Người dân chuẩn bị cho lễ tưởng niệm đồng bào qua đời trong đại dịch COVID-19 tại chùa Quán Sứ, Hà Nội - Ảnh minh họa: NAM TRẦN
Hôm bác mất, chị nhắn: "Ba chị mất rồi. Em chia sẻ giúp chị 300 ký gạo cho bà con trên quê mình nhé!". Mình nghẹn ngào! Rồi đến em gọi: "Chị ơi, má em bị Covid. Mất rồi...".
Má em là cô ruột mình, là em ruột bác. Cô mất sau bác chỉ 2 tuần lễ. "Em miễn phí tiền phòng trọ 2 tháng cho người ta. Mua thêm gạo, mì, trứng, cho họ nữa... Hồi hướng công đức cho má đi được nhẹ nhàng!".
Cô có mấy căn phòng trọ cho thuê. Thu nhập tuổi già để không làm phiền con cái. Ca F0 nào đó ở hẻm trọ xóm nhà cô đã âm thầm làm cuộc lây lan. Cả xóm trọ lần lượt đi cách ly. Cô được đưa vào bệnh viện. Rồi đi luôn không về!
Chỉ vài mươi phút xe máy là đến nhà bác, nhà cô, nhưng tôi không thể "cục cựa". Đành "ngồi yên một chỗ" thắp nén hương lòng và cầu nguyện!
Mất mát diễn ra liên tục khiến tôi bị "sang chấn", chẳng còn tinh thần để làm gì. Mới mấy mươi ngày trước mọi sự vẫn bình thường kia mà!
Chấp hành lệnh giãn cách "ở yên một chỗ", nhưng đợt bùng dịch lần thứ tư này, tôi đã chẳng thể "an yên" ngồi đọc sách, bày biện nấu ăn, khi những thông tin mất mát, F0, F1... về những người bà con họ hàng, bạn bè, hàng xóm cứ dồn dập.
"Đi được chưa? Đưa má đi Sài Gòn thăm bác Tư, về ghé Lái Thiêu thăm cô Bảy một bữa?". Lần lựa mãi, hết nói dối tôi chuyển sang nói xạo! "Tình hình dịch bệnh còn căng thẳng lắm. Hết giãn cách nhưng người ta khuyến cáo người già không nên ra đường. Ráng vài bữa nữa, yên yên con đưa má đi!".
Lạ kỳ! Thường ngày, giỗ quảy, cưới chạp mới gặp nhau, chẳng mấy khi nghe má đòi đi đâu. Những ngày "khóa chặt, đông cứng" lại là những ngày má nằng nặc đòi đi thăm họ hàng nhiều nhất!
Hôm đó chị về, vừa xuống xe đã ào vào nhà ôm má. "Thím Năm. Thấy thím Năm khỏe, con mừng quá!". Rồi chị quay sang dặn: "Ráng giữ thím Năm cho kỹ nhe em!". Chỉ là cuộc đoàn viên thím - cháu nhưng làm tôi nghẹn ngào quá thể!
Hai chị em "đưa" bác ra nghĩa trang gia tộc. "Từ nay chị mồ côi rồi...!", chị nói trong lúc rắc hài cốt đã hóa tro của bác xung quanh khuôn viên mộ ông bà.
"Con đưa ba về quê ‘nằm’ chung với ông bà nội như nguyện vọng ba mong muốn nghen, ba!". Cùng bữa đó, em họ đưa cô về quê ‘nằm’ gần dượng. Bảo sao, suốt ngày hôm đó, ông trời cứ âm u...
Trở lại phố làm việc sau những ngày về quê thực hiện giãn cách. Một vòng ra chợ mới hay đã trống mớ chỗ ngồi. Chị bán bún tươi vừa gặp đã nói: "Con bé bán bánh bò nướng, em hay mua bị Covid mất rồi. Cô bán đồ nhựa chỗ góc ngã ba đằng kia. Nhỏ bán cá cuối chợ...".
Vòng xe lên ngã sáu, chị bán báo vừa nhìn thấy mừng rỡ như gặp Việt kiều ở xa mới về: "Trời ơi, em! Em khỏe hôn? Giờ mà gặp lại ai chị cũng thấy mừng hết đó".
Nhỏ lao công đang đùa chổi mớ lá trên vỉa hè cũng hớn hở: "Mấy nay không thấy chị xuất hiện em lo muốn chết!". Chỉ là sự gặp gỡ với những thường ngày nơi phố chợ, sau cơn đại dịch lại thấy quý vô chừng!
Bữa sắm lễ hương, hoa, quả đưa má đi Sài Gòn rồi về Lái Thiêu. Má lần lượt thắp hương anh chồng, rồi đến em chồng. "Sao ai cũng bỏ má đi hết rồi...?". Neo lại trong tâm trí tôi hình ảnh cuộc đoàn viên sau đại dịch là cuộc "hội ngộ" đầy nước mắt giữa người còn - người mất!
Mấy tuần nữa là hết năm. Một năm đầy biến động với tất cả mọi người, mọi nhà. Tết là dịp để đoàn tụ, xum vầy. Mùa xuân là mùa của những cuộc đoàn viên, hội ngộ. Thường "kỵ" nói chuyện không vui, ngại khơi điều mất mát. Vậy nhưng, có một sự thật không thể tránh né rằng mùa xuân năm này đâu đó sẽ diễn ra những cuộc đoàn viên chỉ còn trong tâm tưởng...
Nhắc nhớ, để mà biết trân quý những hiện hữu quanh mình!
Đồ họa: NGỌC THÀNH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận