31/12/2021 14:36 GMT+7

COVID-19 khiến sách cũng thành… đồ xa xỉ

BẢO DUY
BẢO DUY

TTO - COVID-19 đang ảnh hưởng đến những điều nhỏ nhất và gần gũi nhất với người dân, không chỉ sức khỏe mà còn túi tiền. Lạm phát và vật giá leo thang đã là thực tế tại nhiều nước và khu vực trong năm 2021.

COVID-19 khiến sách cũng thành… đồ xa xỉ - Ảnh 1.

Nghiên cứu sinh tiến sĩ Gulfer Ulas tiết kiệm và cân nhắc kỹ hơn trước khi mua sách vì giá tăng vọt trong lúc các nhà xuất bản cắt bớt đầu sách in vì lạm phát đẩy chi phí lên cao - Ảnh: AFP

Nghiên cứu sinh tiến sĩ người Thổ Nhĩ Kỳ Gulfer Ulas mua được ấn bản đầu tiên của bộ 2 quyển sách mà cô yêu thích với giá 33 lira. Vài tháng sau, cô tìm thấy bộ tái bản lần 2 tại Istanbul với giá bìa 70 lira (khoảng 6 USD).

Theo Hãng tin AFP, đây là một trong những ví dụ cho thấy sự khó lường của cuộc khủng hoảng kinh tế đang diễn ra tại Thổ Nhĩ Kỳ sau một năm trầy trật vì COVID-19. Dịch bệnh đã ảnh hưởng đến mọi khía cạnh đời sống hằng ngày - từ mua sắm đến giáo dục và văn hóa.

"Giá sách tăng chóng mặt"

Ông Recep Tayyip Erdogan - tổng thống của đất nước 84 triệu dân Thổ Nhĩ Kỳ - đã cố gắng chấm dứt khủng hoảng bằng các đợt cắt giảm lãi suất mạnh nhằm hạ giá tiêu dùng liên tục tăng.

Chỉ số lạm phát của Thổ Nhĩ Kỳ do chính phủ công bố hồi đầu tháng 12 là 21% dù các đảng đối lập cáo buộc nó thấp hơn nhiều so với thực tế. Giáo sư kinh tế học ứng dụng Steve Hanke của Đại học Johns Hopkins (Mỹ) tính toán tỉ lệ lạm phát hằng năm hiện tại của Thổ Nhĩ Kỳ là hơn 80%.

Theo AFP, đồng lira trồi sụt thất thường nhưng nhìn chung là mất giá khiến giá bột giấy chưa tẩy trắng và năng lượng nhập khẩu tăng vọt, đẩy giá sách tăng cao.

"Thổ Nhĩ Kỳ đang phải trả giá vì không coi giấy là tài sản chiến lược", chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất bản Thổ Nhĩ Kỳ Kenan Kocaturk nói về việc các nhà máy sản xuất giấy của nước này đóng cửa.

Theo ông Kocaturk, tất cả các nhà máy giấy ở Thổ Nhĩ Kỳ thuộc về tư nhân nên khi giá nguyên liệu tăng và khan hiếm do gián đoạn chuỗi cung ứng vì COVID-19, nhiều nhà máy đã đóng cửa hoặc chuyển sang làm việc khác.

"Giả sử bây giờ anh xuất bản một cuốn sách và nó trở nên ăn khách với giá 30 lira. Anh sẽ tái bản lần hai trong một tuần và chỉ trong 7 ngày đó, giá tăng lên 35 lira. Lần in thứ ba hay thứ tư chỉ có Chúa mới biết giá sách sẽ là bao nhiêu", ông Haluk Hepkon - chủ nhà xuất bản Kirmizi Kedi - giải thích. Ông lo ngại sự không chắc chắn "sẽ buộc mọi người phải ưu tiên những thứ cần thiết và bỏ việc mua sách sang một bên".

COVID-19 khiến sách cũng thành… đồ xa xỉ - Ảnh 2.

2 Bros. Pizza, một chuỗi cửa hàng pizza ăn nên làm ra sau cuộc đại suy thoái 2007-2009, đang cố gắng bán mỗi miếng với giá 1 USD tại 6 cửa hàng và buộc phải nâng giá lên 1,5 USD tại các điểm mới mở - Ảnh: NYT

Lương có "chạy" kịp lạm phát?

Không chỉ sách, thực phẩm cũng nằm trong nhóm tăng giá vì có hàng loạt chi phí đi kèm miếng pizza hay hamburger, từ phí vận tải đến bột mì hay thậm chí túi đựng.

99 Cent Fresh Pizza - chuỗi cửa hàng bán pizza với giá chưa đến 1 USD mỗi miếng và đủ làm no bụng những người có thu nhập thấp ở thành phố New York (Mỹ) - đã từ bỏ triết lý kinh doanh vì COVID-19.

Lạm phát khiến mọi thứ tăng cao, gồm cả phí thuê nhân công, buộc chuỗi cửa hàng này không thể bán pizza với giá "mềm" như vậy nữa.

Thoạt nhìn thì có vẻ như mọi thứ đang khả quan hơn với người làm công ăn lương sau dịch. Chẳng hạn tại Mỹ, người lao động đang được trả lương cao hơn do chủ lao động muốn thu hút người mới và giữ chân người cũ trong bối cảnh thiếu hụt lao động sau dịch.

Tuy nhiên, mức lương tăng không thấm vào đâu so với mức tăng giá thực phẩm và nhiều hàng hóa, dịch vụ khác, theo báo New York Times.

Các nhà kinh tế học bắt đầu nói về "vòng xoáy giá cả tiền lương". Theo đó, nhân viên có thể sẽ yêu cầu mức lương cao hơn để đủ cho phí sinh hoạt ngày càng tăng.

Các công ty có thể miễn cưỡng chấp nhận nhưng sẽ đẩy chi phí lao động đó về phía khách hàng, do đó chỉ người dùng cuối cùng (cũng là người lao động) phải gánh mức tăng đó. Theo New York Times, vòng luẩn quẩn này có thể khiến lạm phát kéo dài hơn dự kiến ​​của giới hoạch định chính sách.

"Khi kinh tế toàn cầu phục hồi sau dịch, rất nhiều sự không chắc chắn vẫn còn, nhất là về các biến thể COVID-19 mới và áp lực lạm phát gia tăng ở nhiều quốc gia", bà Gita Gopinath - nhà kinh tế trưởng của Quỹ Tiền tệ quốc tế - nêu nhận định. Bà cũng cho rằng một biến thể mới có sức lây lan nhanh sẽ khiến tình hình giá cả tăng vọt thêm vì những hạn chế đi lại.

Bánh pizza đường phố 99 cent/miếng nổi tiếng ở New York sắp ‘đi vào quên lãng’? Bánh pizza đường phố 99 cent/miếng nổi tiếng ở New York sắp ‘đi vào quên lãng’?

TTO - Những vấn đề về chuỗi cung ứng và lạm phát tăng cao ở Mỹ đang đe dọa món bánh pizza đường phố giá rẻ, một trong những nét đặc trưng hấp dẫn ở thành phố New York tráng lệ suốt 140 năm qua.

BẢO DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên