16/10/2019 11:57 GMT+7

Có tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm khi cổ phần hoá

NGỌC AN
NGỌC AN

TTO - Vẫn còn tư tưởng chậm đổi mới, ngại đổi mới đặc biệt nhiều lĩnh vực có tỉ suất sinh lời cao khiến cho việc cổ phần hoá, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước còn chậm trễ, chưa đạt được kế hoạch.

Có tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm khi cổ phần hoá - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả DNNN - Ảnh: THÀNH CHUNG

Sáng ngày 16-10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp đã chủ trì Hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước (DNNN).

Phó Thủ tướng cho biết từ năm 2016 đến tháng 6-2019, cả nước đã cổ phần hóa được 162 doanh nghiệp với tổng quy mô vốn Nhà nước được xác định lại là hơn 205.433 tỉ đồng, bằng 108% tổng giá trị vốn nhà nước tại các doanh nghiệp cổ phần hoá của cả giai đoạn 2011-2015.

Đặc biệt, số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn đạt 218.255 tỉ đồng, gấp 2,8 lần tổng thu từ cổ phần hoá và thoái vốn giai đoạn 5 năm trước đây.

Tuy nhiên, vẫn còn những bất cập khi nhiều tổng công ty "chậm đổi mới, ngại đổi mới" theo phê duyệt của Thủ tướng. Công tác cổ phần hóa, thoái vốn còn nhiều vướng mắc cả về thể chế và tổ chức thực hiện, đặc biệt là sắp xếp và phê duyệt phương án cổ phần hoá, vấn đề đất đai, các bất cập trong các quy định…

Do đó, ông Huệ đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp cần phải làm rõ cơ sở pháp lý của Công văn 4544 của Bộ Tài chính về phương án sử dụng đất khi cổ phần hoá.

Ông Huệ đặt câu hỏi là chỉ một công văn nhưng lại yêu cầu rà soát toàn bộ đất đai của các công ty mẹ, công ty con, công ty cháu thì liệu có cơ sở pháp lý hay không? Bên cạnh đó là vấn đề xác định giá trị doanh nghiệp, đặc biệt là giá trị lịch sử, văn hoá…

Đặc biệt, Phó Thủ tướng nhấn mạnh việc cổ phần hoá hiện nay diễn ra rất chậm, nên cần chỉ rõ nguyên nhân và trách nhiệm người đứng đầu vì có tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm nên việc phê duyệt còn khó khăn, lâu dài, đồng thời việc sửa đổi các quy định còn bất cập, nên gây ra ách tắc cổ phần hoá.

Báo cáo tổng hợp đánh giá tình hình cơ cấu lại, các nhiệm vụ, giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, ông Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính khó khăn trong thực hiện cơ cấu lại DNNN là do các quy định còn hạn chế, như khái niệm DNNN chưa phù hợp; thuật ngữ "Vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp" còn nhiều cách hiểu khác nhau.

Cơ quan đại diện chủ sở hữu chỉ đạo người đại diện phần vốn nhà nước đôn đốc các doanh nghiệp đã cổ phần hóa, thực hiện nghiêm đăng ký giao dịch, niêm yết, hoàn thành quyết toán, trường hợp không đảm bảo phải giải trình rõ nguyên nhân và chịu trách nhiệm chậm trễ.

Đặc biệtm theo ông Dũng, cần nâng cao vai trò của người đứng đầu, đảm bảo công khai, minh bạch, đúng quy định pháp luật, tránh lợi ích nhóm.

NGỌC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên