![Cổ phiếu xe đạp Thống Nhất tăng trần liên tục, hơn 219% - Ảnh 1.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/730/471584752817336320/2025/2/14/xethongnhat-1739547785832409971945.jpg)
Người lao động làm việc trong nhà máy của Thống Nhất Hà Nội - Ảnh: THỐNG NHẤT HÀ NỘI
Trong văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, ban lãnh đạo Công ty cổ phần Thống Nhất Hà Nội (HNX: TNV) cho biết hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn diễn ra bình thường và không có biến động đặc biệt nào.
Việc giá cổ phiếu TNV tăng trần liên tiếp từ ngày 6-2 là do cung cầu thị trường và quyết định mua bán cổ phiếu do nhà đầu tư quyết định, nằm ngoài kiểm soát của công ty.
Ban lãnh đạo công ty này khẳng định không có bất kỳ sự tác động nào đến giá giao dịch cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.
Cụ thể, TNV bắt đầu giao dịch tại UPCoM từ ngày 8-11-2024, với giá tham chiếu 8.900 đồng/cổ phiếu.
Phiên giao dịch ngày 6-2-2025, cổ phiếu này lần đầu khớp lệnh, tăng trần hơn 39% và liên tục tăng đến phiên ngày 14-2-2025 (tương đương tăng hơn 219% trong bảy phiên).
TNV có thanh khoản thấp, dao động 100-400 cổ phiếu/ngày và tăng lên 2.200 cổ phiếu phiên ngày 14-2.
Hiện, UBND thành phố Hà Nội sở hữu 45% vốn Thống Nhất Hà Nội, trong khi một cổ đông lớn khác nắm 41,68% là Công ty TNHH Đại Hoàng Long, một doanh nghiệp có trụ sở chính ở Bắc Ninh và là chủ đầu tư nhiều dự án bất động sản lớn, đặc biệt ở phía Bắc.
Trụ sở chính của Thống Nhất Hà Nội nằm trong khu "đất vàng" 800m2 ở phố Tràng Thi, quận Hoàn Kiếm. Ngoài ra, công ty còn hợp tác đầu tư, quản lý một số khu "đất vàng" khác tại thủ đô.
Tiền thân của Thống Nhất Hà Nội ngày nay bắt đầu từ sự kiện năm 1960, khi đó Bộ Công nghiệp sáp nhập Xưởng công tư hợp danh Dân Sinh và Tập đoàn cơ khí Thống Nhất miền Nam thành Nhà máy xe đạp Thống Nhất.
Sau hơn 60 năm phát triển, doanh nghiệp này sản xuất và đưa ra thị trường hàng trăm nghìn sản phẩm mỗi năm (kế hoạch năm 2024 là 120.000 chiếc) với slogan từng gây chú ý là "Nghĩ đến xe đạp, nghĩ về Thống Nhất".
Công ty chia các nhóm xe thành dòng xe đạp đường phố, xe đạp trẻ em và xe đạp thể thao; trong đó xe đạp đường phố đóng góp phần lớn doanh thu.
Thống Nhất Hà Nội ghi nhận doanh thu thuần quý cuối năm 2024 tăng 40% so với cùng kỳ năm 2023, biên lợi nhuận gộp 14,5%.
Tuy nhiên, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều tăng so với cùng kỳ năm 2023, khiến công ty lỗ gần 579 tỉ đồng trong quý cuối năm 2024.
Ban lãnh đạo công ty giải trình nguyên nhân trên do việc thuê kho để dự trữ hàng ở khu vực miền Nam, phục vụ kế hoạch bán hàng năm 2025, tập trung chủ yếu vào dòng xe bình dân và trung cấp.
Ngoài ra, đặc thù hoạt động của doanh nghiệp này theo mùa vụ và quý cuối năm được cho là giai đoạn thấp điểm bán hàng, nên lợi nhuận gộp chưa bù đắp hết chi phí quản lý và chi phí bán hàng.
Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến cuối kỳ của Thống Nhất Hà Nội là âm gần 20 tỉ đồng.
Lũy kế cả năm 2024, Thống Nhất Hà Nội đạt 182,7 tỉ đồng doanh thu thuần (tăng 3,4% so với năm 2023) và lãi ròng gần 4,5 tỉ đồng.
Xe đạp nội bị xe nhái, xe Trung Quốc 'làm khó'
Ban lãnh đạo công ty trích dẫn số liệu từ Statista cho biết doanh thu mảng xe đạp Việt Nam năm 2023 ước đạt gần 296 triệu USD, tăng trưởng kép hằng năm khoảng 6% giai đoạn 2023-2027.
Ước tính có khoảng 2,5 triệu chiếc xe đạp được bán ra tại thị trường nội địa năm 2027.
Tuy nhiên do ảnh hưởng sau đại dịch, một lượng lớn hàng tồn kho xe đạp giá rẻ từ Trung Quốc tràn sang Việt Nam.
Cùng với đó tình trạng xe giả, xe nhái vẫn còn tiếp diễn nên thị trường sản xuất kinh doanh xe đạp ở nội địa ngày càng cạnh tranh gay gắt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận