Khám xét chi nhánh Eximbank TP.HCM - Video: A.M
Chiều 26-3, nguồn tin của Tuổi Trẻ Online xác nhận Văn phòng cơ quan Cảnh sát điều tra (C44), Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam, thực hiện lệnh khám xét nơi làm việc và nơi ở của hai bị can Hồ Ngọc Thủy và Nguyễn Thị Thi (nhân viên ngân hàng Eximbank chi nhánh TP.HCM) về hành vi cố ý làm trái trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Nguồn tin cho biết hai bị can được xác định là người có vai trò đồng phạm, giúp sức cho Lê Nguyễn Hưng (nguyên Phó giám đốc Eximbank chi nhánh TP.HCM - đã bị khởi tố, truy nã về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản) chiếm đoạt 245 tỉ đồng tiết kiệm của bà Chu Thị Bình.
Trưa 26-3, Bộ Công an bất ngờ khám xét chi nhánh Eximbank TP.HCM trên đường Đồng Khởi, Q.1 và dẫn giải hai cán bộ tại chi nhánh này là bà Hồ Ngọc Thủy và Nguyễn Thị Thi, nhân viên phòng khách hàng.
Chi nhánh Eximbank TP.HCM là nơi đã xảy ra vụ mất 245 tỉ đồng gửi tiết kiệm của bà Chu Thị Bình gây xôn xao dư luận những ngày qua.
Hai cán bộ Eximbank chi nhánh TP.HCM bị dẫn giải trưa nay - Ảnh: HỮU THUẬN
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Eximbank xác nhận thông tin cơ quan cảnh sát điều tra đã khám xét Eximbank TP.HCM hôm nay.
Thời điểm khám xét về phía đại diện Eximbank có một phó tổng giám đốc và đại diện khối giám sát hoạt động chứng kiến.
"Việc cơ quan điều tra giữ hai người khá bất ngờ với Eximbank" - vị này nói.
Trưa nay hai nữ cán bộ tại chi nhánh này bị còng tay, áp giải ra khỏi trụ sở cùng một số thùng chứa tài liệu.
Công an thu giữ một số thùng tài liệu tại Eximbank TP.HCM - Ảnh: HỮU THUẬN
Sự việc bà Chu Thị Bình bị mất 245 tỉ đồng xảy ra một năm trước, tuy nhiên mãi đến cuối tháng 2 vừa qua mới được thông tin rộng rãi sau khi có kết luận của cơ quan điều tra.
Công bố thông tin với báo chí, ông Lê Văn Quyết - Tổng giám đốc Eximbank - thừa nhận vụ việc ông Lê Nguyễn Hưng, nguyên Phó giám đốc Eximbank Chi nhánh TP.HCM, lừa đảo là có thật.
Tuy nhiên theo ông Quyết, tất cả giao dịch liên quan đều có chữ ký thật của bà Bình - người bị mất tiền.
Chữ ký trên giấy ủy quyền được Cơ quan Cảnh sát điều tra phía Nam (C44B - Bộ Công an) giám định là chữ ký thật. Còn người được ủy quyền có trường hợp thật, có trường hợp không thật.
Bà Chu Thị Bình đã nhiều lần yêu cầu Eximbank trả toàn bộ 245 tỉ đồng nhưng ông Quyết cho biết ngân hàng dù rất chia sẻ mong muốn của bà Bình và sự việc cũng đã kéo dài khá lâu nhưng đây là số tiền rất lớn, kết luận của cơ quan điều tra về mặt pháp lý không phải là phán quyết cuối cùng.
Lực lượng công an khám xét và dẫn giải hai nhân viên Eximbank TP.HCM trưa 26-3 - Ảnh: HỮU THUẬN
Bản thân hội đồng quản trị ngân hàng cũng khó giải quyết vụ việc mà chỉ dựa trên kết luận của cơ quan điều tra mà hai bên cần sớm phối hợp để đưa vụ việc ra tòa thực hiện theo đúng trình tự tố tụng. Khi tòa án có phán quyết, Eximbank có trách nhiệm trả số tiền này thì ngân hàng sẽ trả ngay.
Tuy nhiên sau đó Eximbank có buổi làm việc với bà Chu Thị Bình và đề xuất hướng tạm ứng cho bà Bình 14,8 tỉ đồng.
Đây là số tiền trên giấy ủy nhiệm chi mà Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an (C44) xác định là chữ ký của chủ tài khoản lẫn người được ủy quyền đều bị làm giả, còn những khoản khác thì sẽ chờ ra tòa.
Tuy nhiên sau đó do bà Bình không đồng ý với điều kiện mà Eximbank đưa ra nên hai bên chưa đạt được thỏa thuận.
Hiện ông Lê Nguyễn Hưng đã bỏ trốn ra nước ngoài.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận