Học sinh lớp 1 trường tiểu học Archimedes Hà Nội trong tiết dạy thử nghiệm SGK mới - Ảnh: CHU HÀ LINH
Trước đó, Bộ GD-ĐT cũng công bố quan điểm chỉ phê duyệt SGK có chủ biên là người Việt Nam. Không chỉ thế, người nước ngoài cũng sẽ không được quyền đứng tên tác giả SGK sử dụng trong các nhà trường của Việt Nam thời gian tới.
Giải thích thêm về điều này, ông Thái Văn Tài cho biết điều 11 trong Thông tư 33 quy định về việc biên soạn, thẩm định SGK nêu tiêu chuẩn cá nhân biên soạn SGK phải có đầy đủ quyền công dân… Tuy Thông tư không quy định cụ thể nhưng hiểu đây là quyền công dân ở Việt Nam.
Về điều này, đang có nhiều quan điểm khác cho rằng quy định như thế có nghĩa người có quyền công dân nước khác, không vi phạm pháp luật thì đều có tư cách biên soạn SGK. Ông Thái Văn Tài cho biết qua thực tế triển khai với những vướng mắc đã xảy ra thì sắp tới Thông tư 33 sẽ có những điều chỉnh, bổ sung để phù hợp với thực tiễn.
Theo ông Thái Văn Tài, SGK là sản phẩm đặc biệt nên chịu chi phối bởi nhiều luật, như Luật Xuất bản, Luật Giáo dục, luật Doanh nghiệp (liên quan tới sự kết hợp giữa các đơn vị xuất bản), Luật Sở hữu trí tuệ…
Chính vì thế, trong quá trình rà soát các luật liên quan để trình phê duyệt SGK mới, có những vướng mắc ở SGK tiếng Anh khiến Bộ GD-ĐT phải tham vấn ý kiến của một số bộ, ngành để đi đến quy định cụ thể, làm đúng luật, đúng thông lệ quốc tế.
Hội đồng thẩm định chỉ xem xét các bản mẫu SGK ở khía cạnh chuyên môn. Sau đó, các SGK "qua vòng 1" lại tiếp tục được rà soát bởi nhóm chuyên gia độc lập trước khi phê duyệt.
"Trong quá trình rà soát, có những SGK được hội đồng đánh giá đạt (về chuyên môn) vẫn chưa đảm bảo các yêu cầu để phê duyệt. Các SGK Tiếng Anh nằm trong trường hợp này" - ông Tài cho biết.
Hiện tại, các đơn vị xuất bản đang phải điều chỉnh để phù hợp với quy định đối với SGK Tiếng Anh. Theo đó, có những cuốn SGK điều chỉnh, hiệu đính trên nền tảng giáo trình tiếng Anh của nước ngoài, do tác giả nước ngoài viết như SGK Tiếng Anh "Chân trời sáng tạo" (NXB Giáo dục VN) nay cũng chỉ có tên tác giả Việt Nam ở bìa 1. Tác giả của sách gốc được đưa vào bìa 2.
Các cuốn SGK sử dụng nội dung sách của nước ngoài phải dẫn nguồn cụ thể, nhưng cũng phải thể hiện được phần "Việt hóa" phù hợp với các tiêu chí trong Thông tư 33.
Bộ GD-ĐT nhận được sự nhất trí cao của các đơn vị xuất bản sau khi đã giải thích rõ, hiện các đơn vị này đã hoàn thiện nốt yêu cầu để phê duyệt trước Tết Nguyên đán.
Tháng 11-2019, Bộ GD-ĐT đã phê duyệt 32 SGK lớp 1 mới của 8 môn học, nhưng không có SGK Tiếng Anh. 5/6 bản mẫu SGK tiếng Anh trình duyệt lúc đó có chủ biên là người nước ngoài.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận