03/06/2015 19:47 GMT+7

Phải cấm ứng viên làm từ thiện khi đang ứng cử

VIỄN SỰ
VIỄN SỰ

TTO - Nhiều đại biểu Quốc hội đã đề nghị quy định như vậy trong luật bầu cử Quốc hội và bầu cử HĐND nhằm tránh tình trạng lấy lòng cử tri trong các kỳ bầu cử.

Chất lượng đại biểu chưa đảm bảo

Đại biểu Âu Thị Tuyết Mai (Tuyên Quang) cho rằng ứng cử viên làm từ thiện khi trong quá trình ứng cử rất dễ trở thành tiêu cực, dễ trở thành hành động lấy lòng, lấy phiếu của cử tri, không công bằng với đại biểu khác.

Đồng ý với bà Mai, đại biểu Phạm Trường Dân (Quảng Nam) còn cho rằng phải quy định rõ hơn là người thân của ứng cử viên cũng không được làm từ thiện trong thời gian ứng cử.

Người thân gồm bố mẹ, vợ chồng, con cái của ứng cử viên không được sử dụng tiền, tài sản vật chất, tình cảm để vận động bầu cử dưới bất cứ hình thức nào. “Và nhất thiết phải có cả quy định chế tài xử lý để tránh sơ hở trong quá trình vận động bầu cử” - đại biểu Phạm Trường Dân nói.

Về biện pháp để nâng chất lượng đại biểu, đại biểu Huỳnh Ngọc Chương (Cà Mau) đã đề nghị phải quy định đại biểu nào trong nhiệm kỳ hoạt động tốt, có chất lượng thì mới được tiếp tục ứng cử vào nhiệm kỳ sau. “Có vậy thì mới đảm bảo được chất lượng đại biểu” - ông Chương nói.

Ông Chương đánh giá tỷ lệ đại biểu tái cử trong tại HĐND và Quốc hội ở Việt Nam hiện nay là rất thấp. Tại Quốc hội trung bình chỉ khoảng 27% đại biểu tái cử, riêng khóa XIII là 33%. Trong khi đó ở Mỹ thì tại hạ viện sau mỗi khóa chỉ có khoảng 1/3 đại biểu mới. “Đại biểu mới nhiều như thế sẽ không đảm bảo chất lượng và tính liên tục được” - đại biểu Huỳnh Ngọc Chương đánh giá.

Ai có quyền đề nghị trưng cầu ý dân?

Câu hỏi này đã trở thành đề tài tranh luận sôi nổi tại tổ đại biểu Quốc hội TP.HCM vào chiều 3-6 khi thảo luận về dự án Luật trưng cầu ý dân.

Mặc dù dự thảo Luật trưng cầu ý dân đã quy định quyền đề nghị trưng cầu ý dân thuộc về Chính phủ, Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội hoặc khi có ít nhất 1/3 đại biểu Quốc hội đề nghị nhưng đại biểu Trần Du Lịch cho rằng quy định như vậy là không chuẩn với Hiến pháp.

Theo ông Lịch, điểm 15 - điều 70 của Hiến pháp quy định Quốc hội quyết định trưng cầu ý dân mà không quy định thêm ai có quyền đề nghị. “Quốc hội làm luật thì phải dựa trên cơ sở Hiến pháp” - đại biểu Trần Du Lịch nói.

Tuy nhiên, đại biểu Trương Trọng Nghĩa không đồng ý với quan điểm này, ông Nghĩa cho rằng: “Quy định về quyền đề nghị trưng cầy ý dân như vậy không có gì sai hay vi hiến cả”.

Theo ông Nghĩa, Hiến pháp quy định Quốc hội quyết định trưng cầu ý dân thì cũng có quyền quyết định luôn ai là người đề nghị. “Anh là người đề nghị nhưng quyết định thì vẫn là tôi (Quốc hội)” - đại biểu Trương Trọng Nghĩa nói.

Đồng ý quan điểm này, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng cho rằng Quốc hội được quyền quyết định trưng cầu ý dân là được quyền bàn cả nội hàm của việc ai sẽ được đề nghị, điều đó không có gì là vi hiến.

Tuy nhiên đại biểu Trần Du Lịch vẫn bảo lưu quan điểm của mình.

Tỷ lệ đại biểu Quốc hội nữ của Việt Nam đang tụt hạng nhanh chóng

Góp ý dự thảo Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu HĐND, đại biểu Lê Thị Thanh Hòa - Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam nói bà rất xúc động khi Đảng, Chính phủ, Nhà nước, Quốc hội đã trăn trở về vấn đề này, thể hiện qua quy định về tỷ lệ ứng cử viên là nữ phải đạt 35% trong luật.

Tuy nhiên, đại biểu Hòa cũng cho biết ba nhiệm kỳ gần đây, tỷ lệ đại biểu nữ đang giảm dần, hiện Quốc hội khóa XIII chỉ có 24,4% đại biểu nữ, trong đó có 3 tỉnh không có đại biểu nữ.

Từ năm 1997 đến nay, trong khi tỷ lệ đại biểu nữ trên thế giới tăng lên thì Việt Nam lại giảm xuống, và  tỷ lệ đại biểu nữ trong Quốc hội ở Việt Nam đã tụt từ thứ 8 xuống thứ 55 của thế giới.

Theo đại biểu Hòa, các địa phương cần chú ý chọn lựa những ứng cử viên nữ có trình độ và ít phải gánh “cơ cấu” khi ra ứng cử để có thể đạt tỷ lệ trúng cử cao.

VIỄN SỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên