Trước khi trở thành người biết ứng xử tích cực trên mạng xã hội, tôi từng là một người khá tiêu cực trước một số vấn đề. Ví dụ, tôi từng lên án những hành vi tiêu cực như gian lận thi cử; chuyện thầy cô thỉnh giảng đi dạy không biết soạn giáo án, ăn cắp giờ của sinh viên hoặc đến lớp để dụ dỗ học trò tham gia những lớp dạy thêm bên ngoài.
Một thời gian dài, vài người thân, bạn bè ghé tai nói nhỏ tôi rằng cuộc sống vốn dĩ như thế mà. Không phải lúc nào mọi việc diễn ra trước mắt cũng hoàn toàn tốt đẹp, như cách chúng ta muốn.
Khoe những điều tốt đẹp quanh ta
Mọi thứ không bao giờ hoàn hảo. Thay vì chọn cách lên án gay gắt, gặp việc gì cũng phản ánh một cách thái quá lên mạng xã hội thì hãy dành thời gian đó cho những cảm xúc tích cực, những điều vui vẻ.
Chỉ nên góp ý những gì thật cần thiết, mang tính xây dựng và có kết quả. Không nên việc gì cũng bung bét. Vì như vậy người quen, đối tác, bạn bè sẽ có cảm giác lo ngại hay e dè, không muốn tiếp cận mình hay hợp tác công việc.
Nghe những lời phân tích, tôi nhận ra được những điều thành ý. Nhưng về niềm vui, tôi thấy cuộc đời của mình chưa có quá nhiều may mắn hay thành tựu như bao người. Nhưng không sao, tôi đã biết nhìn ra những điều thật tốt đẹp từ những gì giản dị nhất xung quanh.
Tôi phát hiện đầu hẻm nhà mình có chú bán cà phê trông có vẻ dữ dằn, hay la người này người nọ nếu họ đậu xe lung tung, đi đứng khệnh khạng. Với vẻ ngoài và thể hiện khó tính vậy nhưng trong mùa dịch, chú có tấm lòng của một vị sư hay Bồ tát. Toàn bộ tiền lời từ buôn bán, chú trích ra mua rau - củ - quả để trên bàn cho ai trong xóm khó khăn, ngặt nghèo tự đến lấy. Chú kinh doanh giải khát, cà phê nhưng lại hay tặng không trà đá, cà phê cho các cô chú lao công, quét rác.
Đối diện phía bên kia đường, tôi biết một chị bán cơm cho cán bộ - nhân viên mấy cơ quan, công ty hoặc nhà thầu xây dựng gần đó. Thi thoảng, chị bán thiếu cho công nhân viên nghèo hoặc cho sinh viên nợ tiền cơm đến cả tháng mới lấy.
Vài lần, chị bị người ta đặt mua cơm xong quỵt tiền bỏ chạy. Chị không đuổi theo hay làm quá lên, mà chỉ đứng nhìn rồi tự an ủi "xem như mình làm từ thiện, vì đâu ai cướp giật một hộp cơm của người khác mà trở nên giàu".
Có lần, tôi chứng kiến cảnh một cô khoảng hơn 40 tuổi mua cơm rồi co giò bỏ chạy không trả tiền. Cũng như bao lần, chị chỉ đứng chôn chân ngắm nhìn. Người giật cơm chạy được một đoạn thì dừng lại ngoái nhìn xem thử người bán có đuổi theo không. Tôi thấy chị bán cơm bật cười, lắc đầu rồi thở dài: "Tội nghiệp!".
Ở trong xóm nghèo này hơn 3 năm, tôi phát hiện không chỉ có chú bán giải khát cà phê, cô bán cơm có tấm lòng thiện nhân.
Xóm còn có cô Tư nhà đầy hoàn cảnh, không giàu có hơn ai nhưng sẵn sàng nhường cơm xẻ áo cho người khác.
Lần đó, bạn bè tôi có một số phần quà giúp đỡ người nghèo, tôi đại diện nhận về mang phân phát cho mọi người. Tôi đưa cho cô Tư một phần. Nhận xong cô liền xin phép tôi cho cô chia sẻ lại cho hộ gia đình khác, vì cô thấy họ đang quá khó. Tôi nhìn hoàn cảnh cô, thấy cảm động và thương.
Chỉ là những câu chuyện nhỏ, đời thường như vậy, nhưng kể từ khi biết lặng nhìn, cảm nhận và chia sẻ những điều tử tế trong cuộc sống, tôi thấy bạn bè cùng những người quen trên mạng rất ủng hộ. Số người quan tâm đến trang cá nhân, nhân nút theo dõi hoặc kết bạn với tôi mỗi ngày nhiều hơn.
Khoe hay không khoe: Phải cân nhắc
Việc khoe niềm vui hay hạnh phúc trên mạng xã hội cũng là một việc làm tích cực thôi. Bởi nó mang lại nguồn năng lượng tốt đẹp, tạo sự phấn chấn, hứng khởi cho người khác.
Tuy nhiên, chuyện nào nên khoe, chuyện nào cất giữ mỗi chúng ta cũng cần cân nhắc. Bởi không nhất thiết phải khoe thành tích, địa vị hay may mắn của bản thân để tránh việc hiềm khích, ganh đua và ghét nhau không cần thiết.
Thay vào đó, hãy lan tỏa những niềm vui tích cực từ những cảm nhận cuộc sống ý nghĩa, truyền cảm hứng, động lực ở xung quanh mình.
Một việc tốt ý nghĩa của người khác, dù nhỏ, khi chúng ta cảm nhận được và biết cách lan tỏa, sẽ giúp nhân lên những niềm vui. Điều đó không chỉ khuyến khích người làm việc tốt, tử tế tiếp tục sống đẹp mà còn tạo cảm hứng tích cực cho nhiều người noi theo.
Nếu là việc tốt, nhất là của người khác, nếu được phép, hãy cứ khoe đi, chớ ngần ngại chi!
Bạn nghĩ sao về việc khoe niềm vui, hạnh phúc trên mạng xã hội? Theo bạn, có nên giữ niềm hạnh phúc cho riêng mình và người thân? Mời bạn chia sẻ quan điểm về hòm mail tto@tuoitre.com.vn. Tuổi Trẻ Online cảm ơn bạn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận