17/02/2023 11:43 GMT+7

Cồn bãi sông Mekong - Kỳ 3: Cồn 'kim cương' bên bến Ninh Kiều

Giữa vàm sông Cần Thơ đổ ra sông Hậu, lù lù mọc lên một mảng xanh. Cái cồn như chuyện cổ tích ngay trước bến Ninh Kiều.

Sau thời gian “nổi như cồn” với sự kiện pháp lý về quyền thủ đắc, cồn mới nổi trở thành bãi rừng hoang ngay trước bến Ninh Kiều

Sau thời gian “nổi như cồn” với sự kiện pháp lý về quyền thủ đắc, cồn mới nổi trở thành bãi rừng hoang ngay trước bến Ninh Kiều

Lý do, cái cồn này đã trở nên đình đám một thời khi người ta lôi nó lên báo, ra tòa, bên những câu chuyện trà dư tửu hậu, và cho đến giờ thì... "hổng biết nó còn chỗ cũ không".

Chuyện "xí phần" cồn bãi mới

Người phụ nữ chạy đò tên Mận nhà ở xóm Chài (phường Hưng Phú, quận Cái Răng, Cần Thơ) cứ thắc mắc hỏi đi hỏi lại khi có khách thuê từ bến Ninh Kiều chạy... lòng vòng qua khu rừng giữa ngã ba sông. 

"Qua đó thôi hả chú? Không đi vườn trái cây hay chợ nổi gì sao chú? Chú nghỉ ở khách sạn bên cồn Ấu phải hông?...". Hàng loạt câu hỏi đều gặp phải cái lắc đầu. Chị đò phán "bên đó có khỉ gì đâu mà qua".

"Có khỉ gì đâu", một khu rừng ngập cô đơn giữa một bên là bến Ninh Kiều trăm năm kiêu sa, một bên là cồn Ấu có khu nghỉ dưỡng sang trọng bậc nhất Cần Thơ, chếch sang một chút là chiếc cầu đi bộ uốn cong để nam thanh nữ tú lên đồ check-in, và một bên là xóm Chài với những phận đò lam lũ.

Cái cồn chẳng gắn được vào đâu. Dù rằng khi mới vừa nổi lên mặt nước, nó đã trở nên... nổi như cồn. Các sự kiện pháp lý về quyền thủ đắc vùng đất "từ dưới nước chui lên" đã khiến nhiều người theo dõi vỡ ra nhiều điều. Rằng chuyện "xí phần" vùng đất mới không đơn thuần như chuyện khẩn hoang của thế hệ tiền hiền đặt chân lên vùng châu thổ xưa kia.

Ngay từ khi mới hình thành, có bước chân người đặt lên, chiếc cồn mới nổi ở Cần Thơ đã thu hút nhiều chú ý. Một phần là từ vị trí đắc địa nơi nó mọc lên. Đâu không mọc, cồn đất lại mọc lên ngay ngã ba sông Cần Thơ đổ ra sông Hậu. Nơi gần những nhà hàng, khách sạn và du thuyền rần rần khách qua lại. Vị trí như... trời cho.

Du khách đến bến Ninh Kiều phải thốt lên câu "ngộ à nghen" khi thấy cánh rừng xanh ngát chìm nổi giữa ngã ba sông. Còn với dân bất động sản, cái cồn như viên kim cương chễm chệ ngay bộ mặt hướng sông của Cần Thơ, nơi giá đất đắt đỏ nhất thành phố.

Trong những ngày tìm lại những nhân vật từng liên quan đến cải tạo cồn đất trên sông Hậu này, tôi tiếc vì không thể gặp được ông cụ Trịnh Văn Thanh do vấn đề sức khỏe của cụ. Người một thời được báo chí nhắc nhiều vì liên quan đến các vấn đề pháp lý của vùng đất mới. 

Sau đó, có người giới thiệu tôi gặp ông Hai Lộc (Trần Văn Lộc, 63 tuổi), người coi sóc miếu Bà Chúa Xứ ở xóm Chài. 

Ông Lộc nói mình chính là người được thuê trồng cây để tạo bãi trên khu đất vừa nhú lên từ đáy sông khi đó. Là dân cố cựu, ra vào cửa sông này mỗi ngày, ông đã chứng kiến những đổi thay của cồn.

Vàm sông nơi cồn nổi lên là cửa ngõ du lịch, cũng là nơi hoạt động các nghi thức tín ngưỡng của dân chài Cần Thơ - Ảnh: T.TRÌNH

Vàm sông nơi cồn nổi lên là cửa ngõ du lịch, cũng là nơi hoạt động các nghi thức tín ngưỡng của dân chài Cần Thơ - Ảnh: T.TRÌNH

Trồng cây, gây cồn

"Tôi nhớ không chính xác, nhưng độ khoảng thập niên 90 của thế kỷ trước. Khi tôi được thuê dọn 50 công rau muống ở cồn Cái Khế, chú Ba Thanh (ông Trịnh Văn Thanh) kêu tôi bứng bần về trồng ở gò đất mới nổi trước miếu Bà, với tiền công 2.000 đồng mỗi cây. Anh em của tôi đã đi nhổ cây bần ở đuôi cồn Ấu và rạch Dược đem về đây trồng cho chú Ba".

Dân đánh lưới ở xóm Chài không lạ gì mô đất này. Từ đáy sông, đất nổi lên to cỡ cái nhà. Ghe tàu qua lại mắc kẹt hoài. Ông Út Xáng từ Nhà Bè đã đem xáng hút đến nạo vét luồng lạch cho tàu ghe qua lại, nhưng chỉ được vài hôm là lại lấp đầy. 

"Mà có chuyện này lạ thiệt. Ngay gần cồn đất từ đáy sông nhô lên là một cái búng với lòng chảo sâu 18 sải tay. Vậy mà cát chỉ lấp cồn ngày càng nhô lên, còn hố sâu vẫn sâu không hề thay đổi".

Ông Hai Lộc nói hồi đó dân ở đây lo kiếm ăn từng bữa, ai đâu nghĩ chuyện chiếm đất cồn làm của riêng. Ông nhớ lại trong thời gian ông Ba Thanh mướn ông trồng cây trên đất cồn, một thợ lặn tên Ba Dung gần đó cũng nhổ cây nơi khác đến trồng trên cồn đất này. Mạnh ai nấy trồng, không phiền hà gì. 

"Anh em tôi trồng được 800 cây rồi thôi. Khi nghe nói công an can thiệp thì tôi nghỉ". Bốn năm sau khi trồng cây, cánh rừng cao quá mái nhà đã mọc lên, ra hình hài cồn bãi xanh mát mắt, nhiều người nói không phải là "bãi vàng", mà là "bãi kim cương".

Rồi hơn mười năm trước, "viên kim cương" bỗng được xa gần biết đến khi chính quyền địa phương lập biên bản vi phạm hành chính với một ông cụ ngoài 80 tuổi, vì cho rằng ông vi phạm luật đất đai. 

Lúc ấy đọc báo, người ta mới biết sự tình cái cồn mới nhú lên, cũng chưa ai đặt tên, nên cứ gọi là "cồn mới nổi".

Tháng 8-2012, ông Đào Anh Dũng, phó chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, ký quyết định xử phạt ông Trịnh Văn Thanh 65 triệu đồng về hành vi chiếm sử dụng đất bãi bồi cồn nổi trên sông Hậu. Đồng thời buộc ông Thanh khôi phục tình trạng đất như trước khi vi phạm. 

Câu chuyện hấp dẫn về ông cụ và cồn đất mới nổi xuất hiện càng nhiều trên các mặt báo, khi ông cụ là người sớm có mặt trên cồn bãi mới này đâm đơn kiện quyết định của lãnh đạo UBND thành phố Cần Thơ.

Sự kiện một người dân kiện lãnh đạo thành phố liên quan đến cồn bãi "từ dưới nước chui lên" cũng kéo dài, tốn nhiều giấy mực. Tòa thành phố xử ông Thanh thua kiện, ông chống án. Tòa tối cao xử ông Thanh thắng kiện. 

Không lâu sau, lãnh đạo UBND thành phố lại ban hành quyết định xử phạt vì hành vi chiếm sử dụng đất bãi bồi cồn nổi trên sông Hậu, đồng thời buộc khôi phục hiện trạng đất như trước kia. 

Khiếu nại không được giải quyết, ông Thanh lại đâm đơn ra tòa. Cũng như lần trước, Tòa thành phố xử ông Thanh thua kiện. Ông Thanh chống án lên Tòa tối cao và được xử thắng kiện.

Thắng kiện, nhưng không có nghĩa là ông Thanh được quyền thủ đắc cái cồn mới đó. Bởi Tòa tối cao tuyên hủy quyết định của lãnh đạo UBND thành phố Cần Thơ vì nhận định quyết định trên về hình thức đã được ký sai thẩm quyền. 

Còn về cái cồn mới nổi, đơn đề nghị được sử dụng cũng không được chấp thuận. Và đến giờ, cồn mới nổi vẫn thuộc quyền quản lý của Nhà nước...

Sau các phiên tòa giữa ông lão và cơ quan quản lý nhà nước, chiếc cồn đã "được trả lại hiện trạng". Không còn ao cá, không còn căn chòi, cũng không còn ai tới lui cồn nữa. 

Khu rừng ngập bên bến sông náo nhiệt bậc nhất Cần Thơ chỉ còn là nơi lui tới của những ngư dân xóm Chài, của những ghe thương hồ đậu ven cồn tránh nắng gió, mỗi khi mưa bão gây sóng to gió lớn.

Thời gian trước, nghe có chủ trương kêu gọi đầu tư vào cồn mới nổi thành khu giải trí phục vụ khách du lịch và người dân thành phố, là điểm kết nối giữa bến Ninh Kiều và khu cồn Ấu. Nhưng đến nay, cồn bãi ấy vẫn là cánh rừng nhỏ bỏ hoang.

Chuyện là gần 20 năm trước, khi người ta nói nhiều biến đổi của sông Mekong, khi hàng loạt xóm làng, cồn bãi từ sông chính cho đến chi lưu của nó đứng trước viễn cảnh sạt lở khó cưỡng, có cù lao sau một đêm biến mất và có xóm dân chỉ còn lại trong lời kể.

Ven hai bờ sông Hậu, người ta thường chỉ xa tít ngoài kia, rằng ngày trước là bãi, bờ, là nơi con nít đá banh, là nhà máy chà lúa, là lộ xe... giờ thì mênh mông là nước.

Các nhà khoa học nói rằng, do các nước thượng nguồn sông Mekong xây đập giữ nước làm thủy điện nên phù sa không còn chu cấp cho hạ nguồn.

Điều đó dẫn đến sạt lở nhiều nơi ven lưu vực sông và chuyện đất bồi lắng để hình thành các cồn bãi nổi lên giữa các con sông đã không còn nhiều như trước.

_________________________________

Một ngày đẹp trời, bãi đất đẹp nhất nhì miền Tây bỗng dưng bị... đứt đôi. Khu đất bị "đánh rơi" trở thành chiếc cồn mới và xa dần phần còn lại.

Kỳ tới: Cái cồn bị... đứt đôi

Cồn bãi sông Mekong - Kỳ 2: Cồn Cá Hô trên dòng Cổ ChiênCồn bãi sông Mekong - Kỳ 2: Cồn Cá Hô trên dòng Cổ Chiên

Ngoài cái tên cồn Cá Hô, chắc cũng đã hai, ba thế hệ rồi, dân xứ này đi đâu cũng hay được người ta hỏi về loài cá vua trên sông Mekong còn tụ về đây không, nhưng người biết về nó càng ít dần...

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên