11/12/2017 19:07 GMT+7

Copywriter - cơ duyên từ những lần dang dở

NGUYỄN MINH TRÍ
NGUYỄN MINH TRÍ

TTO - Là sinh viên ngành tiếng Anh, bốn năm ĐH của tôi xoay quanh cách phát âm từ này thế nào cho đúng, dịch đoạn kia thế nào cho hay, giao tiếp thế nào cho 'Tây' nhất…

Copywriter - cơ duyên từ những lần dang dở - Ảnh 1.

Những tưởng tương lai tôi sẽ là thầy giáo tiếng Anh ở giảng đường nào đó, ấy vậy mà giờ đây, công việc tôi đang gắn bó dường như chả "dây mơ rễ má" gì với định hướng và kế hoạch của bốn năm về trước.

Sau khi tốt nghiệp, tôi bắt đầu lộ trình xin việc. Ban đầu tôi được nhận vào dịch tin tức nước ngoài cho một trang báo nhỏ. Đây là công việc tôi yêu thích, phù hợp chuyên ngành, nhưng sau đó vì vài lí do mà tôi phải từ bỏ khi vừa kết thúc thử việc.

Sau đó, không hiểu vì lí do gì mà tôi trượt ba công ty liên tiếp khi đã nỗ lực chen chân vào đến vòng phỏng vấn cuối cùng. Nỗi bất mãn và thất vọng cứ túa ra, tràn trề lênh láng trong lòng.

Và rồi tôi chợt nhận được cuộc gọi phỏng vấn bất ngờ cho vị trí copywriter từ một trườn dạy nghề mà đôi ba lần tôi đã loáng thoáng nghe qua. Tôi đón nhận cơ hội quý giá ấy bằng thái độ thờ ơ, qua loa hẹn giờ rồi cúp máy. 

Đến hôm phỏng vấn, tôi cũng mang trong mình tâm thế cực kỳ bình thản, vì quả thật đó giờ tôi chả biết copywriter là nghề như thế nào.

Nghịch lý thay, cái nơi mình ít đặt tâm huyết nhất lại chọn mình. Tôi chính thức trở thành nhân viên copywriter của trung tâm hướng nghiệp này, chịu trách nhiệm PR nhóm ngành quản trị nhà hàng khách sạn. Tôi bén duyên với nghề copywriter một cách tình cờ và thờ ơ như vậy.

Nhiều người nói rằng copywriter đơn giản là viết bài SEO 20.000/bài. Nhưng thực chất sứ mệnh của tôi cao cả hơn thế rất nhiều. 

Tôi được chị manager nhắn nhủ ngay từ đầu rằng nhiệm vụ của tôi là cải cách tư duy, định hình tư tưởng cho thế hệ trẻ về tầm quan trọng của việc học nghề và khuyến khích giới trẻ chọn học nghề như một hướng đi mới mẻ, giàu tiềm năng hơn.

Copywriter là nghề đòi hỏi công phu tỉa gọt câu chữ ở mức "thượng thừa" - điều mà tôi vẫn chưa lĩnh hội hết được. 

Bước vào nghề, tôi phải học lại từ đầu. Học cách thoát ly khỏi văn phong cứng nhắc, nghiêm túc từ những bài dịch thuật tin chính trị quen tay trước đó, để "uốn éo" hơn trong cách hành văn sao cho người đọc dễ dàng tiếp nhận ý kiến cá nhân của mình và thuận theo định hướng mình đặt ra. 

Lời văn tôi phải "săn đón", "mời mọc" hơn trong những bài PR khóa học sao cho hấp dẫn nhất có thể, chứ mãi kiên định với văn phong kiểu "đoan chính", chắc tôi sẽ không có nổi một khách hàng nào.

Sứ mệnh của tôi là "bật đèn xanh" tâm lý cho thế hệ trẻ trong giai đoạn định vị tương lai nên đòi hỏi tính khách quan trong quan điểm. 

Khi triển khai đề tài định hướng tư tưởng như "Có nên học nghề nhà hàng khách sạn không?", "Lễ tân phải chăng là nghề chỉ dành cho con gái?"… tôi phải bỏ công nghiên cứu vấn đề và xây dựng ý tưởng dựa trên những con số biết nói và ý kiến, góc nhìn của chuyên gia trong ngành, đồng thời thêm thắt màu sắc cá nhân cho bài viết sinh động và đa chiều hơn.

Với riêng tôi, cái khó trong nghề copywriter không nằm ở cách thức hành văn sao cho trôi chảy, mạch lạc, thuyết phục mà là làm thế nào để phát kiến ra những ý tưởng độc đáo, mới lạ. 

Bí ý tưởng là "chuyện thường ở huyện". Lắm lúc tôi ví chất xám như mảnh đất khô cằn, cần dòng nước tươi mát tuôn rào để mềm dẻo hơn và ươm mầm ý tưởng. 

Và đó cũng là những lúc tôi nhận ra mình còn thiếu trải nghiệm, ít kinh nghiệm sống quá để có thể nhìn cuộc đời tinh tế hơn, đa diện hơn và sâu sắc hơn.

Trước kia, ngành nhà hàng khách sạn là khái niệm xa lạ với tôi. Nhưng khi bắt đầu tìm hiểu về ngành này, tôi mới ý thức phục vụ là một nghề cao quý. 

Có ai đó từng nói nghề khách sạn là nghề vất vả, nỗi vất vả làm nghề không tài nào diễn đạt bằng lời. 

Người làm nghề phải đánh đổi mồ hôi và nước mắt để đổi lấy nụ cười hài lòng từ khách hàng. Chỉ khi có sức chịu đựng đáng nể và lòng yêu nghề kiên định thì mới đủ bản lĩnh gắn bó với nghề khách sạn. 

Từ đó, song song với thay đổi tư duy người khác, tôi cũng vô tình "cách tân" nhận thức của mình: tôi dần trân quý hơn những người làm nghề phục vụ.

Không những thế, sau nhiều tháng đồng hành cùng nhà hàng khách sạn, tôi đã có cách nhìn khác về vai trò của học nghề trong thời đại mới. 

Nếu như vài năm trước đây học nghề vẫn bị xem là hướng đi "bất đắc dĩ" thì ngày nay, bạn trẻ đã chủ động hơn trong việc tìm hiểu và lựa chọn học nghề. 

Trên phương diện cá nhân, tôi nghĩ đây là giải pháp giáo dục khả thi dành cho thế hệ trẻ muốn học nhanh, làm nhanh và thành công nhanh. 

Bởi học nghề giúp rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí và quan trọng nhất, bạn trẻ vẫn được trang bị đủ kỹ năng làm nghề cần thiết cho bước đường tương lai.

Trải qua gần một năm gắn bó, tôi nhận thấy công việc copywriter rất phù hợp với mình. Không còn đơn thuần là công việc mưu sinh, tôi trân trọng nghề copywriter hiện tại như một sứ mệnh cao cả. 

Tình yêu tôi dành cho nghề nói riêng và trường dạy nghề cũng dần lớn hơn, bởi đây là cái nôi giúp tôi khởi đầu lại và phát triển bản thân cao hơn. 

Hi vọng tôi sẽ gắn bó với nghề lâu nhất để có thể truyền cảm hứng và tạo động lực tích cực cho các bạn trẻ với dự định học nghề tương lai.

Copywriter - cơ duyên từ những lần dang dở - Ảnh 2. Mời dự thi viết 'Tôi chọn nghề', nhiều giải thưởng hấp dẫn

TTO - Cuộc thi "Tôi chọn nghề" nhận bài dự thi từ nay đến 21-01-2018 với giải nhất 30 triệu đồng, giải nhì 20 triệu đồng cùng nhiều giải thưởng hấp dẫn khác đang chờ bạn.

Copywriter - cơ duyên từ những lần dang dở - Ảnh 2.
NGUYỄN MINH TRÍ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên