28/03/2018 09:22 GMT+7

Giúp sếp chiếm đoạt 245 tỉ tại Eximbank, nhân viên 'dính tội' gì?

UYÊN TRINH
UYÊN TRINH

TTO - Đã có 5 nhân viên của Eximbank TP.HCM bị khởi tố do "giúp sức" cho phó giám đốc Lê Nguyễn Hưng chiếm đoạt 245 tỉ đồng của khách hàng Chu Thị Bình. Những nhân viên này phải chịu trách nhiệm như thế nào?

Giúp sếp chiếm đoạt 245 tỉ tại Eximbank, nhân viên dính tội gì? - Ảnh 1.

Cảnh sát điều tra khám xét nơi làm việc của hai nhân viên tai Eximbnak TP.HCM - Ảnh: HỮU THUẬN

Liên quan đến vụ khách hàng Chu Thị Bình bị mất 245 tỉ đồng tại Eximbank TP.HCM, cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố 5 bị can là nhân viên thuộc ngân hàng này về tội "thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp".

Trong đó hai bị can Hồ Ngọc Thủy và Nguyễn Thị Thi đã bị bắt tạm giam, 3 bị can tại ngoại và bị cấm đi khỏi nơi cư trú là Nguyễn Thị Ngọc Trâm, Trần Nguyễn Xuân Lan và Cao Lan Phương. 

Các bị can này được xác định là người có liên quan trực tiếp trong vụ Lê Nguyễn Hưng - nguyên Phó giám đốc Eximbank TP.HCM (đã bị khởi tố, truy nã về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hiện đã trốn ra nước ngoài) chiếm đoạt số tiền nói trên.

Lãnh đạo Eximbank cho biết các nhân viên đã có sai sót về mặt kỹ thuật, xác nhận giấy ủy quyền khi không có mặt của khách hàng là bà Chu Thị Bình và bà Nguyễn Thị Hồng Lê.

Theo luật sư Hồ Hoài Nhân (Đoàn Luật sư TP.HCM), về mặt pháp lý, mọi hoạt động của các ngân hàng thương mại phải tuân thủ quy định của Luật các tổ chức tín dụng.  

Ngoài ra, ngân hàng thương mại có thể ban hành quy định riêng dựa trên những quy định chung của Chính phủ, của Ngân hàng nhà nước về quy trình tiền gửi, quy trình tiền vay…

Khi mở sổ tiết kiệm hoặc tài khoản tiền gửi, nhân viên ngân hàng kiểm tra CMND, kiểm tra chữ ký trong các bộ chứng từ nội bộ, phiếu gửi tiền, sổ tiết kiệm tiền gửi, giấy ủy quyền (nếu có)…

Trường hợp chủ tài khoản tiết kiệm ủy quyền cho người khác thực hiện các giao dịch thì giấy ủy quyền phải được công chứng, chứng thực. Và khi người được ủy quyền đến giao dịch thì giao dịch viên phải kiểm tra thông tin cá nhân qua CMND, hình ảnh để chứng minh có đúng người được ủy quyền hay không rồi mới tiến hành giao dịch.

Về vụ việc ở Eximbank TP.HCM, luật sư Phương Ngọc Dũng (Đoàn Luật sư TP. Cần Thơ) nói: "Ở đây đặt ra hai vấn đề: giấy ủy quyền có hợp lệ hay không và quy trình cán bộ giao dịch này tiếp nhận yêu cầu rút tiền này là làm đúng hay chưa?

Trách nhiệm và nghĩa vụ của ngân hàng phải kiểm tra giấy ủy quyền có hợp lệ hay không. Theo chương IX của Bộ luật dân sự 2015 quy định cụ thể về đại diện, Luật công chứng, Nghị định 23 về chứng thực, giấy ủy quyền phải được công chứng bởi công chứng viên hoặc được chứng thực tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Khi nhận được giấy ủy quyền và yêu cầu của khách hàng thực hiện giao dịch thì nhân viên ngân hàng phải có trách nhiệm kiểm tra tính hợp pháp của giấy ủy quyền đó, kiểm tra giấy tờ tùy thân của người được ủy quyền (họ tên, số chứng minh nhân dân, địa chỉ…) các thông tin cá nhân, thậm chí là hình ảnh. Đó là nghĩa vụ và trách nhiệm của ngân hàng".

Giúp sếp chiếm đoạt 245 tỉ tại Eximbank, nhân viên dính tội gì? - Ảnh 3.

Các nhân viên Eximbank TP.HCM chứng kiến đồng nghiệp bị dẫn giải - Ảnh: HỮU THUẬN

Theo luật sư Dũng, trong trường hợp các nhân viên ngân hàng biết cấp trên (ông Lê Nguyễn Hưng) có hành vi gian dối để rút tiền từ sổ tiết kiệm của bà Chu Thị Bình mở tại Eximbank mà vẫn thực hiện theo chỉ đạo thì bị khởi tố tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với vai trò đồng phạm giúp sức.

Nếu quá trình điều tra xác định được rằng các nhân viên không biết hành vi gian dối của ông Hưng nhưng vì áp lực từ cấp trên chỉ đạo mà bỏ qua những quy trình nghiêm ngặt của ngân hàng Eximbank về vấn đề rút và gửi tiền thì có căn cứ để khởi tố tội danh khác.

Luật sư Bùi Quang Nghiêm (Đoàn Luật sư TP.HCM) nói: "Theo tôi được biết ở các ngân hàng khác không phải Eximbank thì những quy định liên quan đến rút tiền, kiểm tra giấy ủy quyền, kiểm tra giấy tờ tùy thân, luật quy định và quy trình nghiệp vụ ngân hàng phải là như nhau.

Ủy quyền thì phải có công chứng. Nếu có đầy đủ giấy tờ tùy thân, chứng minh đúng người được ủy quyền thì họ được rút tiền nếu có yêu cầu, được thực hiện mục đích của giao dịch đấy".

Theo luật sư Bùi Quang Nghiêm, nếu những nhân viên không biết được ý định của cấp trên mà chỉ bị áp lực chỉ đạo từ trên xuống dẫn đến vi phạm thì phải chứng minh với cơ quan điều tra. Trường hợp chỉ nhận được chỉ đạo miệng mà làm sai, gây hậu quả nghiêm trọng thì nhân viên đó phải chịu trách nhiệm. Còn nếu có chỉ đạo bằng văn bản thì người chỉ đạo phải chịu trách nhiệm.

Khởi tố thêm 3 người liên quan vụ khách mất 245 tỉ ở Eximbank Khởi tố thêm 3 người liên quan vụ khách mất 245 tỉ ở Eximbank

TTO - Liên quan vụ mất 245 tỉ đồng gửi tiết kiệm của bà Chu Thị Bình tại Eximbank TP.HCM, ngoài 2 nhân viên đã bị bắt giam còn có 3 nhân viên khác bị khởi tố nhưng được cho tại ngoại.

UYÊN TRINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên