Những người ủng hộ quân đội Myanmar tụ tập tại thành phố Yangon ngày 1-2 khi quân đội Myanmar bắt Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi và nhiều nhân vật cấp cao khác - Ảnh: AFP
Tạp chí Nikkei Asia đưa tin các động thái của quân đội Myanmar chống lại chính quyền dân sự Myanmar ngày 1-2 đã gây "sốc" cho các công ty nước ngoài đang hoạt động tại quốc gia Đông Nam Á này.
Nhiều quốc gia đã nêu lo ngại về tình hình ở Myanmar. ASEAN kêu gọi Myanmar theo đuổi "đối thoại, hòa giải và quay lại tình trạng bình thường phù hợp với nguyện vọng và lợi ích của nhân dân Myanmar".
Theo Nikkei Asia, các công ty nước ngoài đã đầu tư vào Myanmar - với hi vọng quân đội kết thúc cầm quyền sẽ mở ra nhiều cơ hội làm ăn - giờ đây có thể bị buộc phải xem xét lại các chiến lược của họ ở quốc gia này.
Từ sau chiến thắng của Đảng Liên minh quốc gia vì dân chủ (NLD) dẫn dắt bởi bà Aung San Suu Kyi trong cuộc tổng tuyển cử năm 2015, nhiều nhà đầu tư nước ngoài như các công ty Nhật Bản đã tăng đầu tư vào Myanmar.
Số liệu từ Chính phủ Myanmar cho thấy số đầu tư của Nhật Bản được nước này cho phép tính tới tháng 9-2020 là khoảng 768 triệu USD, xếp thứ ba sau Singapore và Hong Kong.
Các nhà đầu tư nước ngoài đã nhanh chóng tăng đầu tư vào Myanmar sau khi quân đội kết thúc sự cầm quyền tại nước này. Tuy nhiên, "đảo chính" đã xảy ra tại Myanmar ngày 1-2 - Ảnh: EPA
Với thông tin hạn chế về cuộc đảo chính (như cách gọi của truyền thông phương Tây) tại Myanmar ngày 1-2 và tình trạng khó khăn trong liên lạc giữa nước này với bên ngoài, các công ty đã đổ xô đi thu thập thông tin và xác nhận sự an toàn của các nhân viên của họ.
Chia sẻ với Nikkei Asia, Công ty Grab có trụ sở ở Singapore cho biết các dịch vụ của họ tại Myanmar đã tạm thời không hoạt động được do kết nối Internet yếu.
Trong khi đó, nhà sản xuất xe Toyota Motor (Nhật Bản) nói rằng công ty này đang xác nhận thông tin cập nhật mới nhất về doanh thu ở Myanmar cũng như thông tin về nhân viên. Một đại diện của Suzuki Motor cho biết họ chưa nhận được báo cáo từ đơn vị địa phương ở Myanmar về tác động của tình hình nơi đây lên hoạt động làm ăn.
Còn Tập đoàn công nghiệp Mitsubishi (Nhật Bản) đã yêu cầu nhân viên tại Myanmar đặt sự an toàn của họ lên trên hết và ở tại nhà. Người phát ngôn Mitsubishi cho biết công ty này đã xác nhận được nhân viên của họ vẫn an toàn và họ vẫn đang đánh giá tác động tới chuyện kinh doanh.
Công ty sản xuất nước giải khát Kirin (Nhật Bản) - hiện sở hữu Myanmar Brewery & Mandalay Brewery - cho biết họ đã "nắm được các diễn biến chính trị ở Myanmar và chúng tôi đang giám sát tình hình chặt chẽ" và rằng "các nhà máy của chúng tôi đang hoạt động, nhưng có kế hoạch dừng sản xuất nếu có lệnh từ nhà chức trách".
Ngân hàng Kasikornbank của Thái Lan cho biết liên quan tới hoạt động của ngân hàng này ở Myanmar, họ đang theo dõi sát sao tình hình.
Trong khi đó, các doanh nhân Myanmar bày tỏ lo ngại về những gì đã diễn ra ngày 1-2. Alok Kumar, giám đốc điều hành Công ty du lịch Oway của Myanmar, nói đây "hoàn toàn là khoảng thời gian chưa từng xảy ra với chúng tôi, đầu tiên là dịch COVID-19 và giờ là đảo chính".
Ông cho rằng hiện có "tình trạng không chắc chắn to lớn phía trước với việc kinh doanh và người dân" ở Myanmar.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận