Mặt tiền nhà được bịt kín để quảng cáo không chỉ mất an toàn về PCCC mà còn làm bộ mặt đô thị lộn xộn. Trong ảnh: bảng quảng cáo dày đặc ở vòng xoay Lăng Cha Cả (Q.Tân Bình, TP.HCM) - Ảnh: Q.ĐỊNH |
Làm sao giải quyết được tình trạng đầy nguy hiểm này? Tuổi Trẻ ghi nhận ý kiến các chuyên gia, nhà quản lý xung quanh vấn đề này và mong nhận thêm các đề xuất từ bạn đọc.
* Thượng tá Ngô Thanh Lâm (phó trưởng Phòng hướng dẫn PCCC, Cảnh sát PCCC - cứu hộ cứu nạn Hà Nội):
Dứt khoát phải dỡ bỏ quảng cáo
Về quảng cáo, gần như TP đã có các quy định về chiều ngang, chiều rộng, nơi cấp phép, giám sát... nhưng thực tế vi phạm về quảng cáo tấm lớn bịt hết tòa nhà ở các quán karaoke, cửa hàng thời trang, cửa hiệu vẫn còn.
Những vi phạm đó đã trở thành vấn đề nóng, vì chính quảng cáo tấm lớn theo kiểu bịt hết mặt tiền tòa nhà đã trở thành vật cản, gây rất nhiều khó khăn cho quá trình chữa cháy, cứu hộ cứu nạn.
Đặc biệt, đặc thù các cửa hàng, cửa hiệu ở Hà Nội đều tận dụng lợi thế mặt tiền các tuyến đường phố, nhưng hầu hết các nhà mặt phố đều là nhà hình ống, mặt tiền hẹp và có chiều sâu.
Dù mặt tiền có thoáng, nhưng khi có các quảng cáo tấm lớn với các khung thép chắc chắn bịt hết mặt tiền tòa nhà đương nhiên việc tự thoát nạn sẽ gặp nhiều khó khăn, việc tổ chức chữa cháy, cứu hộ cứu nạn càng khó và phải mất rất nhiều thời gian.
Vì tính mạng con người, lực lượng PCCC chúng tôi đã kiến nghị cơ quan chức năng phải xử lý dứt điểm các quảng cáo tấm lớn ở các cửa hàng, cửa hiệu bịt hết mặt tiền tòa nhà.
TP cũng nên thực hiện cao điểm về việc xử lý, dỡ bỏ hết những quảng cáo có vi phạm, đây là yêu cầu và công việc cấp bách phải làm sắp tới.
* KTS Ngô Doãn Đức:
Ảnh: V.V.TUÂN |
Phải có quy định nghiêm về không gian ở
Phải tăng cường kiểm soát an toàn từ không gian ở đến không gian công cộng chứ không chỉ riêng với những quán karaoke. Hiện nay, người dân và cơ quan quản lý nhà nước đều không coi trọng việc thoát hiểm trong các công trình xây dựng, đặc biệt là đối với các quán karaoke.
Các công trình nhà ống ở mặt phố dựng lên bảng quảng cáo là rất nguy hiểm, bởi hầu như bị bịt kín hết tất cả, nên khi có hỏa hoạn thì cứu hỏa cũng “bó tay”.
Những công trình công cộng (kể cả nhà riêng dùng để kinh doanh) bắt buộc phải có những quy định ngặt nghèo về PCCC, hệ thống báo động, hệ thống thoát hiểm, các phương tiện PCCC... Mỗi người cũng nên có ý thức tự bảo vệ mình, coi trọng và trang bị hiểu biết về việc PCCC.
* KTS Ngô Viết Nam Sơn:
Ảnh: T.T.D. |
Siết chặt các cơ sở kinh doanh dễ xảy ra cháy
Chúng ta không thể phân khu, tách biệt cơ sở kinh doanh và khu dân cư hiện hữu. Đô thị ở nước ta, nhất là các khu đô thị hiện hữu, phát triển nhà phố rất nhiều, sau đó được cải tạo lại để làm cơ sở kinh doanh, nhưng yêu cầu về PCCC không gắt gao như những công trình phục vụ đông người. Vì vậy, trước mắt cơ quan chức năng cần siết chặt các cơ sở kinh doanh dễ xảy ra cháy.
Cơ sở đảm bảo yêu cầu thì cho tồn tại, nếu không thì phải chấn chỉnh hoặc yêu cầu chủ cơ sở kinh doanh tìm địa điểm mới để di chuyển.
Trên thế giới, kể cả các nước đô thị phát triển có nhiều khu phố cơ sở kinh doanh nằm xen lẫn với nhà dân. Tuy nhiên, yêu cầu PCCC rất nghiêm ngặt. Đầu tiên, đòi hỏi thiết kế công trình phải đảm bảo yêu cầu phòng cháy, nhất là những công trình tập trung đông người như quán karaoke, cửa hàng ăn, quán nướng...
Bắt buộc mỗi công trình phải có ít nhất hai lối thoát hiểm. Như vậy, không phải nhà phố nào cũng có thể cấp phép kinh doanh được, rất nguy hiểm. Thứ hai, cần khuyến cáo chủ quán khi cải tạo, trang trí trong nhà phải có giải pháp phòng cháy phù hợp.
Nếu công trình sử dụng nhiều vật liệu dễ cháy như gỗ, bông thủy tinh, ngăn cách âm..., buộc phải có ít nhất một cầu thang thoát hiểm riêng, có tường và cửa chịu lửa hai giờ. Đồng thời, quy định trong vòng bán kính 100-150m quanh cơ sở kinh doanh phải có họng nước cứu hỏa để có nước chữa cháy.
Nếu không có thì toàn bộ công trình phải lắp đặt hệ thống chữa cháy tự động. Ngoài ra, tất cả công trình tập trung đông người, chủ quán phải mua bảo hiểm cho khách để bồi thường nếu gặp tai nạn.
Những quy chuẩn này các đô thị ở Việt Nam có thể áp dụng được. Nếu các bộ chưa có quy định, chính quyền các TP lớn cần phải tự đưa ra quy định để quản lý.
Trách nhiệm lớn nhất để chấn chỉnh tình trạng trên thuộc về cơ quan cấp phép kinh doanh. Cần phải làm gắt gao như vậy mới chấn chỉnh được tình trạng lộn xộn cơ sở kinh doanh, nhà hàng như hiện nay.
* Ông Nguyễn Hồng Minh (tổng giám đốc Công ty cổ phần quản lý và khai thác tòa nhà PMC - TP.HCM):
Ảnh: Q.ĐỊNH |
Cần có phân khu quy hoạch rõ ràng
Từ những vụ cháy xảy ra tại TP.HCM và Hà Nội chúng ta cần xem lại việc phân khu quy hoạch và thực thi nghiêm túc phân khu quy hoạch trong các đô thị ở Việt Nam hiện nay. Đã đến lúc chúng ta cần phân định rõ khu vui chơi, khu thương mại, khu dân cư.
Mỗi phân khu chức năng có quy định khác nhau về mật độ dân cư, những tiện ích như trường học, công viên, bệnh viện... Không như hiện nay mọi thứ xen lẫn, lộn xộn.
Trước mắt các TP cần bắt đầu phân khu quy hoạch tại khu dân cư. Mỗi khu dân cư sẽ có quy định rõ về mật độ dân cư, tiêu chuẩn PCCC, biển hiệu, bảng quy hoạch, cứu hộ khác nhau.
Đồng thời, phải quy định rõ tại khu dân cư những hoạt động gì được phép, tiêu chuẩn về đối tượng, giờ hoạt động của nhà hàng. Ví dụ một số nước có những khu thứ bảy, chủ nhật phải đóng cửa. Khi đó không thể có chuyện ở đâu cũng có thể kinh doanh, gây ra hỗn loạn.
Nếu không có phân khu quy hoạch sẽ gây bất ổn cho tất cả các ngành. Mọi hoạt động kinh doanh đều tự phát, bản thân cơ quan cấp phép kinh doanh cũng không có căn cứ để cấp phép kinh doanh đúng địa điểm.
Từ đó dẫn đến nhiều cảnh bi hài như cạnh nhà tang lễ có nhà hàng, cạnh bệnh viện có quán karaoke...
* Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn:
Nghiêm cấm bịt kín Tôi đã làm công trình nghiên cứu sự biến đổi của nhà mặt phố Việt Nam 100 năm qua. Ngày xưa, nhà ống đều phải có hai sân và nhà chia thành những khoảng riêng biệt, giữa các nhà liền nhau đều có chắn lửa, nên chẳng may có hỏa hoạn thì sẽ dễ dập và không lan sang nhà khác. Nhà hình ống mặt phố là một dạng biến thể của nhà ống ngày xưa nhưng khác là họ cố gắng xây nhiều nhất có thể. Vì đa số các công trình có giá trị mặt tiền để sử dụng buôn bán, gọi là “shop house”. Tôi từng ở một khách sạn ở mặt phố bên Hàn Quốc, mỗi tầng của các khách sạn và nhà tư đều phải có một cục sắt to kèm theo dây thừng, phòng khi có hỏa hoạn hoặc sự cố, mọi người có thể tự mình buộc dây thừng vào người và nhảy xuống dưới. Đó là tiêu chuẩn dường như quá xa lạ ở Việt Nam. Nhà mặt tiền ở các TP lớn trên thế giới đều có cửa sổ và bancông. Đây cũng có thể là nơi thoát hiểm khi có sự cố. Nhưng những nhà mặt phố ở Việt Nam thì thấy rất ít công trình có cửa sổ, bancông. Ở châu Âu, chủ nhà mặt phố muốn làm gì đều phải có phê duyệt của kiến trúc sư trưởng TP. Họ có quy định chặt chẽ và thực hiện rốt ráo, bởi họ quan niệm mặt tiền nhà trên phố là bộ mặt của TP. Có lẽ không có nơi nào trên thế giới có nhiều biển quảng cáo bịt kín mặt tiền nhà như ở Việt Nam bởi hộ kinh doanh đua nhau dựng biển lớn để nhận diện. Thêm nữa công nghệ đèn để lắp biển quảng cáo của Trung Quốc có giá rẻ nên chất lượng kém, dễ xảy ra cháy nổ. Lại thêm cơ quan quản lý không quản lý sát sao. Ở nước ta hiện nay, các TP lớn không có kiến trúc sư trưởng nên việc quy hoạch kiến trúc công trình rất kém, trong đó kiến trúc mặt tiền đô thị là nhốn nháo nhất. Tôi đã nhiều năm đi chụp ảnh mặt tiền đô thị và thấy đâu cũng biển quảng cáo, ngoài ra không còn gì khác. Những nhà tập thể cũng vậy, khu nào cũng thấy phía nhô ra mặt đường là chuồng cọp với song sắt bịt kín. Thử hỏi trong những quán karaoke hay nhà dân, cứ xây bịt kín như vậy và lại không có thiết bị cảnh báo, PCCC thì khi xảy ra sự cố sẽ chạy kiểu gì? Vì vậy, theo tôi, một trong những biện pháp để PCCC là phải nghiêm cấm các nhà mặt phố bịt kín mặt trước. Đồng thời, các công trình cần phải có thêm cửa sổ, bancông để làm nơi thoát nạn khi có sự cố. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận