29/08/2022 11:47 GMT+7

Con ơi yêu lấy tiếng quê hương - Kỳ 1: Mẹ dạy con bài hát tiếng Việt này nữa đi!

KIẾN XÍU
KIẾN XÍU

TTO - Nhiều người Việt ra nước ngoài sinh sống đã rất ý thức dạy con cháu học tiếng Việt để ghi nhớ cội nguồn mình.

Con ơi yêu lấy tiếng quê hương - Kỳ 1: Mẹ dạy con bài hát tiếng Việt này nữa đi! - Ảnh 1.

Hai con của tôi về quê hương nói chuyện được với ông bà ngoại bằng tiếng mẹ đẻ - Ảnh: H.C.

Các bé có cha mẹ cùng người Việt sẽ thuận lợi, nhưng những bé có cha hoặc mẹ là người nước ngoài thì việc học tiếng Việt gặp khó khăn hơn.

Một sáng cuối tuần, tôi lười biếng trên giường và bị con trai đánh thức bằng kiểu gọi vội vàng háo hức như thường ngày của nó. 

Chưa kịp mở mắt, anh chàng đã sà vào lòng mẹ, tay quơ quơ bản nhạc Thương ca tiếng Việt (lời: Hà Quang Minh, nhạc: Đức Trí) mà mẹ dạy hai chị em hát tối qua. Thế là mẹ con hát, chị hai ở phòng kế bên cũng lò dò sang và hòa giọng.

1. Các con sinh ra và lớn lên ở Úc. Tôi đưa tiếng Việt đến với các con bằng điệu ru, câu hát từ lúc các con còn trong bụng mẹ. Tiếng Việt đến với các con tự nhiên như hơi thở, bình thường như việc thức dậy mỗi sớm mai và đi ngủ mỗi tối dù cha không phải người Việt.

Tôi lấy chồng là người Úc, anh hoàn toàn không biết tiếng Việt. Ngày tôi nhận tin vui mang thai, vợ chồng mừng khôn xiết. Điều đầu tiên chồng tôi yêu cầu tôi là tôi phải bắt đầu nói tiếng Việt với các con từ lúc này, từ lúc các con chớm tượng hình trong tôi. "Công cuộc" đưa tiếng Việt đến với các con bắt đầu từ đó.

Rồi hai bạn nhỏ ra đời trong một buổi chiều nhiều lo âu lẫn niềm hạnh phúc vỡ òa của vợ chồng. Bên cạnh những lời chúc mừng từ ê kip bác sĩ, y tá trong phòng mổ, câu tiếng Việt đầu tiên các con được nghe từ mẹ: "Chào con trai, con gái!". Bé gái mắt vẫn nhắm tịt, môi đỏ hồng, còn thằng em thì oa oa khóc toáng.

Những câu hát ru tôi được nghe từ bà, từ mẹ, từ chị giờ tôi lại hát cho các con nghe. Những câu ru của quê hương dìu dịu đưa các con vào giấc ngủ sâu...

Có lẽ tôi may mắn vì được chồng ủng hộ hết mình trong việc gìn giữ tiếng Việt cho các con. Nhưng những việc quan trọng liên quan đến các con, tôi sẽ nói riêng với chồng tôi để anh cùng hiểu và tham gia với cả ba mẹ con, nên ba không bao giờ bị "thừa" vì không hiểu tiếng Việt.

Con ơi yêu lấy tiếng quê hương - Kỳ 1: Mẹ dạy con bài hát tiếng Việt này nữa đi! - Ảnh 2.

Ba mẹ con tác giả ở Úc rất ý thức gìn giữ tiếng Việt - Ảnh H.C.

2. May mắn là vậy, nhưng thực sự con đường đem tiếng Việt đến cho các con rất lắm gian truân. Tôi là người duy nhất nói tiếng Việt với các con trong nhà. 

Khi còn nhỏ, mọi việc đơn giản hơn rất nhiều, bởi tôi nói gì thì cũng chỉ có các con và tôi trao đổi với nhau bằng một ngôn ngữ duy nhất là tiếng Việt. Khó khăn khi các con bắt đầu đi nhà trẻ, đi học. Bước ra đường, đến trường là các con tiếp xúc với tiếng Anh hoàn toàn.

Tất nhiên với môi trường tiếp xúc như vậy, việc các con quay trở về nhà với vốn tiếng Anh nhiều hơn tiếng Việt mỗi ngày là điều thách thức rất lớn đối với tôi và cả các con trong việc trau dồi và duy trì tiếng Việt. 

Nhiều lúc tôi cũng cảm thấy bất lực, muốn bỏ cuộc. Nhưng tôi nghĩ lời tâm sự của những người bạn khác: "Các con về Việt Nam chả nói chuyện được với ông bà, rồi lại bị ông bà dỗi trách", tôi lại cố gắng hơn. Mà để cố gắng được tôi lại phải bày ra lắm quy ước và "mưu kế" với chúng.

Quy ước đầu tiên được đặt ra từ khi các con vừa tượng hình là "ba nói tiếng Anh với các con và mẹ chỉ dùng tiếng Việt để giao tiếp với các con" vẫn được duy trì. 

Việc đọc sách cho các con hằng đêm cũng được duy trì theo cách ấy. 15 phút nghe ba đọc sách tiếng Anh và 15 phút nghe mẹ đọc sách tiếng Việt trước khi con ngủ. Bọn trẻ nghe hát ru mãi rồi quen, khi chúng buồn ngủ lại nhắc mẹ nhớ hát "Cái cò mà đi ăn đêm...".

3. Rồi khi các con bắt đầu nhận thấy mẹ cũng nói được tiếng Anh nên chúng bắt đầu nói chuyện với mẹ bằng tiếng Anh. "Mưu kế" vờ vịt lúc này được tung ra: tôi vờ không hiểu tất cả mọi giao tiếp bằng tiếng Anh của các con, buộc chúng phải trao đổi với mẹ hoàn toàn bằng tiếng Việt. 

Ơn trời chúng không phản đối hay thắc mắc gì. "Hòa bình" vẫn được giữ và tiếng Việt vẫn luôn rộn ràng trong nhà với những câu hỏi tại sao, thế nào và những câu hát trẻ thơ mà tôi đã dạy cho các con mỗi ngày.

Con ơi yêu lấy tiếng quê hương - Kỳ 1: Mẹ dạy con bài hát tiếng Việt này nữa đi! - Ảnh 3.

Chúng tôi luôn ý thức dạy các con gìn giữ văn hóa Việt Nam - Ảnh Kiến Xíu

Có một lần đang chơi trong vườn, con gái phát hiện ra một điều gì đó thích thú, bé chạy ngay lại chỗ tôi và "xổ" một tràng tiếng Anh về điều vừa thấy với sự hào hứng rất trẻ thơ. Tôi lại dùng bài cũ "xin lỗi con, con nói tiếng Việt với mẹ đi". 

Con bé không nói gì, quay ngoắt sang ba của nó ngồi cạnh tôi và kể cho ba nghe bằng tiếng Anh, giọng vẫn hồ hởi như mẹ chưa bao giờ làm bạn ấy "cụt hứng" vì chuyện "không hiểu tiếng Anh" của mẹ.

Tôi hơi hụt hẫng nhưng vẫn kiên nhẫn chờ phản ứng của con. Hai cha con cười toáng sau câu chuyện của con bé, rồi chợt nhớ ra sự "công bằng" cho mẹ, con bé quay sang kể lại cho mẹ hoàn toàn bằng tiếng Việt điều vừa nói với ba.

 Lúc này mẹ mới dám cười và cười to hơn vì mẹ phải nhịn không dám cười hơn mấy phút rồi. Rào cản tiếng Anh và tiếng Việt có mà như không có nhờ việc các con được hội nhập một cách hài hòa, tự nhiên.

Một lần khi đang ở Việt Nam thăm ông bà ngoại các con, tôi phải vào viện hết mấy ngày. Lúc đó, các con 3 tuổi và lần đầu xa mẹ, việc giao tiếp bằng tiếng Việt thuần túy với các cô dì chú bác vẫn còn là một khúc mắc rất lớn. 

Anh trai tôi gọi cho tôi bảo rằng con trai tôi đang ấm ức khóc vì nó nói không ai hiểu. Tôi xin được nói chuyện với con, ở đầu dây bên kia nó mếu máo: "Thật sự không công bằng, tại sao ai nói gì con cũng hiểu mà con nói thì không ai hiểu? It’s unfair! Con muốn về Úc".

Thế là tôi lại phải nghĩ ra cách để "dàn xếp" cảm xúc của con lúc đó. Tôi bảo con cầm tay chỉ tận nơi việc con muốn và mọi người ở nhà sẽ giải thích hoặc giúp con nói bằng tiếng Việt rõ ràng để lần sau con nhớ mà lập lại. 

"Hòa bình" lại trở về, chỉ vài tiếng đồng hồ sau tôi liên lạc lại với con thì mọi việc đã ổn, chàng nhóc đã hết bức xúc, cười hân hoan và bỏ ý muốn trở về Úc.

Học nói rồi học đọc, học viết. Mỗi chặng đường là một thách thức mới. Tôi bắt đầu với các con bằng những câu từ đơn giản, nói, lặp lại và dịch ngược xuôi. 

Khi đi chợ, tôi thường dạy luôn cho các con tên gọi bằng tiếng Việt các loại rau, quả, hoa, củ. Các con luyện văn, tôi lại yêu cầu các con dịch bài tiếng Anh vừa viết sang tiếng Việt.

Có lúc các con cũng "nhăn nhó" vì phải lục lọi mọi ngõ ngách vốn từ vựng và ngữ pháp tiếng Việt còn hạn chế của mình. Những câu dịch ban đầu ngây ngô, giờ đã gãy gọn hơn và thậm chí đã có những cách dùng từ theo ngôn ngữ Việt mà các con áp dụng khá tốt. 

Các con sợ nhất là việc đặt dấu trong tiếng Việt. Sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng - cả ba mẹ con vật lộn với chúng khản cả cổ nhiều phen. Kiên trì và yêu thương, đó là cách duy nhất để đưa các con đến với tiếng Việt và yêu tiếng Việt.

Để rồi một ngày con nói với tôi: "Cảm ơn mẹ đã cho con hiểu và nói được tiếng Việt, vì nếu không con sẽ cảm thấy rất xấu hổ về mình". Đúng ra, tôi phải cảm ơn các con mới đúng, vì các con đã đồng hành cùng tôi cơ mà.

Vợ chồng tôi luôn khuyến khích, tạo hưng phấn và niềm hãnh diện cho các con khi các con có thể giao tiếp bằng tiếng Việt. Các con trao đổi qua điện thoại với ông bà ngoại, nghe các con lễ phép dạ thưa thăm hỏi, nghe ông bà cháu cười rộn ràng với nhau, chúng tôi xúc động lắm.

Các con luôn tự hào mình có quê hương là Việt Nam để nhớ và trở về. Mọi người bảo công của mẹ. Nhưng thực sự các con đã nỗ lực rất nhiều. Mẹ chỉ hỗ trợ và khơi dậy lòng yêu mến tiếng Việt của các con để các con cảm nhận được mình thuộc về nơi này, Việt Nam của mẹ và con.

-------------------------------

"Anh chị mấy cháu?". Anh trả lời: "Có một đứa con và một đứa chó". Rồi anh nói nhỏ: "Ivy ở đây mà nói có một con là nó la làng liền vì papa không chịu coi em chó là thành viên trong nhà".

Kỳ tới: "Một đứa con và một đứa chó"

Quê hương mỗi người chỉ một Quê hương mỗi người chỉ một

TTO - Có lẽ ai trong chúng ta cũng từng nghe bài hát này rót từng giọt mật tha thiết vào tim: 'Quê hương mỗi người chỉ một, như là chỉ một mẹ thôi. Quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người'.

KIẾN XÍU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên