02/05/2020 06:32 GMT+7

COVID-19 có thể lây qua đường tiêu hóa: hãy rửa tay, rửa tay và rửa tay!

PGS.TS QUÁCH TRỌNG ĐỨC (ĐH Y dược TP.HCM)
PGS.TS QUÁCH TRỌNG ĐỨC (ĐH Y dược TP.HCM)

TTO - Mặc dù vẫn còn cần thêm chứng cứ để khẳng định khả năng SARS-CoV-2 lây qua đường tiêu hóa, việc phòng ngừa là cần thiết, đặc biệt khi cách phòng ngừa rất đơn giản là rửa tay đúng cách.

COVID-19 có thể lây qua đường tiêu hóa: hãy rửa tay, rửa tay và rửa tay! - Ảnh 1.

Rửa tay đúng cách là biện pháp đơn giản và hiệu quả để phòng COVID-19 - Ảnh: AFP

Giảm dịch nhưng đừng lơi lỏng khẩu trang và rửa tay 

Nửa tháng liền Việt Nam không có thêm bệnh nhân COVID-19 mới trong khi nhiều vùng trên thế giới đang phải vật lộn với việc phòng chống dịch. Đây là một thành quả lớn từ chiến lược của chính phủ, đội ngũ cán bộ y tế cùng với sự đồng lòng của người dân. 

Thời gian giãn cách xã hội dài và tình hình dịch bệnh từng bước được kiểm soát mang lại tâm trạng hứng khởi nhưng đồng thời là xu hướng lơi lỏng thực hiện các khuyến cáo phòng dịch. 

Việc mang khẩu trang nơi công cộng đã được nhấn mạnh là cần thiết và bị nghiêm khắc xử lý khi vi phạm. Việc rửa tay khó có thể kiểm tra, đòi hỏi sự tự giác cao, nhưng là một giải pháp thiết thực, hiệu quả góp phần bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng, đặc biệt là trong giai đoạn dịch bệnh hiện nay.

Biểu hiện nổi bật của COVID-19, bệnh do virus SARS-CoV-2 gây ra, là viêm đường hô hấp cấp với nguy cơ tiển triển nặng dẫn đến suy hô hấp và tử vong. Vì vậy, sự quan tâm của cộng đồng tập trung vào biểu hiện hô hấp (sốt, ho, đau họng, khó thở …) cũng như nguy cơ lây nhiễm do dịch tiết và giọt bắn từ đường hô hấp. 

5 bước phòng chống COVID-19 hiệu quả - Nguồn: Bộ Y tế

Vì sao phải rửa tay và rửa tay? 

Vệ sinh tay là vấn đề không mới đã được Bộ Y tế nhấn mạnh, khuyến cáo và hướng dẫn chi tiết từ những ngày đầu phòng dịch. Tuy nhiên biện pháp này không chỉ giúp phòng tránh lây nhiễm virus qua đường hô hấp như nhiều người nghĩ. 

Những chứng cứ y học gần đây cho thấy nguy cơ tiềm ẩn lây nhiễm virus qua đường tiêu hóa và khẳng định hơn nữa tầm quan trọng của vệ sinh tay để phòng ngừa dịch bệnh trong giai đoạn hiện nay. 

Một loạt báo cáo đăng tải trên các tạp chí tiêu hóa uy tín hàng đầu thế giới đã cho thấy nguy cơ này, như báo cáo ngày 3-3-2020 trên Gastroenterology cho thấy mảnh RNA của virus và cả virus sống có thể vẫn được tìm thấy trong phân của người bị nhiễm SARS-CoV-2.

Một báo cáo khác vào ngày 19-3-2020 trên Lancet Gastroenterology & Hepatology cho thấy mảnh RNA của virus vẫn có thể được tìm thấy trong phân đến gần 5 tuần lễ sau khi xét nghiệm RNA của virus trên đường hô hấp đã cho kết quả âm tính.

Cũng vào ngày 19-3-2020, một bài tổng quan trên Alimentary Pharmacology & Therapeutics cho thấy người nhiễm virus SARS-CoV-2 có thể chỉ có triệu chứng tiêu hóa như nôn, đau bụng, tiêu chảy (trong đó tiêu chảy là triệu chứng thường gặp nhất) mà không kèm bất cứ triệu chứng hô hấp nào.

Và một điểm quan trọng khác là nhiều trường hợp đã từng tiếp xúc với virus SARS-CoV-2 có thể không có triệu chứng rõ ràng. Tỉ lệ lưu hành thực sự của bệnh trong cộng đồng có thể cũng cao hơn nhiều so với những gì chúng ta nghĩ. 

Một nghiên cứu cộng đồng trên hơn 3,300 người tại hạt Santa Clara, bang California của Mỹ được công bố mới đây vào ngày 17-4-2020 cho thấy tỉ lệ lưu hành người từng có tiếp xúc với virus SARS-CoV-2 (xác định dựa trên xét nghiệm tìm kháng thể với virus trong máu) có thể lên đến 2,5-4,0%.

Như vậy, những bằng chứng mới nhất cho thấy nguy cơ tiềm ẩn lây lan bệnh trong cộng đồng qua đường tiêu hóa do thời gian thải virus trong phân dài ngày và người nhiễm virus SARS-CoV-2 có thể không có triệu chứng gợi ý. 

Đúng lúc, đúng cách

Mặc dù vẫn còn cần thêm chứng cứ để khẳng định khả năng lây truyền bệnh thực sự qua đường tiêu hóa, việc phòng ngừa ngay khi nhận ra đường lây truyền tiềm năng nên là chiến lược ưu tiên khi đối phó với một virus nguy hiểm và khả năng lây lan nhanh như SARS-CoV-2, đặc biệt là khi biện pháp phòng bệnh đơn giản và hiệu quả là rửa tay đúng cách.

Để tránh lây nhiễm qua đường tiêu hóa, cần rửa tay trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn uống và ngay sau khi đi vệ sinh.

Thử thách cũng mang đến cơ hội. Việt Nam là quốc gia có các bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa khá phổ biến. Vệ sinh tay giúp phòng ngừa COVID-19, nhưng đồng thời cũng giúp phòng ngừa các bệnh nhiễm trùng tiêu hóa. 

Nghiêm túc thực hiện vệ sinh tay không chỉ trong giai đoạn dịch mà cả trong giai đoạn hậu dịch chắc chắn sẽ đem lại chất lượng sức khỏe tiêu hóa tốt hơn cho nhiều người Việt Nam.

Thăm dò ý kiến

Những thói quen nên có trong cuộc sống bình thường mới, sau những ngày cách ly, theo bạn:

Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.

Dịch COVID-19 chiều 1-5: Việt Nam 0 ca mới, Trung Quốc rời nhóm 10 nước có số ca nhiễm cao nhất Dịch COVID-19 chiều 1-5: Việt Nam 0 ca mới, Trung Quốc rời nhóm 10 nước có số ca nhiễm cao nhất

TTO - Việt Nam không ghi nhận ca nhiễm mới tính đến chiều ngày 1-5. Trung Quốc ra khỏi nhóm 10 nước có số ca bệnh COVID-19 cao nhất thế giới, các nước còn lại trong nhóm này đa phần nằm ở châu Âu và châu Mỹ.

PGS.TS QUÁCH TRỌNG ĐỨC (ĐH Y dược TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên