07/05/2023 09:40 GMT+7

COVID-19 hết khẩn cấp, sống chung ra sao?

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp toàn cầu với COVID-19, đồng nghĩa việc thế giới chuyển sang sống chung với dịch sau hơn ba năm.

Tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho người dân phường 11, quận Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN

Tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho người dân phường 11, quận Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN

Trong khi đó tại Việt Nam, số ca nhiễm và tử vong có chiều hướng gia tăng trở lại, câu hỏi đặt ra là chúng ta sẽ ứng xử và có các giải pháp để sống chung cùng dịch bệnh này thế nào? Tuổi Trẻ giới thiệu ý kiến một số chuyên gia.

* PGS.TS TRẦN ĐẮC PHU (nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế):

Cơ sở để đánh giá lại toàn bộ tình hình

Khi tuyên bố đại dịch COVID-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu, giám đốc WHO đưa ra những bằng chứng cho thấy COVID-19 hiện nay đã giảm rủi ro đối với sức khỏe con người. Điều này chủ yếu nhờ vào khả năng miễn dịch, tỉ lệ tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 trên toàn cầu ngày càng cao. 

Ngoài ra, độc lực của vi rút gây bệnh cũng đã có sự ổn định tương đối khi dù có sự xuất hiện các biến thể mới nhưng không liên quan đến mức độ nghiêm trọng và không gây yếu tố bất ngờ.

Dựa trên công bố của WHO, tôi cho rằng đây là cơ sở quan trọng để Việt Nam xem xét, đánh giá tình hình dịch bệnh trong nước bởi dịch bệnh có tính chất đại dịch thì tình hình và nguy cơ dịch trên thế giới có liên quan nhiều đến Việt Nam và ngược lại. Vì vậy, khi thế giới đã chấm dứt tình trạng khẩn cấp đối với COVID-19, Việt Nam cũng sẽ nghiên cứu đánh giá để xem xét công bố cấp quốc gia.

Trong bối cảnh tại Việt Nam số ca mắc gần đây gia tăng trở lại, tôi cho rằng hiện tình hình dịch vẫn đang được kiểm soát, đa số ca mắc mới có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng, đặc biệt không gây quá tải hệ thống y tế. 

Những trường hợp bệnh nặng, tử vong chủ yếu vẫn nằm trong nhóm có nguy cơ cao. Những trường hợp này vẫn có thể diễn biến nặng nếu nhiễm vi rút gây bệnh truyền nhiễm khác chứ không riêng với COVID-19.

Việc xếp COVID-19 vào bệnh truyền nhiễm nhóm A hay nhóm B, hội đồng chuyên môn sẽ họp, đánh giá, xem xét. Tôi cho rằng dù COVID-19 thuộc nhóm A hay nhóm B thì các vấn đề đánh giá nguy cơ và đưa ra các biện pháp ứng phó phù hợp là vô cùng quan trọng. 

Cần dựa trên diễn biến dịch và sẵn sàng đáp ứng phù hợp theo từng mức độ, từng giai đoạn để kiểm soát một cách bền vững, tránh tổn kém, lãng phí.

Khi COVID-19 đã không còn là tình trạng khẩn cấp toàn cầu, chúng ta có thể thực hiện theo khuyến cáo của WHO trong khuyến nghị tạm thời cho các quốc gia thành viên như lồng ghép tiêm chủng vắc xin COVID-19 vào chương trình tiêm chủng trong suốt cuộc đời; chuẩn bị cho biện pháp y tế đảm bảo nguồn cung sẵn có và lâu dài; quản lý dịch tễ linh hoạt và toàn diện; tiếp tục dỡ bỏ các biện pháp y tế liên quan đến du lịch quốc tế; hỗ trợ nghiên cứu cải tiến các loại vắc xin phòng bệnh...

* BS THÂN MẠNH HÙNG (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương):

Cần chăm sóc người cao tuổi, nhóm nguy cơ

Việc WHO chấm dứt tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng đối với COVID-19 dựa vào rất nhiều yếu tố. Trong đó WHO đã có những nghiên cứu về ca mắc COVID-19 mới trên thế giới, các biến chủng COVID-19... trước khi đưa ra công bố chính thức này. Theo tôi, giống như hầu hết các bệnh truyền nhiễm khác, các biến chủng càng về sau độc lực sẽ giảm bớt đi.

Tại Việt Nam hiện nay diễn biến dịch cũng giống như nhiều quốc gia trên thế giới. Biến chủng COVID-19 đang lưu hành phổ biến là Omicron, triệu chứng lâm sàng của bệnh không còn rầm rộ, nặng như đối với biến chủng Delta trước đó. 

Mặc dù số ca mắc COVID-19 gần đây có gia tăng, tuy nhiên Việt Nam cơ bản tỉ lệ bao phủ vắc xin khá cao, đã có miễn dịch cộng đồng, ca nặng chủ yếu nằm ở nhóm nguy cơ cao. Dần dần COVID-19 sẽ giống bệnh thông thường như cúm, cảm lạnh, chúng ta cũng sẽ cần có sự thay đổi trong tương lai, không còn mức độ nghiêm trọng như giai đoạn đầu.

Điều chúng ta cần chú ý hiện nay là Việt Nam đang trong thời kỳ già hóa dân số, tỉ lệ người già trong cơ cấu dân số đang ở mức cao. Vệc chăm sóc sức khỏe cộng đồng còn hạn chế, những người cao tuổi chưa được chăm sóc sức khỏe thường xuyên. Hầu hết người cao tuổi đến viện thường ở giai đoạn muộn, bệnh lý nền đã chuyển nặng. 

Trong khi đó, người cao tuổi có bệnh nền nhiễm COVID-19 sẽ làm tăng nguy cơ chuyển nặng, gây tử vong. Vì vậy thời gian tới cần đẩy mạnh việc chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, bảo vệ nhóm nguy cơ cao trước các bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm trong tương lai.

Hiện biện pháp phòng tránh, phác đồ điều trị rõ ràng nên bệnh nhân COVID-19 không còn quá lo ngại như trước  - Ảnh: TỰ TRUNG

Hiện biện pháp phòng tránh, phác đồ điều trị rõ ràng nên bệnh nhân COVID-19 không còn quá lo ngại như trước - Ảnh: TỰ TRUNG

* PGS ĐỖ VĂN DŨNG (trưởng khoa y tế công cộng ĐH Y Dược TP.HCM):

Việt Nam chưa nên chấm dứt tình trạng khẩn cấp

Theo thống kê của Bộ Y tế, trong ngày 6-5 có 2.804 ca mắc COVID-19 mới, có 121 ca nặng, 686 ca được công bố khỏi bệnh, không ghi nhận ca tử vong.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.573.931 ca nhiễm, đứng thứ 13/231 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 120/231 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.963 ca nhiễm).

Ở thời điểm hiện tại, theo tôi, Việt Nam chưa nên công bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp của COVID-19 ngay vì vẫn có một làn sóng dịch nhỏ. Ngành y tế nên chăm sóc những người đã và sắp bị nhiễm trong làn sóng dịch này, khuyến khích người dân tiêm phòng đầy đủ, tạo điều kiện phòng ngừa cho người không thể tiêm vắc xin COVID-19 vì lý do y khoa trước khi công cố chấm dứt tình trạng khẩn cấp và đưa bệnh COVID-19 ra khỏi danh sách bệnh truyền nhiễm nhóm A.

Theo số liệu thống kê hiện nay, Việt Nam có thể chấm dứt tình trạng khẩn cấp của COVID-19 trong tương lai rất gần. Số ca tử vong và bệnh nặng do COVID-19 đã giảm rất nhiều và thấp hơn so với các vấn đề sức khỏe khác, chưa kể đa số người dân đã có miễn dịch. 

Về mặt di truyền vi sinh, sự xuất hiện của rất nhiều biến thể (biến chủng) XBB cho thấy khả năng tiến hóa của vi rút SARS-CoV-2 đã đi vào ngõ cụt và ít có khả năng gây các biến thể mới nguy hiểm. Khi đó việc phòng ngừa COVID-19 nên là trách nhiệm của cá nhân nhiều hơn là trách nhiệm của Nhà nước.

Đương nhiên về vai trò của Nhà nước và ngành y tế vẫn phải đưa ra các thông tin đúng đắn, khuyến khích người dân thực hiện tốt việc phòng COVID-19, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các dự phòng và điều trị COVID-19 trên cơ sở tự nguyện và quan tâm việc bảo vệ những người có nguy cơ cao.

* BS NGUYỄN THANH PHONG (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM):

Cần tuân thủ các biện pháp phòng ngừa

Vài tuần trở lại đây số ca mắc COVID-19 tăng cao cũng như các ca cần hỗ trợ hô hấp nhập viện tăng lên và cũng có một số ca đã tử vong. Do đó ngành y tế cần tập trung quản lý, chăm sóc và điều trị những người nhiễm COVID-19. 

Người dân cần tuân thủ nguyên tắc 2K (khẩu trang, khử khuẩn) và tiêm vắc xin nhắc lại mũi 3, 4 nếu mũi tiêm cuối quá sáu tháng. Đặc biệt chú ý và quan tâm các đối tượng nguy cơ như người lớn tuổi, có bệnh lý nền, cơ địa đặc biệt (béo phì, thai phụ...).

Nếu chúng ta dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp, COVID-19 có thể coi như một loại cúm mùa và có cách tiếp cận bệnh khác như không mặc đồ bảo hộ, chỉ đeo khẩu trang khi chăm sóc và điều trị bệnh nhân... Nhưng tôi cho rằng dù thế nào chúng ta vẫn tuân thủ theo quy trình điều trị, biện pháp phòng bệnh COVID-19 như hiện nay trước khi có quyết định cuối cùng từ Bộ Y tế.

Lý do WHO kết thúc tình trạng khẩn cấp COVID-19

Hôm 5-5, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp toàn cầu với đại dịch COVID-19 - dịch bệnh đã khiến hàng triệu người tử vong và làm đảo lộn cuộc sống hằng ngày khắp thế giới.

"Với niềm hy vọng lớn lao, tôi tuyên bố COVID-19 không còn là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu. Trong hơn một năm qua, COVID-19 đã có xu hướng giảm. Xu hướng này cho phép hầu hết các quốc gia quay trở lại cuộc sống bình thường như trước đại dịch", Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu.

WHO lần đầu tuyên bố COVID-19 là tình trạng khẩn cấp về y tế gây lo ngại trên toàn cầu (PHEIC) vào ngày 30-1-2020, vài tuần sau khi các ca bệnh COVID-19 được phát hiện tại Trung Quốc.

Theo báo New York Times, ông K. Srinath Reddy, chủ tịch Quỹ Y tế cộng đồng Ấn Độ, đánh giá giờ đây quyết định dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp của WHO là phù hợp, vì mức độ miễn dịch trên toàn cầu với COVID-19 đã tăng cao nhờ vào tiêm chủng hoặc nhiễm bệnh, hoặc cả hai.

"COVID-19 không còn mang mức độ nguy hiểm như trước nữa. COVID-19 đã đến trạng thái cân bằng - một kiểu chung sống nhất định với vật chủ là con người", ông Reddy nói.

Kết thúc tình trạng khẩn cấp toàn cầu với COVID-19 đồng nghĩa các nỗ lực hợp tác hoặc tài trợ quốc tế cũng có thể chấm dứt hoặc chuyển trọng tâm. Thật ra trước khi WHO có hành động trên, nhiều quốc gia đã quyết định chấm dứt tình trạng khẩn cấp đối với COVID-19 và đã loại bỏ nhiều biện pháp hạn chế trong nước. Mỹ sẽ dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp với COVID-19 vào ngày 11-5.

Theo dữ liệu của WHO, đã có hơn 765 triệu trường hợp được xác nhận mắc COVID-19 và gần 7 triệu người đã tử vong trên toàn cầu kể từ đầu đại dịch. Châu Âu ghi nhận số ca nhiễm bệnh nhiều nhất, châu Mỹ đứng đầu về số ca tử vong.

Tuyên bố của WHO được đưa ra khoảng bốn tháng sau khi Trung Quốc - quốc gia cuối cùng thực hiện chính sách "Zero COVID-19" - chấm dứt các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt. Quyết định này cũng cho thấy các cố vấn của WHO tin rằng biến thể mới nguy hiểm hơn khó có thể xuất hiện trong những tháng tới.

Hết khẩn cấp không có nghĩa là hết dịch

Tuy đã tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp nhưng các quan chức WHO lưu ý quyết định này không báo hiệu sự kết thúc của đại dịch COVID-19 và cảnh báo các nước không lấy đây làm lý do để dỡ bỏ các hệ thống ứng phó với COVID-19. Tiến sĩ Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật ứng phó COVID-19 của WHO, nói: "Giai đoạn khẩn cấp đã kết thúc, nhưng COVID-19 thì chưa. Chúng ta không thể mất cảnh giác".

BẢO ANH

Anh DƯƠNG VĂN THÀNH (nhân viên truyền thông sự kiện tại Hà Nội):

Tập thói quen để sống chung

Tôi vừa mắc COVID-19 lần thứ hai và đã khỏi bệnh sau năm ngày, triệu chứng khá nhẹ nhàng. Tôi nghĩ hiện nay COVID-19 đã trở nên "quen thuộc" với mọi người. Hiện nay chúng ta đã có vắc xin phòng bệnh và đã hiểu rõ về COVID-19, có các biện pháp phòng tránh, phác đồ điều trị rõ ràng nên bệnh không còn quá lo ngại như trước.

Với công bố của WHO, tôi nghĩ đây là căn cứ để các nước dần thích nghi với dịch bệnh. Có thể nhiều quốc gia đã và đang tốn nhiều chi phí cho việc phòng chống dịch quá khắt khe nên công bố này sẽ giúp các nước mạnh dạn dỡ bỏ những quy định chống dịch để tập trung phát triển kinh tế.

Khi sống chung với COVID-19, tôi nghĩ rằng người dân vẫn cần duy trì tiêm vắc xin, khử khuẩn và đeo khẩu trang để phòng bệnh. Chỉ khi có biến chủng COVID-19 mới độc lực mạnh thì lúc này vẫn có thể gia tăng các biện pháp phòng chống dịch như trước đây.

Bộ Y tế sẽ có đánh giá

Đại diện Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết đang có những đánh giá dịch tễ và sẽ có thông tin chính thức sau thông tin chấm dứt tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng đối với COVID-19 từ WHO.

Trong khi đó, ông Tăng Chí Thượng - giám đốc Sở Y tế TP.HCM - cho rằng tuy chấm dứt tình trạng khẩn cấp, nhưng WHO cũng đánh giá COVID-19 sẽ hiện diện kéo dài, do đó việc sẵn sàng một kế hoạch quản lý, kiểm soát và phòng ngừa COVID-19 như các bệnh lưu hành khác gồm sốt xuất huyết, tay chân miệng là rất cần thiết. Trong thời gian tới, Sở Y tế TP.HCM sẽ chủ động kế hoạch quản lý, kiểm soát và phòng ngừa COVID-19 như các bệnh truyền nhiễm khác theo chỉ đạo của Bộ Y tế và Chính phủ.

Sau quyết định chấm dứt tình trạng khẩn cấp với COVID-19, TS Angela Pratt - trưởng đại diện WHO tại Việt Nam - chia sẻ đây là "một tin luôn được chờ đón".

"Đối với Việt Nam, đây là thời điểm để nhìn lại hoạt động ứng phó tổng thể vô cùng mạnh mẽ của đất nước đối với vi rút này. Nhưng điều quan trọng chúng ta phải hiểu rằng đây không phải là lúc mất cảnh giác. COVID-19 sẽ tiếp tục là một mối đe dọa. Công bố của WHO là công bố về sự cần thiết phải tăng tốc và lập kế hoạch quản lý vi rút dài hạn", đại diện WHO tại Việt Nam nhận định.

Người dân đeo khẩu trang ở nơi công cộng phòng bệnh COVID-19  - Ảnh: DUYÊN PHAN

Người dân đeo khẩu trang ở nơi công cộng phòng bệnh COVID-19 - Ảnh: DUYÊN PHAN

Ngày 6-5, cả nước giảm gần 600 ca COVID-19Ngày 6-5, cả nước giảm gần 600 ca COVID-19

Sau khi đạt mốc 3.399 ca mắc COVID-19 mới ngày 5-5, cao nhất trong gần 8 tháng qua, ngày 6-5, cả nước ghi nhận 2.804 ca, giảm gần 600 ca so với ngày trước đó.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên