18/06/2022 20:21 GMT+7

Công ty vận hành đường sắt Cát Linh - Hà Đông bán vé được 5,3 tỉ đồng, lỗ gộp 53,6 tỉ đồng

TUẤN PHÙNG
TUẤN PHÙNG

TTO - Cộng thêm 12,2 tỉ đồng chi phí quản lý doanh nghiệp, Hanoi Metro lỗ hơn 63,73 tỉ đồng trong năm 2021 (năm 2020 khi chưa vận hành đường sắt Cát Linh - Hà Đông doanh nghiệp này lỗ 22,67 tỉ đồng).

Công ty vận hành đường sắt Cát Linh - Hà Đông bán vé được 5,3 tỉ đồng, lỗ gộp 53,6 tỉ đồng - Ảnh 1.

Hanoi Metro hiện chỉ vận hành tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông - Ảnh: NAM TRẦN

Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) cho biết nếu doanh thu năm 2021 được cộng thêm trợ giá vé tàu Cát Linh - Hà Đông từ thành phố Hà Nội, bức tranh tài chính của công ty này sẽ khác.

Theo báo cáo tài chính năm 2021 đã kiểm toán, năm 2021 doanh thu của Hanoi Metro đạt hơn 5,3 tỉ đồng từ bán vé đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Tuy nhiên giá vốn bán hàng và cung cấp dịch vụ cho tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông là hơn 58,94 tỉ đồng (trong đó chi phí nhân công chiếm 43,7 tỉ đồng) khiến lỗ gộp của doanh nghiệp này là 53,6 tỉ đồng.

Cộng thêm 12,2 tỉ đồng chi phí quản lý doanh nghiệp, Hanoi Metro lỗ hơn 63,73 tỉ đồng trong năm 2021 (năm 2020 khi chưa vận hành đường sắt Cát Linh - Hà Đông doanh nghiệp này lỗ 22,67 tỉ đồng).

Với kết quả kinh doanh trên, từ khi hoạt động vào tháng 6-2015 đến hết năm 2021 Hanoi Metro lỗ lũy kế gần 160 tỉ đồng.

Trong thông tin gửi báo chí ngày 18-6, Hanoi Metro cho biết: vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, đường sắt đô thị là lĩnh vực dịch vụ công nên giá do thành phố quyết định với mức giá rẻ có trợ giá của thành phố để khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng đi lại, giảm dần phương tiện cá nhân, giúp giảm thiểu ùn tắc, ô nhiễm môi trường. 

Bởi vậy, đối với vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt cũng như đường sắt đô thị thì thu từ vé không đủ bù đắp chi phí nên được thành phố trợ giá.

Theo Hanoi Metro, xe buýt của Hà Nội đã được trợ giá từ nhiều năm nay. Còn đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông là tuyến đầu tiên đưa vào vận hành, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua nghị quyết cho áp dụng các chính sách khuyến khích như xe buýt hiện nay, việc trợ giá cho đường sắt đô thị được quy định trong Luật đường sắt.

Với số liệu báo cáo tài chính năm 2021, Hanoi Metro cho biết là số liệu chưa có trợ giá của thành phố Hà Nội vì chưa có đặt hàng do công ty này bắt đầu vận hành đường sắt Cát Linh - Hà Đông từ 6-11-2021. Trong thời gian vừa qua, với sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý, Hanoi Metro đã xây dựng đơn giá tạm thời và đã được thành phố Hà Nội phê duyệt.

Theo Hanoi Metro, họ đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ để thành phố Hà Nội đặt hàng cho đường sắt Cát Linh - Hà Đông 2 tháng cuối năm 2021 và cả năm 2022.

Lãnh đạo Hanoi Metro nhận định sau khi doanh thu của năm 2021 được cộng thêm trợ giá theo đặt hàng của thành phố Hà Nội, chắc chắn bức tranh tài chính sẽ khác so với báo cáo tài chính hiện nay. Bởi vì trợ giá của thành phố Hà Nội không chỉ bù đắp phần thiếu hụt do doanh thu không đảm bảo chi phí mà còn có lãi định mức theo quy định.

Hanoi Metro được UBND thành phố Hà Nội thành lập và chính thức đi vào hoạt động từ tháng 6-2015 để quản lý vận hành các tuyến đường sắt đô thị của Hà Nội. Tuy nhiên, do các tuyến đường sắt đô thị thực hiện đầu tư chậm nên đến 6-11-2021, Hanoi Metro mới chính thức khai thác, vận hành tuyến đường sắt đô thị đầu tiên và duy nhất cho đến nay là đường sắt Cát Linh - Hà Đông.

Thống kê của Hanoi Metro, sau 202 ngày vận hành, kể từ 6-11-2021 đến 26-5-2022 đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã chở hơn 3,1 triệu hành khách, bình quân đạt 15.633 hành khách/ngày. Hành khách đi tàu tăng gấp 2,5 lần so với thời gian đầu và trong thời gian giãn cách xã hội.

Trong ngày làm việc bình thường, khách đi tàu từ 21.000 - 22.000 người/ngày. Các ngày thứ bảy, chủ nhật đạt 25.000 - 30.000 hành khách/ngày. Các ngày nghỉ lễ, hành khách trải nghiệm tăng, đạt trên 40.000 hành khách, riêng ngày 1-5-2022 có trên 50.000 hành khách đi tàu Cát Linh - Hà Đông.

Tỉ lệ tàu chạy đúng giờ của đường sắt Cát Linh - Hà Đông đạt 99,98%. Tỉ lệ hành khách đi vé tháng bình quân trong ngày từ 55 - 60%; giờ cao điểm hành khách sử dụng vé tháng chiếm 75 - 80%.

Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM: ‘Vận tải công cộng phải được bao cấp’ Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM: ‘Vận tải công cộng phải được bao cấp’

TTO - Chiều 9-7, tại phiên thảo luận tổ, kỳ họp HĐND TP.HCM, trả lời các đại biểu, phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM Võ Khánh Hưng khẳng định vận tải hành khách công cộng là phải được bao cấp, trợ giá.

TUẤN PHÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên