11/04/2020 14:08 GMT+7

COVID-19 khiến thi cử đảo lộn, các nước xử lý sao?

D.KIM THOA tổng hợp
D.KIM THOA tổng hợp

TTO - Trong bối cảnh dịch COVID-19 khiến trường học phải đóng cửa, một số quốc gia đã có các giải pháp khác nhau cho những kỳ thi cuối cấp quan trọng như thi tốt nghiệp phổ thông.

COVID-19 khiến thi cử đảo lộn, các nước xử lý sao? - Ảnh 1.

Các thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (DSE) tại Cheung Sha Wan, Hong Kong năm 2019 - Ảnh: SCMP

Theo trang web của Ngân hàng Thế giới, tới nay có 3 phương án chính đang được lựa chọn: hủy thi, hoãn thi chờ hết dịch và tiếp tục tổ chức nhưng thi theo mô hình có điều chỉnh.

Lúng túng, trái chiều

Ở lựa chọn thứ nhất, Pháp gần như là nước tiên phong "cứng rắn" với kỳ thi tốt nghiệp. Bộ trưởng Giáo dục Pháp Jean-Michel Blanquer mới đây thông báo kỳ thi tú tài (thi tốt nghiệp THPT) năm 2020 sẽ bị hủy do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. 

Học sinh sẽ nhận điểm trung bình các môn học để làm cơ sở xét tuyển đại học. Theo Reuters, đây là lần đầu tiên kỳ thi tú tài của Pháp bị hủy kể từ khi nó xuất hiện vào năm 1808 dưới thời Napoleon Bonaparte.

Tại nhiều bang của Ấn Độ, trong đó có bang Uttar Pradesh, Tamil Nadu, học sinh từ lớp 1-9 sẽ được tự động lên lớp mà không phải thi. Ngoài ra, các kỳ thi đầu vào đại học/cao đẳng ở Ấn Độ cũng đã được công bố hoãn vì dịch bệnh. 

Truyền thông Ấn Độ cho biết Bộ Giáo dục nước này đang nghiên cứu kế hoạch thay đổi lại thời gian học cho các trường trung học và đại học, cũng như thời điểm bắt đầu lại kỳ học mới khi các trường mở lại sau thời gian phong tỏa.

Trong số các nước chọn giải pháp hoãn thi, kỳ thi lấy chứng chỉ trung học phổ thông Tây Phi (WASSCE) đáng lẽ diễn ra trong tháng 5 và tháng 6 năm nay đã bị hoãn, chờ đánh giá tình hình dịch rồi sẽ tính tiếp. 

Hội đồng khảo thí vùng Caribe (CXC) liên quan 16 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc khu vực Tây Ấn đảo (West Indies) đã hoãn kỳ thi trung học phổ thông từ tháng 5 và 6 sang tháng 7 năm nay. 

CH Czech mặc dù đã chuẩn bị kế hoạch tổ chức các kỳ thi hết cấp trung học trên tivi nhưng hiện vẫn đang thảo luận về việc sẽ hoãn thi. Tại Hong Kong, chính quyền thành phố đã quyết định hoãn kỳ thi cao trung (Diploma of Secondary Education - DSE) thêm một tháng, tới 24-4-2020.

Tại một số nước, giải pháp cứu vãn tình thế, vẫn tổ chức thi nhưng theo quy cách được điều chỉnh đã được lựa chọn. Các kỳ thi trung học phổ thông của CXC dự kiến được tổ chức theo các hình thức thi online và offline đã điều chỉnh.

Hủy thi rồi thì sao?

Một câu hỏi quan trọng nhất với những nước lựa chọn hủy bỏ kỳ thi tốt nghiệp, một kỳ thi đặc biệt quan trọng trong đời đi học của một người, là làm thế nào để đảm bảo công bằng, chính xác và không thiệt thòi, cũng như không làm lỡ mất cơ hội với người bị ảnh hưởng?

Nước Anh chọn giải pháp để các giáo viên tự thẩm định, chấm điểm cho học trò trên những cơ sở cụ thể thay cho điểm số các bài thi GCSE (chứng chỉ giáo dục trung học phổ thông) và A-level (chứng chỉ giáo dục phổ thông bậc cao) nước này đã hủy trong năm nay vì dịch COVID-19. 

Cụ thể, theo Đài BBC, các giáo viên ở Anh sẽ được yêu cầu đưa ra điểm số đánh giá mà họ nghĩ các học sinh sẽ đạt được nếu tham dự 2 kỳ thi này. Tuy nhiên, mức điểm của giáo viên đề xuất sẽ còn được thẩm định và quyết định bởi các ban khảo thí. 

Các ban này sẽ đưa ra quyết định về điểm số cuối cùng của học sinh, trên cơ sở mức điểm thi do giáo viên đánh giá đó, cộng với kết quả xếp hạng năng lực của học sinh ở từng môn học trong trường (cũng do giáo viên đánh giá).

Việc đánh giá, cho điểm của giáo viên sẽ dựa trên những căn cứ đã có như điểm các bài thi trước, các bài kiểm tra, bài tập về nhà, bài học, các kỳ thi thử và yếu tố mà các nhà quản lý gọi là "sự tiến bộ tổng thể trong suốt quá trình học tập".

Các trường không được phép thông báo với học sinh những điểm số ước tính họ đã nộp lên ban khảo thí cũng như cách thức học sinh được xếp hạng. Nếu học sinh nghĩ họ có thể cải thiện mức điểm số được đánh giá, đã có những đề xuất cho kỳ thi thay thế trong mùa thu. Mặc dù việc này có thể sẽ là quá muộn với những thí sinh dự thi A-level để vào đại học năm nay.

Đây là phương án do Tổ chức kiểm định giáo dục Ofqual, đơn vị uy tín và nổi tiếng nhất về kiểm định bằng cấp đào tạo tại Anh và bằng nghề tại Bắc Ireland, đưa ra. Phương án đánh giá học sinh của Ofqual sẽ thay cho hai kỳ thi GCSE và A-level bị hủy vì đại dịch. Việc công bố kết quả đánh giá này sẽ phải được thực hiện không chậm hơn so với kế hoạch thi ban đầu và có thể còn sớm hơn.

Ông Paul Whiteman, lãnh đạo Hiệp hội quốc gia các hiệu trưởng ở Anh, cho rằng không có "giải pháp hoàn hảo" nào cho vấn đề. Tuy nhiên, theo ông, kế hoạch thay thế này là "giải pháp thực dụng và công bằng nhất để áp dụng trong những tình thế ngoại lệ".

Mỗi nước một kiểu

Theo báo Jakarta Post, Chính phủ và Hạ viện Quốc hội Indonesia từ ngày 24-3 đã phê chuẩn việc hủy bỏ các kỳ thi quốc gia ở mọi cấp học: tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông năm nay vì dịch bệnh COVID-19.

Nhà chức trách Indonesia cũng đang cân nhắc phương án dùng cách đánh giá điểm đã có của 3 năm học với học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông và 6 năm với học sinh tiểu học để thay kết quả thi vì không thể tổ chức.

Trong khi đó, tại Singapore, theo báo Straits Times, Bộ trưởng Giáo dục Ong Ye Kung ngày 3-4 cho biết vì dịch bệnh, nước này sẽ bỏ các kỳ thi giữa năm nhưng vẫn thực hiện các kỳ thi quốc gia như thi tốt nghiệp tiểu học (PSLE), thi O-level (tương đương thi tốt nghiệp trung học cơ sở ở Việt Nam), thi A-level (tương đương thi tốt nghiệp trung học phổ thông của Việt Nam).

Đức: nơi thi, nơi hủy

Tại Đức, kỳ thi tốt nghiệp phổ thông (Abitur) vẫn sẽ diễn ra ngày 21-4 theo như tuyên bố xác nhận của nhà chức trách nước này ngày 25-3. Theo Đài DW, trước đó dư luận Đức cũng đã rộ lên đồn đoán về việc mùa thi năm nay có thể bị hủy hoặc hoãn khi 16 bang của Đức không thống nhất được cách giải quyết vấn đề tốt nhất.

Trong khi bang miền bắc Schleswig-Holstein muốn hủy thi thì bang miền trung Hesse lại đã bắt đầu tổ chức thi. Các chính sách giáo dục của Đức lâu nay do từng bang quyết định hơn là do chính phủ liên bang.

Nếu đi học lại trước 15-6 sẽ thi THPT quốc gia vào tháng 8 Nếu đi học lại trước 15-6 sẽ thi THPT quốc gia vào tháng 8

TTO - Phát biểu cách đây ít phút tại cuộc giao ban trực tuyến do Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết bộ đã ban hành khung chương trình tinh giản tối đa phù hợp với tình hình năm học này.

D.KIM THOA tổng hợp
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên