04/06/2015 09:04 GMT+7

Công cụ để người dân thực hiện quyền làm chủ

GS.TS NGUYỄN VÂN NAM
GS.TS NGUYỄN VÂN NAM

TT - Để đạt được mục đích và ý nghĩa đó, trưng cầu ý dân phải gồm hai hình thức cơ bản: (1) Hỏi ý dân và (2) Để dân quyết.

Nền dân chủ đại diện, như đang tồn tại ở đa số nhà nước trên Trái đất này, về bản chất là nền dân chủ của đa số. Nhưng đa số không phải là toàn xã hội. Quyền lợi của thiểu số cũng phải được bảo đảm và tôn trọng như của đa số.

Do những nguyên nhân khác nhau, chẳng hạn sự can thiệp của các nhóm lợi ích hay sự tập trung quyền lực không kiểm soát được, cơ quan lập pháp, hành pháp, cũng có thể có lúc không muốn hoặc không thể ban hành các đạo luật, chính sách cần thiết, quan trọng đối với xã hội. Khi đó, người dân (xã hội) phải có quyền tác động trực tiếp vào hoạt động của các cơ quan này.

Công cụ để người dân thực hiện quyền làm chủ một cách trực tiếp này chính là trưng cầu ý dân. Mặt khác, trưng cầu ý dân còn là một công cụ để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của thiểu số trong xã hội bằng cách trao cho họ công cụ để nêu vấn đề mà họ thấy quan trọng cho đa số quyết định. Nói một cách khác, trưng cầu ý dân là một công cụ cần thiết để cân bằng, làm hoàn thiện cơ chế dân chủ đa số.

Để đạt được mục đích và ý nghĩa đó, trưng cầu ý dân phải gồm hai hình thức cơ bản: (1) Hỏi ý dân và (2) Để dân quyết.

Ở hình thức (1), người đề xuất thực hiện “hỏi ý dân” là Chính phủ, Quốc hội hoặc các cơ quan ngang bộ. Chính phủ hoặc Quốc hội là người có quyền quyết định cho thực hiện. Đối tượng được hỏi ý dân là các đạo luật, quyết định, chính sách, chủ trương lớn. Kết quả hỏi ý dân không có hiệu lực buộc các cơ quan này thực hiện, mà chỉ có giá trị tham khảo giúp họ có quyết định đúng đắn và kịp thời.

Với hình thức “để dân quyết”, ngoài Chính phủ, Quốc hội, người dân cũng phải có quyền đề xuất cho thực hiện “để dân quyết”. Kết quả bỏ phiếu của “để dân quyết” có hiệu lực như một nghị quyết đã được thông qua của Quốc hội. Vì thế, việc tổ chức thực hiện “để dân quyết” cũng giống như bầu cử Quốc hội.

Đối tượng của “để dân quyết” trước hết là các đạo luật, quyết định có thể làm thay đổi các nguyên tắc cơ bản, các điều khoản quan trọng của Hiến pháp; đến chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; đến các quyền con người, quyền cơ bản của công dân hoặc các vấn đề có ảnh hưởng lớn, gây bức xúc lớn trong xã hội.

Do trưng cầu ý dân còn là một hình thức cân bằng cho những khiếm khuyết nguyên tắc dân chủ của đa số, nên việc quyết định cho thực hiện “để dân quyết” hay không cũng không thể thực hiện theo nguyên tắc đa số.

Nghĩa là khi một đề xuất hay kiến nghị cho tiến hành “để dân quyết” đạt được các điều kiện hình thức như: có một số lượng xác định người dân ký đơn kiến nghị, hay có 10% số đại biểu Quốc hội đề xuất thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải ra nghị quyết cho thực hiện mà không cần Quốc hội bỏ phiếu.

Dự thảo Luật trưng cầu ý dân hiện nay nhìn dưới một số góc độ nói trên, còn thiếu khá nhiều quy định cần thiết, đồng thời vẫn áp dụng nguyên tắc đa số quá bán, nên chắc chắn không thể có tác dụng đúng như một Luật trưng cầu ý dân phải có.

Không chỉ là một đạo luật có tác dụng không thể bỏ qua trong việc ngăn chặn lợi ích nhóm khi Chính phủ, Quốc hội quyết định các chính sách lớn của đất nước, Luật trưng cầu ý dân nếu được xây dựng một cách đúng đắn hơn, đầy đủ hơn cũng sẽ góp phần quan trọng tạo nên sự đồng thuận xã hội, một hội nghị Diên Hồng toàn dân tộc khi cần thiết. Vì vậy, cần có thêm thời gian để sửa đổi, bổ sung dự thảo tốt hơn nữa trước khi trình Quốc hội thông qua.

GS.TS NGUYỄN VÂN NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên