14/05/2022 08:47 GMT+7

Có nên cảnh báo về thói quen đọc sách?

MAI THỤY
MAI THỤY

TTO - Đó là câu hỏi của một học sinh chuyên văn lớp 12 ngay trong chính tọa đàm về thói quen đọc sách của người Việt.

Có nên cảnh báo về thói quen đọc sách? - Ảnh 1.

Những tâm tư của hai thế hệ về văn hóa đọc đã được chia sẻ thẳng thắn trong buổi tọa đàm - Ảnh: HỮU HẠNH

Chiều 13-5, báo Tuổi Trẻ và Đại học Hoa Sen đã tổ chức buổi tọa đàm Xây dựng thói quen đọc sách của người Việt tại số 8 Nguyễn Văn Tráng (quận 1, TP.HCM). 

Chương trình có sự tham gia của ông Lê Hoàng - phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, giám đốc Công ty Đường sách TP.HCM, ông Bùi Xuân Đức - giám đốc Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM, một số giáo viên và học sinh. Chương trình đã mở ra nhiều tranh luận thú vị xoay quanh câu chuyện người trẻ đọc sách.

Đọc sách như một cách học suốt đời

Mở đầu buổi tọa đàm, chính ông Lê Xuân Trung - phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - đã phải thừa nhận đây là một chủ đề không mới. Mỗi năm vẫn có hàng loạt buổi nói chuyện, chương trình về thói quen đọc sách, còn số lượng đầu sách trên mỗi người Việt vẫn không tăng lên mấy: 1,2 sách/người/năm. Con số không biết nói dối.

Trong một báo cáo mới cập nhật, trong top 61 nước có người đọc sách nhiều nhất, Đông Nam Á góp mặt 3 nước và Việt Nam thì hoàn toàn nằm ngoài danh sách này. Số tựa sách ở Việt Nam tăng trưởng rất nhanh, 30% trong vòng 5 năm. Nhưng cũng trong vòng 5 năm đó, tốc độ bán ra thị trường chỉ tăng 15%.

"Một bộ phận đông đảo bạn trẻ hiện nay hình thành thói quen xấu khi sử dụng công nghệ, nghiện game, vô cảm, thờ ơ. Đọc sách sẽ lôi kéo, giúp các em thoát khỏi thói quen xấu đó và trở thành người tốt hơn. Chúng ta có thể gặt hái những lợi ích nói trên một khi chúng ta xây dựng được thói quen đọc sách", ông Lê Hoàng nói.

Ông Lê Hoàng cũng lật lại vấn đề rằng chúng ta bàn về việc đọc sách, hình thành thói quen đọc sách để làm gì? Vị giám đốc Công ty Đường sách TP.HCM nhìn nhận đọc nhiều sách nhưng chỉ như con mọt sách thì người đọc sẽ không tìm được ý nghĩa, lãng phí thời gian. 

"Một xã hội có nhu cầu phát triển, một dân tộc muốn đi lên, một con người có nhu cầu học tập suốt đời, chúng ta đọc sách là để phục vụ cho mục tiêu đó", ông nói.

Khoan trách bạn trẻ lười đọc sách

Một phần lớn buổi tọa đàm đã xoáy vào những câu hỏi liên quan đến thói quen đọc ở giới trẻ. Không thể phủ nhận những khoảng cách trong sự lo âu của thế hệ đi trước và những người trẻ tham dự buổi nói chuyện. 

Trong bối cảnh công nghệ, mạng xã hội hiện nay, liệu giới trẻ đang dần ít quan tâm đến sách hơn chăng? Người trẻ sẽ tìm thấy gì ở sách khi quanh họ có nhiều thú vui khác bủa vây? Hàng loạt câu hỏi được đặt ra.

Ông Bùi Xuân Đức chia sẻ một số liệu rất đáng lưu ý từ nơi mình công tác, trong số bạn đọc đến Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM, chỉ có 10% là thiếu nhi và có đến 70% là sinh viên. Tuy nhiên, sinh viên khi đến đây chỉ học chứ không đọc, nghĩa là họ chỉ tìm kiếm các tư liệu liên quan đến môn học ở trường để làm báo cáo. Điều này dẫn đến số người thực đọc không cao.

Tuy nhiên, ở góc nhìn khác, tiến sĩ Dương Ngọc Dũng cho rằng khoan trách bạn trẻ lười đọc sách, ngày xưa chỉ có tứ thư ngũ kinh (9 cuốn), làm quan, đỗ Trạng Nguyên cũng chỉ trong số ấy. Ngày nay có rất nhiều sách, như số liệu của ông Lê Hoàng là đến 400 triệu bản sách được in 1 năm. Chính vì vậy, áp lực đọc sách hiện nay của các bạn trẻ là rất lớn. 

Ông đặt câu hỏi chúng ta cần đặt lại khái niệm sách là gì? Sách loại gì? Đọc sách triết hay đọc sách văn? Đọc sách có hai mục đích chính: Đọc vì thích thú và đọc để lấy thông tin. Nếu đọc để lấy thông tin thì nội dung mới quan trọng. Còn đọc vì thích thú thì đọc bằng sách giấy sẽ chiếm ưu thế hơn.

"Em là một người khá tôn trọng sự khác biệt của người khác. Nếu một bạn có thói quen khác như nghe nhạc chẳng hạn và bạn chọn chỉ nghe nhạc thay vì đọc sách, em cũng đồng tình với bạn. Khi đã nói báo động thói quen đọc sách thì mình sẽ đặt ra câu hỏi báo động với ai, báo động với những người đọc sách hay báo động với những người đã có thói quen khác, hay báo động với những người có thói quen không tốt. 

Mình phải nhìn trên nhiều phương diện khác nhau chứ không phải chỉ dựa trên tỉ lệ đọc sách ít. Hiệu quả sẽ được tính trên những gì người đọc thu nhận được hơn là số lượng", bạn Trần Trọng Đoàn nói.

Chờ các giải pháp khuyến đọc

Chia sẻ với ông Lê Hoàng về công tác khuyến đọc, bạn Trần Trọng Đoàn gửi gắm: "Bác ơi, hãy cứ kiên nhẫn đi. Việc đọc sách này liên quan đến rất nhiều vấn đề trong xã hội, đặc biệt là kinh tế. Đối với phần lớn dân số Việt Nam phải làm quần quật cả ngày, tối về bắt họ phải đọc sách, lĩnh hội nữa thì thật sự rất khó khăn. Mình có thể chờ một giải pháp toàn diện hơn như xây dựng chương trình đọc ở lứa tiểu học chẳng hạn".

Theo ông Bùi Xuân Đức, vấn đề lớn nhất hiện nay về văn hóa đọc trong nhà trường là thiếu những bài học mở. Các bài học mở buộc các em phải tìm hiểu nhiều tư liệu, đọc sách và thường xuyên đến thư viện hơn. 

Hiện nay, Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM đã tổ chức nhiều chương trình để cải thiện văn hóa đọc ở trẻ. Một trong số đó là làm thẻ màu cho thiếu nhi, các em càng đọc nhiều, màu trên thẻ sẽ càng thay đổi. Bên cạnh đó, thư viện cũng xây dựng bộ sưu tập các đầu sách theo chủ đề để người đọc có thể nghiên cứu mở rộng.

Ông Lê Hoàng cũng chia sẻ hiện nay Hội Xuất bản Việt Nam đã xây dựng xong một danh mục sách tham khảo cho chương trình giáo dục phổ thông. Học sinh có thể tìm thấy đầu sách liên quan, bám sát chủ đề của từng buổi học. 

Danh sách này đã được 51 giáo viên giỏi trên cả nước thẩm định và sẽ được đưa vào triển khai trong năm tới.

"Cái đuôi voi" của chuyện dạy văn

anh chan dung trong box - doc sach Tran Trong Doan 4(Read-Only)

Học sinh Trần Trọng Đoàn: Tại sao môn văn dần đánh mất vị thế? - Ảnh: HỮU HẠNH

Việc cải thiện kỹ năng đọc sách, nhất là trong môi trường học đường hiện nay không dễ dàng. Một ý kiến được đa số khách mời đồng tình là giáo dục phổ thông có quá ít không gian cho sách. Các tác phẩm văn học được truyền thụ từ trên xuống.

Nói như nhà báo Huy Thọ: "Cách dạy văn trong nhà trường hiện nay giống như chặt lấy cái đuôi con voi, bỏ lên bàn rồi yêu cầu các em mô tả con voi như thế nào".

Có mặt trong buổi nói chuyện, cô Hoàng Thị Thu Hiền - nguyên giáo viên chuyên văn Trường THPT Lê Hồng Phong - cho rằng ví von "chiếc đuôi voi" của nhà báo Huy Thọ là có thực trong ngành giáo dục.

"Chương trình hiện nay đang giết chết tác phẩm văn học, đang giết chết niềm say mê, nếu học theo chương trình hiện nay thì đến "cái đuôi voi" các em cũng không nắm được. Nếu dạy toán hiện nay không cho người học tư duy học toán mà là đào tạo ra thợ làm toán thì dạy văn cũng đang biến các em thành người thợ chắp vá", cô Hiền nhận định.

Là người trong cuộc, bạn Trần Trọng Đoàn - học sinh lớp 12 Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong - bộc bạch: "Chương trình hiện nay không cho học sinh đủ thời gian để "đào vàng" trong mỗi tác phẩm. Tại sao môn văn dần đánh mất vị thế của mình? Thời gian không đủ cho học sinh tìm hiểu là một phần. Phần còn lại là phương pháp dạy, chúng ta hiện nay chỉ vay mượn những tiếng nói khác, không phải ý kiến của mình".

Người Việt lười đọc sách, vì sao? Người Việt lười đọc sách, vì sao?

TTO - Mỗi năm, một người Việt Nam đọc bình quân khoảng 1 cuốn sách. 80% người trong độ tuổi 20-30 không đụng đến sách suốt một năm. Vì sao người Việt ít đọc sách như vậy?

MAI THỤY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên