Phóng to |
Giám đốc điều hành EDP của Bồ Đào Nha, ông António Mexia (phải), hào hứng với dòng tiền đến từ chủ tịch CTG Cao Guangjing - Ảnh: Reuters |
Tập đoàn Điện lực nhà nước China Three Gorges (CTG) đã chơi trội vượt qua các đối thủ cạnh tranh khác để mua cổ phần trong Tập đoàn điện lực EDP của Bồ Đào Nha vốn là một doanh nghiệp độc quyền trong lĩnh vực năng lượng. Thỏa thuận giữa hai bên đã được ký hôm 31-12-2011 tại Lisbonne.
Cái lý của nhà giàu
Với khả năng tài chính to lớn, CTG đã đặt giá đến 2,7 tỉ euro để mua 21,35% cổ phần của EDP được chào bán công khai tại Lisbonne. Số tiền đó cả tập đoàn tư nhân E.On của Đức và Eletrobras của Brazil đều không dám nghĩ tới. Mặc cho Thủ tướng Đức Angela Merkel, trong cuộc họp thượng đỉnh của khối Liên minh châu Âu tại Brussels (Bỉ), đã tranh thủ làm việc riêng với Thủ tướng Bồ Đào Nha Pedro Passos Coelho để vận động cho gà nhà E.On, phía Lisbonne cũng không nhượng bộ. Nguyên tắc của thị trường: ai trả tiền cao người đó thắng!
Không chỉ nắm quyền tham gia trực tiếp trong EDP, Trung Quốc còn hứa giúp đỡ cho tình hình tài chính của tập đoàn Bồ Đào Nha, thậm chí còn mở ra khả năng phát triển trong lĩnh vực năng lượng sạch. Người Bồ Đào Nha rất tin tưởng vào lời hứa đó. Bộ trưởng tài chính Bồ Đào Nha Maria Luis Albuquerque cho rằng CTG sẽ đem đến thêm 8 tỉ euro, chưa kể cùng theo dòng vốn mới đó là sự hỗ trợ của các ngân hàng và doanh nghiệp từ phương Đông. CTG còn hào phóng cấp thêm 2 tỉ euro để được tham gia cổ phần trong các điểm sản xuất điện gió và các ngân hàng Trung Quốc tuyên bố sẵn sàng cho vay đến 4 tỉ euro cho tập đoàn Bồ Đào Nha, từ nay đến năm 2020. Quả thật đó là điều không tập đoàn Âu Mỹ nào có khả năng làm được trong thời điểm hiện nay.
Bước vào EDP, tập đoàn Trung Quốc vẫn còn muốn thêm nữa. Họ đang muốn mua cả 3,69% cổ phần của Chính phủ Bồ Đào Nha nắm giữ và những cổ phần của các cổ đông nhỏ khác như Iberdrola (6,79%) của Tây Ban Nha và Millenium BCP (3,37%) - ngân hàng của Bồ Đào Nha.
Nhà kinh tế Kenneth Courtis bình luận: “Đó là tín hiệu quan trọng cho thấy cách Trung Quốc sẽ đầu tư vào khu vực châu Âu đang khốn khó. Họ không chỉ mua lại các khoản nợ công mà còn muốn tham gia các doanh nghiệp có khả năng đem lại lợi tức về lâu về dài”. Dẫu lòng không muốn nhưng các chính phủ ở châu Âu cũng không thể ngăn chặn được dòng tiền từ Trung Quốc tràn sang.
Phía sau là... nhà nước
Sau thời gian dài đóng vai trò “công xưởng của thế giới”, ngày nay các doanh nghiệp Trung Quốc vươn tay ra khỏi biên giới với sự hỗ trợ rõ ràng của chính phủ. Với tham vọng tạo ra những tập đoàn toàn cầu một cách nhanh chóng, Bắc Kinh đã dốc tiền và lực hỗ trợ cho nhiều công ty quốc doanh.
Khoản hỗ trợ này lớn đến mức các công ty Trung Quốc có khả năng thay đổi toàn bộ các quy tắc cạnh tranh kinh tế toàn cầu. Chỉ trong chưa đầy hai thập niên, các ngân hàng, công ty dầu khí Trung Quốc chiếm phần lớn trong danh sách 10 doanh nghiệp có giá trị vốn hóa thị trường lớn nhất khu vực. Và hiện có đến 61 doanh nghiệp Trung Quốc có tên trong bản danh sách 500 doanh nghiệp hàng đầu thế giới, theo công bố của tạp chí Forbes.
Chẳng hạn, Công ty Dầu khí PetroChina giá trị vốn hóa thị trường 329,6 tỉ USD; Ngân hàng Công nghiệp và thương mại của Trung Quốc (ICBC) có giá trị vốn hóa thị trường 259,2 tỉ USD; Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (CCB) giá trị vốn hóa thị trường 238,3 tỉ USD; hay Công ty ZTE đã vượt qua Apple để trở thành nhà sản xuất điện thoại lớn thứ tư thế giới sau LG, Samsung và Nokia.
Người ta cho rằng luôn có một quan chức Trung Quốc đứng chống lưng sau mỗi doanh nhân Trung Quốc. Robert Hormats, thứ trưởng Bộ Kinh tế, năng lượng và nông nghiệp Mỹ, bình luận: “Không giống như các công ty nhà nước của Liên Xô cũ chỉ được hỗ trợ trong phạm vi trong nước, doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc đang được đẩy đi toàn cầu. Đối mặt với môi trường chiến lược với sự cạnh tranh trong các nguồn tài nguyên thiên nhiên, từ lâu Trung Quốc đã xác định rằng an ninh kinh tế không thể bị phụ thuộc vào sự bất thường của thị trường hay các gã khổng lồ phương Tây, nên Trung Quốc phải giành được sự tiếp cận trực tiếp tới các nguồn tài nguyên chiến lược”.
Những tập đoàn quốc doanh khổng lồ của Trung Quốc cũng gây lo ngại cho tất cả giới đầu tư. Kho dự trữ ngoại hối của Bắc Kinh hiện đang gần tới ngưỡng 4.000 tỉ USD càng khiến lo ngại này lớn hơn.
Tính đến nay, các tập đoàn Trung Quốc kiểm soát được đến 118 công ty ở châu Âu. Theo số liệu của Dealogic, một công ty tư vấn trụ sở tại London (Anh), các khoản đầu tư của Trung Quốc vào châu Âu chỉ đạt 853 triệu USD trong các năm 2003-2005, nhưng đã lên tới 43,9 tỉ USD trong giai đoạn 2008-2009. Riêng trong năm 2010, Trung Quốc đã tiến hành 2.700 vụ mua bán công ty với số tiền lên đến 110 tỉ euro. Công ty tư vấn Rhodium (trụ sở tại New York) dự báo từ nay đến năm 2020, Trung Quốc sẽ đầu tư hơn 1.000 tỉ USD vào các công ty nước ngoài. Bởi vậy chẳng có gì lạ khi tạp chí kinh tế The Economist số ra ngày 13-11-2010 đã phải giật tít “Trung Quốc đang mua cả thế giới”.
Phân tích một số thương vụ mua bán gần đây của các công ty Trung Quốc cho thấy chiến lược mới của các công ty quốc doanh Trung Quốc trong chiến lược toàn cầu hóa: 1. Mua các tài sản vật chất như các mỏ dầu hay tài nguyên thiên nhiên thay vì mua tài sản vô hình như nhãn hiệu; 2. Tìm kiếm các công ty và tổ chức sở hữu công nghệ và thiết bị toàn cầu tiên tiến; 3. Sử dụng các công ty nước ngoài để củng cố vị thế của các công ty Trung Quốc trên thị trường trong nước.
“Chúng tôi chưa bao giờ đối phó với tình hình như hiện nay. Đó là một vấn đề nghiêm trọng”, báo cáo của Hội đồng châu Âu về quan hệ đối ngoại nhận định về làn sóng thâu tóm của doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc.
Nhà đầu tư Nhật đổ bộ vào Việt Nam Theo ông Toshifumi Iwaguchi, giám đốc điều hành Công ty Recof Nhật Bản, số lượng các thương vụ mua bán sáp nhập (M&A) của các doanh nghiệp Nhật Bản ra nước ngoài ngày càng tăng cao. Năm 2011, số lượng các thương vụ này đã tăng 23% so với năm trước. Doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm rất lớn đến hoạt động M&A tại khu vực châu Á, trong số đó Việt Nam là quốc gia đứng thứ ba sau Trung Quốc và Ấn Độ. Giao dịch M&A giữa Việt Nam và Nhật Bản được bắt đầu tăng lên sau khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2007. Gần đây Công ty Recof đã khảo sát 98 doanh nghiệp hàng đầu Nhật Bản. Kết quả có 70% doanh nghiệp khẳng định Việt Nam là một điểm đến đầu tư hấp dẫn với những lợi thế về triển vọng tăng trưởng của thị trường và nguồn lao động dồi dào. Theo thống kê, năm 2011 có tổng số 16 thương vụ M&A của các doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam. Dự kiến năm nay con số này sẽ tăng tối thiểu là gấp đôi, tức khoảng 32 thương vụ.“Quy mô công ty này nhắm đến để tiến hành M&A thường có giá trị dao động từ 5-100 triệu USD, do đó rất nhiều doanh nghiệp đang niêm yết sẽ đáp ứng được nhu cầu này” - ông Toshifumi Iwaguchi cho biết thêm. |
Tin bài liên quan:
Kỳ 1: Sóng ngầm chính trị - tài chính ở Ý Kỳ 2: Huynh đệ tương tàn Kỳ 3: Thợ săn và con mồi Kỳ 4: Kịch bản như thật Kỳ 5: Cá bé nuốt cá lớn
__________
Chính phủ nhiều nước không thể làm ngơ trước sự tức giận của dân chúng khi tiền thuế được đem ứng cứu những con cá mập tham lam trong giới tài chính, ngân hàng.
Kỳ tới: Gây khó bằng luật
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận