18/08/2019 11:29 GMT+7

Có một 'Không gian đọc' ở Hội An

ĐOÀN NHẠN
ĐOÀN NHẠN

TTO - Câu lạc bộ "Không gian đọc Hội An" gần 6 năm qua không chỉ gieo niềm yêu sách cho trẻ, mà còn từng bước góp phần khơi gợi thói quen đọc sách ở những không gian mở nơi phố Hội.

Có một Không gian đọc ở Hội An - Ảnh 1.

Sinh hoạt đọc sách tại “Không gian đọc Hội An” - Ảnh: ĐOÀN NHẠN

Từ xa xưa, Hội An từng là cái nôi của văn hóa đọc. Người Hội An đọc sách vì đam mê, đọc cho đã. Trẻ con nhịn ăn sáng để dành tiền mua sách, không có tiền thì đi "đọc ké" ở các tiệm cho thuê sách. Sau này, hầu hết hiệu sách ở Hội An chuyển qua kinh doanh mặt hàng khác. Một thời gian dài sau năm 1975, kinh tế khó khăn cũng kéo tụt niềm đam mê đọc sách của con người phố Hội.

Khơi dậy niềm vui đọc sách

Những năm gần đây, nhiều nhà sách lớn mọc lên ở Hội An rồi cũng đóng cửa do ế ẩm. Những tiệm còn tồn tại cũng ít bán sách, mà bán đồ lưu niệm, dụng cụ học tập là chủ yếu. Tất cả phần nào vẽ lên bức tranh ảm đạm của văn hóa đọc ở Hội An. 

Những điều ấy khiến chị Khiếu Thị Hoài (40 tuổi), cán bộ Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, tổ chức các hoạt động đọc sách, mượn sách miễn phí dành cho trẻ em vào sáng chủ nhật hằng tuần, với mong muốn được góp một chút công sức nhỏ bé trong việc tạo thói quen đọc sách cho trẻ.

Gần 6 năm trước, từ những buổi đọc sách cho con trai và các bạn cùng lớp mỗi buổi trưa tại nơi bán trú, chị Hoài luôn trăn trở giá như đứa trẻ nào cũng thèm được nghe đọc sách và thích được đọc sách hằng ngày như vậy. Tháng 12-2013, chị thành lập nhóm "Không gian đọc Hội An".

Chị Hoài bộc bạch: "Tôi là người khá mơ mộng nhưng có lẽ không viển vông. Tôi nghĩ bây giờ là lúc con người nói chung, trẻ em nói riêng không thiếu sách, mà là thiếu thời gian và thiếu không gian đọc sách do chúng ta đang sống quá nhanh với nhiều tiện ích và sự đầy đủ, thậm chí thừa thãi về vật chất".

Đọc sách giữa không gian mở

Nói về địa điểm hoạt động của Câu lạc bộ "Không gian đọc Hội An", chị Hoài chia sẻ: "Chọn tiền sảnh Bảo tàng Hội An, mong muốn của chúng tôi là có một không gian thân thiện để người dân, đặc biệt là trẻ em, có thể dễ dàng tiếp cận với sách". 

Với không gian mở như ở khuôn viên bảo tàng, mọi người đều có thể nhìn thấy hoạt động đang diễn ra, dễ dàng tham gia. Tiền sảnh bảo tàng có mái hiên rộng, là nơi "mưa không đến mặt, nắng chẳng đến đầu" nhưng lại gần gũi thiên nhiên, thích hợp cho trẻ đọc sách.

Đã nhiều lần nhóm thay đổi không gian đọc cho trẻ em như đọc sách trong một ngôi nhà cổ ở phố, đọc sách dưới bóng tre tại công viên gốm đất nung Thanh Hà, đọc sách ở đình Cẩm Phô... nhưng đi đâu rồi cũng trở về tiền sảnh Bảo tàng Hội An. Bởi theo chị Hoài, cố gắng tập cho trẻ thói quen tập trung đọc sách ở không gian mở cũng là cách truyền cho trẻ thông điệp hãy đọc sách mỗi lúc, mỗi nơi khi có thể.

Không gian đọc Hội An là không gian nho nhỏ mà ở đó người ta có thể nhìn thấy hình ảnh anh chị đọc sách cho em nghe, cha mẹ đọc cho con nghe hoặc ngược lại, con cái bi bô đọc cho cha mẹ nghe, nhất là các em nhỏ, có khi vừa đọc vừa đánh vần những cuốn truyện tranh...

Những hình ảnh ấy không chỉ tạo nét đẹp trong mắt những người ngang qua Bảo tàng Hội An, sau khi chia sẻ trên mạng xã hội được nhiều phụ huynh và người dân hưởng ứng như một cách truyền cảm hứng về việc tạo thói quen đọc sách cho trẻ.

Đọc sách tương tác cùng trẻ Đọc sách tương tác cùng trẻ

TTO - Là khái niệm không quá mới với những độc giả tại các quốc gia có nền giáo dục phát triển, nhưng thuật ngữ "đọc sách tương tác" (interactive reading) lại có vẻ như chưa được biết đến nhiều ở nước ta.

ĐOÀN NHẠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên