30/08/2022 11:12 GMT+7

Con ơi yêu lấy tiếng quê hương - Kỳ 2: 'Mình có một đứa con và một... đứa chó'

HẢI YẾN
HẢI YẾN

TTO - Không gì hạnh phúc hơn ở trời Tây nhưng nghe con cưng bập bẹ tiếng mẹ đẻ dù con có ngọng líu lô.

Con ơi yêu lấy tiếng quê hương - Kỳ 2: Mình có một đứa con và một... đứa chó - Ảnh 1.

Con cái của bạn bè tôi đều được cha mẹ chú ý dạy học tiếng quê hương - Ảnh: MAI HÂN

Chính vì điều này mà các bậc cha mẹ Việt ở nước ngoài đã nỗ lực rất nhiều để dạy con tiếng Việt mặc cho đau đầu đánh vật với con từng câu chữ. Làm sao để con có thể giao tiếp với ông bà, cha mẹ bằng tiếng Việt thì đoạn trường ai có qua cầu mới hay.

1. "Cái khó của việc dạy con nói tiếng Việt là giải thích sao cho con biết nên nói thế nào cho lịch sự với người lớn, từ nào nên dùng và không nên dùng, vì các bé tiếp xúc với nhiều ngôn ngữ cùng một lúc nên chỉ biết dịch sang từ đồng nghĩa mà thôi" - chị Ngọc Trang, bạn tôi cùng ở Canada, kết luận sau khi chia sẻ câu chuyện dở khóc dở cười của con trai. 

Nhưng sau đó, An, cậu bé 7 tuổi, không những nói được tiếng Việt mà còn biết hát và thuộc nhiều ca dao tục ngữ.

Mỗi tuần cha mẹ đều đưa An về nhà nội chơi và thằng bé không bao giờ quên... biểu diễn tiếng Việt cho nội vui. Hôm đó, bà cháu chơi trò làm toán, An đố bà 10 + 9 bằng mấy. Bà nội giả bộ trả lời: 20. An nhất định là 19, bà nội quả quyết 20. 

Cứ thế hai bà cháu nói qua nói lại. Và như quá sức chịu đựng, cậu bé bất ngờ la lên: "Sao mà bà nội ngu quá vậy?". 

Bà giận tím người: "Cái đồ hỗn láo, nói chuyện với người lớn mà ăn nói vậy hả, ba mẹ không biết dạy con". Chị Ngọc Trang đứng hình không biết nói gì chỉ bắt con xin lỗi bà nội. An nhất định không xin lỗi vì: "Mẹ nói ngu là opposite của thông minh mà, An không nói cái gì sai hết".

Bạn tôi, anh Minh Quân, cũng nhiều phen cười như mếu với con gái cưng Ivy. Nhớ lần đầu tiên tôi hỏi anh: "Anh chị có mấy cháu?". 

Anh trả lời: "Mình có một đứa con và một đứa chó". Tôi ngạc nhiên, còn anh nói nhỏ thêm: "Có mặt Ivy ở đây mà trả lời có một con là nó la làng liền vì papa không chịu coi em chó là thành viên trong gia đình. Đã vậy, lúc nào nó cũng nói thương papa như thương con... chó". 

Lần khác, khi cùng anh Minh Quân đi đón bé từ trường ra, bé lễ phép chào chúng tôi và quay qua papa hào hứng: "Giờ papa đi qua háng maman hả papa?". 

Tôi đứng hình. Thì ra bé nói là đi qua hãng đón mẹ về để chơi cùng chúng tôi. Anh lắc đầu: "Khác cái dấu mà nghe chói tai kinh khủng, dù mình đã kiên nhẫn sửa mãi mà bất kỳ chữ nào dấu ngã cháu đều nói thành dấu sắc hết".

May mà hồi xưa ba mẹ bắt con đi học tiếng Việt nên giờ con mới giỏi vậy đó. Con tự tin nói chuyện được với mọi người con gặp khi về quê hương thăm ngoại. Con có thể tự đi chợ mua đồ ăn, đi uống cà phê hoặc ăn quà vặt với chính tiếng Việt của mình.

Bé AN

2. Các bé có cha hoặc mẹ là người nước ngoài thì cực kỳ ít cơ hội nói tiếng Việt. Khi ở nhà, vợ chồng nói chuyện với nhau bằng tiếng Pháp hoặc Anh thì đương nhiên hay nói chuyện với con cùng một ngôn ngữ. 

Trong khi ở trường, các bé phải sử dụng cả hai ngôn ngữ Pháp và Anh nên rất ít bé nào chịu hợp tác trong việc học thêm tiếng Việt tại nhà. Nếu cha mẹ không có phương pháp giảng dạy, con sẽ khó tiếp thu và dẫn đến việc chán nản cho cả... thầy lẫn trò là điều đương nhiên. 

Chị Kim Huyền đã từng dạy tiếng Việt cho con chia sẻ: "Nội cái đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất: tôi, con, em, cháu rồi có khi anh hay chị nữa mà nó rối hết cả buổi, nhức hết cả đầu nên em cho con đi trường luôn cho các cô dạy".

Có nhiều trường Việt ngữ tại thành phố Montréal, Canada, nơi tôi sống với quy mô to nhỏ khác nhau. 

Theo tài liệu ghi lại, lâu đời nhất là Trường Việt ngữ Đắc Lộ với lớp học Việt ngữ đầu tiên dành cho trẻ em Việt Nam (không phân biệt tôn giáo) được tổ chức vào năm 1980 tại nhà thờ Việt Nam. 

Các lớp Việt ngữ thoát thai từ phong trào Thiếu nhi Thánh thể mà các "thầy cô giáo" ban đầu đa số là huynh trưởng với lớp học "di động" có khi dưới mái hiên, trên các lối đi, các bậc cầu thang trong nhà thờ hay lang thang trên bãi cỏ... vẫn không thể ngăn cản được tình yêu tiếng Việt của người xa xứ. 

Theo thời gian, với sự cố vấn của các vị giáo chức, Trường Việt ngữ Đắc Lộ đã được trưởng thành và phát triển vững vàng hơn 40 năm qua. Hiện nay, sĩ số học sinh hằng năm khoảng hơn 200 em.

Từ xưa đến nay, giáo viên Việt ngữ của các trường ở nhà thờ, nhà chùa hay nhà trường toàn bộ là thiện nguyện. Phí học tiếng Việt được thu tượng trưng để mua dụng cụ học tập và để làm phí hoạt động cho năm học của các em mà thôi. 

Chương trình học tại trường có 7 lớp: đầu tiên là lớp vỡ lòng và sau đó các em sẽ vào lớp 1 - lớp 6. Tình trạng chung hay gặp là các lớp nhỏ lúc nào cũng đông học viên, càng lên lớp cao càng rơi rụng dần. 

Bên cạnh việc chú trọng bốn kỹ năng nghe - nói - đọc - viết, tại các trường Việt ngữ còn có những hoạt động cho các em vui chơi kết hợp với việc tìm hiểu văn hóa dân tộc để các em thêm yêu mến quê hương mình. 

Bạn Quỳnh Anh nay đã là sinh viên đại học, nhớ lại: "Hồi nhỏ con sợ đi học tiếng Việt lắm vì nó khó hiểu. Con nhớ cuối năm lớp 3 con được lên sân khấu diễn kịch. Các cô vất vả lắm để tập cho tụi con thuộc lòng vai của mình. 

Khi con nói, khán giả ai cũng cười ồ lên, nhưng con không hiểu vì sao mọi người cười do con không hiểu con nói gì vì câu nói khó hiểu quá, chắc là câu gì đó phải vui lắm. Bây giờ tiếng Việt con giỏi hơn là nhờ con xem nhiều chương trình Việt Nam trên Internet". 

Hiện tại, Quỳnh Anh rất thích nói tiếng Việt và suốt buổi em nói chuyện với tôi rất lưu loát, phát âm rõ ràng. Em còn thường xuyên viết email bằng tiếng Việt để kể chuyện xứ người cho ông bà ngoại ở Việt Nam nữa.

Con ơi yêu lấy tiếng quê hương - Kỳ 2: Mình có một đứa con và một... đứa chó - Ảnh 3.

Con cháu của tôi và bạn bè dù ở Canada nhưng luôn hướng về quê hương, trong đó sinh hoạt nhóm cũng là cách học tiếng Việt vui nhộn - Ảnh: MAI HÂN

3. Cộng đoàn người Việt ở Montréal mỗi độ xuân về đều tổ chức hội chợ Việt Nam với các chương trình văn nghệ và ẩm thực đặc sắc. Đây là dịp để người lớn gặp gỡ chuyện trò và trẻ em được học hỏi một cách sống động về văn hóa dân tộc. 

Riêng chùa Địa Tạng là nơi luôn mang lại cho các em mùa Vu lan ấm cúng và cái Tết Trung thu thật vui nhộn với chị Hằng và chú Cuội. 

Các em còn được xem múa lân và rước đèn trung thu cùng bạn bè Việt Nam nên các em rất mong chờ Trung thu và hào hứng tham gia. Và tất nhiên ở những nơi ấy, ngôn ngữ được mọi người mến yêu, sử dụng nhiều nhất chính là tiếng cội nguồn Việt Nam.

Ngoài những tổ chức có quy mô, nhiều gia đình có con đồng lứa thường xuyên tổ chức họp mặt gia đình, bạn bè để con thêm "yêu tiếng nước tôi", như nhóm của chị Mai Hân thường cho các bé đi chơi cùng nhau và các phụ huynh rất chịu khó "đầu tư" để tạo sân chơi cho các bé. 

Chẳng hạn, trong buổi picnic họ sẽ kể một câu chuyện bằng tiếng Việt, cùng xem video book "Những câu chuyện kể về Bu Bu" hoặc cùng nhau gói bánh vào dịp tết, hóa trang Haloween hoặc trang trí cây thông vào dịp Noel...

Hè vừa rồi, cả gia đình chị Ngọc Trang đi du lịch ở Vancouver. Khi đi tham quan thác nước chảy với những viên đá ghi 100 năm, 200 năm, 500 năm... bé An bỗng thốt lên: "Ơ, nước chảy đá mòn kìa mẹ!". Chị thật sự xúc động và tự hào về con mình, vì câu này bé học từ rất lâu rồi bỗng nhiên hôm nay bất chợt nhớ ra đúng ngữ cảnh như thế.

------------------

Tôi vui mừng báo với các con: "Mình về quê hương ăn Tết". Hà Minh bỗng nhiên quay lại hỏi: "Tết có cay không bố?". Cả ba chúng tôi phá lên cười vì câu hỏi quá ngây ngô của con gái.

Kỳ tới: "Tết có cay không bố?"

Con ơi yêu lấy tiếng quê hương - Kỳ 1: Mẹ dạy con bài hát tiếng Việt này nữa đi! Con ơi yêu lấy tiếng quê hương - Kỳ 1: Mẹ dạy con bài hát tiếng Việt này nữa đi!

TTO - Nhiều người Việt ra nước ngoài sinh sống đã rất ý thức dạy con cháu học tiếng Việt để ghi nhớ cội nguồn mình.

HẢI YẾN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên