23/07/2020 19:15 GMT+7

COVID-19 khiến buôn bán hàng giả, hàng nhái phức tạp

DƯƠNG LIỄU
DƯƠNG LIỄU

TTO - Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt những người lợi dụng thương mại điện tử để buôn bán hàng giả, hàng nhái.

COVID-19 khiến buôn bán hàng giả, hàng nhái phức tạp - Ảnh 1.

Ban Chỉ đạo 389 quốc gia họp báo về kết quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả 6 tháng đầu năm - ẢNH: DƯƠNG LIỄU

Phát biểu tại cuộc họp báo về kết quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả 6 tháng đầu năm nay tổ chức chiều 23-7, ông Nguyễn Kỳ Minh, phó chánh văn phòng Tổng cục Quản lý thị trường, cho biết hiện nay nhiều người lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh bất hợp pháp, buôn bán hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại.

Điển hình 7-7, Tổng cục Quản lý thị trường đã chủ trì bắt kho hàng rộng hơn 10.000m2 tại Lào Cai, thu giữ 160.000 sản phẩm không có hóa đơn, chứng từ, với hình thức chủ yếu bán hàng qua mạng, livestream trên Facebook, …

"Livestream là hình thức bán hàng phổ biến, ẩn chứa nhiều rủi do cho người tiêu dùng. Thứ nhất, người tiêu dùng không xác định được nguồn gốc hàng mình mua. Thứ hai, không xác định được người bán cho mình là ai, ở đâu,… và rủi do lớn nhất là mất thông tin cá nhân, các đối tượng có thể sử dụng thông tin cá nhân vào mục đích xấu" - ông Nguyễn Kỳ Minh thông tin.

Ngoài ra, đại diện lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường còn cho hay hiện nay các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki,... có yếu tố đầu tư của nước ngoài, có thể đưa sản phẩm nước ngoài trực tiếp vào Việt Nam dễ dàng. Điều này cũng gây ảnh hưởng đến việc quản lý thị trường cũng như chống hành vi gian lận thương mại.

Để ngăn chặn gian lận thương mại, buôn lậu thương mại điện tử, ông Kỳ cho rằng ngoài việc sửa đổi, bổ sung quy định pháp lý kịp thời, các cơ quan chức năng còn phải rà soát các website thương mại điện tử, mô hình kinh doanh trên mạng xã hội…

Về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cho biết tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong 6 tháng đầu năm có nhiều diễn biến phức tạp. 

Các lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện và xử lý hơn 75.200 vụ việc vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, qua đó số thu nộp ngân sách nhà nước là khoảng 11.300 tỉ đồng, khởi tố 1.128 vụ việc và 1.346 người.

Ma túy vào VN được chuyển hướng từ Campuchia

Tại cuộc họp báo, đại tá Nguyễn Văn Hiệp, phó cục trưởng Cục Phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng, cho biết do tác động của dịch COVID-19, tội phạm ma túy có xu hướng thay đổi về địa bàn và phương thức hoạt động.

Cụ thể, do Trung Quốc xiết chặt quản lý, truy bắt tội phạm ma túy nên số vụ ma buôn bán và vận chuyển túy tổng hợp từ Trung Quốc sang Việt Nam giảm tuyến biên giới Việt - Trung.

Trái lại, theo đại tá Nguyễn Văn Hiệp, trên biên giới Campuchia - Việt Nam, tình hình buôn bán và vận chuyển mặt hàng cấm này ngày càng phức tạp.

Mấy tháng qua, tình hình vận chuyển ma túy từ Campuchia vào Việt Nam rất lớn, có những vụ hàng chục kilogram.

Các đối tượng đã lập các công ty "bình phong" để sản xuất, buôn bán ma túy, sử dụng công nghệ hiện đại sản xuất khối lượng lớn, giảm giá thành để kích thích tiêu thụ.

"Thậm chí, các đối tượng có nhiều thủ đoạn, lợi dụng các sòng bạc, casino để ép người thua bạc vận chuyển ma túy" - đại tá Nguyễn Văn Hiệp cho hay.

Livestream hàng gian, hàng giả đại náo mạng xã hội Livestream hàng gian, hàng giả đại náo mạng xã hội

TTO - Với sự phát triển của công nghệ, tính năng phát trực tiếp (livestream) ngày càng được nhiều người bán hàng, từ cá nhân đến doanh nghiệp, tận dụng để quảng cáo và bán hàng trực tiếp với “thượng vàng hạ cám” như quần áo, giày dép đến nhà, đất...

DƯƠNG LIỄU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên