Con tàu mới của ông Trần Văn Vốn và bà Huỳnh Thị Như Hoa to hơn, hiện đại hơn con tàu ĐNa 90152 - Ảnh: Đ.Cường |
Đây là chiếc tàu cá có lịch sử đặc biệt, với sự đóng góp của tấm lòng người dân cả nước.
Trước đó, xác con tàu ĐNa 90152 của vợ chồng ông Trần Văn Vốn và bà Huỳnh Thị Như Hoa (quận Thanh Khê, Đà Nẵng) - từng được dư luận cả nước quan tâm khi bị tàu cá Trung Quốc đâm chìm - đã được trưng bày trên bến cảng Đà Nẵng như một bằng chứng lịch sử.
Con tàu của những tấm lòng
Ông Trần Văn Lĩnh - chủ tịch Hội Nghề cá TP Đà Nẵng - cho biết: “Con tàu mới mà anh Vốn đang đóng để thay tàu ĐNa 90152 rất đặc biệt ở chỗ tàu được đóng không chỉ bằng tiền của gia đình, mà còn của hàng ngàn tấm lòng người dân trong cả nước, các tổ chức, đoàn thể quyên góp, ủng hộ hàng tỉ đồng." "Ngoài ra, TP Đà Nẵng cũng dùng ngân sách để hỗ trợ gia đình đóng mới con tàu này. Vì thế, con tàu sẽ thể hiện ý chí quyết tâm ra khơi của người dân VN trước mọi khó khăn, thử thách." "Tôi đã nhiều lần đến thăm con tàu đang đóng mới, đó là con tàu có kết cấu vững chắc, chịu được sóng to gió lớn, không gian thiết kế thích hợp. Tôi nghĩ gia đình sẽ không đăng ký lại số hiệu ĐNa 90152, vì số hiệu con tàu này đã đi vào lịch sử rồi”. |
Trong cái lạnh cắt da vào những ngày cuối năm, gần mười công nhân ở HTX trục vớt, đóng sửa tàu thuyền Bắc Mỹ An (Sơn Trà, Đà Nẵng) vẫn mướt mồ hôi hoàn thiện những chi tiết cuối cùng trên con tàu mới của ngư dân Trần Văn Vốn.
Nhìn con tàu to sừng sững đang được các công nhân tỉ mẩn vẽ hai lá cờ Tổ quốc trên cabin, ông Vốn vui vẻ nói: “Đây là con tàu hiện thân của chiếc ĐNa 90152. Nhưng nó sẽ hiện đại hơn, công suất lớn hơn và sẽ tiếp tục ra ngư trường Hoàng Sa”.
Tạm dừng công việc, ông Vốn đi một vòng để giới thiệu con tàu mới được đóng theo mẫu tàu Thái Lan do các chuyên gia của Vũng Tàu và ông cùng hợp tác thiết kế bắt đầu đóng từ tháng 8-2014.
Ông Vốn cho biết thêm ban đầu gia đình ông tính làm một con tàu truyền thống, nhưng sau khi đi tham khảo các xưởng từ Bắc vào Nam, ông quyết định chọn mẫu tàu Thái Lan bởi tính ưu việt của nó. Con tàu mới có công suất gần 1.000 CV, dài 21,5m, rộng 6,2m, cao 3,5m, chịu được gió cấp 11.
Không như những con tàu thiết kế theo lối truyền thống của ngư dân Đà Nẵng, con tàu này mang một phong cách hoàn toàn mới.
Tại buồng lái của thuyền trưởng, một gian phòng bằng gỗ được đóng vuông vức, chắc nụi với diện tích đến 12m2. Phía sau là phòng cho các bạn đi tàu với diện tích gần 16m2. Ông Vốn tiết lộ tàu được làm bằng gỗ sến với khối lượng 118m3, riêng chi phí của gỗ cũng đã “ngốn” 1,9 tỉ đồng.
“Chi phí đóng con tàu này lớn hơn rất nhiều so với các loại tàu tôi từng đóng. Tuy nhiên, được cái tàu có kết cấu vững chãi, giúp di chuyển nhanh, ít tốn nhiên liệu, lan can cao giúp ngư dân đi lại an toàn. Tuổi thọ của loại tàu truyền thống khoảng 30 năm nhưng của con tàu mới này hơn 40 năm” - ông Vốn chia sẻ.
Theo ông Vốn, để đóng con tàu này và mua sắm ngư cụ, giá trị khoảng 7,5 tỉ đồng, trong đó số tiền của gia đình và sự đóng góp của các nhà hảo tâm trong và ngoài nước được khoảng 3 tỉ đồng. Ngoài ra, UBND TP Đà Nẵng cũng hỗ trợ thêm cho gia đình.
“Ngay từ khi tàu ĐNa 90152 bị đâm chìm, chúng tôi đã nhận được những sự động viên, giúp đỡ của rất nhiều tấm lòng. Có những nhà báo ở nước ngoài lặn lội tìm đến gia đình để phỏng vấn, động viên chúng tôi tiếp tục ra khơi. Có những người xa lạ gọi điện hỏi thăm."
"Và người dân, chính quyền địa phương, các tổ chức... đã đến với gia đình, với các ngư dân của tàu ĐNa 90152. Vì thế chúng tôi quyết tâm đóng mới con tàu to hơn, công suất máy lớn hơn. Đó không chỉ là tàu của gia đình tôi mà còn là tấm lòng của nhiều người dân gửi gắm vào đó” - bà Huỳnh Thị Như Hoa nói.
Ra khơi không chỉ vì miếng cơm manh áo
Theo ông Vốn, nếu thời tiết thuận lợi, dự kiến khoảng hai tuần nữa con tàu mới này sẽ hạ thủy hành nghề trên ngư trường Hoàng Sa. Điều thú vị là khi con tàu mới này ra khơi thì chính những ngư dân can trường từng bám trụ trên con tàu bị đâm chìm ĐNa 90152 sẽ là những người đi chuyến đầu tiên.
Những ngày qua, tay thợ máy của tàu ĐNa 90152 ngày nào là ngư dân Hồ Ngọc Pháp (46 tuổi, Thanh Khê, Đà Nẵng) vẫn cần mẫn phụ giúp ông Vốn đóng ván, sơn mạ con tàu mới. Ông Pháp là một trong mười ngư dân đã may mắn thoát chết trên con tàu ĐNa 90152 vào những ngày tháng 5-2014.
Rít một hơi thuốc dài, ông Pháp trải lòng: “Khi bị tàu Trung Quốc đâm, tàu chìm dần. Lúc đó chúng tôi không cảm thấy sợ hãi là gì, có cái gì đó ở trong tâm can của mình còn lớn hơn nỗi sợ hãi đó”. Ngày đặt chân lên đất liền, vợ và hai con gái của ông Pháp khóc ngất vì vui mừng. Còn ông, chỉ sau đó ít ngày ông lại lên con tàu ĐNa 90508 thẳng hướng Hoàng Sa để đánh bắt.
Những ngày cuối năm biển động, ông Pháp nghỉ biển và qua cảng cùng các công nhân tham gia đóng con tàu mới của gia đình ông Vốn. “Sau khi hạ thủy con tàu mới này, tôi và các bạn sẽ tiếp tục ra khơi. Suốt bao đời nay ngư dân chúng tôi gắn bó với biển nên chẳng việc chi phải sợ cả” - giọng ông Pháp chắc nịch. Ông Pháp cũng cho biết chuyến đi biển tới đây sẽ có 7-8 ngư dân từng đi trên tàu ĐNa 90152 sẽ ra khơi trên tàu mới.
Còn ngư dân Nguyễn Đình Sinh, thuyền trưởng tàu ĐNa 90508 - con tàu đã ứng cứu mười ngư dân trên tàu ĐNa 90152, cho biết: “Những đội tàu của Đà Nẵng sẽ tiếp tục ra khơi, tương trợ lẫn nhau trong bất cứ hoàn cảnh nào. Biển cả khó lường, tôi chỉ tâm niệm: Sống trên biển phải cư xử rộng rãi như đại dương vậy”.
Ông Sinh cho biết chiếc tàu ĐNa 90508 được lắp thêm máy mới nên công suất từ 625 CV giờ đã lên gần 1.000 CV nên rất tự tin.
Và chuyến trở lại biển lần này, ông Trần Văn Vốn - một ngư dân lão làng - sẽ là thuyền trưởng của con tàu mới. Với những ngư dân Đà Nẵng, hẳn chẳng ai xa lạ gì với “lý lịch” đi biển của “gia đình biển cả” này. Gia đình ba đời đi biển, hiện nhà ông Vốn có năm anh em trai thì cả năm người đều là chủ tàu cá đánh bắt khắp trên vùng biển Hoàng Sa. Còn với ông Vốn, 17 tuổi đã đi biển, 19 tuổi là thuyền trưởng. Năm 21 tuổi, vợ chồng ông đã sở hữu chiếc tàu với công suất 135 CV.
Năm 2003, vợ chồng ông mua lại con tàu “lịch sử” ĐNa 90152 với giá trên 2 tỉ đồng, công suất chỉ 150 CV. Sau đó ít năm, con tàu này được “đôn” lên 450 CV. Chưa dừng lại ở đó, năm 2012 gia đình ông tiếp tục sở hữu thêm một con tàu với công suất 625 CV.
“Đã hai năm rồi tôi chưa cầm lái con tàu ra khơi, lần này quyết định trở lại với biển. Tôi nghiệm ra đời tôi cũng như những ngư dân Đà Nẵng khác, có lẽ sẽ không bao giờ xa biển được. Nếu trước đây đi vì miếng cơm manh áo, giờ đi còn là để khẳng định sự có mặt của người dân Việt trên vùng biển của chúng ta” - ông Vốn tâm sự.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận