21/07/2020 08:41 GMT+7

'Cứ nhắm mắt lại là nghe mẹ mắng đồ không làm nên cơm cháo gì'

CAO VĂN LONG (Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia - Bộ Xây dựng)
CAO VĂN LONG (Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia - Bộ Xây dựng)

TTO - Cháu tôi thi trượt, buộc phải học một trường thường. Chị dâu tôi bị sốc nặng. Chị giống như một con hổ khát mồi cảm thấy tức tối, thất vọng vì con đã phụ công lao của mình.

Cứ nhắm mắt lại là nghe mẹ mắng đồ không làm nên cơm cháo gì - Ảnh 1.

Phụ huynh đội mưa chờ con thi vào lớp 10 tại TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Hai năm trước, cháu gái tôi thi lên lớp 10. Trước hôm thi, cháu nhắn tin chia sẻ với tôi rằng cảm thấy rất áp lực, đôi lúc khó thở vì sợ, thắc thỏm trước áp lực thi đỗ. Cháu tôi bảo: "Cháu không sợ trượt trường chuyên, mà sợ làm bố mẹ thất vọng".

Chị dâu tôi đầu tư cho con học thêm không ít tiền của, những mong con gái sẽ vào được trường chuyên hàng đầu tại Hà Nội. Vì bỏ tiền nhiều nên chị đòi hỏi ở con cũng không ít. 

Đi đâu chị cũng nói: "Với lực học của cháu thì trường nào cũng có thể đỗ". Những khi nghe câu đó khiến cháu gái tôi không vui kèm theo lo lắng, học làm sao để đáp ứng được "nhiệm vụ thi đỗ" của mẹ?

Điều đáng nói, chị dâu tôi như một chủ đầu tư, bỏ vốn và chờ đợi ngày thu lợi nhuận. Cháu tôi trước áp lực của mẹ đã cầu cứu tới cô giáo chủ nhiệm (dạy văn của cháu) nhưng không ăn thua. 

Cháu sống trong âu lo, học trong nỗi hoang mang suốt nhiều năm. Và những chỉ thị của mẹ khiến cháu đôi lúc chán chường, trầm cảm muốn giải thoát mình.

Con gái học và thi, nhưng chị dâu tôi mới lại là người hiếu thắng. Bởi vậy cháu học trong căng thẳng, rồi ôn thi như cái máy cốt làm sao cho tốt để đạt được mục tiêu của mẹ. 

Cháu bảo cứ nhắm mắt lại là oang oang những lời của mẹ và trong những giấc mơ, cháu mơ thấy mình thi trượt và bị mẹ hạ nhục là đồ thất bại, là đồ không làm nên cơm cháo gì. 

Cháu tôi từ một đứa nhanh nhẹn, hoạt bát trở nên khép kín, ngoài học ra thì cháu chẳng giao lưu gì, chẳng có thời gian để chơi với bạn bè, không có được cảm xúc vui vẻ, hồn nhiên của tuổi học trò.

Và kết quả năm ấy cháu tôi thi trượt thật, buộc phải học một trường thường. Điều này khiến chị dâu tôi bị sốc nặng. Chị giống như một con hổ khát mồi cảm thấy tức tối, thất vọng vì con gái đã phụ công lao của mình. Chị mù quáng, xúc phạm khiến cháu tôi bị trầm cảm. 

Sau một thời gian gặp chuyên gia tâm lý để điều trị, dần dần cháu đã lấy được thăng bằng nhưng chị dâu tôi vẫn chưa thực sự tỉnh táo. Cái đích con vào trường chuyên của chị đã và đang làm khổ con, khổ mình mà chị vẫn quyết không buông, không bỏ cuộc.

Từ câu chuyện của cháu gái, tôi tự hỏi cha mẹ sao cứ phải làm tội làm tình con cái vì chuyện học? Có lẽ còn không ít đứa trẻ cũng đang mang trên mình gánh nặng thi cử như cháu tôi. Đã bao nhiêu bài học đắt giá phơi bày đấy, nhưng dường như vẫn chưa đủ để phụ huynh tỉnh ngộ.

Ám ảnh thi trượt, ám ảnh từ những lời trách móc của cha mẹ, ám ảnh từ những kỳ vọng của người lớn đang khiến bao đứa trẻ dằn vặt mình, mất niềm tin vào chính mình. 

Phần lớn người ta vẫn tin vào những đánh giá cảm tính về năng lực của một đứa trẻ qua điểm số, qua việc vào trường chuyên lớp chọn. Để rồi câu chuyện buồn sau các kỳ thi vẫn luôn còn đó. 

Đến khi nào người lớn cho các con quyền được thi trượt, có quyền được trải nghiệm, được trưởng thành qua thất bại, thay vì những chỉ thị, mục tiêu phải thi đỗ?

Bộ GD-ĐT nói gì về cuộc tranh cãi giữ hay bỏ hệ thống trường chuyên? Bộ GD-ĐT nói gì về cuộc tranh cãi giữ hay bỏ hệ thống trường chuyên?

TTO - Trong cuộc họp báo quý 2 của Bộ GD-ĐT tổ chức chiều 30-6, đã có rất nhiều phóng viên hỏi quan điểm của Bộ GD-ĐT về cuộc tranh cãi trên mạng xã hội: giữ hay bỏ hệ thống trường chuyên.

 

CAO VĂN LONG (Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia - Bộ Xây dựng)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên