Các bạn trẻ chọn mua mì gói trong siêu thị - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Cùng với đó, các sản phẩm "ăn liền" như mì, bún, phở, cháo gói, đồ hộp, thịt nguội... ngày càng nhiều chủng loại, mẫu mã hấp dẫn.
Tiện lợi và an toàn vệ sinh
Con đường Phan Xích Long (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) được mệnh danh là "thiên đường" ẩm thực vì san sát các cửa hàng ăn uống. Đặc biệt, tuyến đường này hội tụ đông đủ các hãng thức ăn nhanh có tiếng trên thế giới như gà rán, pizza, hamburger... Cùng đó, các cửa hàng "thức ăn nhanh Việt Nam" như xôi, bánh mì, bánh ướt, bánh bao... cũng rất được lòng giới trẻ.
Mới 12h trưa nhưng một tiệm pizza trên đường Phan Xích Long đã kín bàn. Thực khách là những cô cậu học trò, sinh viên, dân văn phòng... Một phần pizza, một phần pasta, cánh gà chiên và đồ uống là bữa trưa của hai cô gái văn phòng Mai Thùy Anh (25 tuổi) và Nguyễn Diễm Hương (28 tuổi).
"Thức ăn nhanh bây giờ cũng đa dạng và chế biến khá ngon. Hơn nữa, mấy chỗ kiểu này buổi trưa dễ chịu vì có máy lạnh và có thể ngồi lâu tùy ý" - chị Thùy Anh cho biết. Trong khi đó, theo chị Diễm Hương, thực phẩm bẩn là điều khiến chị cân nhắc mỗi khi đi ăn bên ngoài, nên "thức ăn nhanh vẫn yên tâm hơn so với đồ ăn lề đường".
Với nhiều bạn trẻ, việc chọn đồ ăn nhanh đơn giản chỉ vì yêu thích, vừa nhanh lại tiện lợi. Buổi trưa ở tiệm gà rán trên đường Đinh Tiên Hoàng (Q.1) đông nghẹt khách và phần lớn đều là sinh viên các trường đại học gần đó.
Trần Minh Anh (sinh viên năm 2 Trường ĐH KHXH & NV, ĐHQG TP.HCM) cho biết thường xuyên vào đây ăn trưa đợi tiết học buổi chiều. "Mình thích ăn gà rán và hamburger, nên buổi trưa mà ở lại trường đều chọn ra đây ăn" - Minh Anh cho biết.
Phải cân bằng dinh dưỡng
Không chỉ hàng quán phục vụ thức ăn nhanh, các sản phẩm đóng gói, đóng hộp, đông lạnh... ngày càng đa dạng, hấp dẫn. Dạo một vòng quanh các siêu thị, gian hàng thì mì gói, bún, miến, phở khô... luôn là nơi hút khách.
Sau khi lựa một số loại mì và phở gói, chị Trần Thị Trinh Mai (28 tuổi, làm trong ngành truyền thông) cho biết khi đi siêu thị chị đều mua thêm mì, phở gói và xúc xích, chả lụa, thịt nguội... về dự trữ. "Nhiều lúc không muốn ăn sáng ở ngoài, mình sẽ tự nấu mì ăn ở nhà. Những đợt công việc dồn dập mình phải thức đêm làm, lúc đói bụng mà có sẵn mì gói, đồ hộp thì... thật sung sướng" - chị Mai chia sẻ.
Trong khi thức ăn chế biến sẵn là sản phẩm "cứu đói" hay đổi khẩu vị của nhiều người trẻ thì với nhiều sinh viên, mì gói đã trở thành bữa chính hằng ngày. Những lúc dậy trễ hay bận bịu không kịp ăn uống, chỉ vài phút với mì gói, sinh viên đã có bữa ăn tạm với giá siêu rẻ.
"Có những tuần thi cử, bọn mình hầu như toàn ăn mì gói. Lúc thì mì gói nước sôi, lúc thêm quả trứng, có khi thêm rau muống ăn cùng" - Minh Đức (21 tuổi) nói.
Nhiều người rất thích mì gói vì ngon, hương vị hấp dẫn, nhưng lại hơi lo lắng vì nghe nói mì gói khá nóng và không tốt cho sức khỏe.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Lê Bạch Mai - viện phó Viện Dinh dưỡng quốc gia - không có thực phẩm xấu, chỉ có bữa ăn xấu, ăn sai cách. Ngay cả một thực phẩm dù rất giàu dinh dưỡng mà sử dụng quá mức, hoặc không phối hợp với các thực phẩm khác cũng gây những ảnh hưởng cho cơ thể.
"Mì ăn liền không phải là thực phẩm không tốt, mà quan trọng là sử dụng như thế nào" - bà Mai nói.
Theo bà Mai, nên đa dạng cách chế biến để có bữa ăn dinh dưỡng với mì ăn liền. Chẳng hạn nên kết hợp hài hòa mì ăn liền cùng những thực phẩm giàu đạm như thêm vào tô mì 3-4 lát thịt bò, thịt heo hoặc 2-3 con tôm, quả trứng, một ít nấm, đậu hũ... để bữa ăn cân đối hơn giữa đạm động vật và thực vật. Đồng thời kèm thêm các loại rau củ như cải xanh, giá đỗ, cà chua, cà rốt... để bổ sung đủ lượng chất xơ.
Ngoài các vitamin và khoáng chất, sự hiện diện của chất xơ trong rau làm tinh bột được hấp thu chậm hơn, tăng lượng phân đào thải giúp tránh táo bón, không gây nóng trong người.
Trường hợp trong bếp không dự trữ đủ các loại thực phẩm để có bữa ăn phong phú, có thể sử dụng mì ăn liền đơn thuần và sau bữa ăn nên bổ sung ít trái cây tráng miệng, hoặc đa dạng các loại thực phẩm trong những bữa ăn khác để đảm bảo dinh dưỡng hợp lý.
* TS Từ Ngữ (tổng thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam):
Không có thực phẩm nào là tốt nhất
Mỗi nhóm thực phẩm có vai trò cung cấp các loại chất dinh dưỡng khác nhau cho cơ thể để tạo ra năng lượng hoạt động hằng ngày.
Thực tế không có loại thực phẩm nào là tốt nhất và càng không thể là duy nhất để đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể. Chúng ta không thể chỉ ăn cơm trắng, mà cần có thêm món thịt, món rau để bữa ăn cân đối dinh dưỡng, với mì ăn liền cũng tương tự vậy.
* TS.BS Trần Thị Minh Hạnh (tổng thư ký Hội Dinh dưỡng thực phẩm TP.HCM):
Cần đa dạng thực phẩm
"Thức ăn nhanh" dùng để nói đến các loại fast-food của phương Tây như hamburger, gà rán, khoai tây chiên... có năng lượng rất cao. Còn ở Việt Nam không có loại thức ăn mang tên "thức ăn nhanh", mà thường là các thức ăn đường phố nhanh chóng và tiện lợi.
Các loại thức ăn này nếu biết cách kết hợp và đổi món đa dạng sẽ vẫn đảm bảo cân bằng dinh dưỡng cho cơ thể như: bánh mì kèm thịt hoặc trứng, cá, dưa, cà với một chút bơ và xốt mayonnaise. Hamburger với xà lách, cà chua, thịt bò bằm với hành tây. Mì gói thêm thịt hoặc trứng, kèm thêm giá hẹ hoặc rau xanh, cà rốt. Xôi có thêm đậu, mè kèm hộp sữa đậu nành. Củ khoai lang hoặc trái bắp thêm nắm đậu phộng luộc và hộp sữa tươi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận