17/01/2020 08:54 GMT+7

Công nghệ 'xâm lấn' ngành y tế

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TTO - Các ông lớn công nghệ như Google, Apple, Amazon đang thể hiện rõ ý đồ bành trướng trong lĩnh vực y tế.

Công nghệ xâm lấn ngành y tế - Ảnh 1.

Những công cụ công nghệ ngày nay cho phép người bệnh có thể khám bệnh qua không gian ảo - Ảnh: Vox/Getty Images

Không chỉ phát triển các ứng dụng, thiết bị đeo theo dõi sức khỏe, các gã khổng lồ công nghệ đang ngày càng mở rộng vị thế ở nhiều mặt trong lĩnh vực trị giá hàng tỉ USD này.

Bất chấp những lời hứa, các sản phẩm của các công ty công nghệ sẽ khó thay đổi được ngành y tế. Không phải vì họ không thể. Các công ty lớn có hiểu rõ về kỹ thuật và công nghệ để tạo ra các công cụ y tế mạnh mẽ. Nhưng họ sẽ không chấp nhận rủi ro và không thể tiếp cận được các dữ liệu bệnh nhân cần thiết.

Chuyên gia Robert Pearl (cựu lãnh đạo The Permanente Medical Group) nhận định

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng các công ty công nghệ sẽ khó tạo nên sự chuyển mình trong ngành y tế bởi vẫn còn nhiều vấn đề như niềm tin của người dùng và trách nhiệm của các công ty này.

Chiến lược kiếm tiền

Apple đang dần tiến bước vào lĩnh vực y tế, bắt đầu bằng việc sản xuất các thiết bị như đồng hồ thông minh với cảm biến có thể theo dõi và phát hiện các bất thường trong nhịp tim, bên cạnh vô số chức năng như theo dõi chu kỳ kinh nguyệt... 

Các dòng điện thoại của hãng này cũng tích hợp sẵn ứng dụng sức khỏe theo dõi thông tin từ tiêm ngừa, kết quả xét nghiệm, dị ứng và đồng bộ với dữ liệu của một số bệnh viện.

Thiết bị đeo theo dõi sức khỏe như đồng hồ thông minh rõ ràng là một ngành kinh doanh béo bở, dự kiến đạt 27 tỉ USD chỉ riêng tại Mỹ vào năm 2022. Đó là lý do vì sao Google cuối năm ngoái sẵn sàng chi 2,1 tỉ USD mua lại Hãng sản xuất đồng hồ thông minh Fitbit, dù một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng các thiết bị đeo này có tác động rất nhỏ đến sức khỏe người dùng và 1/3 số người ngừng sử dụng chỉ sau nửa năm.

Nhưng không chỉ vậy, năm 2018, Apple từng tuyên bố kế hoạch mở các phòng khám "đẳng cấp thế giới" tại Mỹ. Còn Amazon vào tháng 9-2019 tiết lộ chương trình Amazon Care cho phép khám bệnh qua không gian ảo và các dịch vụ như đưa thuốc tận nhà, theo Business Insider.

Những công ty tưởng chừng ít liên quan cũng tham gia cuộc chơi. Trong khi Facebook hồi tháng 10-2019 giới thiệu công cụ hướng dẫn người dùng về nơi khám bệnh... thì Hãng xe công nghệ Uber cũng có dịch vụ Uber Health hỗ trợ người dùng, đặc biệt là người già, người gặp khó khăn, đặt xe đến bệnh viện.

Không dừng lại ở đó, Google trong năm qua muốn dấn sâu hơn nữa vào lĩnh vực này khi hợp tác cùng Ascension, hệ thống bệnh viện lớn nhất tại Mỹ, để thực hiện dự án Project Nightingale thu thập thông tin liên quan tới sức khỏe của 50 triệu người Mỹ tại 21 bang, theo tạp chí Forbes.

Trong dự án này, Google không chỉ đóng vai trò là nhà cung cấp dịch vụ đám mây mà còn tham gia phát triển các công cụ cho mảng y tế. Tương tự, Microsoft cũng xác định chiến lược y tế của hãng là cung cấp dịch vụ đám mây và phần mềm cho các công ty y tế.

Lo ngại đánh cắp dữ liệu

"Mọi người đang thấy mọi công ty công nghệ đang tham gia vào lĩnh vực y tế. Tại Mỹ, nó chiếm đến 1/6 GDP, nên thật khó mà phớt lờ thị trường này" - đánh giá của bà Megan Callahan, phó lãnh đạo bộ phận y tế của Hãng xe công nghệ Lyft, thể hiện rõ mục đích của các công ty công nghệ.

Chưa kể sự tham gia của các công ty công nghệ vào y tế đặt ra nhiều vấn đề, đặc biệt là về quyền sở hữu dữ liệu. Dự án bí mật Project Nightingale của Google vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ khi bị truyền thông phanh phui. Nhiều người đặt ra lo ngại về cách Google có thể sử dụng thông tin sức khỏe cá nhân để phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) và các công cụ khác.

Dù Đạo luật về tính linh hoạt và trách nhiệm bảo hiểm y tế (HIPAA) 1996 của Mỹ cho phép bệnh viện bí mật chia sẻ thông tin với các đối tác, nhưng không có quy định về việc liệu các công ty có quyền sử dụng dữ liệu để phát triển và bán sản phẩm mới hay không. Google không bình luận về việc sử dụng dữ liệu trong dự án Project Nightingale, nhưng lãnh đạo Ascension khẳng định dữ liệu sẽ không được dùng để bán quảng cáo.

Ngoài ra, các ông lớn công nghệ có vẻ cũng muốn né trách nhiệm pháp lý trong tương lai. Cuối năm 2019, tạp chí New England Journal of Medicine xuất bản nghiên cứu được Apple tài trợ, xác nhận rằng các cảm biến quang học trên thiết bị đeo có thể phát hiện các bất thường trong nhịp tim, còn gọi là rung nhĩ.

Tuy nhiên, tạp chí Forbes chỉ ra rằng trong số hơn 419.000 người tham gia nghiên cứu, phần lớn có độ tuổi dưới 40 và chỉ có 9% trên 65 tuổi - những đối tượng có nguy cơ bị rối loạn nhịp tim cao hơn. Đây là một nghiên cứu nhằm bảo vệ Apple về mặt pháp lý vì nếu thiết bị của Apple không phát hiện được rung nhĩ, khách hàng khó có thể kiện được.

Bước tiến thần tốc

"Sẽ có ngày khi nhìn lại, đóng góp lớn nhất của Apple cho con người là trong lĩnh vực y tế" - CEO Tim Cook từng tuyên bố năm 2019.

Trong khi đó, các chương trình AI của Google đang vượt mặt các chuyên gia y tế về chẩn đoán bệnh.

Hay mới đây, WSJ đưa tin Google đang muốn thống trị mảng dữ liệu y tế với mục tiêu xây dựng hệ thống dữ liệu y tế của hàng trăm triệu người.

Khám bệnh tự động: hôn nhân đẹp của y học và công nghệ Khám bệnh tự động: hôn nhân đẹp của y học và công nghệ

TTO - Bệnh nhân không cần mất cả ngày ngồi chờ ở bệnh viện làm các thủ tục khám bệnh phức tạp, chỉ cần bước vào "phòng khám" và trình bày triệu chứng với một "bác sĩ ảo" và được cung cấp thuốc chỉ vài phút ngay sau đó.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên