24/05/2023 08:52 GMT+7

Còn vứt rác, chắc chắn còn ngập

Đọc nội dung bài "TP.HCM phải chống ngập kiểu... ít tiền" (Tuổi Trẻ ngày 19-5), dễ hình dung ra ai cũng khổ sở vì ngập nước.

Người dân vất vả di chuyển qua đoạn ngập trên đường Tô Ngọc Vân (TP Thủ Đức) - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Người dân vất vả di chuyển qua đoạn ngập trên đường Tô Ngọc Vân (TP Thủ Đức) - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Thế nhưng lại ít chú ý đến những cách giảm ngập đơn giản, hoàn toàn trong tầm tay, đã được nói đến nhiều lần mà đâu vẫn vào đấy: ngưng xả rác bừa bãi.

TP.HCM khá may mắn khi được thiên nhiên ưu đãi, ban tặng cả sông, rạch đan xen, lẽ ra phải là nơi có khâu thoát nước "nhàn hạ" nhất. Tiếc rằng có của quý song không giữ gìn, nâng niu. Cứ nhìn cảnh rác rến lềnh bềnh kênh rạch thì thấy ngay vòng luẩn quẩn cứ mưa là ngập. 

Kênh rạch giúp cung cấp, điều tiết, tiêu thoát nước mưa, làm mát không khí chứ tuyệt nhiên không phải gánh chức năng hứng chịu đủ mọi thứ bỏ đi. Tuy nhiên với cảnh tống khứ các đồ vật không còn giá trị sử dụng xuống nước ở nhiều nơi thì dễ nhìn ra hậu quả.

Đó là chuyện kênh rạch, còn chuyện cống thoát nước thì cứ đảo qua các khu đô thị, hoặc nơi tập trung nhiều block chung cư quy hoạch bài bản, có hàng ngàn người sinh sống nhưng rất khó thấy rác vương vãi trên đường. Mạng lưới camera gắn khắp nơi, nhân viên bảo vệ tuần tra khép kín, sẽ chẳng ai nghĩ đến chuyện vứt rác tùy tiện. Kết quả cũng thấy ngay, mưa to nhưng nước vẫn rút kịp. Không có rác thì không vật cản nào làm khó đường cống.

Ngoài chuyện vứt rác thì rất đáng lên án khi một vài quán ăn uống tiện tay trút thẳng thức ăn thừa xuống miệng hố ga. Họ bớt được khâu xử lý chất thải, nhưng lại làm hại bao người. Trời mưa to, nước dồn ứ gây ngập, phương tiện giao thông chết máy, tài xế bất lực còn nhân viên quán vẫn vô tư ngồi ngắm.

Dù những đại công trình, dự án thoát nước, chống ngập sắp tới được hoàn thiện đưa vào sử dụng, đường kính cống rãnh có kích thước, sức chứa lớn bao nhiêu cũng chỉ là "túi đựng" nếu bị kẹt vì rác rến. Vì thế chính chúng ta đang nắm trong tay khả năng kiểm soát tình trạng nước ngập.

Bê tông hóa nhiều chẳng qua cũng chỉ là nguyên nhân thứ yếu khi mà cần hơn là dòng nước cần một "lối đi", nhất là những "lối đi" như kênh rạch, cống rãnh đã được trời ban, người tạo.

TP.HCM phải chống ngập kiểu... ít tiềnTP.HCM phải chống ngập kiểu... ít tiền

Theo Sở Xây dựng, TP.HCM cần hơn 101.000 tỉ đồng cho 120 dự án giảm ngập và xử lý nước thải giai đoạn 2021 - 2025. Tuy nhiên, các dự án thuộc chương trình giảm ngập nước chỉ được giao hơn 17.400 tỉ đồng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên