24/02/2019 09:15 GMT+7

Con bị cô giáo đánh, đòi bồi thường 100 triệu đồng: Ứng xử sao cho hợp lý?

HOÀNG HƯƠNG - TUYẾT MAI
HOÀNG HƯƠNG - TUYẾT MAI

TTO - Từ vụ việc xảy ra ở Trường mầm non tư thục Tây Thạnh 2, Q.Bình Tân, TP.HCM, nhiều người đã nêu thắc mắc: Phụ huynh có quyền yêu cầu nhà trường bồi thường thiệt hại bằng tiền hay không?

Con bị cô giáo đánh, đòi bồi thường 100 triệu đồng: Ứng xử sao cho hợp lý? - Ảnh 1.

Tôi không muốn làm lớn chuyện (...). Tôi chỉ muốn làm mọi cách để những đứa trẻ khác không bị đánh như con tôi, thế thôi.

Phụ huynh Đinh Đức Dũng

Vụ việc diễn ra như sau:

Ngày 6-12-2018, ông Đinh Đức Dũng dẫn con gái - học sinh lớp mầm 1 - đến Trường mầm non Tây Thạnh 2 phản ảnh rằng trên người bé có nhiều vết bầm, xước, nghi bị cô giáo đánh.

Ngày 13-12, nhà trường cung cấp cho phụ huynh bản tường trình của cô Vân, xác nhận cô Vân chính là người đã đánh con ông Dũng. Tuy nhiên, nhà trường cũng cho biết cô Vân đã xin nghỉ việc.

Ngày 2-1-2019, ông Dũng yêu cầu nhà trường bồi thường 900.000 đồng chi phí khám sức khỏe cho con mình, đồng thời yêu cầu nhà trường phạt cô Vân 10 triệu đồng.

54 ngày sau khi xảy ra sự việc (ngày 30-1), đại diện nhà trường đến nhà ông Dũng xin lỗi và thương lượng.

Ngày 31-1, đại diện Trường Tây Thạnh 2 tiếp tục đến nhà ông Dũng xin thương lượng, gia đình ông Dũng yêu cầu bồi thường 24 triệu đồng. Lần gặp tiếp theo sau đó tại Phòng GD-ĐT, ông Dũng yêu cầu bồi thường 100 triệu đồng sau khi bị đại diện Trường Tây Thạnh 2 mạt sát và xúc phạm, xưng hô mày - tao trong buổi làm việc.

Bà Đinh Thị Anh Đào (hiệu trưởng Trường mầm non Tây Thạnh 2, Q.Bình Tân):

Tôi thực sự bối rối...

Sự việc đã đến nước này là ngoài ý muốn của chúng tôi. Tôi làm quản lý nhiều năm nhưng chưa từng gặp tình huống như thế này. 

Tôi đã từng gặp phụ huynh nóng giận, chửi rủa nhà trường, xông vào trường đòi đánh cô giáo khi nghe những chuyện không hay có liên quan đến con mình. 

Nhưng yêu cầu bồi thường bằng tiền như phụ huynh Đinh Đức Dũng thì tôi chưa bao giờ gặp. Vả lại, số tiền 100 triệu đồng quá lớn.

Tôi thực sự bối rối...

Do xử lý không kịp thời

Qua vụ việc vừa rồi, tôi thấy nhà trường đã xử lý vụ việc hơi chậm và chưa khéo léo.

Khi thấy những vết bầm, vết xước trên người con mình, phụ huynh nào lại chẳng xót con. Vì xót con nên họ bức xúc và nóng lòng muốn biết sự thật: ai là người làm cho con em họ bị như vậy?

Lẽ ra, việc đầu tiên của lãnh đạo nhà trường là lắng nghe phụ huynh, cùng phụ huynh đưa con em họ đi khám (nếu cần), đồng thời hứa sẽ giải quyết sớm vụ việc. Sau đó nhà trường cần trích xuất camera, làm việc với giáo viên... để tìm ra câu trả lời sớm nhất.

Khi đã có câu trả lời, lập tức chủ động mời phụ huynh vào trường, tổ chức cuộc gặp 3 bên: lãnh đạo trường, giáo viên, phụ huynh để xin lỗi và đưa ra những biện pháp giải quyết thấu tình đạt lý cho cả hai bên.

Nhưng Trường Tây Thạnh 2 xử lý vấn đề không kịp thời, không nhanh chóng, dẫn đến phụ huynh phải chạy đi chạy lại lên trường để hỏi kết quả khiến họ càng bức xúc. 

Khi đã có kết quả cô giáo chính là người đánh bé, nhà trường lại vấp phải một cái sai nữa là cho cô giáo nghỉ việc. Việc cho cô giáo nghỉ việc sẽ khiến phụ huynh có cảm giác như nhà trường bao che cho hành động sai trái của cô, nghỉ việc để không phải chịu trách nhiệm.

TS Trương Thị Việt Liên (nguyên trưởng phòng giáo dục mầm non Sở GD-ĐT TP.HCM)

Phạt tiền để răn đe

Tôi khẳng định lại là tôi tức quá nên mới yêu cầu bồi thường 100 triệu. Vì ngay trong cuộc họp dưới sự chủ trì của lãnh đạo Phòng GD-ĐT Q.Bình Tân và đại diện các cơ quan ban ngành mà người của Trường Tây Thạnh 2 lại xưng mày - tao với tôi, mạt sát, xúc phạm tôi. Thái độ như vậy là quá coi thường phụ huynh. 

Tôi bức xúc vì hành xử quá tệ của Trường Tây Thạnh 2. Con tôi bị đánh bầm tím, trầy xước như thế mà 54 ngày sau khi vụ việc xảy ra, đại diện trường mới sang xin lỗi gia đình.

Chưa kể nếu so với những gì con tôi phải gánh chịu, chẳng có tiền nào bồi thường nổi. Trước đây, con tôi hồn nhiên, vui vẻ, đêm ngủ thẳng giấc. Từ ngày bị đánh, một đêm cháu thức dậy 4-5 lần, khóc lóc, hốt hoảng. Ban ngày cháu không dám ngồi chơi một mình như trước, cứ thấy bố mẹ hoặc anh chị em đi ra khỏi phòng là khóc thét lên, đòi đi theo, thỉnh thoảng còn đưa tay đấm vào ngực nữa.

Tôi là dân kinh doanh nên cho rằng mức phạt nặng nhất và hiệu quả nhất là đánh vào kinh tế. Thế nên lúc đầu tôi mới yêu cầu nhà trường giữ lại 10 triệu đồng tiền lương của cô Vân để cảnh cáo cô (số tiền này ông Dũng đề nghị dành cho các học sinh nghèo - PV), cũng là để nhắc nhở những người khác.

Tôi nhắc lại là ngay từ đầu tôi không muốn làm lớn chuyện vì có làm gì đi chăng nữa thì con mình cũng đã bị đánh rồi. Tôi chỉ muốn làm mọi cách để những đứa trẻ khác không bị đánh như con tôi, thế thôi.

Ông Đinh Đức Dũng (phụ huynh Trường mầm non Tây Thạnh 2, Q.Bình Tân)

Không nên đẩy vụ việc đi quá xa

Hiện nay, theo quy định của Bộ luật dân sự thì mức bồi thường phải dựa vào các chi phí thực tế, hợp pháp như tiền viện phí, chi phí đi lại, tiền thuốc, tiền công nuôi dưỡng khi nằm viện... 

Ngoài ra, tiền bồi thường tổn thất tinh thần theo quy định, tối đa không quá 50 tháng lương cơ sở do Nhà nước quy định. Như vậy, đối chiếu với các quy định nêu trên có thể thấy việc yêu cầu bồi thường của phụ huynh là cao so với quy định.

Tuy nhiên, xét về khía cạnh đạo đức xã hội, cả nhà trường và phụ huynh đều ứng xử chưa phù hợp. Cụ thể, nhà trường đã thiếu tinh thần trách nhiệm để xử lý hậu quả xảy ra. Điều này làm cho phụ huynh rất bức xúc. Ban đầu phụ huynh chỉ yêu cầu mức bồi thường tương đối nhẹ nhàng, điều này cho thấy việc hòa giải rất tốt. 

Tuy nhiên, sau đó có thể do việc ứng xử chưa tốt của nhà trường dẫn đến vụ việc đi quá xa.Về phía phụ huynh, nếu giáo viên, nhà trường đã nhận trách nhiệm thì nên bình tĩnh giải quyết và đưa ra yêu cầu bồi thường phù hợp. 

Luật sư Trần Bá Học (Đoàn luật sư TP.HCM)

Kiện tụng sẽ ảnh hưởng đến tinh thần học sinh

Việc cô giáo đánh cháu bé là sai. Tuy nhiên cũng cần xét đến nguyên nhân, hoàn cảnh dẫn đến hành động này của cô giáo cũng như mức độ thương tật của cháu bé. 

Về lý, người bị xâm hại có quyền kiện ra tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bồi thường, song phải chứng minh được mức bồi thường đó hợp lý, hợp pháp. Cụ thể, cần phải giám định về tỉ lệ thương tật của cháu bé, chứng minh bằng các hóa đơn, chứng từ điều trị... Hơn nữa, thiệt hại tổn thất về tinh thần 100 triệu là điều khó chấp nhận.

Về đạo lý xã hội, khi nhà trường đã nhận trách nhiệm và đến nhà xin lỗi, chấp nhận mức bồi thường ban đầu phụ huynh đưa ra thì việc phụ huynh đẩy sự việc đi quá xa là không cần thiết. Việc kiện tụng, bức xúc giữa cha mẹ với thầy cô giáo sẽ ảnh hưởng không tốt đến tinh thần của cháu bé.

Luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn luật sư TP.HCM)

Vụ Vụ 'Con bị cô đánh, phụ huynh đòi đền 100 triệu': 'Tôi không tống tiền'

TTO - "Nhà tôi không nhiều tiền, nhưng cũng không thiếu tiền đến mức phải làm như vậy. Thực sự tôi không muốn gây scandal để trở thành người nổi tiếng".

HOÀNG HƯƠNG - TUYẾT MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên