Khỉ Cercopithecus roloway vừa được đưa vào danh sách loài có nguy cơ tuyệt chủng - Ảnh: AFP
Các hoạt động tàn phá thiên nhiên do con người gây ra đang đẩy nhiều loài động, thực vật đến bờ tuyệt chủng với tốc độ nhanh chưa từng có. Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) ngày 18-7 đã đưa ra lời cảnh báo trên khi bổ sung thêm hơn 7.000 loài động vật, cá và thực vật vào hạng mục nguy cấp trong "Sách đỏ" của cơ quan này.
Theo IUCN, từ các vòm cây của khu rừng nhiệt đới đến đáy biển đại dương, các loài động vật linh trưởng, cá và thực vật hiện bị xếp vào hạng mục cực kỳ nguy cấp trong Sách đỏ. IUCN hiện đang đánh giá hơn 105.000 loài trên toàn thế giới và khoảng 28.000 loài trong số này có nguy cơ tuyệt chủng.
Trong khi mỗi nhóm sinh vật này phải đối mặt với những mối đe dọa cụ thể, thì những hành vi của con người, trong đó việc đánh bắt quá mức và phá rừng, là nguyên nhân hàng đầu khiến số lượng các loài giảm mạnh.
Quyền Tổng giám đốc IUCN, Grethel Aguilar nói: "Thiên nhiên đang suy thoái với tốc độ chưa từng có trong lịch sử nhân loại. Chúng ta phải nhận thức được rằng bảo vệ sự đa dạng của thiên nhiên cũng chính là bảo vệ lợi ích của chúng ta".
IUCN cho biết một số loài cá nước ngọt và cá biển được xếp vào hạng mục có nguy cơ "cực kỳ nguy cấp" như loài cá wedgefish và guitarfish thuộc họ cá đuối. Trong khi đó, cá đuối False Shark cũng bên bờ vực tuyệt chủng do nạn đánh bắt quá mức ở ngoài khơi Mauritania khiến số lượng loài này đã giảm 80% trong 45 năm qua.
Theo danh sách cập nhật mới nhất này, hơn một nửa số cá nước ngọt của Nhật Bản và hơn 1/3 cá nước ngọt ở Mexico có nguy cơ bị tuyệt chủng bởi mức độ ô nhiễm gia tăng cũng như các dòng sông cạn nước.
Hơn 500 loài cá và động vật thân mềm ở biển sâu (môi trường sống sâu 1.000 mét dưới mặt nước biển) đã được bổ sung vào "Sách đỏ". Trong khi đó, 7 loài động vật linh trưởng có nguy cơ sắp tuyệt chủng cao được bổ sung vào "Sách đỏ", trong đó có loài khỉ Roloway ở Cote d'Ivoire và Ghana khi loài này hiện chưa có tới 2.000 con sống trong tự nhiên.
IUCN khẳng định "thủ phạm hàng đầu" gây nên tình trạng báo động trên là do con người săn bắn để lấy thịt và môi trường sống của sinh vật bị tổn hại nghiêm trọng khi các khu rừng bị chặt phá để lấy đất canh tác trồng cây lương thực.
Theo IUCN, 40% các loài động vật linh trưởng ở Tây và Trung Phi hiện đang có nguy cơ tuyệt chủng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận