Chế biến tôm xuất khẩu tại một doanh nghiệp tỉnh Hậu Giang |
Việc ban hội thẩm của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) ra kết luận Mỹ đã áp dụng các biện pháp không phù hợp các quy định của WTO về cách tính thuế chống bán phá giá trong vụ tôm của Việt Nam nhập vào Mỹ bị nước này kiện được xem là thắng lợi bước đầu đối với nhiều doanh nghiệp thủy sản, nông dân nuôi tôm...
Mặc dù các chuyên gia dự báo phía Mỹ sẽ kháng cáo lên WTO về kết luận trên, nhưng rõ ràng đây là kết quả tích cực của cả một quá trình chuẩn bị từ phía doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước... trong việc ứng phó với vụ kiện trên.
Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng hiện nay, thị trường hàng hóa đã không còn giới hạn về mặt quốc gia, lãnh thổ, đặc biệt khi hàng rào thuế quan chung với nhiều nhóm hàng ở các nước đã về 0%, cơ hội rộng mở nhưng doanh nghiệp cũng phải đối mặt với vô vàn “chướng ngại vật”.
Trong đó, các biện pháp tự vệ, áp thuế chống bán phá giá, kiểm dịch (với hàng nông sản, thực phẩm...) đang có xu hướng gia tăng tại nhiều quốc gia nhằm ngăn hàng hóa của nước khác vào thị trường của mình.
Vì vậy, đã đến lúc phải thay đổi nhận thức, chủ động ứng phó với các vụ kiện thay vì chờ họ khởi kiện mới lục tục đi tìm chứng cứ đối phó.
Câu hỏi đặt ra ai sẽ là người chủ động làm việc này?
Nhìn từ vụ Mỹ kiện tôm Việt Nam, rõ ràng ở đây các doanh nghiệp thủy sản giữ vai trò nòng cốt trong việc cung cấp các chứng cứ cho hiệp hội, Phòng Thương mại và công nghiệp VN, Cục Quản lý cạnh tranh... để các đơn vị này kiến nghị Chính phủ quyết định kiện Mỹ ra WTO.
Chỉ các doanh nghiệp mới thấy rõ nhất việc phía Mỹ đưa ra những căn cứ để áp thuế chống bán phá giá lên tôm Việt Nam là vô căn cứ như thế nào, việc khởi kiện ta đang có những lợi thế, điểm yếu nào...
Như lời ông Trương Đình Hòe - tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), sự chuẩn bị dữ liệu từ phía các doanh nghiệp là vô cùng quan trọng, thậm chí có thể phòng tránh thành công các vụ kiện có thể xảy ra.
Thực tế vừa qua nhiều doanh nghiệp lớn trong nước, đặc biệt ở lĩnh vực ngành hàng “nhạy cảm”, đã bắt đầu quan tâm và có sự chuẩn bị khá bài bản ở những thị trường lớn.
Một số giám đốc khẳng định họ sẵn sàng chấp nhận bù lỗ thời gian đầu để thuê các đơn vị chuyên môn khảo sát về thị trường, tìm hiểu thông tin đối thủ cạnh tranh... nhằm lên kịch bản thâm nhập thị trường một cách sâu rộng và toàn diện.
Nói như vậy không có nghĩa mọi chuyện đều đổ lên đầu doanh nghiệp, vai trò của hiệp hội cùng với cơ quan quản lý cũng hết sức quan trọng trong việc chủ động ứng phó với những vụ kiện tương tự.
Tiếng nói của doanh nghiệp chỉ đủ mạnh khi có sự tập hợp với nhiều doanh nghiệp trong tổ chức hiệp hội. Bài học vụ kiện tôm và cá tra vừa qua đã cho thấy rất rõ điều này.
Tổ chức lại sản xuất, minh bạch về tài chính, liên kết lại không chỉ giữa các khâu sản xuất, giữa các doanh nghiệp mà cả hiệp hội, cơ quan quản lý với Chính phủ.
Tất cả phải hợp thành một bó đũa, chỉ có thế mới giữ và mở rộng được thị trường xuất khẩu, duy trì được công ăn việc làm cho người lao động.
Bài học “bó đũa” không chỉ hữu ích cho doanh nghiệp tôm, cá tra mà là tất cả những doanh nghiệp đã và sẽ tìm chỗ đứng trên thị trường hàng hóa của thế giới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận