14/06/2010 05:44 GMT+7

Công khai mua bán đồ "chôm"

TT - Chợ đồ “chôm”, chợ đồ “nhảy” là tên gọi của những khu chợ lề đường trên địa bàn TP.HCM, bày bán những thứ hàng vừa được chôm chỉa của giới trộm cắp, cướp giật ở khắp nơi cung cấp.

“Mua gì chú em, muốn mua thứ gì cũng có hết”, “Chờ đó tui mang hàng xịn ra cho xem liền...” Hàng loạt lời mời chào rôm rả từ những người bán hàng tại một phiên chợ đồ “chôm” họp trên đường Phó Đức Chính (Q.1).

Hàng hóa được bày bán tràn lan trên lề đường. Đủ loại điện thoại di động đời mới, dây chuyền vàng, máy vi tính xách tay... cho đến những đôi giày, quần áo, vợt tennis, kính mắt, máy ảnh, thắt lưng da... được bày biện lổn nhổn. Những người bán hàng cho biết hàng hiệu cả đấy nhưng “giá rẻ như bèo”.

Sôi động phiên chợ “đen”

Thấy chúng tôi có vẻ ái ngại, bà H., một chủ hàng, nói nhỏ: “Mua đi, bảo đảm đồ xịn 100%, không lầm đâu mà sợ. Đều là đồ ăn cắp cả, mua sao bán vậy, chỉ kiếm ít đồng huê hồng thôi chứ tụi tui cũng không muốn giữ lâu. Muốn hàng “độc” hơn phải chờ về kho lấy, tụi tui không dám bày ở đây”.

Bà còn tỉ tê: “Thật ra mua bán đồ ăn cắp ớn lắm. Nhưng nhiều khi thấy hàng tốt và rẻ cũng ham vì sang tay rất nhanh. Cách đây hai ngày, có thằng “nhảy” (trộm, cắp) được con laptop rất xịn, mới toanh, giá thị trường phải trên 20 chai (triệu đồng), nó ra giá 4 chai. Hắn nói vừa cuỗm được khi người ta đang sơ hở lúc chơi game. Tui mua lại liền nhưng cứ lo ngay ngáy vì sợ công an tìm đến...”.

Trung tá Trịnh Kim Sơn (đội phó đội chống trộm cắp lừa đảo, Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội - PC14, Công an TP.HCM):

Kiên quyết xử lý

Trên địa bàn TP.HCM hiện có nhiều khu chợ “đen” chuyên tiêu thụ hàng trộm cắp, đồ gian. Các chợ trời này tập trung nhiều ở quận 1, 5, 6, Bình Thạnh, Tân Phú, Bình Tân... PC14 đã tung trinh sát, bắt và xử lý nhiều đối tượng “trùm sỏ” trong những năm qua. Tuy nhiên, các đối tượng ngày càng hoạt động tinh vi khiến trinh sát rất tốn công sức để xác định hành vi tiêu thụ hàng gian, đồ trộm cắp. Người thu mua thường thông qua “cò” dắt mối và có sẵn đường dây hẳn hoi.

Các đối tượng này chỉ bày một số món đồ đơn giản, còn hàng “độc” được cất giấu trong kho. Đặc biệt, nhiều đối tượng trộm cắp và tiêu thụ còn móc nối với nhau để hoạt động. Đội chúng tôi vẫn đang đeo bám nhiều đối tượng khả nghi và kiên quyết xử lý những đối tượng này để đem lại bình yên cho TP.

Thỉnh thoảng, tại khu chợ lại có dân vừa đi “nhảy” hàng về ngang nhiên đứng “giao dịch”, “sang tay” hàng công khai ngay trong chợ. “Đi mua đồ ở mấy chợ này lơ ngơ là bị “thịt” ngay, phức tạp lắm, không bị “thịt” về hàng dỏm cũng bị móc túi, “thịt” đồ đạc trên người. Dân móc túi, cướp giật lai vãng ở đây nhiều lắm... Còn mua hàng gian rất dễ bị công an sờ gáy” - Hùng, một người chuyên đi săn hàng giá rẻ ở những phiên chợ đồ “chôm”, mách nước.

Cứ đầu giờ chiều là phiên chợ đồ “chôm” ở đường Phó Đức Chính bắt đầu nhóm họp. Nhiều ngày chợ hoạt động đến nửa đêm về sáng và vẫn có người đi lại mua bán khá nhộn nhịp. Theo tìm hiểu của chúng tôi, khách đến mua bán ở đây chủ yếu là giới ghi, chơi đề, cờ bạc, những đối tượng trộm cắp, móc túi..., trong đó rất nhiều người nghiện ma túy. Cao điểm vào khoảng 1-2 giờ sáng, những đối tượng trộm cắp mang “hàng” về đây bán lại cho người mua.

Tại các lề đường thuộc khu chợ Nhật Tảo (Q.10), dù đã quá nửa đêm nhưng khi chúng tôi ngỏ ý muốn bán một số đồ vừa đi “nhảy” về ngay lập tức có một nhóm người, cả nam lẫn nữ quây lại hỏi mua. Một bà tên B. thân thiện: “Hàng về hả. Đợt này tụi mày “nhảy” được món nào “bổ” (tốt) không, mang lên đây tao lấy tuốt. Yên tâm đi, tụi tao không trả thiệt đâu mà sợ. Dân “nhảy” hàng TP kiếm được hàng ngon đều sang tay tụi này cả”.

Nói rồi bà đưa danh thiếp cho chúng tôi rồi dặn “mang hàng lên thì “alô” cho tao ra rước”. Lẫn trong bóng đêm của khu chợ về khuya, nhiều đối tượng tóc xanh tóc đỏ lén lút tấp xe máy vào lề đường, điện thoại, móc hàng “nhảy” ra cho các chủ thu mua rồi rồ ga vọt mất. Việc giao dịch diễn ra rất nhanh, thường chỉ vài phút.

“Luật” ngầm...

Các điểm mua, bán tại những phiên chợ đồ gian này có thể hoạt động bất kể thời gian dù ngày hay đêm. Người bán lẫn người mua đều tỏ ra hết sức kín kẽ, tinh vi. Riêng những người đứng bán trên các lề đường đều chuẩn bị cho mình sẵn một cặp táp đen như một “cửa hàng di động” để có thể chuồn nhanh mỗi khi có động.

Đêm 3-6, hai bên đường Phó Đức Chính (Q.1) người bán kẻ mua nhộn nhịp. T., một “đầu nậu” tiêu thụ hàng tại khu vực này, nói: “Ở đây, mấy loại hàng dù đắt cỡ nào cứ mang ra tao mua hết. Tiền trao cháo múc không cần phải qua “cò” nào cả”. T. bảo ông ta chỉ mang một ít “hàng” trưng bày tại đây còn hàng “độc”, giá trị được giấu kín trong “kho” rất an toàn và chỉ giao hàng cho khách quen hoặc đáng tin cậy cũng như phân phối sỉ, lẻ cho các điểm bán hàng “nhảy” khác.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, để đảm bảo an toàn cho việc mua bán đồ “nhảy”, T. có cả một hệ thống đàn em làm tai, mắt trong khu vực. Khi có động, chỉ cần nghe một tiếng huýt sáo là “hô biến”, ngay lập tức “hàng” sẽ biến mất trong tích tắc.

Tại khu chợ đồ “chôm” trên đường Nguyễn Kiệm (Q.Gò Vấp), chúng tôi ngỏ ý muốn mua một máy tính còn tốt với giá mềm, S. - một tay chuyên mua bán các mặt hàng là đồ trộm cắp - gật gù. Sau một cú điện thoại, 15 phút sau Ph., đàn em của S., mang một máy tính xách tay hiệu Aces tới. S. liền dẫn chúng tôi vào nhà vệ sinh công cộng nằm phía sau điểm bán để thỏa thuận giá cả. Chiếc máy tính được ra giá 3,5 triệu đồng. S. bảo hàng này trên thị trường phải cỡ chục “chai”, nếu không phải hàng vừa “nhảy” được có nằm mơ cũng không mua được giá này.

Những loại hàng độc nếu khách có nhu cầu thì S. sẽ liên hệ qua điện thoại và có người mang hàng từ “lò” ra, khách mua nhất định không được tới “lò” vì luật làm việc là phải tuyệt đối bí mật. Ph., nhà ở chợ Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh), cùng với S. chuyên thu mua các loại máy tính với giá rất rẻ từ các đối tượng trộm cắp rồi tân trang để bán lại. Để có nguồn hàng thường xuyên, S. và Ph. có hẳn một đường dây chuyên cung cấp hàng gian là những đối tượng trộm cắp khắp TP. Mỗi đêm sẽ có 3-4 mặt hàng được chuyển vào “kho”.

Một trong những đầu mối cung cấp hàng chính cho S. là T. “ngớ ngẩn” - một người giả vờ ngớ ngẩn nhưng lại là một tay “nhảy hàng” rất lợi hại ở khu vực này. Lợi dụng bề ngoài tựa như một người không bình thường, T. đã thực hiện nhiều cú “nhảy” đồ hoành tráng với giá trị mặt hàng lên đến hàng chục triệu đồng trong thời gian qua.

Theo những tay chuyên môi giới đồ trộm cắp ở các phiên chợ trên, giới mua bán loại hàng này đều có những phương pháp và luật riêng. “Khi giao hàng cần phải bình tĩnh. Càng lén lút, lo sợ càng dễ bị công an nghi ngờ và phát hiện. Nếu công an tới hỏi cứ nói đây là đồ của mình, kẹt tiền thì bán thôi. Đối với những mối quen phải gọi điện báo trước để sắp xếp thời gian và địa điểm thích hợp. Mỗi khi giao hàng xong, tốt nhất là không ai biết ai, thực hiện theo nguyên tắc “hồn ai nấy giữ” để đảm bảo an toàn cho nhau”.

Cả T., S., Ph. đều khẳng định trong mỗi khu chợ đồ “chôm” còn có một vài người cầm trịch, tức là đầu nậu thu gom thuộc hàng đàn anh như ông H., ông D. (Q.1), bà H. (Q.10)... và mỗi người bán phải đóng “thuế đen” 50.000-100.000 đồng/tháng để có sự dàn xếp phân chia địa bàn, lĩnh vực, nếu không muốn xảy ra tranh chấp hoặc tố cáo lẫn nhau.

Trộm cắp liên tỉnh

Để triệt phá các đường dây tiêu thụ đồ gian, hàng trộm cắp, đội chống trộm cắp lừa đảo thuộc Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC14), Công an TP.HCM, đã tung hàng loạt trinh sát đeo bám các đối tượng trong thời gian dài. Nhiều đối tượng “đầu sỏ” trong giới tiêu thụ đồ trộm cắp đã sa lưới và lãnh án. Tiêu biểu như trường hợp H.N.Â. (sinh năm 1974, ngụ tại P.3, Q.4) bị bắt về hành vi tiêu thụ tài sản do hai đối tượng N.P.K. (ngụ P.1, Q.5) và L.H.T. (ngụ P.5, Q.5) ăn cắp tại P.8, Q.3.

Tang vật gồm máy bộ đàm, đồng hồ kilômet, táplô máy lạnh, bộ điều khiển máy lạnh và một bộ tuốcnơvít. Tiếp đó, trinh sát tiếp tục theo dõi thì bắt tiếp hai đối tượng là N.N.Đ. và N.V.N.P. (cùng ngụ tại P.16, Q.4), khi hai đối tượng mang một mặt nạ xe Mitsubishi, một xe máy đến nhà của H.N.Â. để bán. Trong đó, tên N.N.Đ. vừa trốn khỏi trường cai nghiện.

Từ lời khai của các đối tượng trên, đội 4 đã điều tra bắt bốn đối tượng nằm trong đường dây chuyên “cò” mồi, dẫn mối buôn bán phụ tùng ôtô trộm cắp tại khu chợ Dân Sinh (quận 1). Cả bốn đối tượng khai nhận đã mua phụ tùng ba lần từ H.N.Â. sau đó bán lại cho số tài xế taxi bị mất đồ để kiếm lời.

Qua khai thác mở rộng, đối tượng H.N.Â. khai còn có cửa tiệm mang tên M trên đường Nguyễn Công Trứ - Phó Đức Chính và An Dương Vương cùng hoạt động mua bán phụ tùng ôtô trộm cắp, có hai nhóm, bốn tên trộm thường cung cấp “hàng” nhưng không rõ lai lịch.

Trong hồ sơ thống kê của PC14 còn rất nhiều vụ mà các đối tượng tiêu thụ đồ trộm cắp theo đường dây liên tỉnh. Phần lớn là tài sản trộm cắp ở Bình Dương, Đồng Nai và các tỉnh lân cận được đưa về tiêu thụ tại các khu chợ “đen” ở TP.HCM như chợ Tân Thành, chợ Dân Sinh, chợ Nhật Tảo, đường Phó Đức Chính, Bùi Hữu Nghĩa, Nguyễn Kiệm...

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên