30/03/2018 15:54 GMT+7

Eximbank điều chỉnh quy định sau vụ mất 245 tỉ đồng

A.HỒNG
A.HỒNG

TTO - Sau hàng loạt vụ để mất tiền, trong đó có 245 tỉ của bà Chu Thị Bình, Eximbank đưa ra các quy định mới như xác thực ủy quyền bằng vân tay hay cơ chế giám đốc lưu động.

Eximbank điều chỉnh quy định sau vụ mất 245 tỉ đồng - Ảnh 1.

Eximbank chi nhánh TP.HCM - nơi xảy ra vụ mất 245 tỉ đồng của bà Chu Thị Bình. Ảnh: HỮU THUẬN.

Trong văn bản báo cáo Ngân hàng Nhà nước mới đây, Eximbank cho biết đã kiểm tra, rà soát lại việc huy động vốn trong hệ thống, đặc biệt là các khách VIP, nhằm lấp các lỗ hổng sau hàng loạt vụ mất tiền của khách hàng.

Cụ thể là vụ 6 khách hàng của Eximbank ở Đô Lương, Nghệ An, bị mất 50 tỉ đồng, một người gửi 3 lượng vàng bị bốc hơi tại Hà Nội và nghiêm trọng nhất là vụ 245 tỉ đồng của bà Chu Thị Bình ở TP.HCM.

Eximbank cho biết ngay sau vụ mất tiền của bà Chu Thị Bình, ngân hàng này đã kiểm tra, rà soát lại toàn bộ khoản rút tiền tiết kiệm có giá trị lớn từ 2 tỉ đồng trở lên, hoặc rút tiền từng phần và rút tiền theo ủy quyền.

Ngân hàng này cũng bổ sung thêm các quy định nhằm chấn chỉnh hoạt động cũng như tăng cường các biện pháp phòng chống rủi ro gian lận trong giao dịch tiền gửi tiết kiệm.

Theo đó hiện nay nếu khách hàng rút gốc lãi một phần thì hồ sơ gốc lưu chứng từ phải có bản sao chụp thẻ tiết kiệm của khách hàng, có chữ ký xác nhận của giao dịch viên, kiểm soát viên để làm cơ sở kiểm tra, giám sát.

Thậm chí, Eximbank bổ sung quy định khi khách hàng lập văn bản ủy quyền cho người khác sử dụng tài khoản thì người ủy quyền lần người được ủy quyền đều phải xác thực bằng vân tay bên cạnh các quy định khác.

Eximbank điều chỉnh quy định sau vụ mất 245 tỉ đồng - Ảnh 2.

Đã có 5 nhân viên Eximbank chi nhánh TP.HCM bị khởi tố, trong đó có 2 người bị bắt giam, vì liên quan đến vụ mất tiền của bà Chu Thị Bình - Ảnh: HỮU THUẬN.

Eximbank cũng cho biết sẽ luân chuyển cán bộ phụ trách hồ sơ khách hàng, kiểm soát viên phê duyệt trong cùng chi nhánh, phòng giao dịch cũng như luân chuyển các kiểm soát viên giữa các chi nhánh, phòng giao dịch trên cùng địa bàn...

Một trong những biện pháp được Eximbank thực hiện là cơ chế giám đốc lưu động để điều hành thay cho giám đốc chi nhánh trong thời gian kiểm tra, phá hiện các sai sót...

Động thái này của Eximbank diễn ra sau sự cố bà Chu Thị Bình bị mất 245 tỉ đồng tại Eximbank TP.HCM khiến cho 5 nhân viên của chi nhánh này bị cơ quan điều tra khởi tố.

Chu Thị Bình, một trong những khách hàng VIP tại Eximbank chi nhánh TP.HCM, đã bị bốc hơi 245 tỉ đồng gửi tại ngân hàng này.

Đáng nói là dù sổ tiết kiệm của bà Chu Thị Bình đã bị rút gần hết trước năm 2016, nhưng tháng 1, 2 và tháng 4 năm 2016, ba giấy xác nhận sao kê do Eximbank chi nhánh TP.HCM cấp cho bà vẫn xác nhận số tiền bà gửi còn nguyên trong tài khoản.

Các sao kê đều lập trên giấy có tiêu đề của Eximbank và được ông Lê Nguyễn Hưng, nguyên Phó giám đốc Eximbank chi nhánh TP.HCM, ký và giao trực tiếp cho bà Bình.

Dù sự việc kéo dài từ năm 2014 đến năm 2016 nhưng hệ thống Eximbank không phát hiện.

Trong khi đó phía Eximbank không đồng ý trả 245 tỉ đồng cho bà Chu Thị Bình mà muốn ra tòa vì bà Bình có ký trên các giấy ủy quyền.

Eximbank chỉ chấp nhận tạm ứng cho bà 14,8 tỉ đồng nhưng bà Chu Thị Bình không đồng ý với các điều khoản mà ngân hàng này đưa ra.

Đề nghị Eximbank trả 245 tỉ dù chưa bắt được Lê Nguyễn Hưng Đề nghị Eximbank trả 245 tỉ dù chưa bắt được Lê Nguyễn Hưng

TTO - Luật sư Phan Trung Hoài đề nghị Eximbank chủ động làm việc với bà Chu Thị Bình để tìm giải pháp, từ đó có lộ trình trả tiền chứ không thể yêu cầu ra tòa.

A.HỒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên