19/11/2021 08:41 GMT+7

COVID-19 thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong ngân hàng

A.HỒNG - LÊ THANH - NHƯ BÌNH - ĐỨC THIỆN
A.HỒNG - LÊ THANH - NHƯ BÌNH - ĐỨC THIỆN

TTO - Đại dịch đã thay đổi thói quen thanh toán của người dân, vì thế doanh nghiệp thích ứng theo bước chân người tiêu dùng. Giới ngân hàng cũng đang tích cực trong việc chuyển đổi số để gia tăng tiện ích cho khách hàng của mình.

COVID-19 thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong ngân hàng - Ảnh 1.

Toàn cảnh hội thảo - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ông Lê Thế Chữ - tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - cho biết chuỗi sự kiện Ngày không tiền mặt 16-6-2021 chính thức khởi động từ đầu tháng 6-2021. Các hoạt động năm nay diễn ra trong bối cảnh hết sức đặc biệt, đó là lần đầu tiên trong lịch sử, 19 tỉnh thành phía Nam thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch COVID-19 và để thích ứng với hoàn cảnh, các hoạt động của chương trình đã được đưa lên nền tảng trực tuyến. 

Trong đó, trên báo Tuổi Trẻ Online và hệ sinh thái mạng xã hội của Tuổi Trẻ, ban tổ chức đã mở hoạt động game show dành cho bạn đọc và người tiêu dùng như: Rap cùng Lona, Đoán đúng trúng quà, Càng biết càng vui… 

Đặc biệt, buổi livestream về Thanh toán không tiền mặt lên ngôi trong mùa giãn cách, workshop trang bị kỹ năng tài chính cho sinh viên Đại học Quốc gia TP.HCM với tên gọi Sinh viên và kỹ năng tài chính thông minh thời 4.0 hay chương trình Giỏ quà nghĩa tình mùa dịch đã thu hút hàng triệu lượt người tham gia tương tác. 

Chỉ riêng chương trình Giỏ quà nghĩa tình triển khai phối hợp giữa báo Tuổi Trẻ, Saigon Co.op và sàn thương mại điện tử Shopee trong 20 ngày phát động trong tháng 7-2021 đã nhận được hơn 10.000 giỏ quà đóng góp của người tiêu dùng trên cả nước, trị giá hơn 1,5 tỉ đồng. 

Toàn bộ số quà trên đã được ban tổ chức phối hợp cùng Thành đoàn và Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP.HCM trao tặng cho đồng bào gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn TP.HCM - địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong đợt dịch bùng phát lần 4 vừa qua - vào đúng những ngày “ai ở đâu ở yên đó” là nguồn động viên, chia sẻ kịp thời với các hoàn cảnh khó khăn, tạo hiệu ứng tốt trong cộng đồng.

COVID-19 thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong ngân hàng - Ảnh 2.

Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ Lê Thế Chữ - Ảnh: QUANG ĐỊNH

“Để tiến đến một quốc gia không tiền mặt như chủ đề của buổi hội thảo hôm nay, chúng ta phải xác định làm tốt ba trụ cột, đó là hành lang pháp lý, hạ tầng công nghệ và truyền thông, trong đó công tác truyền thông giữ vai trò quan trọng trong việc giúp người dân hiểu về các lợi ích của việc thanh toán không sử dụng tiền mặt, đặc biệt trong bối cảnh phòng chống dịch như hiện nay, từ đó thay đổi thói quen, hành vi tiêu dùng”, ông Chữ nói. 

Một điều rất thuận lợi về mặt chính sách là ngày 28-10 vừa qua Chính phủ cũng vừa ký ban hành đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021 - 2025, trong đó có đề ra các mục tiêu và rất nhiều giải pháp cụ thể. Đây sẽ là cơ sở để các cơ quan triển khai thực hiện, trong đó có vai trò trách nhiệm của các cơ quan báo chí.  

COVID-19 thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong ngân hàng - Ảnh 3.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng đánh giá sau 2 năm tổ chức, chương trình Ngày không tiền mặt đã khẳng định được ý nghĩa, sức lan tỏa lớn khi nhận được sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo Chính phủ, sự phối hợp tích cực của các bộ ngành, UBND TP.HCM, các cơ quan báo chí cũng như sự hưởng ứng, tham gia của đông đảo doanh nghiệp, chuyên gia và người dân.

Trả tiền vé máy bay, học phí, viện phí… đều online

Nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho thanh toán không dùng tiền mặt, theo thống đốc, NHNN cũng đã chủ động nghiên cứu, xây dựng quy định pháp lý tạo thuận lợi cho việc triển khai các dịch vụ thanh toán dựa trên ứng dụng công nghệ như hướng dẫn các ngân hàng mở tài khoản thanh toán thông qua xác thực khách hàng bằng phương thức điện tử (eKYC), ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật thanh toán (mã QR, thẻ chip nội địa...).

Bên cạnh đó, các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán nghiên cứu, đầu tư mạnh vào hạ tầng công nghệ, giải pháp kỹ thuật, tích hợp kết nối với các dịch vụ khác trong nền kinh tế, thiết lập hệ sinh thái số và cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán an toàn, tiện ích, nâng cao sự trải nghiệm, sự hài lòng của khách hàng.

Đến nay, trên ứng dụng Mobile banking, ví điện tử và tạo lập hệ sinh thái số của các ngân hàng, trung gian thanh toán, người dân không chỉ đơn thuần chuyển tiền, vấn tin mà giờ đây thanh toán, chi trả cho hầu hết mọi nhu cầu mua sắm giao dịch hàng ngày cả trực tiếp lẫn trực tuyến như thanh toán học phí, viện phí, đi chợ/siêu thị trực tuyến, gọi xe - giao hàng, đặt mua vé máy bay, tour du lịch, vé tàu xe...

"Nhờ đó, thanh toán qua thiết bị di động tăng trưởng mạnh hàng năm 90% về số lượng và 150% về giá trị. Nhiều ngân hàng đạt trên 90% giá trị giao dịch trên kênh số. Chỉ từ tháng 3-2021 đến nay đã có thêm hơn 1,8 triệu tài khoản thanh toán được mở trực tuyến theo phương thức mới eKYC trong số hơn 100 triệu tài khoản thanh toán đang hoạt động tại Việt Nam", bà Hồng nhấn mạnh.

COVID-19 thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong ngân hàng - Ảnh 4.

Hội thảo "Tiến đến quốc gia không tiền mặt" diễn ra tại Landmark 81, Q.Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Bên cạnh đó, thời gian qua, ngành ngân hàng đã miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán hỗ trợ kịp thời cho người dân, doanh nghiệp. Cụ thể, giảm 50% phí hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng; giảm 70-100% phí chuyển mạch, bù trừ điện tử; miễn, giảm phí dịch vụ... tổng số tiền giảm phí năm nay khoảng 1.557 tỉ đồng, còn tính cả năm 2020 thì con số này hơn 2.000 tỉ đồng…

Tiếp tục thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt

Tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, theo bà Hồng, NHNN sẽ tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, xây dựng cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho việc chuyển đổi số hoạt động ngân hàng, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trên cơ sở ứng dụng công nghệ, tạo thuận lợi cho người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa tiếp cận được dịch vụ,...

Trước mắt, NHNN hoàn thiện, trình Chính phủ nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt, nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng (Fintech Sandbox) và ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai.

Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành cơ quan liên quan triển khai có hiệu quả Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025; thí điểm Mobile Money; tăng cường công tác đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán điện tử...

"Thông qua các chương trình hội thảo ngày hôm nay và các chuỗi sự kiện của Ngày không tiền mặt do báo Tuổi Trẻ phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức sẽ lan tỏa và truyền đi thông điệp tích cực về thanh toán không dùng tiền mặt đến với người dân và toàn xã hội" - bà Hồng tin tưởng.​

COVID-19 làm thay đổi thói quen không tiền mặt

COVID-19 thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong ngân hàng - Ảnh 5.

Những trở ngại của khách hàng đến với thanh toán không tiền mặt - Nguồn: Saigon Co.op và Deloitte

Từ góc nhìn của nhà phân phối bán lẻ hiện đại, ông Nguyễn Anh Đức, tổng giám đốc Saigon Co.op, cho biết thanh toán không tiền mặt đã mang lại những cơ hội rất lớn nhưng đi kèm nhiều thách thức cho các nhà bán lẻ.

Dẫn dắt một cách dí dỏm, ông Nguyễn Anh Đức cho biết đã có thay đổi mạnh mẽ trong thói quen tiêu dùng, thanh toán của người tiêu dùng tại hệ thống suốt mùa dịch vừa qua. 

COVID-19 thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong ngân hàng - Ảnh 6.

Ông Nguyễn Anh Đức, tổng giám đốc Saigon Co.op - Ảnh: T.T.D.

Từ tỉ trọng 4% khách hàng thanh toán không tiền mặt khi mua hàng ở các siêu thị, cửa hàng của Saigon Co.op thì ngay trong dịch COVID-19 con số này tăng vọt lên 40%, thậm chí nhiều thời điểm lên đến 50%. 

Đây là con số mục tiêu mà Saigon Co.op dự kiến mất 3-4 năm nữa mới đạt được. Tuy nhiên, theo ông Anh Đức, con số tăng trưởng 40% thực tế không hề bền vững, bởi ngay cả những người đi chợ hộ còn vẫn sử dụng tiền mặt để thanh toán dù người nhờ đi chợ chuyển khoản cho hộ. Trong khi đó bản thân các nhà bán lẻ cũng chưa có sự chuẩn bị kỹ để bắt kịp cơ hội này. 

“Đáng ra tỉ lệ 40% này còn có thể tăng cao hơn nhiều”, ông Anh Đức nói. Và thực tế khi COVID-19 đi qua thì tỉ lệ này nhanh chóng rớt về mức bình quân 10%. Sự thay đổi cho thấy thách thức để thói quen thanh toán không tiền mặt còn rất nhiều và cũng phản ánh tiền mặt trong dân… còn rất lớn", ông Đức nói.

Khảo sát mới nhất của Saigon Co.op đã chỉ ra những trở ngại đang ảnh hưởng đến thói quen này của người dùng. Có đến 28% người dùng đánh giá thanh toán không tiền mặt chưa thực sự tiện lợi trong khi các điểm chấp nhận thanh toán chưa nhiều, chưa đa dạng. Ngoài ra, 27% người dùng vẫn còn nhiều băn khoăn về các thông tin liên quan đến thanh toán không tiền mặt. 

“Những băn khoăn này đòi hỏi vai trò của truyền thông cần phải được thúc đẩy nhiều hơn nữa. Chúng ta cần bắt đầu từ những giá trị giao dịch nhỏ để có số lượng giao dịch lớn hơn, từ đó dần hình thành thói quen giao dịch không tiền mặt, ông Anh Đức nói và cũng cho biết bản thân hệ thống cũng đang có những thay đổi trong quản trị, thích ứng cho xu hướng này.

COVID-19 thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong ngân hàng - Ảnh 7.

Các đại biểu trong hội thảo - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Ông Lưu Tuấn Nghĩa, giám đốc phát triển kinh doanh, mảng chấp nhận thanh toán, Visa Việt Nam, cho biết: Nghiên cứu về thái độ thanh toán của người tiêu dùng của Visa do CLEAR triển khai vào tháng 8 và 9-2021, được khảo sát trên 6.520 người tiêu dùng ở Singapore, Philippines, Thái Lan, Indonesia, Việt Nam, Malaysia, Myanmar và Campuchia cho thấy, thanh toán tiền mặt ngày càng giảm tại Việt Nam từ khi đại dịch COVID-19 diễn ra và sẽ còn tiếp tục giảm nhiều hơn nữa trong tương lai. 

Thói quen mới: mua sắm trực tuyến và hạn chế tiền mặt

Các phương thức thanh toán không tiền mặt nhanh, tiện lợi, giảm nguy cơ lây nhiễm nên sự đón nhận của người dùng tốt hơn. Ít nhất 3 trong số 5 người tiêu dùng Việt mang ít tiền mặt hơn, chủ yếu nhờ sự phổ biến của hình thức thanh toán thẻ hoặc không tiếp xúc. Tần suất thanh toán bằng tiền mặt giảm đáng kể từ đại dịch COVID-19 và được dự đoán sẽ tiếp tục giảm mạnh hơn nữa trong tương lai. 

Ít nhất 65% người tiêu dùng cho biết lượng tiền mặt trong ví của họ đã giảm, thay vào đó họ sử dụng nhiều thẻ và các phương thức thanh toán không tiếp xúc hơn. Tại Việt Nam, các phương thức thanh toán không tiền mặt tiếp tục tăng mạnh. 

Người Việt ngày càng có nhiều thiện cảm đối với thanh toán không tiền mặt và đang cố gắng chuyển đổi hết các giao dịch sang hình thức thanh toán không tiền mặt. 84% người tiêu dùng cho biết họ đã lên kế hoạch hạn chế dùng tiền mặt và sử dụng các phương thức thanh toán không tiền mặt thường xuyên hơn. 

COVID-19 thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong ngân hàng - Ảnh 8.

Ông Lưu Tuấn Nghĩa - giám đốc phát triển kinh doanh mảng chấp nhận thanh toán Visa Việt Nam - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Đại dịch tác động tích cực đến tần suất sử dụng thanh toán không tiếp xúc bằng điện thoại. Số lượng giao dịch trên các sàn thương mại điện tử ngày càng tăng và sự thay đổi trong loại hình ứng dụng giao dịch yêu thích. 

Hơn 75% cho biết họ thực hiện giao dịch nhiều hơn một lần mỗi tuần. Ngoài ra, năm 2021, hơn một nửa người Việt chuyển sang ưu tiên lựa chọn sử dụng một ứng dụng dùng chung cho tất cả các loại giao dịch, 53% so với năm 2020 chỉ 32%. 

Dưới tác động của COVID-19, dịch vụ giao hàng tận nhà có cơ hội phát triển mạnh mẽ khi nhiều người tiêu dùng đã bắt đầu sử dụng dịch vụ này. Hơn 80% đã sử dụng dịch vụ giao tận nhà lần đầu tiên vì COVID-19. Nhiều thói quen mới đã được hình thành sau đại dịch, trong đó nổi bật là mua sắm trực tuyến và hạn chế thanh toán bằng tiền mặt. 

Theo ông Nghĩa, những thói quen mới hình thành sau đại dịch gồm: An toàn cá nhân và mua sắm hạn chế tiền mặt là những thói quen sẽ được duy trì kể cả khi đại dịch kết thúc, chẳng hạn mua sắm trên các nền tảng trực tuyến, tránh thanh toán bằng tiền mặt và đeo khẩu trang. Nhiều lĩnh vực được dự đoán sẽ hoàn toàn không dùng tiền mặt, đồng thời kỳ vọng của người tiêu dùng đối với một xã hội không tiền mặt là rất tích cực. 

Hơn 1/3 người tiêu dùng đã kỳ vọng Việt Nam trở thành một xã hội không tiền mặt trong vòng từ 5-9 năm tới. Thanh toán hóa đơn, mua sắm siêu thị và du lịch quốc tế là những lĩnh vực được dự đoán sẽ dẫn đầu trong xu thế xã hội không tiền mặt.

Giáo dục tài chính hướng tới phụ nữ giới trẻ, người già... ở nông thôn

COVID-19 thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong ngân hàng - Ảnh 9.

Bà Lê Thị Thúy Sen - vụ trưởng Vụ Truyền thông - Ngân hàng Nhà nước - trình bày tham luận Sự bùng bổ của công nghệ thanh toán tại Việt Nam và các vấn đề người tiêu dùng phải đối mặt - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Bà Lê Thị Thúy Sen - vụ trưởng Vụ Truyền thông - NHNN - cho biết NHNN là đơn vị được Chính phủ giao thực hiện nhiệm vụ điều phối chung Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó truyền thông giáo dục tài chính là một nhiệm vụ quan trọng để thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia nói chung, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt nói riêng.

Thời gian qua, theo bà Sen, NHNN đã có 4 thay đổi đột phá trong hoạt động truyền thông giáo dục tài chính. 

Trước hết là thay đổi trong việc chú trọng đến chủ trương của Chính phủ về tài chính toàn diện, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính, bảo vệ người tiêu dùng sử dụng dịch vụ tài chính trong bối cảnh hội nhập nên phải thay đổi trong hoạt động truyền thông để thực hiện chủ trương đó. 

Hai thay đổi tiếp theo là về nội dung thông tin và hình thức truyền thông, lựa chọn các hình thức truyền thông đa dạng, sáng tạo, linh hoạt, phù hợp với từng đối tượng công chúng mục tiêu. 

Thay đổi thứ tư là thay đổi về cách thức đánh giá kết quả truyền thông. Sau khi thực hiện các chương trình truyền thông, NHNN sẽ thực hiện đánh giá kết quả dựa trên các cơ sở dữ liệu cụ thể chứ không chỉ là các đánh giá định tính thông thường. 

Trên thực tế, bà Sen cho rằng có “4 khó” mà hoạt động truyền thông giáo dục tài chính, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt cần phải giải quyết, gồm: Khó nhớ, Khó tiếp thu, Khó áp dụng, Khó lan tỏa. 

Để giải quyết triệt để 4 khó kể trên, giải pháp 4 dễ được NHNN áp dụng trong hoạt động truyền thông giáo dục tài chính là: Dể hiểu, Dễ nhớ, Dễ làm, Dễ lan tỏa. 

“Mục tiêu của các hoạt động truyền thông giáo dục tài chính của NHNN thời gian tới là tiếp tục nâng cao nhận thức của công chúng về tài chính - ngân hàng, thanh toán không dùng tiền mặt, từ đó góp phần thay đổi hành vi, thói quen và phương thức sử dụng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, góp phần giảm thiểu chi phí xã hội, bảo vệ người sử dụng dịch vụ các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng… Nhóm công chúng mục tiêu mà chúng tôi hướng tới là giới trẻ, phụ nữ, người nghèo, người già, hưu trí, công nhân và người dân ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, những đối tượng yếu thế trong xã hội”, bà Sen cho biết.  

Thay đổi theo bước chân người tiêu dùng

COVID-19 thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong ngân hàng - Ảnh 10.

Các khách mời trong phiên thảo luận Doanh nghiệp thay đổi như thế nào để thích ứng với thói quen tiêu dùng của người dân? - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Hội thảo bước vào phiên thảo luận chủ đề: Doanh nghiệp thay đổi như thế nào để thích ứng với thói quen tiêu dùng của người dân? 

Ông Hoàng Công Gia Khánh, phó hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế - Luật, dẫn dắt phiên thảo luận, đã nêu thắc mắc: Nhà bán lẻ như Saigon Co.op sẽ làm gì để thuyết phục người tiêu dùng “ở lại” với thói quen thanh toán không tiền mặt khi dịch đi qua?  

COVID-19 thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong ngân hàng - Ảnh 11.

PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh - phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Luật (UEL) - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ông Nguyễn Anh Đức, tổng giám đốc Saigon Co.op, cho biết toàn hệ thống đã đón nhận biến đổi COVID-19 đối với hành vi tiêu dùng từ cách mua sắm, thanh toán một cách đột ngột, không nhiều sự chuẩn bị, thậm chí mang tính đối phó. 

Trước dịch, bản thân nhà bán lẻ này cũng chưa có sự chuẩn bị thật tốt nhất cho những phương tiện thanh toán, đó cũng là lý do con số tăng trưởng chỉ dừng 40%.

Sau đại dịch, dù khách quay về thói quen cũ nhưng hiện cũng đã có khách hàng nhớ hình thức thay đổi này và có sự đan xen giữa không tiền mặt và tiền mặt, tỉ lệ duy trì ổn định khoảng 10-11%.

Để duy trì được tỉ lệ này, theo ông Đức, chắc chắn cần nhiều giải pháp, nhưng quan trọng nhất vẫn cần có sự chủ động giữa các đơn vị chấp nhận thanh toán và nhà cung ứng dịch vụ. Ngoài ra, sự phát triển blokchain, tiền điện tử… sẽ là câu chuyện tạo nên sự phát triển không sử dụng tiền mặt một cách bền vững hơn.

COVID-19 thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong ngân hàng - Ảnh 12.

Ông Nguyễn Anh Đức - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Chiến lược truyền thông của NHNN trong thời gian tới có điều chỉnh như thế nào để phát triển khách hàng mới? 

Bà Lê Thị Thúy Sen, vụ trưởng Vụ Truyền thông, NHNN, cho biết giải pháp truyền thông của NHNN là hướng mục tiêu vào những người đã dùng, những người đang băn khoăn và những người chưa dùng. 

Với những người đã dùng, NHNN tiếp tục truyền thông cho họ những lợi ích, cải tiến của phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. 

Ngành ngân hàng chuyển đổi số mạnh mẽ mà tiếp tục ứng dụng công nghệ là hướng đến lợi ích, tiện ích cho người tiêu dùng. Với những người đang băn khoăn như về phí, NHNN sẽ truyền thông về phí. 

Như thời gian qua, ngành ngân hàng đã giảm phí cho người dân và doanh nghiệp, nhất là trong đại dịch. Hầu hết các ngân hàng, những giao dịch dưới 500.000 là miễn phí. 

COVID-19 thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong ngân hàng - Ảnh 13.

Ông Nguyễn Minh Tâm - phó tổng giám đốc Ngân hàng Sacombank - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Ông Nguyễn Minh Tâm, phó tổng giám đốc Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), cho biết hiện nay có nhiều thay đổi ngày càng theo xu hướng tiện dụng, tiện lợi về thanh toán bằng ví, QR, hoặc bước vào cửa hàng, đi ra, không có bất kỳ hành động thanh toán gì mà vẫn có thể thực hiện thanh toán. 

Tuy nhiên, theo ông Tâm, thẻ vẫn còn đóng vai trò nhất định trong thanh toán không tiền mặt và bản thân thẻ cũng có sự thay đổi để thích ứng như từ thẻ từ qua thẻ chip, thẻ không tiếp xúc, QR Code, Tap to Phone…

Với Sacombank là ngân hàng tiên phong trong chuyển đổi thẻ không tiếp xúc… giúp an toàn cho người dùng, bảo mật thông tin. Xu hướng giao dịch không tiếp xúc thì thẻ vẫn đóng vai trò quan trọng trong thanh toán thẻ, thanh toán online. 

Với chủ trương của NHNN thì thẻ sẽ song hành với các phương thức khác để tiến đến xã hội không tiền mặt. 

Liên quan đến bảo vệ người sử dụng các phương thức thanh toán không tiền mặt, ông Nguyễn Minh Tâm nhân định công nghệ an toàn bảo mật đặc biệt quan trọng và NHNN đã đặt ra yêu cầu với các ngân hàng về lộ trình thực hiện. 

"Riêng Sacombank đã nâng cấp hệ thống bảo mật giao dịch trực tuyến 3D secure lên phiên bản 2 vào năm 2020, giúp gia tăng trải nghiệm và độ an toàn bảo mật cho các giao dịch trực tuyến của khách hàng", ông Tâm nói.

COVID-19 thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong ngân hàng - Ảnh 14.

Bà Lê Thị Thúy Sen, vụ trưởng Vụ Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước - Ảnh: QUANG ĐỊNH

"Họ băn khoăn về an toàn, NHNN sẽ truyền thông cho người tiêu dùng hiểu được hàng triệu triệu giao dịch có 1 giao dịch rủi ro, gần như là an toàn tuyệt đối. Đặc biệt, chúng tôi sẽ cung cấp cách thức sử dụng dịch vụ ngân hàng cho đúng. Bản thân các ngân hàng đưa ra các tầng nấc bảo vệ người tiêu dùng sử dụng dịch vụ tài chính. Còn bản thân người dùng cũng có kiến thức không thể cho người khác mượn thẻ, cung cấp mã OTP cho người khác... Còn người chưa sử dụng thì NHNN tiếp tục truyền thông về lợi ích, phí, cách sử dụng… với các hình thức dễ nhớ, dễ hiểu", bà Sen nói.

COVID-19 thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong ngân hàng - Ảnh 15.

Ông Trần Công Quỳnh Lân - phó tổng giám đốc phụ trách CNTT chuyển đổi số và bán lẻ VietinBank - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Mục tiêu phát triển ngân hàng số là gì? Ông Trần Công Quỳnh Lân, phó tổng giám đốc VietinBank, cho rằng ngân hàng phải hướng đến khách hàng, những hành vi tiêu dùng hàng ngày của khách hàng để cung cấp những dịch vụ mà khách hàng cần. Người dân không phải lúc nào cũng vào ứng dụng ngân hàng số. 

Do đó, ông Lân cho rằng vấn đề là ngân hàng phải lồng ghép dịch vụ của mình vào hoạt động mua sắm, tiêu dùng của người tiêu dùng để người dân có thể thanh toán đơn giản, dễ dàng nhất có thể. Bên cạnh đó, ngân hàng tiếp tục miễn, giảm phí ngân hàng cùng với dịch vụ, sản phẩm ngân hàng dễ sử dụng. 

"Vừa rồi VietinBank cung cấp dịch vụ đặt tên cho số tài khoản, thay vì phải nhớ số tài khoản. Người dân cảm thấy vui khi sử dụng dịch vụ ngân hàng", ông Lân nói.

Trả lời câu hỏi làm sao để đạt được mục tiêu 80% người trên 15 tuổi mở tài khoản tại ngân hàng và Việt Nam có quy định cho phép người trên 15 tuổi mở tài khoản tại ngân hàng nhưng tỉ lệ đó chưa cao. 

Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025 cũng đặt ra mục tiêu đến cuối năm 2025 thì 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng, làm sao để đạt được mục tiêu này? 

COVID-19 thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong ngân hàng - Ảnh 16.

Bà Trần Thu Hương - giám đốc chiến lược kiêm giám đốc khối ngân hàng bán lẻ VIB - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Bà Trần Thu Hương, giám đốc chiến lược kiêm giám đốc khối ngân hàng bán lẻ VIB, cho rằng hiện nay theo quy định pháp luật, mở tài khoản ngân hàng chính danh phải từ 15 tuổi trở lên. 

Tuy nhiên theo bà Hương, các ngân hàng hoàn toàn có đủ khả năng về mặt giải pháp, công nghệ để có thể nới lỏng xuống 10 tuổi là có thể được mở tài khoản, có thẻ riêng. Trong xã hội không tiền mặt phải có cách truyền thông giáo dục để lứa tuổi này làm quen với các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt, đưa nội dung giáo dục tài chính vào trường học. 

COVID-19 thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong ngân hàng - Ảnh 17.

Các đại biểu tại phiên thảo luận Doanh nghiệp thay đổi như thế nào để thích ứng với thói quen tiêu dùng của người dân? - Ảnh: T.T.D.

Các ngân hàng, trong đó có VIB, hiện nay không chỉ hướng đến đối tượng là người lớn mà còn hướng đến đối tượng gia đình, cả những đứa trẻ trong gia đình đó nữa. Gần đây VIB đã ra mắt thẻ tín dụng VIB Family Link kết hợp với Visa dòng thẻ này cho phép cả nhà có thể thanh toán không tiền mặt, trong đó những đứa trẻ sẽ có những tài khoản tiết kiệm đầu tiên trong cuộc đời để có thể thanh toán không tiền mặt. 

"Những đốm lửa lớn đều bắt nguồn từ đốm lửa nhỏ, từ đó sẽ lan tỏa ra gia đình, với định hướng của NHNN và sự nỗ lực không ngừng nghỉ từ các ngân hàng, các dịch vụ ngân hàng sẽ được xã hội hóa và trở nên phổ biến", bà Hương nói.

Ngân hàng chuyển đổi số để gia tăng tiện ích cho khách hàng

COVID-19 thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong ngân hàng - Ảnh 18.

Ông Phạm Tiến Dũng - phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước - trình bày tham luận Chuyển đổi số trong ngành ngân hàng - các trụ cột và lộ trình - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng cho biết hoạt động chuyển đổi số ngành ngân hàng thời gian qua đạt được những kết quả tích cực. 

Cụ thể, bên cạnh việc thúc đẩy và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, hạ tầng kỹ thuật cũng được đầu tư. Đến nay trên cả nước có khoảng 20.000 máy ATM; hơn 90.000 điểm thanh toán QR và 298.000 máy chấp nhận thanh toán (POS)… 

Điểm quan trọng trong hoạt động chuyển đổi số ngân hàng, theo ông Dũng, là thời gian qua đã hình thành hệ sinh thái thông minh, thanh toán số đã được thiết lập với việc kết nối dịch vụ ngân hàng số với các dịch vụ số khác trong nền kinh tế, mang lại trải nghiệm liền mạch trên mọi lĩnh vực cho người dùng dịch vụ trên không gian số.

Thực tế, người tiêu dùng có thể mua sắm hàng hóa, sử dụng dịch vụ và sau đó thanh toán hoàn toàn trên kênh số. Nhờ đó, hoạt động thanh toán không bị gián đoạn trong bối cảnh người tiêu dùng bị cách ly, giãn cách do dịch COVID-19. 

Phát triển các mô hình ngân hàng số, gia tăng tiện ích, trải nghiệm cho khách hàng là mục tiêu chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025 và định hướng năm 2030. Mục tiêu cụ thể được đặt ra đến năm 2025 là 50% nghiệp vụ ngân hàng cho phép khách hàng thực hiện hoàn toàn trên kênh số; 50% người trưởng thành sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử; 50% quyết định giải ngân cho vay của ngân hàng thương mại, công ty tài chính đối với khoản vay nhỏ lẻ của cá nhân được số hóa… 

COVID-19 thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong ngân hàng - Ảnh 19.

Để thực hiện mục tiêu trên, ông Dũng cho hay trong thời gian tới, NHNN tập trung tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tạo điều kiện thuận lợi quá trình chuyển đổi số. Giải pháp tiếp theo là phát triển hạ tầng số, kết nối, chia sẻ dữ liệu ngân hàng với các dữ liệu ngành, lĩnh vực khác; hình thành các mô hình ngân hàng số, nâng cao công tác an ninh, an toàn bảo mật… 

“Đặc biệt, cần đẩy nhanh hoàn thiện các tiêu chuẩn kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu quốc gia về căn cước công dân, cho phép ngành ngân hàng khai thác thông tin trên chip thẻ căn cước công dân, đặc biệt là các yếu tố sinh trắc học, qua đó hỗ trợ định danh, xác thực khách hàng bằng phương thức điện tử, tăng độ chính xác trong định danh, xác thực khách hàng” - ông Dũng kiến nghị.

COVID-19 thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong ngân hàng - Ảnh 20.

Ông Trần Hùng Sơn - Viện nghiên cứu phát triển công nghệ ngân hàng - trình bày tham luận Ngân hàng số tại Việt Nam - Ảnh: T.T.D.

Ông Trần Hùng Sơn - phó viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển công nghệ ngân hàng, Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐHQG TP.HCM - cho biết ngân hàng số tại Việt Nam đã ra đời từ năm 2017 nên xu hướng tìm kiếm sử dụng cũng đã có nhiều thay đổi. "Khảo sát đặc tính của các ngân hàng số tiêu biểu ở Việt Nam của chúng tôi cho thấy hầu hết các ngân hàng số đều có mặt trên App Store hay Google Play, tương ứng với hai hệ điều hành lớn nhất hiện nay là iOS và Android. 

Về thủ tục, CCCD hay CMND vẫn là hồ sơ chính để mở tài khoản ngân hàng số. Ngân hàng số hiện ít có chương trình ưu đãi dành cho khách hàng mở tài khoản ngân hàng số lần đầu…

Đối với việc sử dụng ngân hàng số tại Việt Nam: Tên đăng nhập (ID), số điện thoại và mật khẩu (Password) là các cách phổ biến để truy cập vào ngân hàng số; ngân hàng số cung cấp tài khoản ghi nợ và liên kết với các đơn vị thanh toán phổ biến hiện nay; ngân hàng số cung cấp hầu hết các dịch vụ cần thiết ở mức độ cơ bản và nâng cao; các ngân hàng số đều có ưu đãi về mức phí để khuyến khích người sử dụng; Để đóng tài khoản ngân hàng số, khách hàng buộc phải mang CCCD, CMND đến chi nhánh của ngân hàng.

So sánh với ngân hàng số của thế giới, ngân hàng số đã có nhiều tính năng tương đương. Tuy nhiên ngân hàng số trong nước hiện vẫn chưa đa dạng phương thức mở tài khoản (ID, chữ ký số, quay video...); chưa cung cấp đa dạng các dịch vụ tín dụng trên nền tảng số; chưa đầu tư cao vào bảo mật và các dịch vụ quản lý tài chính cá nhân. Một điểm khác biệt nữa là ngân hàng số tại Việt Nam chưa cho người dùng không cần đến chi nhánh và có thể thực hiện mọi giao dịch thông qua ngân hàng số.

Cũng theo khảo sát, 48% người dùng sử dụng ngân hàng số làm tài khoản chính, thực hiện chủ yếu các giao dịch như thanh toán hóa đơn, tra cứu thông tin... 

Yếu tố chiếm tỉ lệ cao nhất để người dùng quyết định mở ngân hàng số là vì có công cụ quản lý tài chính cá nhân tốt hơn ngân hàng truyền thống (50%), trải nghiệm thử (46,6%), lãi suất gửi tiết kiệm cao hơn (46,6%).

Các quy định bảo vệ người dùng là yếu tố quan trọng để duy trì lòng tin của khách hàng đối với các sản phẩm dịch vụ của ngân hàng số. Người dùng vẫn chưa hoàn toàn yên tâm giao dịch với các ngân hàng qua mạng xã hội và lo ngại về các vấn đề về bảo mật thông tin. Khách hàng sẵn sàng chi thêm cho các dịch vụ định danh và bảo vệ dữ liệu.

Dễ dàng quét mã VietQR để chuyển khoản, thanh toán

COVID-19 thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong ngân hàng - Ảnh 21.

Ông Nguyễn Hoàng Long - phó tổng giám đốc NAPAS - trình bày tham luận Ứng dụng tiêu chuẩn VietQR trong thanh toán di động - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ông Nguyễn Hoàng Long, phó tổng giám đốc Công ty CP Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS), cho rằng nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, từ tháng 6 năm nay, NAPAS cùng với các ngân hàng thành viên thống nhất sử dụng tiêu chuẩn thanh toán sử dụng mã QR. 

Đến nay, đã có 27 ngân hàng tham gia triển khai VIETQR áp dụng đối với các giao dịch chuyển tiền, thanh toán nhỏ lẻ, thanh toán xuyên biên giới được tích hợp trên nền tảng Mobile banking app sẵn có của các ngân hàng. 

Người sử dụng ứng dụng Mobile banking của các ngân hàng dễ dàng quét mã VietQR để chuyển khoản giữa các cá nhân, thanh toán các khoản nhỏ/lẻ tại các điểm bán. 

Trong tương lai, lãnh đạo NAPAS cho rằng các ngân hàng, trung gian thanh toán có thể chỉ cần triển khai tích hợp mã VietQR là có thể sử dụng để thanh toán, chuyển tiền trong nội địa và thanh toán xuyên biên giới thay vì phải làm quen, sử dụng nhiều mã QR của các đơn vị như hiện tại. 

Bên cạnh đó, NAPAS đã hợp tác thành công triển khai thanh toán song phương bằng mã VietQR với Thái Lan. Khách hàng Thái Lan có thể thanh toán tại Việt Nam và ngược lại.

Trả lời câu hỏi VietQR có ưu điểm gì và làm thế nào thúc đẩy thanh toán quét mã QR? Ông Nguyễn Hoàng Long cho biết VietQR có ưu điểm là tiện và lợi. Bất kỳ người dân hay ngân hàng nào cũng có thể tạo mã QR chứa các thông tin cá nhân của mình để thực hiện giao dịch ngân hàng. 

"Hiện tại rất nhiều đơn vị đã sử dụng VietQR để in mã riêng của mình trên khắp cả nước. Chúng ta cần có sự liên thông để làm sao người dân có thể dễ dàng sử dụng QR cho mọi dịch vụ, mọi đơn vị thanh toán như nhau. NAPAS đã liên thông được với ngân hàng tại Thái Lan thì tại sao trong nước chúng ta lại không liên thông nhau được", ông Long nói. 

COVID-19 thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong ngân hàng - Ảnh 22.

Các khách mời trong phiên thảo luận Hoàn thiện khung pháp lý để phát triển kinh tế số và xã hội số - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Hội thảo bước sang Phiên thảo luận 2, chủ đề “Hoàn thiện khung pháp lý để phát triển kinh tế số và xã hội số". Theo ông Trần Xuân Toàn, ủy viên ban biên tập báo Tuổi Trẻ, có ba yếu tố để tiến tới một xã hội thanh toán không tiền mặt gồm: hệ thống khung pháp lý, câu chuyện về hạ tầng thanh toán, công nghệ và truyền thông. 

Ông Trần Hùng Sơn, phó viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển công nghệ ngân hàng, Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐHQG TP.HCM, cho rằng không dễ để có mô hình tối ưu cho Việt Nam chuyển đổi số. 

COVID-19 thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong ngân hàng - Ảnh 23.

Ông Trần Hùng Sơn - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tuy nhiên, theo khảo sát của nhóm nghiên cứu, chiến lược có thể giúp các doanh nghiệp thành công trong thúc đẩy chuyển đổi số là hợp tác công nghệ sinh thái. Ở đó, các ngân hàng hợp tác với công ty công nghệ, đưa ra những sản phẩm gia tăng trải nghiệm với người dùng bởi khách hàng luôn muốn gia tăng trải nghiệm tài chính của mình trong quá trình sử dụng. 

“Để thúc đẩy chuyển đổi số toàn bộ thì gia tăng trải nghiệm vẫn là yếu tố quan trọng, đã có nhiều người dùng chấp nhận trả phí để có những trải nghiệm dịch vụ tài chính hài lòng, an toàn”, ông Sơn nói.

COVID-19 thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong ngân hàng - Ảnh 24.

Ông Đặng Hoài Đức - phó tổng giám đốc Vietcombank - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Chia sẻ kinh nghiệm thúc đẩy chuyển đổi số của Ngân hàng Vietcombank, ông Đặng Hoài Đức, phó tổng giám đốc Vietcombank kiêm trưởng VPĐD khu vực phía Nam, cho biết an toàn, bảo mật là hai yếu tố quan trọng. 

Theo ông Đức, các ngân hàng đang đẩy nhanh tiến độ số hóa và những sản phẩm mới ra đời của Vietcombank thời gian qua đều nhanh chóng được thị trường đón nhận. Khách hàng tin tưởng sử dụng là nhờ an toàn, bảo mật nên đây là vấn đề Vietcombank tập trung đầu tư chủ yếu. 

“Chúng tôi đều có đánh giá an toàn thông tin và có đầu tư đáng kể về bảo mật. Đặc biệt quan trọng là ngân hàng cũng áp dụng xác thực định danh khách hàng điện tử, bên cạnh đó có những giải pháp phát hiện những giao dịch đáng ngờ, tìm hiểu thông tin về giao dịch giả mạo, tạo sự an tâm cho khách hàng", ông Đức chia sẻ.

COVID-19 thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong ngân hàng - Ảnh 25.

Ông Trần Quốc Anh - giám đốc khối khách hàng cá nhân HDBank - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Ông Trần Quốc Anh, giám đốc khối khách hàng cá nhân HDBank, cho biết trong quá trình triển khai các công cụ thanh toán không tiền mặt tại HDBank, ngoài việc đầu tư công nghệ thì việc đầu tư hệ sinh thái rất quan trọng, trong đó hệ thống siêu thị, hộ kinh doanh cá thể và doanh nghiệp, cá nhân logistics được các ngân hàng "cực kỳ quan tâm".

"Trong số đó, đối tượng hộ kinh doanh cá thể, đặc biệt ở các vùng nông thôn cần được truyền thông để áp dụng thanh toán không tiền mặt vì họ là người trực tiếp tiếp cận người dùng. Đối tượng thứ ba là doanh nghiệp, cá nhân logistics cũng cần kết nối với nhau trong việc sử dụng các công cụ thanh toán không tiền mặt", ông Quốc Anh nói.

Phiên thảo luận cũng diễn ra sôi nổi với đề tài chia sẻ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Theo các ngân hàng, một khi ngành ngân hàng được kết nối vào cơ sở dữ liệu này sẽ giúp cho quá trình số hóa ngành tài chính nhanh chóng hơn. 

COVID-19 thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong ngân hàng - Ảnh 26.

Các đại biểu trong phiên thảo luận 2 về chuyển đổi số - Ảnh: T.T.D.

Chẳng hạn, các ngân hàng có cơ sở để cấp những khoản vay nhỏ, lẻ cho người dân một cách an toàn, nhanh chóng. Ngoài việc cho phép NHNN, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nếu được mở cho các đơn vị trung gian thanh toán cũng có thể tạo được sự đột phá trong thanh toán qua di động.

Phó thủ tướng: Dịch vụ thanh toán phải đảm bảo an toàn, tiện lợi cho người dân

COVID-19 thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong ngân hàng - Ảnh 27.

Phó thủ tướng Lê Minh Khái - Ảnh: QUANG ĐỊNH


Phó thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng hướng tới xã hội không tiền mặt là vấn đề vừa có tính cấp bách vừa có ý nghĩa lâu dài.

Trong bối cảnh tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0 và ảnh hưởng do đại dịch COVID-19, nhu cầu, hành vi tiêu dùng của người dân có xu hướng thay đổi từ giao dịch gặp mặt trực tiếp sang tương tác chủ yếu qua các kênh số đối với hầu hết các dịch vụ trong xã hội, từ các dịch vụ ngân hàng tài chính, thanh toán cho đến giải trí, giao hàng, gọi xe, lưu trú và ngay cả việc mua sắm, đi chợ hàng ngày...

Ông Khái cho biết Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, trong đó xác định ngân hàng là lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi trước. Thực tế thời gian qua, hoạt động chuyển đổi số ngân hàng đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, đặc biệt là hoạt động thanh toán đã mang lại những lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp.

"Chuyển đổi số và thanh toán không tiền mặt sẽ phát triển hơn nữa trong thời gian tới" - Phó thủ tướng đánh giá.

Có được kết quả như trên, Phó thủ tướng nhấn mạnh rằng ông đánh giá cao việc NHNN đã chủ động nghiên cứu, ban hành kịp thời các cơ chế chính sách về chuyển đổi số và thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt như mở tài khoản thanh toán trực tuyến eKYC, tiền di động (Mobile money),..

Bên cạnh đó, sự phối hợp tích cực, đóng góp quan trọng của các đơn vị truyền thông, báo chí, trong đó có báo Tuổi Trẻ về các chuỗi sự kiện, hoạt động về Ngày không tiền mặt được tổ chức, triển khai liên tục trong 3 năm qua.

NAPAS và 13 đơn vị cùng ký kết thúc đẩy thẻ tín dụng nội địa 

COVID-19 thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong ngân hàng - Ảnh 28.

Nghi thức ký kết MOU - Ảnh: QUANG ĐỊNH


Trong khuôn khổ hội thảo “Ngày không tiền mặt 2021” do báo Tuổi Trẻ phối hợp Vụ Thanh toán, Vụ Truyền thông NHNN tổ chức, Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) cùng 13 ngân hàng, công ty tài chính ký biên bản ghi nhớ hợp tác triển khai thúc đẩy thẻ tín dụng nội địa. 

Theo đó, các ngân hàng và công ty tài chính tham gia ký kết gồm có Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank, Techcombank, HDBank, Sacombank, ACB, Nam A Bank, OCB, Viet Capital Bank, Viet Bank và Công ty tài chính VietCredit. 

Các bên cùng thống nhất thúc đẩy phát triển thẻ tín dụng nội địa hướng đến thực hiện các mục tiêu trong Đề án thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025 của Chính phủ. 

COVID-19 thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong ngân hàng - Ảnh 29.

Bà Nguyễn Thị Hồng - thống đốc Ngân hàng Nhà nước - tặng kỷ niệm chương cho các đơn vị đồng hành - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Các hoạt động cụ thể được triển khai gồm xây dựng các chương trình ưu đãi phát hành thẻ tín dụng nội địa; chính sách phê duyệt và cấp tín dụng linh hoạt, thuận tiện nhằm mở rộng đối tượng tiếp cận sản phẩm, qua đó gia tăng số lượng thẻ tín dụng nội địa phát hành; mở rộng mạng lưới chấp nhận thanh toán; đẩy mạnh hoạt động truyền thông phổ cập kiến thức, kỹ năng nhằm tạo thói quen sử dụng thẻ thanh toán thường xuyên. 

Về phía NAPAS, ông Nguyễn Hoàng Long - phó tổng giám đốc NAPAS - cho biết sẽ xây dựng các chương trình, chính sách hỗ trợ ngân hàng, công ty tài chính cũng như đảm bảo nguồn lực về hệ thống kỹ thuật, nhân sự triển khai các hoạt động thúc đẩy thẻ tín dụng nội địa.

Hiện đã có 6 ngân hàng gồm VietinBank, Sacombank, ACB, HDBank, Bảo Việt Bank, Bản Việt Bank và Công ty tài chính VietCredit phát hành thẻ tín dụng nội địa cho khách hàng. 

Thẻ tín dụng nội địa có chức năng chi tiêu trước trả tiền sau, thời gian miễn lãi tối đa lên đến 55 ngày, được dùng thanh toán trực tiếp trên thiết bị chấp nhận thẻ (POS) tại các cửa hàng, siêu thị, nhà hàng… với mức chi phí hợp lý.

Hoàn thiện pháp lý thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt

Theo Phó thủ tướng Lê Minh Khái, Thủ tướng mới ban hành quyết định số 1813 phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2015. Đề án đặt mục tiêu đưa thanh toán không dùng tiền mặt thành thói quen của người dân;... với chỉ tiêu cụ thể gồm giá trị thanh toán không dùng tiền mặt gấp 25 lần GDP; 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch;...

Để đạt được các mục tiêu đã đề ra, Phó thủ tướng Lê Minh Khái giao NHNN phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan tập trung, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hành lang pháp lý để tạo thuận lợi cho các hoạt động chuyển đổi số và thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đặc biệt là việc triển khai các mô hình cung ứng dịch vụ mới dựa trên nền tảng công nghệ mới.

photo-1

Phó thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu tại hội thảo - Ảnh: T.T.D.

Ngoài việc thanh toán đảm bảo tiện lợi, theo Phó thủ tướng, thanh toán cần phải an toàn, minh bạch. Do đó, NHNN tiếp tục quan tâm và theo sát tình hình, cụ thể hóa hoạt động thanh toán phải đảm bảo an toàn.

Cùng với nội dung trên, ông Khái yêu cầu tổ chức triển khai hiệu quả Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách và thực hiện đảm bảo an ninh an toàn, bảo vệ quyền chính đáng và lợi ích hợp pháp của khách hàng.

Đồng thời, tiếp tục chủ động triển khai thực hiện các hoạt động thông tin tuyên truyền và giáo dục tài chính đến người dân, doanh nghiệp có đầy đủ kiến thức, kỹ năng cần thiết và yên tâm trải nghiệm sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt một cách an toàn.

"Chuyển đổi số hướng tới xã hội không tiền mặt là xu hướng phát triển tất yếu trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tạo ra tác động kép vừa góp phần phục hồi, tăng trưởng kinh tế vừa hỗ trợ thực hiện mục tiêu tài chính toàn diện.

Cùng với những kết quả của hội thảo ngày hôm nay, tôi tin rằng, với quyết tâm của Chính phủ, sự chủ động kịp thời của NHNN và các bộ ngành, địa phương cũng như cơ quan truyền thông, thanh toán không dùng tiền mặt nói chung và thanh toán số nói riêng tại Việt Nam sẽ tiếp tục đạt được sự gia tăng mạnh mẽ trong thời gian tới, góp phần xây dựng một xã hội số, minh bạch hơn, thuận tiện và giảm thời gian, chi phí cũng như những rủi ro cho người dân, doanh nghiệp" - ông Khái nói.

Dịch COVID-19 đưa thanh toán không tiền mặt lên ngôi Dịch COVID-19 đưa thanh toán không tiền mặt lên ngôi

TTO - Thói quen thanh toán không dùng tiền mặt đã tăng đáng kể, đặc biệt sau dịch COVID-19 sẽ áp đảo hơn khi mang lại nhiều tiện ích cho người sử dụng.

A.HỒNG - LÊ THANH - NHƯ BÌNH - ĐỨC THIỆN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên