Việt Nam đang trải qua giai đoạn bùng nổ của thương mại điện tử (TMĐT) với số lượng thâm nhập từ người bán và mua gia tăng trên các nền tảng. TMĐT được xem là "đầu tàu phục hồi kinh tế" của Việt Nam hậu COVID-19.
Trong đó, ngành vận chuyển phục vụ thị trường TMĐT (e-logistics) theo đó cũng phát triển cạnh tranh hơn với vai trò là cầu nối quan trọng giữa người bán và khách hàng. Đối tượng phục vụ của e-logistics gồm các bên tham gia chuỗi giao dịch.
Cụ thể, e-logistics tiếp xúc với khách hàng là các sàn TMĐT, các doanh nghiệp, nhà bán hàng - là những đầu mối chuyển giao hàng hóa cho các đơn vị e-logistics; và người mua - là người nhận trong dịch vụ chuyển phát chặng cuối.
Các hình thức vận chuyển trở nên đa dạng hơn với các gói sản phẩm phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp/người bán, các chương trình ưu đãi… Với chức năng chính là giao - nhận hàng hóa, ngành e-logistics đảm bảo sự lưu thông của chuỗi cung ứng trong thị trường.
Khoảng năm 2017, khi e-logistics mới ra đời tại thị trường Việt Nam thì những vấn đề chính về vận hành chỉ được khai thác ở mức cơ bản và vĩ mô như: tốc độ giao hàng phải nhanh, tỉ lệ giao hàng thành công phải cao, tỉ lệ lưu kho hàng hóa thấp, công nghệ phát triển tập trung vào hoạt động nhận hàng, kiểm tra hàng hóa, gắn nhãn/mã vạch, phân loại, thiết lập danh mục hàng… Nhìn chung, dịch vụ e-logistics dành cho người bán và người mua hạn chế ở chỉ phục vụ nhu cầu giao - nhận.
Đến năm 2021, ngành e-logistics đã trở thành cánh tay nối dài của các doanh nghiệp, đặc biệt đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ mới tham gia vào cuộc chiến TMĐT, giúp họ tận dụng nguồn tài nguyên để chinh phục các thử thách từ thị trường bằng các hình thức ứng dụng công nghệ, giúp triển khai đa dạng các dịch vụ, tạo ra giá trị thặng dư lớn hơn cho thị trường và người dùng.
Ví dụ, với lượng thông tin từ các đơn hàng hằng ngày, các đơn vị e-logistics có thể thực hiện các thống kê hữu ích về thị trường mặt hàng, xu hướng bằng cách tối ưu hóa dữ liệu nhờ vào sử dụng công cụ học máy (machine learning) và phân tích kinh doanh (business intelligence), và đưa ra những dự đoán phù hợp cho sự phát triển của doanh nghiệp.
Đây là nguồn thông tin thực tế và chính xác mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tiếp cận để hiểu thêm về sự chuyển dịch và mong muốn của thị trường, quyết định các mặt hàng nên kinh doanh, giải quyết các bài toán chi phí, tính toán được nguồn vốn nhằm đảm bảo mục tiêu kinh doanh và lợi ích lâu dài.
Từ đó, việc tìm hiểu xu hướng và nắm bắt thông tin thị trường dễ dàng và có cơ sở hơn nhờ các dữ liệu về ngành hàng, mặt hàng. Thêm vào đó, thị hiếu người tiêu dùng cũng được tìm hiểu rõ ràng hơn để hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm khách hàng hiệu quả hơn. Nhờ đó, các hoạt động quảng cáo cũng được nâng cao hiệu quả và giảm thiểu chi phí.
Ngoài ra, việc tận dụng các thuật toán thống kê dữ liệu dựa theo tình trạng giao/nhận thành công trên lượng đơn hàng khổng lồ hằng ngày, đơn vị e-logistics cũng có thể đưa ra cảnh báo các trường hợp mua hàng tiêu cực, chân dung người mua hàng có lịch sử mua hàng lọt danh sách đen (bom hàng) hoặc những khu vực có tỉ lệ giao hàng thành công thấp…
Từ đó, chi phí vận hành của người bán cũng sẽ được tối ưu hơn nhờ tận dụng thế mạnh công nghệ và am hiểu chuỗi cung ứng từ các đơn vị e-logistics. Không chỉ là cầu nối giữa người tiêu dùng và nhà bán hàng, các đơn vị e-logistics còn giúp kết nối các doanh nghiệp, người bán hàng với các nhà cung cấp trong và ngoài nước, đáp ứng nhu cầu tìm kiếm nguồn hàng từ nước ngoài của khách hàng.
Đồ họa: NGỌC THÀNH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận