng nào bị "thổi" quá mức, trong mắt các nhà đầu tư, lợi thế cạnh tranh ở vùng đó thấp, khả năng có nhà đầu tư chiến lược cũng sẽ thấp.
Đất nông nghiệp sau khi xẻ lô bán cho người đầu cơ đa số bị bỏ hoang hoặc sản xuất cầm chừng chờ thời. Nông dân bán đất bỗng chốc giàu có nhưng không còn sinh kế. Tiền bán đất thường teo tóp dần. Tưởng giàu có, bỗng chốc nông dân hóa nghèo.
Có tiền không có nghĩa dễ dàng chuyển đổi nghề nghiệp khác có thu nhập ổn định. Nông dân thất nghiệp ngay trên mảnh đất quê nhà. Nguy cơ bất ổn xã hội sẽ xuất hiện từ đây.
Đã từng có những bài học tương tự với nông dân ở TP.HCM, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu... Vậy tại sao thực trạng này vẫn lặp đi lặp lại hết nơi này đến nơi khác, theo đường đi của cò đất?
Vâng, nó bắt nguồn từ quy định tách thửa. 500m2 là diện tích tối thiểu được phép tách thửa, làm sổ đỏ đối với đất nông nghiệp đã được các chủ đất khai thác làm dự án "ma" trên đất nông nghiệp. Họ thường dùng chiêu "hiến đất làm đường phục vụ sản xuất".
Chỉ sau vài bước thực hiện, cùng sự quản lý lỏng lẻo của địa phương, "dự án" đã hình thành. Rồi màn quảng cáo rầm rộ, đặt tên thật kêu biến đất nông nghiệp thành đất ở. Dự án bất động sản "ma" như Alibaba hay ở Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng hình thành theo chiêu thức này.
Cơ quan quản lý địa phương nhận ra sự bất cập này, nhưng họ cũng không có cách nào khác bởi luật cho phép.
Chưa kể không ít cán bộ quản lý đã "ăn theo" để cho cò đất hoành hành. Giới đầu cơ đất tận dụng triệt để và thực hiện với tốc độ nhanh hơn khả năng kiểm soát của cơ quan chức năng địa phương.
Sự cố gắng quản lý đất đai của UBND các cấp như ở Lâm Đồng chỉ dừng lại ở mức độ "làm rõ tính phù hợp của việc mở các tuyến đường trên đất nông nghiệp để phân lô, tách thửa".
Vì vậy, bên cạnh thực hiện nghiêm quy hoạch vùng sản xuất, cần thiết phải đánh giá lại được/mất của quy định tách thửa. Nếu vẫn duy trì quy định này, cần có những rào chắn hiệu quả hơn để tránh tình trạng núp bóng làm dự án "ma", thổi giá đất...
Không thể chần chừ, bởi hệ lụy từ bong bóng bất động sản đủ sức kéo lùi sự phát triển kinh tế của các địa phương, tạo nên những phức tạp trong xã hội không dễ gì khắc phục.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận